Suy tĩnh mạch: sớm phòng ngừa hơn chờ điều trị


Bác sĩ Phượng

Well-Known Member
1,996
73
48
Xu
0
Suy tĩnh mạch là bệnh thường gặp ở Việt Nam, bệnh làm máu ứ lại trong lòng tĩnh mạch, khó trở về tim gây nhiều biến chứng có thể tử vong, nhưng chưa được quan tâm.




Dù chưa có thống kê đầy đủ về loại bệnh này, song nhiều chuyên gia y tế dự đoán bệnh sẽ gia tăng cùng sự thay đổi nếp sống ở nước ta.

Một thống kê nghiên cứu đa trung tâm do đại học Y dược TP.HCM thực hiện cho thấy 77,6% bệnh nhân không hề biết về bệnh suy tĩnh mạch trước đó, hầu hết ít quan tâm, ngại đi khám, thầy thuốc cũng coi nhẹ và bỏ sót các triệu chứng. Trên 91% bệnh nhân không được điều trị và 8,7% được điều trị không đúng phương pháp, chỉ sử dụng các loại thuốc chữa triệu chứng như aspirin, lợi tiểu hoặc các loại thuốc đông y...


Ai dễ bị suy tĩnh mạch nhất?


Máu di chuyển trong lòng tĩnh mạch theo chiều từ nông vào sâu, từ dưới lên trên nhờ hệ thống van mở ra khi máu đi về trung tâm, đóng lại không cho máu chảy ngược và lực hút do hoạt động của cơ hoành, của tim, áp lực âm vùng trung thất cùng lực đẩy do hoạt động của hệ thống cơ. Khi máu trở về tim khó khăn, gây ra tình trạng ứ trệ tuần hoàn làm nặng chân, phù chân… là lúc bệnh nhân được chẩn đoán suy tĩnh mạch.


Trên thực tế, bị bệnh này chỉ có một số người thuộc nhóm có nguy cơ cao. Trong thực hành bệnh viện hàng ngày, chúng tôi nhận thấy có một số người về di truyền dễ mắc bệnh này hơn những người khác do những thay đổi về enzyme trong mô liên kết. Nữ thường bị nhiều hơn nam do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành tĩnh mạch; do phải đứng lâu trong một số ngành nghề đặc biệt như bán hàng, thợ dệt; do khối lượng cơ thấp hoặc dùng giày không thích hợp. Tăng trọng quá mức cũng là một yếu tố nguy cơ. Những bệnh nhân có chế độ ăn kiêng nhiều chất bột, ít chất xơ hay bị táo bón cũng rất dễ bị suy tĩnh mạch.


Những biểu hiện cần cảnh giác


Bệnh nhân bị suy tĩnh mạch có thể gặp nhiều biến chứng khác nhau. Trước tiên là biến chứng rối loạn huyết động học: chân bệnh nhân sưng to, đau buốt mặt sau cẳng chân, đêm hay bị "chuột rút"… Về sau, các triệu chứng nặng dần, xuất hiện các mảng rối loạn dinh dưỡng trên da, các tĩnh mạch giãn dần, nổi ngoằn ngoèo, có thể có những đợt viêm tắc tĩnh mạch với triệu chứng nhiễm trùng toàn thân như sốt cao, chân nóng sưng đỏ, môi khô, lưỡi dơ, tĩnh mạch viêm đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ, bên trong lòng xuất hiện những cục thuyên tắc cứng... Giai đoạn cuối cùng có thể dẫn đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị. Cục thuyên tắc có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, một biến chứng có thể đưa đến tử vong.


Chẩn đoán bệnh này chủ yếu dựa vào khám lâm sàng. Dễ thấy nhất là những đoạn tĩnh mạch bị giãn, ngoằn ngoèo, da đổi màu, rối loạn dinh dưỡng, loét và xuất hiện các u máu. Có thể sờ để biết được độ cứng của phần mềm, đặc biệt là vùng trước xương chày, thậm chí có thể sờ thấy cả một đoạn tĩnh mạch cứng, phù nề, các cục thuyên tắc... Thầy thuốc chuyên khoa có thể đánh giá tình trạng của các van tĩnh mạch hiển trong bằng thủ thuật Schwarz, thủ thuật ho, thủ thuật Trendelenburg và thủ thuật Perthe. Cuối cùng, chẩn đoán bằng siêu âm Doppler màu mạch máu sẽ giúp xác định những rối loạn huyết động học, tình trạng các van tĩnh mạch, mức độ giãn tĩnh mạch và các cục thuyên tắc trong lòng mạch để có biện pháp điều trị đúng đắn.


Biết phòng ngừa, đỡ điều trị


Điều trị bệnh này đòi hỏi sự kết hợp giữa dùng thuốc, phẫu thuật và tập vật lý trị liệu tại các trung tâm chuyên sâu. Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là phòng bệnh. Điều này đơn giản hơn bạn tưởng: tránh béo phì, tránh đứng lâu, tránh táo bón, hít thở sâu và tập thể dục thường xuyên để làm tăng sức bền của thành mạch máu, ăn các thức ăn giàu vitamin, nhiều chất xơ...; kê chân cao khi nằm.


Đối với người bị suy tĩnh mạch, hiện có một số phương pháp điều trị nhằm kiểm soát hay chặn đứng sự trào ngược, loại bỏ trào ngược từ các tĩnh mạch nhánh và từ các mạch nối, cuối cùng là ngăn ngừa sự tràn ngập mô kẽ do dịch thấm ra từ vi quản:


- Băng ép nhằm phục hồi áp suất chênh lệch giữa hai hệ thống tĩnh mạch nông và sâu thông qua hệ thống xuyên, giảm đường kính của lòng tĩnh mạch để tăng khả năng vận chuyển khi nghỉ ngơi cũng như lúc gắng sức.


- Điều trị nội khoa với các thuốc làm bền thành mạch, nhưng phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu. Một số thầy thuốc chuyên khoa còn áp dụng phương pháp tiêm gây xơ tại chỗ với các thuốc làm xơ hoá lòng mạch máu.


- Phẫu thuật với hai phương pháp chính: lấy bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn cho kết quả khá khả quan (lấy bỏ tĩnh mạch nông bị giãn - phương pháp Stripping) và phương pháp Chivas điều trị khá triệt để, tỷ lệ tái phát thấp nhất. Hiện người ta còn áp dụng cách làm lạnh với nitơ lỏng -90oC để làm nghẹt lòng tĩnh mạch qua một ống thông, tuy nhiên phương pháp này có tỷ lệ tái phát đến 30%. Hiện nay việc sử dụng laser và sóng điện cao tần là những giải pháp tiên tiến để điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch với kết quả khá tốt.

AloBacsi.
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl