Gần 1 tuần qua tại các tỉnh miền Bắc, nhiệt độ xuống thấp đã khiến nhiều người già và trẻ nhỏ phải nhập viện vì các bệnh về mạch máu và đường hô hấp.
Ngày 12-11-2011, Khoa Y Thần kinh - bệnh viện (BV) Bạch Mai tiếp nhận gần 50 bệnh nhân (BN) trong tình trạng hôn mê, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, chảy máu não, liệt nửa người... chủ yếu là do tăng huyết áp. Khoa cấp cứu bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) tiếp nhận hơn 20 ca tăng huyết áp, rối loạn tim mạch, suy hô hấp cấp... BV Lão khoa Quốc gia, 52 BN nhập viện có liên quan đến phổi, tim mạch (viêm phế quản mạn tính, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp). BV Nội tiết Trung ương tiếp nhận nhiều ca tăng huyết áp, tim mạch do biến chứng của bệnh đái tháo đường, badơđô... BV Nhi Trung ương có hơn 2000 bệnh nhi đến khám và điều trị các bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy do Rotavirus, sốt virus...
Thời tiết lạnh làm co mạch máu, khiến huyết áp tăng
Lý giải tình trạng này, các bác sĩ Khoa Thần kinh- BV Bạch Mai cho biết, thời tiết lạnh làm tăng tiết các Catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp, do vậy cũng làm tăng nhu cầu ôxy cho cơ tim. Nếu động mạch vành của những người đã từng bị tổn thương có thể gây ra triệu chứng đau ngực và gây nhồi máu cơ tim cấp.
Về mùa đông, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch mùa đông. Đặc biệt thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi. Với người cao tuổi, huyết áp tối đa cao không vượt quá 140 mmHg, huyết áp tối thiểu không vượt quá 90 mmHg. Nếu huyết áp tối thiểu quá 180 mmHg là điều rất đáng lo ngại. Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên... Nhiều người có tiền sử cao huyết áp lúc đó huyết áp sẽ tăng mạnh đến 200mmHg, nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong. Tuổi càng cao, tính đàn hồi của mạch máu càng thấp nên dễ bị xơ vữa, tắc hoặc vỡ. Đặc biệt những người bị bệnh tiểu đường nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn huyết áp kịch phát, nguy hiểm.
Qua điều trị, các bác sĩ phát hiện trên 30% BN không biết về tình trạng huyết áp của mình, chỉ gần 20% trường hợp dùng thuốc hàng ngày. Triệu chứng chủ yếu của bệnh là đau nhức đầu ( thường là sau gáy), chóng mặt, hồi hộp, mờ mắt, buồn nôn, ù tai, bất lực (nam giới), dễ mệt, toát mồ hôi, yếu nửa người hay yếu một chi, đau ngực, khó thở, tiểu nhiều, tăng cân, dễ xúc động.
Tuy nhiên thực tế có đến một nửa số BN về mặt lâm sàng không có các biểu hiện trên. Khi đã phát bệnh thì hậu quả rất nghiêm trọng, nó trực tiếp tác động đến những bộ phận điểm yếu của cơ thể, thậm chí dẫn đến tử vong.
Không nên tùy tiện điều trị
Đây là khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Văn Long- Khoa Khám- BV Lão Khoa. Với người cao tuổi, không nên giảm huyết áp quá nhanh, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Do sự phản ứng của mạch máu ở người già không tốt, nếu giảm huyết áp quá nhanh, cơ thể sẽ không thích ứng được sẽ xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. Các triệu chứng này sẽ ngày một nặng hơn.
Những BN bị tăng huyết áp, nên uống các thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của bác sĩ. Các thuốc hạ huyết áp được kê đơn uống vào buổi sáng nên uống ngay khi ngủ dậy, trước khi làm vệ sinh thân thể hay ăn sáng.
Những người tăng huyết áp hay có bệnh động mạch vành nên được theo dõi định kỳ, nhất là khi chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời. Những BN nặng phải được cấp cứu kịp thời và điều trị bằng thuốc nước, hiệu quả sẽ tốt hơn. Không được dừng thuốc đột ngột.
Vào những ngày giá rét, người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể, chú ý điều chỉnh lối sống và thói quen ăn ngủ hàng ngày. BN huyết áp cao phải ăn thanh đạm và không nên tập luyện vào buổi sáng, tránh mọi hoạt động nhanh, mạnh vào sáng sớm.
Nói về tình trạng trẻ nhập viện tăng bất ngờ trong tuần qua, TS Trần Minh Điền- Phó giám đốc BV Nhi Trung ương khuyến cáo, thời tiết từ ấm chuyển sang lạnh đột ngột là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển gây nhiễm khuẩn đường hô hấp của trẻ khiến trẻ bị viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm phổi. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, trẻ sẽ bị suy hô hấp dễ dẫn đến tử vong. Thực tế các bệnh do virus không cần dùng đến kháng sinh mà cần được chăm sóc tốt về dinh dưỡng và theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh. Khi trẻ có biểu hiện ngủ li bì, ăn kém, thở rít... cần được nhanh chóng chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bài viết cùng chủ đề
- Điều trị suy tim
- 1
- 910