Thời gian để thai nhi phát triển trong bụng mẹ là chín tháng mười ngày, quá sớm hoặc quá muộn so với thời gian này đều nguy hại đến sức khỏe của mẹ và bé.
Sinh non
Khi trẻ được sinh ra ở tuổi thai từ hết 23 tuần đến trước 37 tuần tuổi, gọi là sinh non. TS Lê Thị Thu Hà - BV Từ Dũ TP.HCM cho biết: “Sinh non ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ ở giai đoạn sau sinh và về sau. Sinh non là nguyên nhân chính (chiếm đến 70%) của tử suất và bệnh suất sơ sinh. Sinh non dẫn đến chứng suy hô hấp trẻ sơ sinh do phổi chưa trưởng thành, tăng nguy cơ xuất huyết trong các não thất, nhiễm trùng huyết, viêm ruột hoại tử. Trẻ cực non có nhiều nguy cơ bại não, tỷ lệ bại não ở trẻ sinh đủ tháng là 1/1.000, tỷ lệ này là 91/1.000 ở trẻ sinh ra ở tuổi thai 23 - 27 tuần. Trẻ đủ tháng chậm phát triển tinh thần chiếm 4/1.000, trong khi đó ở trẻ sinh non là 44/1.000”. Trẻ sinh non còn có nguy cơ bị bong võng mạc sơ sinh, có thể gây mù lòa. BS Trần Thị Phương Thu - Hội Nhãn khoa TP.HCM cho biết: “Các bé sinh thiếu tháng tại bệnh viện sản luôn được kiểm tra võng mạc. Nếu phát hiện mắc bệnh bong võng mạc sơ sinh sẽ chuyển đến BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, BV Mắt TP.HCM điều trị sớm”.
Trẻ sinh non dễ bị bệnh đường ruột do thiếu men tiêu hóa, từ đó việc hấp thu các chất dinh dưỡng khó khăn, hậu quả là trẻ suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng và dễ mắc bệnh. Trước đây, trẻ sinh non 28 tuần thường tử vong nhưng nay BV Từ Dũ, BV Hùng Vương TP.HCM đã nuôi được. Điều cần biết là chi phí chăm sóc trẻ non tháng cao gấp nhiều lần so với trẻ đủ tháng. Do đó, ngăn ngừa sinh non là điều mà các bà bầu nên nghĩ tới. Có nhiều yếu tố dẫn đến nguy cơ sinh non: đa thai, đa ối, hở eo tử cung, tử cung hai sừng, mẹ có bệnh: nhiễm trùng, viêm cổ tử cung - âm đạo, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim, bệnh thận, bệnh gan, thiếu máu,... mẹ bị chấn thương, té ngã...
Y học có thể can thiệp dự phòng sinh non bằng một số cách như: khâu eo tử cung khi có hở eo tử cung; điều trị các bệnh lý cho mẹ trước và trong khi mang thai, dùng thuốc giảm co thắt tử cung khi có dấu hiệu co bóp nhiều. Ngoài ra, người mẹ khi mang thai không nên chạy nhảy hoặc tập thể dục với động tác quá mạnh.
Chửa trâu!
Thai được gọi là quá ngày khi “lố” hai tuần so với ngày dự sinh. Các bà mẹ thường suy nghĩ đơn giản là thai quá ngày thì con “ở trọ” thêm một chút sẽ lớn hơn một chút. Nhưng theo BS Vũ Thị Nhung - BV Hùng Vương TP.HCM, khi thai vượt quá 42 tuần, tỷ lệ thai chết lưu, thai chết sau sinh tăng từ 4-7/1.000 so với 2-3/1.000 thai sinh ở tuần thứ 40. Tỷ lệ này tăng gấp bốn lần khi sinh lúc 43 tuần và gấp từ năm đến bảy lần khi sinh lúc 44 tuần nếu so với tỷ lệ sinh lúc 40 tuần. Nếu thai già tháng mà thai phụ lại bị bệnh đái tháo đường, béo phì thì khả năng sinh con to từ 4,5kg trở lên rất cao. Thai quá to, nếu sanh ngả âm đạo có thể bị kẹt vai biến chứng gãy xương đòn, liệt đám rối cánh tay…
BS Huỳnh Thị Thu Thủy - PGĐ BV Từ Dũ TP.HCM cho biết: “Thai quá ngày, có thể suy dinh dưỡng hoặc nặng hơn trẻ bình thường. Tuy nhiên, cả hai trường hợp này đều bị các rối loạn chuyển hóa như: hạ đường huyết, rối loạn tiêu hóa… nguy hiểm đến sức khỏe của bé sau này.”
Thực tế cho thấy, các trường hợp thai già tháng nuôi khó hơn non tháng vì khó điều chỉnh các rối loạn của bé. Do đó BS Huỳnh Thị Thu Thủy khuyên: “Nên đi khám thai định kỳ sớm để chẩn đoán đúng ngày dự sinh. Tới ngày dự sinh, nếu không thấy dấu hiệu gì cũng đi khám, không nên chờ đau bụng chuyển dạ rồi mới đến bệnh viện”.
Cho đến nay, chưa có tiêu chuẩn lâm sàng hay cận lâm sàng nào giúp chẩn đoán chính xác thai già tháng mà chỉ có thể xác định thai đủ trưởng thành hay chưa, hoặc có nguy cơ suy thai hay không để có hướng xử trí thích hợp. Thông thường, để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc, giới y khoa kết thúc thai kỳ vào tuần thứ 41 hoặc đúng ngày dự sinh nếu siêu âm có những bất thường về nước ối (đo xoang ối phát hiện thiểu ối, chọc dò ối để xác định độ trưởng thành của thai, soi ối nếu nước ối có màu bất thường do lẫn phân su chứng tỏ thai suy trường diễn…).
(Phunuonline)
Sinh non
Khi trẻ được sinh ra ở tuổi thai từ hết 23 tuần đến trước 37 tuần tuổi, gọi là sinh non. TS Lê Thị Thu Hà - BV Từ Dũ TP.HCM cho biết: “Sinh non ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ ở giai đoạn sau sinh và về sau. Sinh non là nguyên nhân chính (chiếm đến 70%) của tử suất và bệnh suất sơ sinh. Sinh non dẫn đến chứng suy hô hấp trẻ sơ sinh do phổi chưa trưởng thành, tăng nguy cơ xuất huyết trong các não thất, nhiễm trùng huyết, viêm ruột hoại tử. Trẻ cực non có nhiều nguy cơ bại não, tỷ lệ bại não ở trẻ sinh đủ tháng là 1/1.000, tỷ lệ này là 91/1.000 ở trẻ sinh ra ở tuổi thai 23 - 27 tuần. Trẻ đủ tháng chậm phát triển tinh thần chiếm 4/1.000, trong khi đó ở trẻ sinh non là 44/1.000”. Trẻ sinh non còn có nguy cơ bị bong võng mạc sơ sinh, có thể gây mù lòa. BS Trần Thị Phương Thu - Hội Nhãn khoa TP.HCM cho biết: “Các bé sinh thiếu tháng tại bệnh viện sản luôn được kiểm tra võng mạc. Nếu phát hiện mắc bệnh bong võng mạc sơ sinh sẽ chuyển đến BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, BV Mắt TP.HCM điều trị sớm”.
Trẻ sinh non dễ bị bệnh đường ruột do thiếu men tiêu hóa, từ đó việc hấp thu các chất dinh dưỡng khó khăn, hậu quả là trẻ suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng và dễ mắc bệnh. Trước đây, trẻ sinh non 28 tuần thường tử vong nhưng nay BV Từ Dũ, BV Hùng Vương TP.HCM đã nuôi được. Điều cần biết là chi phí chăm sóc trẻ non tháng cao gấp nhiều lần so với trẻ đủ tháng. Do đó, ngăn ngừa sinh non là điều mà các bà bầu nên nghĩ tới. Có nhiều yếu tố dẫn đến nguy cơ sinh non: đa thai, đa ối, hở eo tử cung, tử cung hai sừng, mẹ có bệnh: nhiễm trùng, viêm cổ tử cung - âm đạo, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim, bệnh thận, bệnh gan, thiếu máu,... mẹ bị chấn thương, té ngã...
Y học có thể can thiệp dự phòng sinh non bằng một số cách như: khâu eo tử cung khi có hở eo tử cung; điều trị các bệnh lý cho mẹ trước và trong khi mang thai, dùng thuốc giảm co thắt tử cung khi có dấu hiệu co bóp nhiều. Ngoài ra, người mẹ khi mang thai không nên chạy nhảy hoặc tập thể dục với động tác quá mạnh.
Chửa trâu!
Thai được gọi là quá ngày khi “lố” hai tuần so với ngày dự sinh. Các bà mẹ thường suy nghĩ đơn giản là thai quá ngày thì con “ở trọ” thêm một chút sẽ lớn hơn một chút. Nhưng theo BS Vũ Thị Nhung - BV Hùng Vương TP.HCM, khi thai vượt quá 42 tuần, tỷ lệ thai chết lưu, thai chết sau sinh tăng từ 4-7/1.000 so với 2-3/1.000 thai sinh ở tuần thứ 40. Tỷ lệ này tăng gấp bốn lần khi sinh lúc 43 tuần và gấp từ năm đến bảy lần khi sinh lúc 44 tuần nếu so với tỷ lệ sinh lúc 40 tuần. Nếu thai già tháng mà thai phụ lại bị bệnh đái tháo đường, béo phì thì khả năng sinh con to từ 4,5kg trở lên rất cao. Thai quá to, nếu sanh ngả âm đạo có thể bị kẹt vai biến chứng gãy xương đòn, liệt đám rối cánh tay…
BS Huỳnh Thị Thu Thủy - PGĐ BV Từ Dũ TP.HCM cho biết: “Thai quá ngày, có thể suy dinh dưỡng hoặc nặng hơn trẻ bình thường. Tuy nhiên, cả hai trường hợp này đều bị các rối loạn chuyển hóa như: hạ đường huyết, rối loạn tiêu hóa… nguy hiểm đến sức khỏe của bé sau này.”
Thực tế cho thấy, các trường hợp thai già tháng nuôi khó hơn non tháng vì khó điều chỉnh các rối loạn của bé. Do đó BS Huỳnh Thị Thu Thủy khuyên: “Nên đi khám thai định kỳ sớm để chẩn đoán đúng ngày dự sinh. Tới ngày dự sinh, nếu không thấy dấu hiệu gì cũng đi khám, không nên chờ đau bụng chuyển dạ rồi mới đến bệnh viện”.
Cho đến nay, chưa có tiêu chuẩn lâm sàng hay cận lâm sàng nào giúp chẩn đoán chính xác thai già tháng mà chỉ có thể xác định thai đủ trưởng thành hay chưa, hoặc có nguy cơ suy thai hay không để có hướng xử trí thích hợp. Thông thường, để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc, giới y khoa kết thúc thai kỳ vào tuần thứ 41 hoặc đúng ngày dự sinh nếu siêu âm có những bất thường về nước ối (đo xoang ối phát hiện thiểu ối, chọc dò ối để xác định độ trưởng thành của thai, soi ối nếu nước ối có màu bất thường do lẫn phân su chứng tỏ thai suy trường diễn…).
(Phunuonline)