Thịt lợn chứa chất tạo nạc: các ban ngành chức năng vào cuộc


bacsionline

Member
415
7
18
Xu
0
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản chính thức về hoạt chất Salbutamol, Clenbuterol bị lạm dụng trong thức ăn chăn nuôi để tạo nạc heo siêu nạc. Theo đó, Cục này khẳng định 2 thuốc trên được dùng để bào chế thuốc chữa bệnh cho người với chỉ định và kiểm soát của bác sỹ, còn trong chăn nuôi chất này bị cấm. Bộ NN&PTNT cũng đã đề nghị Bộ công an vào cuộc điều tra chất tạo nạc gây hoang mang dư luận.


Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết thuốc Salbutamol được sử dụng nhiều trong khoa hô hấp với các chỉ định dùng trong thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính, viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang.




Người tiêu dùng lo lắng trước thông tin thịt lợn chứa chất tạo nạc bị cấm sử dụng (Ảnh minh họa: Internet)


Trong sản khoa thuốc này được sử dụng với chỉ định trong chuyển dạ sớm khi không có biến chứng và xảy ra ở tuần thứ 24-33 của thai kỳ, làm chậm thời gian sinh, có tác dụng đối với sự phát triển của phôi thai nhi.


Còn Clenbuterol là thuốc được sử dụng như một chất giãn phế quản trong điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị hen và sử dụng ở bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.


Theo các quy định hiện hành của Bộ Y tế, Salbutamol và Clenbuterol là thuốc kê đơn, sử dụng cần phải có chỉ định của bác sĩ và bệnh nhân phải tuân thủ theo hướng dẫn về liều lượng, thời gian điều trị của bác sĩ. Nếu tuân thủ liều lượng và thời gian điều trị theo chỉ định của thầy thuốc thì sẽ đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn cho bệnh nhân. Tại


Danh mục thuốc thiết yếu lần thứ 17 của Tổ chức y tế thế giới (WHO) đưa ra năm 2011, Salbutamol vẫn có mặt để điều trị hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.


Như vậy, theo Cục Quản lý Dược, trong ngành y tế Salbutamol và Clenbuterol là thuốc, việc sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, phân phối và sử dụng đã được quy định chặt chẽ tại các văn bản pháp luật về lĩnh vực dược như Luật Dược, Nghị định 79/2006/NĐ-CP quyết định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược…


Còn trong ngành thú y, tại Quyết định số 54/2002/QĐ-BNN ngày 20/6/2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có quy định cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng Salbutamol và Clenbuterol trong sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.


Ngày 27/3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết Bộ NN&PTNT đã đề nghị công an vào cuộc điều tra, ngăn chặn chất tạo nạc trên lợn, đồng thời giao Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thịt lợn có dấu kiểm dịch nhưng vẫn chứa chất cấm khi đưa ra thị trường.


Theo Bộ NN&PTNT, chất tạo nạc bị phát hiện có nguồn gốc từ Trung Quốc. Do vậy, muốn ngăn chặn tình trạng này cần sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều Bộ, ban, ngành.


Ngoài ra, hiện nay, Bộ Y tế thì cho phép chất này được sử dụng làm thuốc chữa bệnh trên người, còn Bộ NN&PTNT thì cấm sử dụng trên động vật. Do đó, Bộ NN&PTNT cho rằng cần có sự thống nhất xem có cấm hay không, cấm trong phạm vi nào để công tác giám sát, quản lý được thông suốt.


Theo số liệu của Bộ NN&PTNT thì tỷ lệ phát hiện thịt lợn chứa chất tạo nạc không phải là cao (trong số 115 mẫu lấy ngẫu nhiên thì có 1% dương tính với chất tạo nạc).


Tuy tỷ lệ không cao nhưng đã gây hoang mang cho người tiêu dùng. “Đây là bài học xương máu cho người chăn nuôi”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Vietnamnet
 

BacsiHiep

Member
278
5
18
Xu
0
Đã tìm thấy cơ sở cung cấp chất tạo nạc

1,4 tấn sản phẩm bổ sung dùng trong chăn nuôi chứa chất tạo nạc của Trung Quốc đã bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện tại kho của một công ty ở TP.HCM, từ đây phân phối đi các tỉnh.



Đoàn kiểm tra lập biên bản niêm phong và tạm giữ lô hàng dùng trong chăn nuôi có chất tạo nạc - Ảnh: C.T.V.

Ngày 6-4, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an (C49) cho biết vừa phát hiện 1,4 tấn sản phẩm bổ sung dùng trong chăn nuôi chứa chất tạo nạc tại kho của Công ty TNHH Hồng Triển, Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM.

Tại thời điểm kiểm tra, trong kho của công ty có 56 thùng sản phẩm nhãn hiệu Gold Protein Peptide (SSI) do Công ty WuXi Zhengda Poultry (Trung Quốc) sản xuất, mỗi thùng chứa 25 gói, trọng lượng mỗi gói 1kg.

Đã nhập hơn 3 tấn

Theo Sở NN&PTNT Đồng Nai, mới đây sở đã phát hiện 11 hộ chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, tập trung chủ yếu ở địa bàn huyện Trảng Bom, Thống Nhất. Sở đã xử phạt và chuyển toàn bộ vụ việc cho cơ quan công an điều tra.

Thượng tá Đặng Văn Tốt - phó trưởng phòng 6, C49 - cho biết cách đây hơn nửa tháng, qua trinh sát C49 nghi vấn Công ty TNHH Hồng Triển tiêu thụ sản phẩm chứa chất tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi nên đã bí mật lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm ngày 4-4 của Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM xác định Gold Protein Peptide (SSI) có chứa clenbuterol và salbutamol.

Ngày 5-4, C49 phối hợp với Chi cục Thú y TP.HCM, Đội quản lý thị trường quận Bình Tân kiểm tra đột xuất kho hàng và phát hiện số sản phẩm nói trên. Chi cục Thú y TP.HCM trực tiếp lấy mẫu và kết quả kiểm nghiệm nhanh của Trạm chẩn đoán xét nghiệm và điều trị (thuộc Chi cục Thú y TP.HCM) xác định Gold Protein Peptide (SSI) có chứa beta-agonists (clenbuterol, salbutamol), là chất tạo nạc không được phép sử dụng trong chăn nuôi.

Bà Trịnh Tú Linh - giám đốc Công ty TNHH Hồng Triển - cho biết lô hàng chất tạo nạc này là của Công ty TNHH sản xuất Nam Hoa gửi. Tại buổi làm việc, bà Linh đã trưng ra hợp đồng thuê nhà xưởng giữa Công ty TNHH sản xuất Nam Hoa và Công ty TNHH Hồng Triển. Điều đáng lưu ý là Công ty TNHH sản xuất Nam Hoa có trụ sở tại địa chỉ 118/8 Hòa Bình, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, do bà Linh làm phó giám đốc và chị ruột là bà Trịnh Tú Lệ làm giám đốc. Hai công ty này chuyên nhập khẩu và buôn bán chất bổ sung trong chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và thủy sản từ Trung Quốc về VN.

Công ty TNHH Hồng Triển đã cung cấp cho đoàn kiểm tra một số chứng từ có liên quan đến Gold Protein Peptide (SSI). Trong đó có tờ khai hải quan ngày 21-2-2012 thể hiện khối lượng nhập Gold Protein Peptide (SSI) là 3 tấn. Ngoài ra còn có bốn tờ hóa đơn bán mặt hàng này cho các công ty tại Long An, Tiền Giang và Đồng Nai, bao gồm Công ty TNHH tiêu chuẩn dinh dưỡng gia súc Quốc Tế (huyện Cần Đước, Long An - khối lượng bán 50kg), DNTN Phước Thạnh (TP Tân An, Long An - 50kg), Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Tiền Giang (TP Mỹ Tho, Tiền Giang - 25 kg) và Công ty TNHH thực phẩm dinh dưỡng Vàng (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai - 25kg). Trong đó Công ty TNHH thực phẩm dinh dưỡng Vàng là một trong các cơ sở đầu tiên ở Đồng Nai bị phát hiện kinh doanh chất cấm.

Chất cấm tạo nạc đang kinh doanh như thuốc phiện

Chiều 6-4, làm việc với tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Xuân Dương, phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), nói: “Một bộ phận đã làm giàu từ chất cấm trong chăn nuôi. Nó không phải như thuốc phiện nhưng gần như vậy vì người ta xem kinh doanh chất cấm là kế sinh nhai”.

Theo ông Dương, Đồng Nai là một địa bàn đặc thù, nhiều địa phương trung chuyển heo và địa bàn này hiện có đến 1,2 triệu con heo nên các ngành phải vào cuộc nhanh để kiểm soát chất cấm.

Nói về tình hình sử dụng chất cấm trên địa bàn, ông Trần Văn Quang - phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai - cho biết sau khi có thông tin về chất cấm, tháng 3-2012 đoàn kiểm tra đã lấy mẫu thức ăn, nước tiểu trên đàn heo thịt để xét nghiệm bằng phương pháp ELISA (định tính), phát hiện 20 mẫu dương tính và đang tiếp tục phân tích định lượng. Riêng trong năm 2011, chi cục lấy 93 mẫu thức ăn chăn nuôi tại cơ sở giết mổ, chăn nuôi, doanh nghiệp và đại lý thức ăn đã phát hiện 16 mẫu dương tính với chất cấm salbutamol.

Trước các thông tin về chất cấm sử dụng ở nhiều địa phương, ông Nguyễn Xuân Dương nói heo bị rớt giá làm thiệt hại cho người chăn nuôi ước tính 2.100-3.000 tỉ đồng. Ông Dương đề nghị Đồng Nai làm điểm, yêu cầu người sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cơ sở chăn nuôi giết mổ viết cam kết nói không với chất cấm. “Khi viết cam kết với chính quyền, nhân dân sẽ cùng tham gia tố giác những người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi qua đường dây nóng để cơ quan chức năng xử lý” - ông Dương nói.

Ông Dương cũng cho rằng việc công bố thông tin về chất cấm thì ngành nông nghiệp không giấu nhưng công bố phải xác thực. Ông dẫn chứng gần đây Đồng Nai lấy 25 mẫu phân tích ELISA đã cho kết quả dương tính, nhưng sau đó phân tích định lượng chỉ có 3/25 mẫu dương tính với chất cấm. “Số liệu qua phương pháp ELISA chỉ mới định tính nên cần phải định lượng mới cho kết quả xác đáng. Nếu không, khi công bố sẽ ảnh hưởng đến người chăn nuôi” - ông Dương đề nghị.

Quản lý chưa chặt

Ông Phạm Minh Báu - phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai - cho hay ngành chăn nuôi Đồng Nai đã từng trả giá quá lớn, vì vậy, “vấn đề đặt ra là chúng ta đang có lỗi gì trong công tác quản lý?... Đã nói chất cấm phải cấm hết chứ sao ngành nông nghiệp cấm, còn ngành y tế không cấm triệt để các chất roctapamine, salbutamol, clenbuterol. Còn nói sử dụng chất này trong thức ăn, người sử dụng bị cái gì, tác động đến con người ra sao thì chưa thấy nói cụ thể”.

Ông Huỳnh Cao Hải, phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho hay chưa có văn bản nào cấm sử dụng thuốc cho người lại sử dụng cho gia súc, nên có tình trạng nguyên liệu dược hết hạn dùng cho người thường đem làm nguyên liệu cho gia súc nên cũng là kẽ hở. Ông Hải kiến nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến với Bộ Y tế xem lại các chất được sử dụng trong lĩnh vực dược nhưng cấm trong chăn nuôi, đồng thời phải quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu dược nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu khẳng định: “Đã nói là chất cấm thì không cho sử dụng bất cứ hàm lượng nào. Hiện nay có hai nghi vấn lớn nhất là tỉ lệ chất cấm nằm trong thức ăn chăn nuôi và cả thuốc thú y. Do vậy chúng tôi đề nghị Đồng Nai phối hợp với thanh tra, công an truy tìm các đầu mối để truy cứu trách nhiệm những đầu mối, nguồn gốc đưa chất cấm vào thị trường”. Cũng theo bà Thu, Bộ NN&PTNT lo ngại câu chuyện thương lái tác động đến người nuôi để sử dụng chất cấm, sau đó mua giá cao, xuất chuồng sớm có lợi nên người nuôi nghe theo.

“Thương lái xúi sử dụng chất cấm thì ai quản lý nên Đồng Nai cũng nhờ đến công an để truy tìm các đầu mối này, vừa tuyên truyền cho người dân phòng ngừa” - bà Thu đề nghị.

Theo Tuổi trẻ
 

Bác sỹ trực tuyến

Super Moderator
1,025
41
48
Xu
0
Đề nghị xử phạt cơ sở dùng chất tạo nạc

Ngày 10/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai đã có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trảng Bom và Thống Nhất tiến hành xử lý đối với 11 cơ sở chăn nuôi vi phạm trong việc sử dụng chất cấm thuộc nhóm beta - agonist.

Theo đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân hai huyện trên căn cứ Nghị định 08 của Chính phủ và Thông tư 54 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiến hành xử phạt vi phạm hành chính tại những cơ sở chăn nuôi trên địa bàn vừa bị Chi cục Thú y kiểm tra phát hiện vi phạm; đồng thời, thực hiện việc kiểm tra, giám sát các chất thuộc nhóm beta - agonist trong chăn nuôi và các quy định hiện hành, tiến hành xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật nhằm răn đe, ngăn chặn có hiệu quả các cơ sở chăn nuôi vi phạm trên địa bàn.



Ông Hoàng Sơn Hải, Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y Đồng Nai cho biết ngày 10/4, Chi cục cũng đã có văn bản kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Công an tỉnh Đồng Nai vào cuộc phối hợp với lực lượng Thú y và chính quyền huyện Trảng Bom và Thống Nhất điều tra truy nguồn gốc chất cấm sử dụng trong chăn nuôi tại 11 cơ sở vừa bị phát hiện.


Trước đó, Chi cục Thú y Đồng Nai đã tiến hành lấy 93 mẫu gồm thức ăn, nước tiểu và thịt lợn tại một số địa phương và đã phát hiện 11 hộ chăn nuôi ở Trảng Bom và Thống Nhất có sử dụng chất cấm thuộc nhóm beta - agonist.


Theo đó, huyện Trảng Bom có chín cơ sở tại các xã Bắc Sơn, Giang Điền và xã Trung Hòa sử dụng chất cấm nằm trong danh mục 18 loại chất cấm sử dụng trong chăn nuôi; huyện Thống Nhất có hai cơ sở vi phạm tại xã Gia Tân 2.


Ông Hải cho biết ngoài việc xử phạt hành chính, thời gian tới, 11 hộ trên sẽ có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan để cùng cơ quan công an và các đơn vị liên quan điều tra truy tìm nguồn gốc của chất cấm./.

 


Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl