Nhồi máu cơ tim ở người trẻ: không còn hiếm! SGTT.VN - Đối với người cao tuổi, nhồi máu cơ tim là bệnh rất hay gặp. Nhưng gần đây, số người dưới 40 tuổi bị nhồi máu cơ tim phải nhập viện tăng lên đáng ngại, cá biệt có những thanh niên chưa tới 30. Chính chế độ ăn uống không hợp lý, những áp lực cuộc sống và thói quen không tốt cho sức khoẻ đã và đang làm thay đổi độ tuổi mắc bệnh tim mạch. Áp lực cuộc sống, công việc và stress khiến bệnh nhồi máu cơ tim không còn là bệnh “độc quyền” của người lớn tuổi (ảnh chỉ mang tính minh hoạ). Ảnh: Hồng Thái Kẹt xe ngay bùng binh Nhồi máu cơ tim là tình trạng hoại tử một vùng tim, hậu quả của thiếu máu cục bộ cơ tim. Biểu hiện chủ yếu của nhồi máu cơ tim là cơn đau thắt ngực điển hình: đau nhói bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc vùng trước tim, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón đeo nhẫn và ngón út. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, kéo dài hơn 20 phút và không đỡ khi dùng thuốc giãn động mạch vành (nitroglycerin).
Đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải, hoặc vùng thượng vị. Tuy nhiên, có trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim mà không có hoặc ít cảm giác đau: hay gặp ở bệnh nhân sau mổ, người già, bệnh nhân tiểu đường hoặc tăng huyết áp. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác: vã mồ hôi, khó thở, hồi hộp, đánh trống ngực, nôn hoặc buồn nôn, lú lẫn... Nguyên nhân chủ yếu gây nhồi máu cơ tim là xơ vữa động mạch vành. Mảng xơ vữa làm giảm khẩu kính lòng mạch và dần dần gây tắc mạch. Tuy nhiên, mảng xơ vữa có thể không phát triển từ từ mà nứt, vỡ đột ngột, khi đó quá trình hình thành cục huyết khối được khởi động. Quá trình này bắt đầu với các tế bào máu đặc hiệu, gọi là tiểu cầu, tập trung tại vị trí mảng xơ vữa bị nứt. Cục máu đông có thể hình thành ngay nơi đó gây tắc đột ngột động mạch vành. Bên cạnh đó thì tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, stress, các bệnh bẩm sinh gây tắc mạch máu cũng dẫn đến căn bệnh này. Ngoài ra, trong máu có protein C và S được coi là các yếu tố chống lại quá trình đông máu, vì một lý do bất thường nào đó mà một số ít người bẩm sinh không có các thành phần này gây tăng đông trong máu dẫn đến tắc mạch nói chung, viêm tắc tĩnh mạch hay gặp nhất và một số ít bị nhồi máu cơ tim. Nếu một bệnh nhân bị viêm tắc tĩnh mạch nhập viện, các bác sĩ thường phải kiểm tra xem có thiếu hai yếu tố này không để có hướng điều trị thích hợp. Để bổ sung sự thiếu hụt, người ta sử dụng thuốc chống đông, một số trường hợp phải dùng suốt đời. Càng trẻ càng nguy Đối với người cao tuổi, nguyên nhân chủ yếu của nhồi máu cơ tim là xơ vữa động mạch diễn ra nhiều năm. Còn với người dưới 40 tuổi, chủ yếu là do huyết khối trong lòng động mạch do stress, béo phì, nghiện thuốc lá nhiều năm liền.
Nếu như ở người cao tuổi, xơ vữa động mạch diễn ra từ từ làm cơ tim có sự thích nghi nhất định với tình trạng thiếu máu thì ở người trẻ tuổi, lòng động mạch đang rất sạch và trơn láng, đột ngột xuất hiện huyết khối làm tắc nghẽn mạch máu nuôi cơ tim. Bản thân cơ tim ở người trẻ tuổi cũng chưa hề trải qua sự thiếu máu dần dần như người già nên không kịp thích nghi và bị hoại tử nhanh chóng. Người trẻ lại thường chủ quan không nghĩ mình mắc phải căn bệnh này nên càng dễ nguy hiểm đến tính mạng. Xử trí thế nào? Tất cả bệnh nhân nhồi máu cơ tim đều được đặt trong tình trạng cấp cứu. Ngay sau khi bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện, phải thực hiện điều trị tái tưới máu động mạch vành ngay cho bệnh nhân bằng thuốc, phẫu thuật bắc cầu nối chủ – vành hoặc can thiệp tim mạch. Đa số bệnh nhân phải dùng lâu dài các thuốc aspirin, thuốc chẹn bêta giao cảm, thuốc statin và một thuốc ức chế men chuyển. Những ai cần phải đặc biệt lưu ý? Những người phải chú ý đến nguy cơ nhồi máu cơ tim không phân biệt tuổi tác là người có xơ vữa động mạch, béo phì, tăng huyết áp, hút thuốc lá nhiều năm, hay uống rượu, chịu nhiều áp lực công việc như người làm kinh doanh, người bị stress, trong gia đình có người bị nhồi máu cơ tim... Những đối tượng này nếu thấy biểu hiện của bệnh cần được đưa đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. Muốn phòng bệnh, mọi người cần kiểm soát cân nặng, ăn nhiều rau quả, ít muối, hạn chế mỡ, chăm tập luyện thể thao, có cuộc sống tinh thần thoải mái và tuyệt đối không hút thuốc lá.
PGS.TS.BS Nguyễn Quang Tuấn Trưởng khoa C4, viện Tim mạch Việt Nam.
Bài viết cùng chủ đề
- Điều trị suy tim
- 1
- 911