Một đứa trẻ không bao giờ quá nhỏ để kiểm tra thính lực. Nếu khi trẻ cần mang máy nghe, hãy chọn loại máy có độ khuyếch đại thích hợp.
Gắn máy nghe cho trẻ em
Trẻ em mang máy nghe cần có độ khuyếch đại thích hợp để phát triển tối ưu các kỹ năng giao tiếp. Bước đầu của quy trình gắn máy nghe cho trẻ bằng test hành vi (behavioral audiogram). Kết quả này xác định ngưỡng nghe của bé là mức mà bé phát hiện âm thanh được tính bằng dB. Bạn cần biết ngưỡng nghe của bé và ngưỡng nghe cần có khi mang máy nghe. Sự khác nhau giữa 2 kết quả này ở mỗi tần số là mức khuyếch đại cần có. Máy nghe nhận và được chỉnh mức khuyếch đại phù hợp cho mỗi tần số. Vì vậy việc có được ngưỡng nghe chưa trợ thính và sau đó kiểm tra lại ngưỡng nghe có mang máy trợ thính là việc quan trọng. Quá trình này giúp cho bạn biết được mức khuyếch đại mà đứa trẻ cần.
*Nên đưa bé đi kiểm tra thính lực nếu bé có dấu hiệu nghe kém
Nếu đứa trẻ đã có thể nhắc lại các từ, tốt nhất nên sử dụng test phân biệt lời (word discrimination test) không mang máy nghe và có mang máy nghe. Trong khi kiểm tra bằng test này, trẻ nhắc lại một danh sách các từ, những từ nhắc đúng sẽ được tổng hợp tính phần trăm. Nếu điểm số khi mang máy nghe không cải thiện rõ rệt thì máy nghe này không phù hợp với trẻ. Tuy nhiên, một số trẻ quá nhỏ để làm test này thì test hành vi với có và không có mang máy nghe là test cơ bản để phục vụ việc gắn máy nghe cho trẻ nhỏ. Máy nghe sau tai thường được khuyên sử dụng cho trẻ em vì nó kín đáo và chắc chắn. Máy nghe sau tai gắn với tai của trẻ và nối với tai trẻ bằng núm tai. Thực tế hầu hết trẻ em sử dụng máy nghe sau tai vì nó không phụ thuộc vào kích thước ống tai của trẻ. Nhiều cha mẹ cũng thích máy nghe sau tai vì nó dễ theo dõi và kiểm soát.
Mặc dầu máy nghe sau tai tương đối nhỏ, chúng có vẻ lớn so với đầu của trẻ nhỏ. Nhiều khi tai của trẻ không đủ lớn để giữ máy nghe sau tai. Tuy nhiên, gắn thêm móc tai và núm tai cũng đủ để giữ máy nghe sau tai nằm đúng vị trí. Một ống được làm thêm để giữ máy nghe sau tai. Ống này được gắn với máy nghe sau tai và giữ nó nằm trên đầu trẻ.
Trẻ em mang máy nghe cần được kiểm tra ngưỡng nghe không mang máy và mang máy mỗi năm để biết sức nghe của trẻ có thay đổi không và máy nghe còn phù hợp với trẻ không.
Việc cho con bạn chịu mang máy nghe có thể gặp khó khăn. Một số trẻ em khi mang máy nghe không phàn nàn gì thậm chí còn rất sung sướng khi được mang nó lần đầu, trong khi một số trẻ khác không chịu và luôn luôn cố gắng tháo máy ra. Hãy nhớ bạn đang đặt một vật vào tai con bạn mà trước đây chưa từng có. Trẻ càng lớn càng dễ chống đối việc bị kéo tai và cho vật gì vào tai. Một số chỉ dẫn sau đây có thể giúp con bạn chịu mang máy nghe và quan trọng hơn nữa là giúp chúng nhận ra những ích lợi từ việc mang máy nghe:
- Hãy làm ấm núm tai trước khi đưa nó vào tai trẻ. Bằng cách này sẽ ít gây sốc cho con bạn. Núm tai ấm sẽ dễ chịu hơn, dễ uốn hơn và dễ đưa vào ống tai hơn.
- Hãy tăng từ từ thời gian mang máy nghe cho bé. Bắt đầu bằng việc cho trẻ mang máy nghe vài phút nhưng nhiều lần trong ngày. Sau đó thời gian mang máy nghe mỗi lần ngày càng kéo dài hơn.
- Hãy thu hút trẻ bằng đồ vật gì đó khi bạn mang máy nghe cho trẻ - ví dụ đồ chơi mà trẻ ưa thích. Có thể bạn sẽ mua đồ chơi trẻ đặc biệt thích và sử dụng mỗi khi gắn máy. Với cách này đứa trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu và mong chờ được gắn máy.
- Không bao giờ được bắt trẻ phải mang máy. Quan trọng là phải cố gắng làm cho trẻ thích mang máy nghe và nhận ra ích lợi của việc mang máy.
- Nếu có thể hãy để bé nhìn thấy người lớn và trẻ em đã mang máy nghe. Điều làm cho trẻ cảm thấy không phải chỉ có mình mình mang máy nghe.
- Hãy làm cho máy nghe đẹp hơn thu hút hơn bằng màu sắc hoặc dấu ấn riêng. Bạn có thể có những phần thưởng nếu bé mang máy nghe lâu hơn.
- Cố gắng làm cho việc mang máy nghe như một phần việc của mặc quần áo hàng ngày. Buổi sáng mang máy nghe khi mặc quần áo và lấy máy nghe ra vào buổi tối khi thay quần áo đi ngủ.
- Hãy làm điều gì mà bạn chắc con bạn thấy dễ chịu. Ví dụ bạn có thể mua các dải băng gắn quanh máy và tai của trẻ để bảo vệ máy nghe.
Kiểm tra thính lực cho trẻ em
Một đứa trẻ không bao giờ quá nhỏ để kiểm tra thính lực.
Trẻ sơ sinh thường được tầm soát để phát hiện điếc trước khi rời khỏi bệnh viện, nhưng nếu con bạn có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có vấn đề về nghe hãy cho bé được kiểm tra thính lực kỹ càng. Có nhiều phương pháp để kiểm tra thính lực cho trẻ nhỏ. Sử dụng phương pháp nào phụ thuộc vào chức năng nhận thức và tuổi của trẻ.
Trẻ nhỏ có 2 cách để kiểm tra thính lực: test hành vi và test sinh lý điện. Test đánh giá qua quan sát hành vi (Behavioral Observation Assesement = BOA) được thực hiện bởi một nhà thính học người được đào tạo đặc biệt để phát hiện những đáp ứng cơ thể của trẻ với âm thanh – như là ngừng hoạt động, chuyển động cơ thể, chớp mắt, mở mắt hoặc thay đổi tốc độ bú.
Đo điện thính giác thân não (ABR) là một test sinh lý điện được sử dụng thêm để đánh giá thính giác cũng như nghiệm pháp đo âm ốc tai (OAE). Hai nghiệm pháp này thường được thực hiện trong khi bé ngủ. Khi trẻ em lớn hơn, khả năng đáp ứng với âm thanh phát triển. Trẻ nghe bình thường 6 - 7 tháng tuổi thường quay về hướng âm thanh được phát ra. Vào độ tuổi này trẻ em được kiểm tra sử dụng chụp tai hoặc trong phòng cách âm sử dụng loa. Âm thanh sử dụng là những âm có âm sắc từ trầm đến cao nằm trong dãy tần tiếng nói bình thường. Quay về nguồn phát âm thanh được làm cho kích thích hơn bằng các đồ chơi phát sáng. Phương pháp này được gọi là phương pháp đo thính lực tăng cường nhờ nhìn (Visual Reinforcement Audiometry = VAR) và là phương pháp chính xác điển hình để xác định mức nghe của trẻ.
Nếu trẻ em 2 tuổi rưỡi đến 3 tuổi có thể dùng phương pháp vừa đo vừa chơi (play audiometry) để kiểm tra. Ở phương pháp này trẻ em được mang chụp tai và chơi các loại trò chơi xếp theo màu, theo hình… khi nghe thấy âm thanh thử. Trẻ lớn và người lớn sẽ kiểm tra bằng phương pháp đo thính lực thông thường (standard audiometry). Phương pháp này yêu cầu bệnh nhân giơ tay hay bấm nút báo hiệu khi nghe âm thử.
Dấu hiệu nghe kém ở trẻ em
Nếu bạn không biết con bạn có vấn đề về nghe thì không thể giúp gì cho bé. Có 2 loại điếc cơ bản ở trẻ em: điếc bẩm sinh và điếc mắc phải. Điếc bẩm sinh là điếc ngay khi mới sinh ra; trong khi điếc mắc phải là bị điếc sau khi đã sinh ra. Cả 2 loại điếc này đều có thể có 3 dạng điếc: điếc thần kinh, điếc dẫn truyền, điếc hỗn hợp.
Các dấu hiệu và triệu chứng nghe kém của trẻ này khác trẻ kia. Liệt kê dưới đây là những dấu hiệu thông thường giúp cho bạn biết con mình có nghe kém hay không:
- Trẻ 3 - 4 tháng tuổi vẫn không phản ứng với âm thanh.
- Con của bạn chú ý đến những rung động hơn là tiếng động.
- Con của bạn một tuổi mà vẫn không nói được những từ ngắn như “ba ba”, “ma ma”.
Con của bạn có vẻ như nghe được vài âm thanh, còn những âm thanh khác không nghe.
- Con của bạn không đáp ứng khi bạn nói.
- Con của bạn không lặp lại bất kỳ âm, từ nào bạn nói ra.
- Con của bạn không dùng giọng của mình để thu hút sự chú ý của người khác.
- Con của bạn không đáp ứng với âm nhạc, chuyện kể hoặc thơ ca.
- Con của bạn chưa bao giờ nói ghép 2 từ hoặc nhiều hơn.
Thậm chí con bạn không có dấu hiệu bị khiếm thính khi mới sinh ra, bé cũng có thể bị nghe kém tạm thời hay vĩnh viễn trong thời gian lớn lên. Những dấu hiệu trẻ lớn hơn bị nghe kém bao gồm :
- Trẻ nghe TV, đài ở cường độ lớn hơn bình thường.
- Trẻ không quay lại khi bạn gọi tên hay trả lời khi bạn hỏi điều gì đó.
- Trẻ có vấn đề về nói.
- Trẻ có vấn đề về học.
- Trẻ phàn nàn bị đau tai.
- Trẻ dường như nói chuyện khác với trẻ cùng độ tuổi.
Hãy nhớ nghe kém ở trẻ thường tạm thời do có ráy tai hay bị viêm tai. Nhiều trẻ nghe kém tạm thời có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật nhỏ. Một vài trẻ bị điếc thần kinh giác quan cũng được gọi là điếc thần kinh bị nghe kém vĩnh viễn. Hầu hết các trẻ này có sức nghe còn lại có thể sử dụng với máy nghe và trẻ nhỏ khoảng 3 tháng tuổi có thể gắn máy nghe. Nếu con của bạn có các dấu hiệu nghe kém thì nên đưa con bạn đi kiểm tra thính lực.
BS.CKII. NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY
Nguồn: SKDS
Bài viết cùng chủ đề
- “Kéo dài” chiều cao cho con
- 0
- 1,360
- “Chữa bệnh” tâm lý ở trẻ
- 0
- 1,134
- Đừng “ủ” con quá kỹ
- 0
- 1,314
- Đừng hôn lên môi trẻ
- 0
- 2,167