Phẩm màu tổng hợp E 102


Bác sỹ trực tuyến

Super Moderator
1,025
41
48
Xu
0
Có vẻ như chúng ta quá quen với nhiều thứ độc hại đến nỗi có những thứ bị cấm ở nước ngoài từ lâu nhưng vẫn được bày bán và sử dụng hợp pháp tại Việt Nam. Thời gian vừa qua đã rộ lên chuyện chất tạo đục DEHP và bây giờ là câu chuyện của chất phẩm màu vàng E102.
Nhật Bản cấm, EU cảnh báo…
Từ năm 2003 Nhật Bản đã ra quy định cấm sử dụng phẩm màu vàng E102 với một số thực phẩm, trong đó có sản phẩm mỳ. Năm 2008, EU cảnh báo về sự nguy hại của phẩm màu vàng E102 và yêu cầu các sản phẩm có sử dụng E102 phải ghi khuyến cáo trên nhãn như sau: phẩm màu vàng E102 - có thể có ảnh hưởng xấu lên hoạt động và sự chú ý của trẻ em. Vậy E102 là gì?
E102 là ký hiệu để chỉ chất nhuộm màu nhân tạo Tartrazine. Đây là chất bột màu vàng, tan trong nước được sử dụng làm chất tạo màu không chỉ trong ngành sơn, mực in, nhựa, da… mà còn xuất hiện trong mỹ phẩm, dược phẩm và đặc biệt là thực phẩm. Trên thế giới, liên tiếp có những công trình nghiên cứu khoa học với độ tin cậy cao khẳng định sự độc hại của phẩm màu vàng E102 trong thực phẩm với sức khỏe người tiêu dùng.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Southampton (Anh) đã chỉ ra: Phẩm màu vàng E102 có trong chế độ ăn sẽ làm tăng sự hiếu động thái quá và gây kém tập trung ở trẻ 3 tuổi và 8-9 tuổi. Tại Australia, một nghiên cứu khác đã đưa ra kết luận về sự thay đổi hành vi khó chịu, bồn chồn và rối loạn giấc ngủ của trẻ có liên quan đến việc sử dụng E102. Không chỉ tác động tới trẻ em là những đối tượng có sức đề kháng yếu, phẩm màu vàng E102 còn có nguy cơ gây tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của nam giới. Tại Mỹ, trong một nghiên cứu khoa học thực hiện trên chuột đực được tiêm Tartrazine, kết quả cho thấy: Số lượng tinh trùng giảm và gây nên những bất thường về hình thái của tinh trùng. Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí "Dược học và độc dược" uy tín tại Mỹ đã gây bàng hoàng dư luận bởi nếu sử dụng sản phẩm có chất này, rất có thể gây hậu quả khôn lường cho con người trong tương lai. Nguy cơ xấu không chỉ tác động đến sức khỏe con trẻ mà còn có thể kéo đường đi của "tinh dịch đồ" theo chiều hướng đi xuống. Và nếu sự thật là như vậy thì rất có thể E102 đã tiếp tay để đóng sập những cánh cửa làm cha của không ít cánh mày râu.
...nhưng vẫn "lọt lưới" tại Việt Nam
Những phát hiện về Melamine trong sữa, 3-MCPD gây ung thư trong nước tương và gần đây nhất là chất tạo đục DEHP đã tạo nên những cú sốc liên tiếp đối với người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, khi đối mặt với những khủng hoảng trong vấn đề an toàn thực phẩm, hệ thống cảnh báo của Việt Nam đã phơi ra nhiều hạn chế và luôn ở trong tình trạng bị động, phần lớn chạy theo các cảnh báo của nước ngoài. Cơ quan chức năng trong nước không chủ động được trước "cơn bão" Melamine, cũng như độ trễ trong hành động trước vụ DEHP và chỉ đến khi các nước khác phát hiện ra sự độc hại của chất tạo đục này chúng ta mới được thông báo.
Trong khi đó, E102 không còn là câu chuyện mới về an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Tại hội thảo "Phẩm màu trong thực phẩm" do Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe (Sở Y tế TP Hồ Chí Minh) tổ chức vào ngày 15-3 vừa qua, Ths. BS Huỳnh Văn Tú, Trưởng khoa Dinh dưỡng ATVSTP (Viện Y tế vệ sinh công cộng) cho biết: "Phẩm màu tổng hợp có khả năng gây ung thư, độc tính trên gen, độc tính thần kinh - gây ra chứng hiếu động thái quá ở trẻ em". Đặc biệt, thực phẩm sử dụng màu nhuộm có thể gây tác dụng không mong muốn trên hoạt động và chú ý của trẻ em. Trong cuộc trao đổi với PGS.TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật ATVSTP (thuộc Hội Khoa học kỹ thuật ATTP Việt Nam) vào ngày 24-6 về phẩm màu vàng E102 trong mỳ ăn liền, bà Sửu cho biết: "Lâu nay trong tiêu chuẩn Việt Nam chưa cập nhật thêm các chất gây tác hại cũng chưa loại bỏ những chất được chứng minh là độc hại hay có hại cho sức khỏe cộng đồng". Bà Phan Thị Sửu cũng nói rằng bà biết thông tin EU khuyến cáo người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm có chất này. Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATVSTP hẳn không thể không biết đến sự nguy hại của phẩm màu vàng E102. Phải chăng họ đã "phớt lờ" những kiến nghị của nhiều nhà khoa học tại các cuộc hội thảo về chất nhuộm màu.

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor International công bố tháng 4-2011, mức tiêu thụ mỳ ăn liền tại Việt Nam đạt 5 tỷ gói mỳ vào năm 2010. Vậy câu hỏi đặt ra là Việt Nam còn chờ thêm bao nhiêu thời gian nữa sau khi đã chậm trễ hơn 8 năm so với Nhật Bản, 3 năm so với EU trong việc khuyến cáo sử dụng phẩm màu độc hại này trong thực phẩm?
Trách nhiệm vì tương lai
Nếu nói phẩm màu vàng E102 đang trở thành bản án lương tâm của các doanh nghiệp cố tình sử dụng chúng cũng không sai. Bởi chính họ hằng ngày vẫn đang phải đối mặt với nỗi ám ảnh kinh hoàng, những sợ hãi, những đau khổ khi chính họ biết rằng chất E102 là thế nào. Nhưng vì đặt lợi nhuận lên hàng đầu nên nếu có bàn đến vấn đề đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp có sử dụng phẩm màu vàng E102 trong sản phẩm lại là chuyện... hoang đường. Trong khi đó, những doanh nghiệp sản xuất mỳ ăn liền có đạo đức trong kinh doanh, gắn chặt kinh doanh với cộng đồng, không sử dụng chất nhuộm màu E102 lại quá ít. Việc họ tiên phong loại bỏ chất nguy hại này chưa đủ mạnh để tạo nên một sức ép cộng đồng.
Thị trường mỳ ăn liền của Việt Nam tăng trưởng từ 15-20% mỗi năm và dự báo trong 2-3 năm tới mức tiêu thụ mỳ tại Việt Nam sẽ tăng lên 7-8 tỷ gói. Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam đứng vào tốp đầu châu Á và là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới về tiêu thụ mặt hàng này. Mức tiêu thụ mỳ ăn liền càng tăng thì lo lắng cho sức khỏe cộng đồng càng lớn khi phẩm màu vàng E102 vẫn được sử dụng trong thực phẩm. Và không chỉ có mỳ ăn liền, hiện còn rất nhiều loại bánh kẹo, nước giải khát thực phẩm có sử dụng E102.
Được biết, mới đây Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế đã có một cuộc họp bàn về chất phẩm màu E102. Cục sẽ có văn bản xin ý kiến Bộ Y tế để ban hành quy định sử dụng E102 trong thực phẩm - một quyết định muộn mằn, nhưng có còn hơn không. Một quyết định đúng đắn, kịp thời sẽ giúp người tiêu dùng, nhất là người nghèo, tầng lớp dễ bị tổn thương và luôn gặp khó khăn trong chữa trị bệnh tật sẽ không phải tốn thêm tiền mà đúng ra không phải tốn. Một quyết định đúng đắn cũng sẽ bảo vệ được sức khỏe cộng đồng và xa hơn là vì giống nòi Việt Nam. Đã đến lúc cơ quan chức năng không nên trì hoãn thêm nữa việc ra các quy định cấm hoặc hạn chế sử dụng phẩm màu vàng trong thực phẩm.
 

Bác sỹ trực tuyến

Super Moderator
1,025
41
48
Xu
0
[h=2]E 102 làm người tiêu dùng lo lắng[/h]
Gần đây, một công ty cho quảng cáo sản phẩm mì gói mới với thông điệp vừa gây lo lắng cho người tiêu dùng, vừa gây bức xúc cho các công ty sản xuất cùng mặt hàng.

Lo lắng

Chị N.T (ngụ Q.Tân Bình) cho biết: “Gia đình tôi thường dùng mì gói, nhưng gần đây xem quảng cáo trên ti vi thấy người ta nói, khi cho nước sôi vào tô mì, nếu mì chuyển màu vàng là có độc nên lo quá, vì lâu nay loại mì nào mà không có nước màu vàng?”. Chị L.T.T (Q.Tân Bình) nói: “Gần đây xuất hiện loại mì gói có ghi khuyến cáo là “sợi mì không nhuộm phẩm màu tổng hợp hóa học. Vậy các loại mì khác có à? Không biết thực hư thế nào?”.



Người tiêu dùng lưỡng lự khi lựa chọn mì tôm

Một số thông tin đăng tải cho rằng, kết quả nghiên cứu cho thấy, phẩm màu tổng hợp E102 được chứng minh làm tăng sự hiếu động thái quá ở trẻ em, ảnh hưởng sự phát triển của trẻ, ảnh hưởng chức năng sinh sản của nam… Đồng thời cho rằng, một số quốc gia kiểm soát chặt việc sử dụng E102 trong thực phẩm. Chẳng hạn Nhật Bản đã cấm sử dụng E102 trong một số thực phẩm, trong đó có mì gói. Hay EU yêu cầu các nhà sản xuất phải ghi các thông tin cảnh báo trên bao bì sản phẩm có sử dụng chất E102, về ảnh hưởng của nó đối với người sử dụng…

Cơ quan chức năng không cấm

Trước những thông tin không chính thức về phẩm màu E102, ngày 6.7 vừa qua, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế đã thông tin trên website của Cục, phẩm màu E102 hiện đang được nhiều nước trên thế giới cho phép dùng trong đó có VN.

Cục ATVSTP đã nhiều lần tham khảo ý kiến các chuyên gia và đã tư vấn trực tiếp với các chuyên gia về phụ gia thực phẩm tại hội nghị Đại hội đồng Codex (Ủy ban tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế) thế giới lần thứ 34 tại Thụy Sĩ (từ ngày 4-10.7.2011)... Năm 2009, trước thông tin một số kết quả nghiên cứu đơn lẻ cho rằng E102 có thể gây dị ứng,

Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu, Codex đã giao các Ủy ban Khoa học của mình nghiên cứu lại và kết quả cho thấy chưa đủ cơ sở khoa học để kết luận E102 gây các tác động mà một vài nghiên cứu nói trên nêu ra. Hiện tại chỉ có một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hạn chế việc sử dụng phẩm màu này do lo ngại vấn đề dị ứng thức ăn, vốn có ở một tỷ lệ cao trong cộng đồng dân cư mà khó phân biệt dị ứng có thể do E102 hay do bản thân thực phẩm. Còn hầu hết các nước của EU, Mỹ và các nước khác vẫn cho phép sử dụng E102 trong chế biến thực phẩm...

Cho đến thời điểm hiện nay, Cục nhận thấy, nếu phẩm màu này được sử dụng đúng hàm lượng theo quy định thì vẫn bảo đảm an toàn. Cục ATVSTP tiếp tục cập nhật trên cơ sở tư vấn của Ban Kỹ thuật phụ gia thực phẩm thuộc Ủy ban Codex VN, và phân tích các tài liệu khoa học của thế giới đối với E102 để đưa ra các khuyến nghị kịp thời và chính xác nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng...

Cần công bố rộng rãi

Nhiều người cho rằng, cơ quan chức năng cần có một hội thảo khoa học, nói về phẩm màu E102, xem thực chất nó có gây hại cho sức khỏe hay không và công bố rộng rãi.

Thông tin về chất E102 của Cục ATVSTP đã có, nhưng chỉ mới có trên trang web của Cục, vì thế rất nhiều NTD không hề biết, nên đến thời điểm này họ vẫn còn lo ngại. Bà Vũ Thị Bạch Nga - Trưởng ban Bảo vệ NTD (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương) đề nghị, cơ quan chức năng cần thông báo rộng rãi để NTD biết chất E102 có độc hại hay không; được phép sử dụng như thế nào… nhằm tránh hoang mang trong dư luận.


Thanh Niên Online
 

Bác sỹ trực tuyến

Super Moderator
1,025
41
48
Xu
0
[h=2]Nguy cơ từ phẩm vàng tổng hợp[/h]
Phẩm vàng tổng hợp, thứ phẩm đang được dùng trong rất nhiều loại thực phẩm tiêu thụ ở Việt Nam, nhất là mỳ tôm, vừa được cảnh báo có nguy cơ gây nhiều chứng bệnh.

Một số thực phẩm bán trên thị trường có chứa E102 như bánh pudding, bánh hỗn hợp, đồ uống có ga, kẹo cao su, mì, snack, v.v... E102 được sử dụng rộng rãi hơn cả trong nhiều sản phẩm mỳ ăn liền. Khảo sát qua các chợ và siêu thị ở Hà Nội, chúng tôi thấy một số sản phẩm mỳ ăn liền công khai ghi có sử dụng màu tổng hợp E102 như mỳ Hảo Hảo hương vị sa tế hành, mỳ xào Táo Quân hương vị thập cẩm, mỳ Hảo Hảo hương vị nấm, mỳ Miliket, mỳ Cung Đình, v.v... Hay món nui (dùng để nấu nước súp, xào với các loại rau, củ, thịt, hải sản, gia vị) cũng thấy ghi trên bao bì có dùng “màu thực phẩm tổng hợp E102”.

Đây thực sự là một mối nguy lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng, khi tại Việt Nam, sản lượng mỳ tiêu thụ trong năm 2010 là 5 tỷ gói, theo báo cáo tháng 4-2011 của Cty Nghiên cứu Thị trường Euromonitor International. Dự báo, thị trường mỳ ăn liền của Việt Nam tăng trưởng từ 15-20% mỗi năm và, như vậy, đến năm 2015, mức tiêu thụ mỳ ăn liền tại Việt Nam sẽ lên đến 10 tỷ gói.



Việt Nam tiêu thụ ước tính 10 tỉ gói mì mỗi năm

EU cảnh báo, Nhật Bản không dùng

Phẩm vàng tổng hợp đó, theo PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y tế, có tên khoa học là tatrazine và được CODEX Quốc tế đánh số ký hiệu là E102. Chất bột màu vàng này tan trong nước và được dùng làm chất tạo màu trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực mỹ phẩm, dược phẩm và, nhất là, thực phẩm.
Hóa ra, tác hại của phẩm màu vàng tổng hợp E102 không còn mới với nhiều quốc gia. Kết luận này dựa trên nhiều nghiên cứu khoa học có giá trị như nghiên cứu của Đại học Southampton về phụ gia thực phẩm và sự hiếu động thái quá ở trẻ em 3 tuổi, 8-9 tuổi trong cộng đồng; nghiên cứu đăng trên báo J. Pediatr. (tạp chí của Mỹ về chăm sóc sức khỏe trẻ em & thanh thiếu nhi) về màu thực phẩm tổng hợp và hành vi.

Với những minh chứng về sự độc hại đối với sức khỏe người tiêu dùng, E102 bị cấm dùng trong thực phẩm đặc biệt là mỳ ăn liền tại Nhật Bản từ tám năm nay và hạn chế sử dụng tại các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) từ ba năm nay.

Tại Hàn Quốc, người ta khuyến cáo không nên sử dụng E 102 trong một số thực phẩm trong đó có mỳ. Tại Anh, Hiệp hội Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh đề nghị các nhà sản xuất loại bỏ các màu thực phẩm được nghiên cứu và khuyến cáo không dùng bởi Đại học Southampton, trong đó có E 102.

Các nhà khoa học khuyến cáo cần làm rõ lứa tuổi và mức độ trẻ Việt Nam bị tác động khi ăn mỳ gói có dùng phẩm màu vàng E102 ở các liều lượng khác nhau.

Việt Nam: Chờ Bộ Y tế

Giữa tháng 3-2011 tại TPHCM, Cty Vifon phối hợp với một số đơn vị tổ chức một hội thảo “An toàn thực phẩm và việc sử dụng phẩm màu tổng hợp, chất bảo quản trong sản xuất thực phẩm của nước ta”. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, bàn về vấn đề nêu trên, trong đó có đề cập đến chất màu tổng hợp E102. Từ bấy đến giờ, vẫn chưa thấy ý kiến nào của cơ quan chức năng về vấn đề này. Cụ thể, không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến việc sử dụng E102 trong sản xuất các loại mỳ gói với số lượng tiêu thụ lớn tại Việt Nam như nêu trên.

Điều tra của phóng viên cho thấy, một số hãng sản xuất mỳ của Nhật Bản khi sản xuất mỳ gói tại nước họ thì không thấy có E102, vì biết rõ chất này có hại. Nhưng sang Việt Nam sản xuất, lại vẫn thấy cho E102 vào sản phẩm như một số nhãn hiệu nêu ở đầu bài. Vì sao vậy?
Theo “Ảnh hưởng độc hại của tatrazine đến khả năng sinh sản...” do Tạp chí Dược&Độc học Hoa Kỳ (American Journal of Pharmacology and Toxicology), phẩm màu vàng tổng hợp E102 được chứng minh gây nên tình trạng tăng sự hiếu động thái quá ở trẻ em và ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản ở nam. Nam giới ăn một lượng quá ngưỡng có thể bị suy giảm tinh trùng và làm tinh trùng bị biến dạng. Nó còn là một trong những chất phụ gia nguy hiểm nhất cho bệnh nhân hen và những người không dung nạp thuốc aspirin.

Việc hàng loạt thực phẩm sản xuất ở Việt Nam vẫn hồn nhiên sử dụng E102, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Song trách nhiệm chính có lẽ thuộc về cơ quan quản lý mà cụ thể là Cục ATVSTP, Bộ Y tế. Một quan chức của Cục ATVSTP cho hay Cục vừa có cuộc họp bàn về E102. Tuy nhiên, những động thái tiếp theo của cơ quan chủ quản của Bộ Y tế được cho là quá chậm.


Tiền Phong

 

Bác sỹ trực tuyến

Super Moderator
1,025
41
48
Xu
0
[h=2]Tranh cãi xung quanh tác hại của chất E 102[/h]
Tại cuộc họp sáng 15/7 của nhóm chuyên gia quan chức các tổ chức, cơ quan liên quan an toàn thực phẩm, các quy định hiện hành của Bộ Y tế về phẩm màu vàng tổng hợp E102 được cho là không sai 10 năm qua. Song cũng có khuyến nghị kiểm tra thực trạng dùng E102 trong mỳ tôm ở Việt Nam.

Bộ Y tế không sai (?)

Cuộc họp diễn ra ở Hà Nội dưới sự chủ trì của GS.TS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm. Đây là cuộc họp lần đầu tiên ở Việt Nam chỉ bàn về E102 (tên khoa học là Tartrazine), chất tạo màu tổng hợp gây nhiều tranh cãi và được báo chí liên tiếp phản ánh gần nửa tháng qua.

Tham dự, phía Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) có bà Nguyễn Thị Khánh Trâm (Phó Cục trưởng Cục ATVSTP, ông Nguyễn Thanh Phong (Phó Cục trưởng Cục ATVSTP) và trưởng các phòng ban của Cục. Cuộc họp còn có sự hiện diện của các thành viên Tiểu ban Kỹ thuật Codex Việt Nam đến từ Bộ Công Thương, Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT.

Trước khi nghĩ đến chuyện cấm E102, Bộ Y tế không thể chối bỏ
trách nhiệm kiểm tra thực trạng sử dụng E102 trong thực phẩm,
nhất là mỳ ăn liền, ở Việt Nam.

Tại cuộc họp, hầu hết ý kiến đều cho rằng, không có lý do gì để cấm dùng E102 trong thực phẩm nói chung và mỳ tôm nói riêng. Ủy ban Tiêu chuẩn hóa Thực phẩm Quốc tế (CODEX) không cấm nên Việt Nam không có lý do gì để cấm.



Việt Nam chưa đủ lý do để cấm chất E 102

Dù danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm ban hành kèm Quyết định 3742 của Bộ Y tế ngày 31/8/2001 không nêu đích danh mỳ tôm trong danh sách 26 loại thực phẩm được phép dùng E102, việc cho E102 vào mỳ tôm cũng không có vấn đề gì, không trái với quy định và cảnh báo của quốc tế.

E102 thậm chí có thể dùng trong các loại thực phẩm khác không cần có trong danh mục của Bộ Y tế với điều kiện không vượt giới hạn lượng ăn vào hằng ngày chấp nhận được (ADI) mà Codex ban hành, từ 0-7,5 mg/kg thể trọng/ngày.

Cấm E102, cái sảy nảy cái ung (?)

Tại cuộc họp, các ý kiến cho rằng tất cả nghiên cứu về mặt hại của E102 ở một số nước đều thiếu thuyết phục, không được nhiều nước khác thừa nhận. Các cảnh báo nguy cơ mắc chứng suy giảm tình dục, dị ứng hay tăng động thái quá ở trẻ em là mơ hồ, khó có thể xác định được đấy có phải do E102 hay không.

Việc một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Úc cấm E102 trong một số thực phẩm hay mỳ tôm, chuyên gia Codex cũng không rõ vì nguyên nhân gì. Có ý kiến cho rằng, một số nước tiên tiến, có điều kiện kiểm nghiệm với thiết bị hiện đại, thường lấy việc cấm hoạt chất nọ, hoạt chất kia như một công cụ để lập hàng rào kỹ thuật ngăn cản nhập khẩu sản phẩm nào đó.

Ý kiến khác cho rằng, cũng có thể mấy nước kia loại E102 khỏi mỳ tôm là để góp phần loại trừ một yếu tố nguy cơ trong số rất nhiều yếu tố gây dị ứng trong cộng đồng dân cư ở nước họ.

Cũng có thể do dân Hàn Quốc và Nhật Bản có thói quen ăn mỳ tôm nhiều hơn người các nước khác, có thể dẫn đến nguy cơ tích lũy E102 trong cơ thể vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Chứ chắc chắn việc loại E102 không phải để loại các chứng suy giảm tình dục, dị ứng, hay tăng động ở trẻ em vì các chứng này chịu tác động của rất nhiều yếu tố; vai trò của E102 rất mờ nhạt nếu không muốn nói hầu như không có cơ sở.

Đại diện của các bộ ngành tại cuộc họp nói, nếu Bộ Y tế ra quyết định cấm dùng, sẽ xuất hiện nhiều bất lợi hơn là thuận lợi cho cơ quan quản lý và nhà sản xuất. Cấm phẩm màu vàng E102, nhà sản xuất buộc phải tìm phẩm màu vàng khác để thay thế. Khi đó làm sao có thể kiểm soát được nhà sản xuất dùng phẩm màu gì, có độc hại cho sức khỏe người dùng hay không.

Phẩm màu tự nhiên thường đắt hơn và khó sử dụng hơn E102. Chẳng hạn, phẩm vàng từ hạt dành dành được cho là không ổn định về màu, không ưu việt và, nhất là, không rẻ hơn E102.


Mì Tiến Vua quảng cáo không có chất E 102

Nhưng vẫn phải hạn chế dùng

Dù đồng thanh tương ứng khẳng định Bộ Y tế không sai, khẳng định không thay đổi quan điểm trong việc dùng E102, một số ý kiến tại cuộc họp vẫn phải thừa nhận, không kiểm soát được nguy cơ E102 có thể gây hại một khi kết hợp với phẩm hoặc phụ gia nào đó trong thực phẩm. Không chỉ với phẩm màu vàng tổng hợp E102, tất cả phẩm màu tổng hợp đều nên hạn chế dùng trong thực phẩm, nhất là thực phẩm cho trẻ em.

Tốt nhất, không nên dùng thực phẩm có màu lòe loẹt kiểu như Rhodamine B - một chất nhuộm công nghiệp màu đỏ cực độc - tìm thấy trong hạt dưa cách đây hai năm ở Việt Nam. Thực phẩm có màu lòe loẹt thường do dùng phẩm màu quá liều cho phép.

Đặc biệt, một mặt bác bỏ ý kiến cho rằng không có chuyện 10 năm qua Bộ Y tế không cập nhật thông tin, mặt khác, người chủ trì cuộc họp không mời báo chí vẫn đề nghị tiến hành kiểm tra thực trạng sử dụng E102 trong thực phẩm ở Việt Nam, cụ thể là trong mỳ tôm.

Bà Phan Thị Kim cho biết sẽ kiến nghị lãnh đạo Cục ATVSTP sớm phối hợp với các ban ngành tổ chức việc kiểm tra này, nhằm xem nhà sản xuất có dùng E102 quá liều cho phép hay không. Nếu quá liều, đương nhiên nhà sản xuất sẽ bị phạt theo quy định. Ngược lại, hàm lượng E102 vẫn nằm trong giới hạn cho phép, không có lý do gì cấm doanh nghiệp sử dụng.

Tham khảo Codex chưa đủ

Một cựu chuyên viên cao cấp của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) nói: “Codex là tổ chức do Tổ chức Nông Lương Quốc tế (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thành lập. Các nghiên cứu của tổ chức này đều dựa vào nguồn kinh phí của FAO và WHO. Vì thế, phạm vi nghiên cứu của họ nhìn chung hạn hẹp và kết quả cũng nông.

Nói cách khác, các kết quả nghiên cứu của Codex không được cập nhật như các nghiên cứu khoa học của những nước tiên tiến trên thế giới. Các chỉ số lượng tối đa ăn vào hằng ngày (ADI) và giới hạn tối đa trong thực phẩm (ML) của Codex được tính trên trung bình năm vùng của thế giới, dựa theo đề xuất của các quốc gia. Bởi vậy, độ chuẩn không cao.

Trong khi đó, các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và khối Liên minh châu Âu (EU)… có điều kiện nghiên cứu hơn và tiêu chuẩn cho phụ gia thực phẩm của họ cũng khắt khe hơn. Do đó, nếu vì sức khỏe người tiêu dùng, nên cập nhật các tiêu chuẩn của những nước tiên tiến, thay vì Codex”.

 

Bác sỹ trực tuyến

Super Moderator
1,025
41
48
Xu
0
[h=2]Phẩm màu tổng hợp Tartrazine (E102) khiến người tiêu dùng thay đổi hành vi?[/h]
“Quảng cáo về chất tạo màu trên tivi, thông tin thì trái chiều. Thông tin từ Bộ Y tế thì không rõ ràng. Gia đình tôi quyết định không dùng mì gói có E102 nữa. Để đến khi có khuyến nghị rõ ràng thì có khi con cháu mình đã lãnh đủ", không ít người tiêu dùng bày tỏ không yên tâm trước khẳng định của Bộ Y tế phẩm màu tổng hợp Tartrazine, hay còn gọi là E102, nếu sử dụng đúng liều lượng sẽ không có hại như trên website của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) chiều 6/7/2011.

Không kiểm tra làm sao biết

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Giang (Số 88, tổ 27, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Nếu nói nghiên cứu từ đại học Southamton, đại học Melbune là những nghiên cứu đơn lẻ thì tôi không hiểu, theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, nghiên cứu nào mới là tập trung.

Trên thị trường mỳ ăn liền ở Việt Nam, bên cạnh một số nhãn
vẫn ghi dùng phẩm màu tổng hợp E102, đã có thể tìm thấy nhãn
dùng phẩm màu tự nhiên.

Tôi có tìm kiếm thông tin trên Ukfoodguide và một số website nước ngoài khác thì thấy E102 được coi là chất nguy hiểm phải tránh dùng trong thực phẩm dành cho trẻ em. Thêm nữa, các nước như Nauy, Áo cũng đã cấm sử dụng, chứ không chỉ có Nhật và Hàn Quốc như Cục ATVSTP của Việt Nam nêu”.



Người tiêu dùng Việt Nam ít có thói quen đọc thành phần trên bao bì

Hoài nghi về những thông tin trái ngược trên website nhà, một số người tiêu dùng cố gắng vận dụng vốn tiếng Anh để tìm kiếm thông tin trên website nước ngoài và thông tin thu được khiến không ít người lo lắng.

Chị Minh Phương (42, Lê Trọng Tấn - Hà Nội): “Một người bạn gửi cho mấy đường link tổng hợp các nghiên cứu về Tartrazine của nước ngoài, đọc xong tôi cảm thấy lo và thương con nữa. Hằng ngày mình cho con ăn nào mì gói, nào snack, nào kẹo, bánh, cái nào cũng có E102. Bộ Y tế nói mức 0 - 7,5mg/kg thể trọng/ngày là chấp nhận được nhưng, thực tế, người tiêu dùng Việt Nam mỗi ngày đưa vào cơ thể bao nhiêu mg E102 thì Bộ có kiểm tra không, có biết không, có bao giờ công bố không?”.

“Không kiểm tra làm sao biết. Chưa kể, với trẻ con 2-3 tuổi, sức đề kháng yếu, ăn bao nhiêu thứ như thế, có chắc sẽ không độc? Cũng có thể E102 không độc với bọn trẻ, nhưng điều đó không có nghĩa Bộ Y tế không làm gì khi nhiều nước với điều kiện công nghệ hơn hẳn Việt Nam đã và đang đưa ra các cảnh báo ngày càng rõ ràng. Rõ ràng Cục ATVSTP là nơi phải cung cấp đầy đủ thông tin cho dân. Thông tin mà Cục đưa ra không những không rõ ràng mà còn khiến tôi rối và lo thêm”.

Chấp nhận sống chung

Nhiều người chấp nhận sống chung với lũ hoặc tạm tin vào kết luận của cơ quan chức năng để... dùng tiếp. Chị Nguyễn Thị Na (Công ty CFTD, 57 Láng Hạ - Hà Nội) chia sẻ: “Mình cảm thấy còn có nhiều vấn đề chưa rõ ràng trong cách trả lời của Bộ về chất E102. Nhưng Bộ đã có ý kiến như vậy thì chắc cũng đúng. Không tin Bộ thì tin ai. Tuy nhiên, mình vẫn băn khoăn. Phải có lý do gì đó người ta mới bàn tán xôn xao như vậy. Bây giờ, suốt ngày cứ phải nghe đến chất này, chất nọ gây hại, chỉ thêm lo. Đành khuất mắt trông coi thôi”.

Những khẳng định có phần mơ hồ của Cục ATVSTP về tính an toàn của E102 trong mì gói không thể khiến người tiêu dùng bớt lo ngại. Thận trọng và e dè hơn là tâm lý dễ nhận thấy của một bộ phận người tiêu dùng.

“Quảng cáo về chất tạo màu trên tivi, thông tin thì trái chiều. Thông tin từ Bộ Y tế thì không rõ ràng. Gia đình tôi quyết định không dùng mì gói có E102 nữa. Để đến khi có khuyến nghị rõ ràng thì có khi con cháu mình đã lãnh đủ.

Các loại thực phẩm ăn liền khác như bánh kẹo cũng phải xem xét kỹ càng. Không có E102 mới mua. Con gái tôi định cư bên Úc cũng gọi điện về cho biết ở Úc người ta cũng không cho sử dụng chất này. Chẳng hiểu sao ở Việt Nam lại dùng rộng rãi thế” - ông Dũng Minh (Phòng 1110, tầng 11, CT1, Văn Khê, Hà Đông, Minh Khai, Quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết.

Trên webtretho - một trong các diễn đàn điện tử phổ biến nhất Việt Nam hiện nay, nhiều thành viên chia sẻ, đã đến lúc phải thay đổi thói quen và hành vi tiêu dùng để tự bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Thành viên Wanikwen thẳng thắn: “Không thể giữ điệp khúc ăn bao năm rồi có sao đâu. Ý thức người dân như thế sẽ khiến các nhà sản xuất nhiều khi biết sai mà vẫn làm. Hơn nữa, một bộ phận người tiêu dùng nhìn hiện tượng E102 này hơi phiến diện, đánh đồng nó với cuộc chiến tranh giành thị trường của các nhà sản xuất mỳ gói chứ không thấy nguy cơ, cho nên chưa tạo được thói quen tìm hiểu kỹ càng thông tin trước khi sử dụng. Giống như khi xem quảng cáo thuốc thì bao giờ cũng có câu “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”. Nhưng, mình biết, có những người cả đời dùng thuốc không bao giờ xem toa”.

Anh Nguyễn Quang Hùng, bộ phận chiếu xạ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, nói: “Cảnh báo E102 trên báo chí đã góp phần biến cải tâm lý và thói quen của vợ và con gái tôi. Mấy hôm nay, xem kỹ thành phần trên bao bì thực phẩm - hành động được xem là xa lạ từ trước đến nay của bà xã, đang dần trở nên quen thuộc hơn”.
Tiền Phong


 

Bác sỹ trực tuyến

Super Moderator
1,025
41
48
Xu
0
[h=2]E102 vô hại nếu sử dụng trong ngưỡng cho phép[/h]
Sắp tới, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế sẽ có quy định cụ thể về việc được phép sử dụng hàm lượng tối đa chất E102 trên mỗi sản phẩm thành phẩm. Về phía các nhà sản xuất, việc công bố rõ ràng hàm lượng và khuyến cáo sử dụng là việc bắt buộc phải làm để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và trách nhiệm với cộng đồng.

Thị trường mì ăn liền của Việt Nam tăng trưởng từ 15-20% mỗi năm và dự báo trong 2-3 năm tới mức tiêu thụ mì tại Việt Nam sẽ tăng lên 7-8 tỷ gói. Theo các chuyên gia, Việt Nam đứng vào top đầu châu Á và là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới về tiêu thụ mặt hàng này.

Gần đây, dư luận và báo chí những ngày qua nói nhiều đến chất tạo màu Tatrazine (E102) có trong mì ăn liền. Tuy nhiên, ảnh hưởng thực sự của nó đến sức khỏe người tiêu dùng thì vẫn chưa có công bố cụ thể. Điều quan trọng là theo các thông tin mà chúng tôi có, mì gói hiện vẫn chưa nằm trong danh sách 26 nhóm thực phẩm được Bộ Y tế cho phép sử dụng chất tạo màu E102.


Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất mì gói tự xếp việc sử dụng chất tạo màu E102 trên mì của mình vào nhóm "sản phẩm dùng để trang trí thực phẩm" (nhóm 14 trong danh sách các nhóm thực phẩm được phép sử dụng ở Việt Nam). Theo một chuyên gia về an toàn thực phẩm, đây là một kiểu "tự biện" rất vô lý, nhưng lại được chấp nhận ở Việt Nam.

Đứng ở phương diện một chuyên gia, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Mạnh – Viện trưởng Viện Công Nghiệp Thực phẩm hoàn toàn nhất trí với kết luận của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) khi khẳng định rằng chất E102 tạo màu có trong mì ăn liền là hoàn toàn vô hại nếu sử dụng trong ngưỡng cho phép.

"Ngưỡng cho phép đó là từ 0 – 7,5 mg/ 1 kg thể trọng/ngày. Vì vậy, nếu bạn 50 kg thì bạn được phép tiếp nhận chất này là 375 mg/ngày. Ngưỡng này được coi là ngưỡng “thoải mái” để các nhà sản xuất sử dụng trong sản phẩm của mình", PGS cho biết.

Cũng theo PGS Mạnh, việc một người ăn 2 – 3 gói mì ăn liền trong một ngày là hoàn toàn bình thường. Người tiêu dùng cũng không nên quá lo lắng về việc ăn nhiều gói mì như vậy trong ngày vì hàm lượng của chất E102 là rất ít.

Song, Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm cũng khuyên: “Không nên ăn mì ăn liền với số lượng trên trong một thời gian dài vì sự tích lũy của chất E102 trong cơ thể sẽ gây hại.

Tùy theo độ tuổi để có khẩu phần ăn hợp lý. Một đứa trẻ 3 tuổi mà ăn 4 gói mỳ ăn liền trong một tuần đã được coi là nhiều. Nếu ăn liên tục như vậy trong một thời gian dài là điều không nên. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên thay đổi thành phần bữa ăn để tăng thêm chất dinh dưỡng và bổ sung nhiều chất thay vì việc chỉ sử dụng mì ăn liền”.

Tuy nhiên, vấn đề chính là hiện nay, các công ty sản xuất mì ăn liền chỉ dừng lại ở việc công bố chất tạo màu E102 mà không ghi cụ thể hàm lượng có trong mỗi gói thành phẩm là bao nhiêu.

"E102 có nhiều hay ít thì không thể phân biệt bằng cảm quan nhìn của người tiêu dùng mà phải được phân tích bằng máy móc. Việc màu vàng đậm hay nhạt chỉ phản ánh một phần nào về bản chất của chất tạo màu E102 mà thôi", PGS nhận định.

Chính vì vậy, điều này đã gây khó khăn cho người tiêu dùng và cả công tác thanh kiểm tra. Ông Mạnh cho rằng, phía cơ quản quản lý trực tiếp là Cục ATVSTP – Bộ Y Tế nên tiếp tục cập nhật các thông tin về chất E102 và điều chỉnh các giới hạn, phạm vi sử dụng đã được quy định từ năm 2001 bằng quyết định 3742/2001/QĐ- BYT.

Nhưng ông Mạnh cũng cho rằng, việc lo lắng dẫn đến tẩy chay sử dụng mì ăn liền có chất tạo màu E102 của nhiều bà nội trợ là hơi cực đoan. Bởi theo ông Mạnh, chất tạo màu E102 còn được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau như trong đồ uống, rượu, nước giải khát, snack được chế biến từ ngũ cốc, kẹo, mứt, quả khô, thức ăn tráng miệng có sữa hoặc nước rau ép thanh trùng, nước chấm và các sản phẩm tương tự...

Đồng quan điểm với PGS Lê Tiến Mạnh, ông Nguyễn Văn Nhiên – Chánh Thanh tra Cục ATVSTP khẳng định, người tiêu dùng không nên lo lắng thái quá trước các thông tin về E102. Báo giới nên định hướng dư luận để người tiêu dùng an tâm và không xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

"Sắp tới đây, Cục ATVSTP sẽ có quy định cụ thể về việc được phép sử dụng hàm lượng tối đa chất E102 trên mỗi sản phẩm thành phẩm. Về phía các nhà sản xuất, việc công bố rõ ràng hàm lượng và khuyến cáo sử dụng là việc bắt buộc phải làm để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và trách nhiệm với cộng đồng.

Nếu doanh nghiệp nào không tuân thủ đúng yêu cầu của Cục thì đơn vị đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật", ông Nhiên kết luận.

Trước phản hồi của những nhà chuyên môn, nhiều người tiêu dùng tự hỏi: Trong khi chờ các cơ quan quản lý ra văn bản quy định mới thì có nên tiếp tục đặt niềm tin ở các nhà sản xuất hay không khi các thông số vẫn chưa được công khai? Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vấn đề này để cung cấp tới độc giả.

Nên có cảnh báo về sử dụng chất E102 trên bao bì sản phẩm:

Ở độ tuổi 3 tuổi và 8-9 tuổi nếu sử dụng các sản phẩm thực phẩm có chứa E102 liên tục trong một thời gian dài thì sẽ bị ảnh hưởng. Biểu hiện rõ nhất khi trẻ bị ảnh hưởng của E102 là tăng sự hiếu động, dễ cáu gắt, kém tập trung và bị ảnh hưởng đến sinh lý của nam giới.

Các nhà khoa học tại đại học Southampton (Anh) đã công bố rộng rãi về việc sử dụng E102 trong thực phẩm trong một thời gian dài có thể gây hại cho con người. Sau đó, một số nước đã kiểm soát chặt chẽ hơn việc sử dụng chất này trong thực phẩm.

Ví dụ như châu Âu (năm 2008) đã cảnh báo về việc sử dụng E102 và khuyến cáo phải ghi trên bao bì sản phẩm là có sử dụng E102. Nhật Bản (năm 2003) cũng khuyến cáo không nên sử dụng E102 và cấm dùng trong chế biến mì ăn liền. Mỹ và một số nước khác cũng đã khuyến cáo về việc cần thiết phải ghi trên bao bì sản phẩm về việc có sử dụng E102 để người tiêu dùng có được thông tin cần thiết và tự lựa chọn.


 


Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl