Cuối tháng 10 vừa qua, khoa Nam học, Bệnh viện (BV) Bình Dân (TP.HCM) tiếp nhận một nam bệnh nhân gần 40 tuổi vào viện trong tình trạng dương vật bị cương cứng kéo dài, sung huyết, phù nề rất to. Các bác sĩ khẩn cấp tiến hành chọc hút thể hang của dương vật, tạo đường thông thương giữa thể hang và thể xốp nhằm "bình thường hóa" cho "cậu nhỏ" đang bị phình rất to.
Qua tìm hiểu, các bác sĩ biết được, trước đó để cải thiện chuyện tế nhị của đấng nam nhi, người đàn ông trên tự ý tìm mua 4 viên thuốc được giới thiệu có công dụng trị rối loạn cương (RLC) với giá 50 ngàn đồng/vỉ 4 viên. Uống chưa hết vỉ thì bị biến chứng như nói trên.
Mới đây, BV này cũng tiếp nhận một nam sinh viên, 24 tuổi, ở TP.HCM vào viện vì biến chứng sau khi dùng thuốc trị RLC, toàn thân bị dị ứng, nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy. Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng (Phó khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân) cho biết: "Thực chất nam sinh viên này không bị RLC, mà bị rối loạn tâm lý, cậy ấy cứ lo sợ mình bị RLC nên tự tìm thuốc mua uống". Bác sĩ Dũng tiết lộ, trường hợp các quý ông tự mua, dùng thuốc và bị tai biến phải vào viện cấp cứu là rất thường gặp. "Tai biến này rất nguy hiểm, vì nếu không được xử trí kịp thời sẽ khiến xơ hóa thể hang, gây RLC còn nặng hơn nữa, hoặc thậm chí dẫn đến hậu quả liệt dương luôn", bác sĩ Dũng khuyến cáo.
Với những trường hợp dùng tân dược trị RLC bị biến chứng cương kéo dài cần phải nhập viện để được xử trí cho dương vật trước 6 giờ, tính từ lúc bị tai biến. Vì nếu để lâu sẽ dẫn đến xơ hóa thể hang, gây liệt dương.
Người bệnh tim mạch nên cẩn trọng
PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Trường Đại học Y Dược (TP.HCM) - Tổng thư ký Hội Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch TP, khuyến cáo: "Các thuốc điều trị RLC hiện nay trên thế giới và ở trong nước phần lớn là các loại thuốc có tác dụng làm giãn mạch máu, chủ yếu là động mạch, gây hạ huyết áp. Do tác dụng làm giãn động mạch, lượng máu sẽ về các động mạch nhỏ như động mạch vành tim, động mạch sinh dục dễ dàng hơn và có tác dụng giúp động tác cương lên của dương vật trở nên dễ dàng, nhất là ở những bệnh nhân lớn tuổi bị bệnh tiểu đường hay bệnh xơ vữa động mạch. Bản thân các thuốc này như Viagra Sednefil lúc đầu được nghiên cứu để điều trị cho người bệnh cao huyết áp có tăng áp động mạch phổi, và trong quá trình dùng thuốc các nhà chuyên môn mới phát hiện ra đặc tính điều trị RLC, thực chất là tác dụng phụ của thuốc, vì thế về sau người ta dùng Viagra để điều trị RLC là chính, chứ không phải như công dụng khởi nguyên ban đầu của nó".
Thuốc trị rối loạn cương trôi nổi rất dễ gây những biến chứng khó lường - Ảnh: Thanh Tùng
PGS-TS Nam phân tích: "Ở những bệnh nhân bị RLC, các thầy thuốc khuyên rằng, nên đi khám kiểm tra sức khỏe trước khi sử dụng đề phòng những bệnh tim nặng có thể gây đột tử trong lúc "hành sự". Tránh sử dụng thuốc trị RLC đồng thời với các loại thuốc làm giãn động mạch vành tim như các chế phẩm của Nitrate. Trong lịch sử đã có những vị vua bị đột tử trong lúc "hành sự", người ta thường cho nguyên nhân của nó là thượng mã phong. Nhưng không phải mọi trường hợp đều là thượng mã phong, mà có thể có một số vị vua do sử dụng các loại thuốc đông dược có tác dụng cường dương quá liều".
Tương tự, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng cũng khuyến cáo, phần lớn các nhóm thuốc tân dược điều trị RLC đều có những phản ứng phụ sau khi dùng như: hoa mắt, phừng đỏ mặt, nghẹt mũi, đau lưng, đau cơ - là những biểu hiện rất thường xảy ra, nhưng người bệnh có thể chịu đựng được. Tuy nhiên, khuyến cáo là nhóm thuốc trị RLC này không được dùng chung với các thuốc chứa Nitrat (thuốc điều trị trong bệnh cơn đau thắt ngực), vì dễ dẫn đến tác dụng "hiệp đồng" gây tụt huyết áp rất nguy hiểm, có thể đưa đến tử vong. "Với những người bệnh có vấn đề về tim mạch cần phải thận trọng khi sử dụng các thuốc trị RLC. Cần sử dụng theo hướng dẫn của nhà chuyên môn, không được tự ý dùng. Người đang dùng thuốc chữa bệnh tim mạch, nếu muốn dùng các tân dược trị RLC thì phải cho bác sĩ điều trị biết rõ thuốc tim mạch mình đang dùng để tránh nguy cơ gặp phải tác dụng "hiệp đồng" gây nguy hiểm. Ngoài ra, những người có bất thường về mạch máu, tĩnh mạch, hay bệnh lý hồng cầu khi dùng các thuốc tân dược trị RLC cũng cần lưu ý vì dễ làm cho những bệnh lý đó nặng nề hơn", bác sĩ Dũng nói.
Một số nhà thuốc hiện nay cũng chủ động không bán các tân dược trị RLC cho người không có toa chỉ định từ bác sĩ, vì theo họ loại thuốc này phải bán theo đơn, và cần được theo dõi về tim mạch, huyết áp…
Bài viết cùng chủ đề
- Điều trị suy tim
- 1
- 900