Chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ tại nhà


bacsionline

Member
415
7
18
Xu
0
Đột quỵ gây ra tổn thương ở não bộ và dẫn đến nhiều vấn đề cho bệnh nhân như: yếu hoặc liệt bán thân, liệt mặt; rối loạn cảm giác cơ thể nửa bên bị liệt; ngôn ngữ, trí nhớ bị ảnh hưởng; thay đổi hành vi...


Sau cơn đột quỵ, để gia tăng chất lượng cuộc sống, bệnh nhân cần tham gia một chương trình phục hồi chức năng toàn diện bao gồm vật lý trị liệu, âm ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu, sử dụng dụng cụ trợ giúp và ở một số trường hợp có cả tâm lý trị liệu. Trong suốt quá trình này, gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với những bệnh nhân bị mất ngôn ngữ.


Hướng đến sự độc lập


Đừng tiết kiệm lời khen trước những cố gắng của bệnh nhân. Bạn có thể cho là chưa đủ, nhưng với họ, mọi cố gắng đều rất có ý nghĩa. Những khiếm khuyết do đột quỵ thường khiến bệnh nhân tự đánh giá thấp bản thân và dễ sống phụ thuộc vào người khác. Chăm sóc quá mức đôi khi có thể làm tình trạng này trầm trọng hơn. Hãy hỗ trợ khi cần thiết nhưng bạn nên khuyến khích bệnh nhân tự làm trong khả năng cho phép.



An toàn tối đa


Nếu người bị đột quỵ có thể di chuyển với gậy, khung tập đi..., hãy đảm bảo đường đi đủ ánh sáng, không có vật cản, hạn chế trải thảm. Chọn loại giày có độ bám cao, không chật và không cột dây. Bệnh nhân cần dùng giường có độ cao thích hợp để đứng lên ngồi xuống thuận tiện. Những vật dụng cần thiết nhất nên để ở vị trí vừa tầm tay. Với bệnh nhân bị rối loạn cảm giác, nguy cơ bị phỏng, trầy xước... rất cao. Bạn nên thường xuyên nhắc nhở người bệnh về ''sự tồn tại'' và khuyến khích sử dụng phần nửa bên cơ thể bị yếu/liệt, đồng thời kiểm tra những đồ nóng bệnh nhân sắp sử dụng (thức ăn, đồ uống, nước tắm...) để tránh nguy cơ bị phỏng.


Tận dụng cơ hội để vận động


Mọi sinh hoạt thường ngày, nếu tự thực hiện được, đều là cơ hội luyện tập phục hồi chức năng cho người bị đột quỵ: tắm rửa, ăn uống, di chuyển ngắn trong nhà... Các động tác có thể chậm và không chuẩn xác nhưng người nhà cần khuyến khích bệnh nhân làm bằng hai tay, kể cả tay bị liệt/yếu. Nên chia nhỏ ra nếu những hoạt động này làm người bệnh mệt mỏi.


Tham vấn và ghi chép


Gia đình đừng ngại hỏi bác sĩ hay chuyên gia vật lý trị liệu nếu gặp khó khăn trong lúc chăm sóc người thân. Kiểm tra liều lượng thuốc uống hằng ngày và báo với thầy thuốc về những tiến bộ lẫn sa sút của bệnh nhân. Bạn nên ghi lại các sự kiện diễn ra thường nhật (độ dài đoạn đường đã đi, những động tác thực hiện được, những từ đã nói...) để giúp dễ dàng đánh giá sự tiến bộ của người bệnh.


Hòa nhập cuộc sống


Lâu nay, nhiều người thường đánh giá sự phục hồi của bệnh nhân bị đột quỵ chỉ qua khả năng vận động trở lại của phần cơ thể bị yếu/liệt. Quan niệm này chưa toàn diện và tích cực về việc phục hồi. Theo phân loại ICF của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sự phục hồi có thể xét theo nhiều mặt: phục hồi khiếm khuyết (người bệnh điều khiển tay chân trở lại); phục hồi khả năng hoạt động (người bệnh đi lại được); phục hồi vai trò đối với gia đình, xã hội. Điều quan trọng là các mặt này có thể đạt được một cách độc lập. Chẳng hạn, một người có thể không phục hồi cử động bàn tay nhưng xét về khía cạnh hòa nhập thì họ đã kiếm được việc làm thích hợp, chia sẻ việc nhà, tham gia vào các tổ chức xã hội... Như vậy, người này đã thật sự phục hồi tốt vì đạt được một cuộc sống có ý nghĩa và tích cực sau đột quỵ.


(Thanh Niên)
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.