Sữa và Nuôi dưỡng trẻ em bằng sữa


Nguyễn Đình Nguyên

Trong thời gian gần đây, vừa lắng đi sự cố sữa bị nhiễm hóa chất melamine ở quá ngưỡng an toàn, thì lại dấy lên thông tin về sữa thiếu chất lượng; cụ thể là sữa bày bán ở thị trường bị thiếu hụt lượng đạm nghiêm trọng thông qua con số thông báo trên nhãn không phù hợp với mức độ thực tế do thanh tra đo lường. Nhiều ý kiến, bàn thảo được đưa ra về hàm lượng đạm và vai trò dinh dưỡng của đạm trong sữa cũng như của sữa ở trẻ em, tuy nhiên cho thấy có sự có sự lúng túng và nhầm lẫn về loại sữa, đạm trong sữa, và vai trò dinh dưỡng của sữa đối với trẻ em, kể cả ý kiến của một số nhà chuyên môn. Bài viết này, nhằm giới thiệu tổng quát một cách vắn tắt về sữa và vai trò của sữa trong nuôi dưỡng trẻ em để cho người tiêu dùng có thêm kiến thức về thực hành nuôi dưỡng con em mình.


Sữa mẹ


Phải nói trước tiên rằng, hầu hết các trẻ em khi sinh ra là cần được nuôi bằng sữa mẹ, bất kể là trẻ sinh non, bệnh tật, và rất hiếm các trường hợp ngoại lệ có chỉ định của bác sĩ mới không nuôi con bằng sữa mẹ ngay từ khi sinh mà thôi. Tại sao lại như vậy? Sữa mẹ là sữa người, là một loại sữa duy nhất để nuôi con nhỏ vì đặc tính ưu việt của nó so với tất cả các sữa của động vật khác loài người. Sữa mẹ ưu việt và ở vị thế tuyệt đối giúp cho trẻ sơ sinh đến hết thời kỳ bú mẹ tối ưu hóa về sự phát triển không chỉ về thể lực mà còn về trí tuệ, đồng thời ngăn ngừa bệnh tật cấp tính cũng như bệnh lý mãn tính về sau.


Tuyệt đại đa số, trẻ sơ sinh là bú mẹ được, và mẹ có sữa đủ cho con bú, dù mẹ ở lứa tuổi nào, con so hay con rạ, sinh thường hay phải mổ lấy thai. Tất cả trẻ từ sơ sinh cho đến 6 tháng, thức ăn chỉ là sữa mẹ, không cần thêm một thức ăn bổ sung nào khác, kể cả trái cây, nước lọc.


Tuy nhiên, có một số tỷ lệ rất nhỏ các trường hợp không nuôi con được bằng sữa mẹ, có thể do nguyên nhân ở mẹ hoặc ở con. Nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho các bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ hoặc không cho bú mẹ hoàn toàn được cho là thiếu sữa mẹ. Thế nhưng do cảm nhận chủ quan của người mẹ hoặc do tư thế cho bú không đúng, thực hành không đúng làm cho nguồn sữa mẹ bị thiếu hụt. Nếu được chỉ dẫn cụ thể, thì nguồn sữa mẹ có thể phục hồi. Chỉ có hạn hữu một số trường hợp là không đủ, và cần phải được bác sĩ chuyên khoa xác định. Phần còn lại có những lý do chính như mẹ phải dùng các thuốc trong thời kỳ cho con bú mà có khả năng thấm qua sữa mẹ và ảnh hưởng đến bé, hoặc mẹ mắc bệnh có thể lây sang con như HIV/AIDS…và mẹ thực sự không đủ sữa; về phần trẻ, có một số ít trẻ bị dị ứng sữa mẹ.


Trong mọi trường hợp quyết định trước khi cho trẻ dưới 6 tháng dùng sữa nhân tạo (sữa hộp), nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước.

 

Sữa nhân tạo nuôi dưỡng trẻ em
Khi thiếu hụt sữa mẹ nguồn thay thế bất đắc dĩ là sữa nhân tạo. Thành phần dinh dưỡng của sữa người mẹ không giống với bất kỳ một loại sữa của động vật nào khác, đó là chưa kể thành phần chức năng (ngừa bệnh tật, giúp trí não phát triển tốt) thì không có sữa động vật nào có được.
Hầu hết sữa của các động vật khác đều có nồng độ dinh dưỡng, đặc biệt là đạm rất cao, với mục đích chủ yếu là để tăng trọng lượng. Cấu trúc đạm cũng khác biệt, trong đó phải kể đến hai thành phần đạm chính yếu trong sữa đó là đạm whey và đạm casein. Đạm whey là đạm nước chiết tách ra từ khối đạm, có đặc tính dễ phân hóa thành đơn vị nhỏ, nên dễ hấp thu, nên còn gọi là đạm hấp thu nhanh; còn đạm casein là thành phần đạm đặc, đạm chứa nhiều phốt-pho, và nó lâu tiêu do phân hủy chậm.


Tỷ lệ đạm nước và đạm đặc trong sữa mẹ là 60:40, trong khi đó tỷ lệ này của sữa bò là nguyên chất là 80:20. Về mặt nguyên tắc đạm nước và đạm đặc đều có đậm độ năng lượng như nhau, nhưng đạm nước dễ phân hủy, hấp thu nhanh và dễ tiêu hơn, cơ thể sử dụng ngay nên cũng nhanh đói hơn; còn đạm đặc do tiêu hóa chậm, nên lại có tác dụng no kéo dài hơn, và tích lũy nhiều hơn. Đây là lý do tại sao trẻ bú ngoài hay bị táo bón, mà bú sữa mẹ thì không.


Đối với trẻ em dưới 6 tháng, khả năng tiêu hóa còn chưa tốt, và nhu cầu sử dụng năng lượng cũng không cao, vì vậy sữa động vật phải chế biến sao cho giống thành phần sữa mẹ nhất, đặc biệt là protein, cho nên loại sữa dành cho trẻ dưới 6 tháng gọi là sữa khởi đầu hoặc sữa loại 1, loại này có tỷ lệ đạm nước: đạm đặc là 60:40 như sữa mẹ.


Đối với trẻ trên 6 tháng, do nhu cầu năng lượng cao hơn và hệ tiêu hóa của cháu đã phần nào hoàn thiện nên có thể tiêu hóa được đạm đặc tốt hơn, và nhất là chống đói, nên thành phần đạm đặc cao hơn, và tỷ lệ đạm nước so với đạm đặc lúc này là 20:80, đây là sữa giai đoạn sau, hay còn gọi là sữa loại 2.
Ngoài ra, người ta còn phải thêm vào trong sữa bò đầy đủ các chất sinh tố vi lượng sao cho đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của bé trong một ngày.
Ba thành phần dinh dưỡng vĩ mô chính yếu đó là đạm, chất béo và carbohydrate ta hay gọi là đường. Để dễ kiểm soát, theo quy định chung, tất cả các sữa nuôi dưỡng trẻ em, thành phần dinh dưỡng phải được ghi rõ trên nhãn hộp sữa, tính theo đơn vị 100kcal và theo đơn vị 100ml sữa. Các thành phần dinh dưỡng này không được quá thấp, sẽ thiếu năng lượng và dinh dưỡng và cũng không được quá cao, trẻ sẽ thừa năng lượng, và thậm chí quá tải chức năng của trẻ, ví dụ như thừa đạm sẽ có thể tổn thương thận.
Trong 1 lít sữa nuôi dưỡng trẻ em chế biến từ nguồn sữa bò, lượng đạm tối thiểu phải có 12.6g và tối đa chỉ được 18g; tương tự chất béo là từ 30.8g – 36g; và carbohydrate từ 63g- 84g.
Trong khi đó, với 1 lít sữa bò tươi, lượng đạm có thể lên đến 32g, với tỷ lệ đạm nước quá thấp và đạm đặc quá cao (20:80) trẻ sẽ khó tiêu hóa và quá thừa đạm, mà lại thiếu hụt hầu hết các chất vi lượng cần thiết khác cho trẻ.
Sữa nuôi dưỡng trẻ em được trình bày dưới dạng sữa nước pha chế sẵn, sữa nước cô đặc và dạng sữa bột. Đối với sữa nước pha sẵn thì chỉ cần cho trẻ dùng ngay, không pha thêm gì khác. Nhưng loại này giá thành đắt. Đối với loại sữa nước cô đặc (không phải sữa đặc có đường) thì phải pha thêm nước theo hướng dẫn.
Sữa bột dinh dưỡng trẻ em là phổ biến nhất, giá rẻ hơn loại nước. Đối với sữa bột, khi pha chế sữa, nhất thiết phải tuân thủ theo quy cách pha đã hướng dẫn trên hộp sữa, phải dùng muổng (thìa) đong đi kèm theo hộp sữa, và không nên pha thêm bất kỳ một loại bột hay thức ăn nào vào trong sữa để tránh tình trạng làm tăng nồng độ thẩm thấu của sữa, trẻ sẽ bị tiêu chảy.


Ngoài loại sữa nhân tạo chính yếu và phổ biến này, còn có các loại sữa nhân tạo đặc biệt để sử dụng trong các trường hợp trẻ bệnh lý như trẻ bị dị ứng đạm của sữa động vật, trẻ hay nôn trớ…Cho nên, khi lựa chọn sữa cho con mình, tốt nhất là nên tham khảo với bác sĩ gia đình hoặc tại hiệu thuốc tây, và chỉ mua những hiệu sữa được xác nhận là sữa dinh dưỡng trẻ em được phép phân phối.


Ngày nay, có một số quảng cáo mới về các loại sữa cải tiến, có gia thêm các chất như DHA hoặc ARA, được cho là giúp trẻ phát triển trí não. Nhưng kỳ thực, chưa có đầy đủ bằng chứng khoa học để khẳng định tác dụng này. Dĩ nhiên là giá cả cao hơn loại sữa thông thường. Do đó không nhất thiết phải dùng sữa đắt tiền. Chỉ cần dùng sữa đúng tiêu chuẩn và rẻ tiền là đạt yêu cầu.


Không được dùng sữa bò nguyên chất bất kỳ dưới hình thức nào để nuôi dưỡng trẻ dưới 1 tuổi vì trẻ không có khả năng tiêu hóa hết. Trẻ 1 tuổi trở lên là có thể sử dụng được sữa tươi nguyên chất, nhưng không nên nuôi dưỡng trẻ em bằng sữa tách béo.

 
Có một số quan ngại cho rằng sữa thiếu đạm sẽ có nguy cơ gây cho trẻ em suy dinh dưỡng. Về mặt lý thuyết thì có thể xảy ra, nhưng trên thực tế thì điều này rất hiếm, hay có thể nói là chưa có bằng chứng. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sẽ có nguy cơ suy dinh dưỡng nếu chỉ nuôi con bằng nước cháo, như một số gia đình nghèo; và thực sự nếu có loại sữa dinh dưỡng cho trẻ em giả nào mà có rất ít đạm thì mới có nguy cơ này. Trong khi đó sữa dinh dưỡng trẻ em là loại sữa đặc biệt, chỉ có một số các công ty dinh dưỡng lớn mới có khả năng sản xuất. Đối với trẻ trên 6 tháng, sữa vẫn còn quan trọng nhưng đã giảm đáng kể và nguồn thức ăn được bổ sung bằng thức ăn đặc. Do đó, nếu trong thức ăn sam của trẻ không đủ đạm và chất vi lượng, năng lượng thì trẻ sẽ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng do thiếu đạm hay thiếu năng lượng bắt đầu từ lứa tuổi này. Ngoài 1 tuổi, nguồn dinh dưỡng chính của trẻ chắc chắn là thức ăn đặc, chứ không phải là sữa.


Do đó, nguy cơ chủ yếu của bệnh lý suy dinh dưỡng ở trẻ em là do thực hành nuôi dưỡng trẻ em không đúng cách, chứ không phải do sữa thiếu đạm.
Sữa nhân tạo thông thường
Sữa này rất phổ biến ở phương tây, và trong thời gian gần đây cũng đã phổ biến ở Việt nam. Rất nhiều bà mẹ đã nhầm lẫn loại sữa nhân tạo thông thường này với sữa nhân tạo nuôi dưỡng trẻ. Sữa nhân tạo thông thường, chủ yếu là chế phẩm từ sữa bò có thể là sữa nước hoặc sữa bột ở dạng nguyên hoặc tách béo.


Về quy định thành phần sữa nhân tạo thông thường có hai cách thức. Nếu là sữa chế biến để uống hàng ngày thì quy định cách ghi thành phần dinh dưỡng gần giống như sữa trẻ em, là mô tả trên đơn vị 100ml (không nhất thiết phải trên đơn vị 100kcal năng lượng), và trên một đơn vị khẩu phần dùng, thông thường là 250ml. Đối với sữa tươi nguyên kem thành phần đạm chỉ khoảng 3.0 -3.2g/100ml sữa, đối với sữa tươi tách béo thì thành phần đạm có thể cao hơn 3.4 đến 4.5g/100ml sữa.


Về hình thức thì cũng có hai dạng, dạng nước nguyên chất hoặc dạng bột khô. Đối với dạng bột khô thì phải ghi rõ cách thức pha chế sao cho cũng đạt được một đậm độ năng lượng và thành phần dinh dưỡng tương đương với sữa nguyên chất ban đầu.


Ngoài dạng sữa nhân tạo thông thường sử dụng để uống, chúng ta còn có loại sữa dùng để chế biến thức ăn. Hai loại chủ yếu này là sữa đặc có đường và sữa bột khô. Sữa bột khô dùng để chế biến thức ăn có thể khác với sữa bột dinh dưỡng ở chỗ trình bày thành phần tỷ lệ đạm, mỡ và carbohydrate. Theo quy định thì loại này có thể chỉ cần ghi tỷ lệ phần trăm của các yếu tố: độ ẩm, đạm, mỡ, carbohydrate và chất tạp (ash). Sữa bột chuẩn nguyên kem được chế từ sữa bò có tỷ lệ (tính trên đơn vị khô) độ ẩm 2 -4.5%; chất đạm 24.5-27%, chất béo 26-28.5%, carbohydrate 36-38.5% và tạp 5.5- 6.5%. Với sữa tách béo thì tỷ lệ đạm cao hơn, có thể đến 34% trọng lượng khô.


Vì không có trình bày đậm độ năng lượng và cách thức pha chế để đạt được lượng sữa dinh dưỡng chuẩn nên loại sữa bột này không được dùng để pha chế uống trực tiếp. Không nên nhầm lẫn điều này.


Tóm lại, tất cả các trẻ em sinh ra cần phải được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ, và chỉ bằng sữa mẹ mà không cần thêm bất cứ một chất gì khác kể cả nước cho đến 6 tháng tuổi. Sau 6 tháng trở đi, trẻ được cho ăn sam chất đặc đầy đủ thành phần năng lượng. Vì một lý do nào nó không thể nuôi dưỡng trẻ bằng sữa mẹ một phần hay hoàn toàn thì sữa nhân tạo nuôi dưỡng trẻ là sự lựa chọn thay thế. Đây là một loại sữa được chế biến đặc biệt dùng thay thế sữa mẹ, và có hai loại, một loại dùng cho trẻ dưới 6 tháng và một loại dùng cho trẻ trên 6 tháng. Phải tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn pha sữa được ghi trên nhãn hộp sữa. Sữa tươi nguyên chất chỉ được dùng cho trẻ trên một tuổi. Nếu là sữa bột, thì chỉ được sử dụng loại có hướng dẫn cách pha cụ thể. Không được dùng sữa tách béo cho trẻ em. Không được dùng sữa đặc có đường và loại sữa bột thông thường không chỉ dẫn cách pha chế để nuôi dưỡng trẻ.
 


Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl