Resource icon

Bệnh án ĐAU MẮT ĐỎ


ĐAU MẮT ĐỎ

I. ĐẠI CƯƠNG

Đau mắt đỏ là tên chung của một bệnh do Adenovirus gây nên hoặc do dị ứng. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè, kết thúc vào cuối thu. Ở đồng bằng Nam bộ, bệnh hoành hành mạnh vào mùa nước nổi, vì vậy còn có tên là "đau mắt mùa nước nổi".

Cần phân biệt bệnh đau mắt đỏ với hiện tượng mắt bị đỏ do hóa chất

II. NGUYÊN NHÂN

- Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn (phế cầu trùng, liên cầu trùng, tụ cầu trùng, …) hay vi-rút trong nước, bụi bẩn, tay chân, khăn bẩn… xâm nhập vào mắt.

- Do dị ứng. Trong phản ứng dị ứng, cơ thể tạo ra một kháng thể gọi là IgE. Kháng thể này khởi động các tế bào đặc biệt gọi là các tế bào mast trong lớp nhầy của mắt và đường thở để giải phóng các chất kháng viêm là histamin. Việc giải phóng histamin có thể gây ra nhiều triệu chứng dị ứng trong đó có đỏ mắt.

- Người sống trong khu vực nhiều vi khuẩn, nếu không vệ sinh đúng cách sẽ dễ bị đau mắt đỏ.

III. TRIỆU CHỨNG

- Triệu chứng ban đầu có thể chỉ ho, sốt, mệt, nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nhẹ…

- 5 – 7 ngày sau đỏ một hoặc cả hai mắt; ngứa một hoặc cả hai mắt; cảm giác có sạn ở trong mắt; rỉ dịch ở một hoặc hai mắt; chảy nước mắt.

- Đau mắt đỏ do virut hay chảy nước mắt hoặc dịch nhầy. Đau mắt đỏ do vi khuẩn thường tạo ra dử dày hơn, màu vàng xanh. ĐMĐ do virut sẽ thấy các triệu chứng trầm trọng hơn vào 3-5 ngày đầu. Sau đó các triệu chứng giảm dần và bệnh có thể tự khỏi.

- Cảm giác như có một vật gì ở trong mắt mà không thể lấy ra được. Khi thức dậy mắt bị dính chặt lại do màng dử mắt.

- Nếu bị đau mắt đỏ do dị ứng sẽ rất ngứa, chảy nước mắt và viêm mắt, hắt hơi, sổ mũi, có thể phù nề kết mạc trông như vết phỏng trong lòng trắng.



Đau mắt đỏ thường bị cả hai mắt mặc dù bệnh có thể xảy ra ở một mắt sau đó lây sang mắt kia sau một hoặc hai ngày. Bệnh có thể không cân xứng, một mắt nặng hơn mắt kia.

IV. ĐIỀU TRỊ

Tùy nguyên nhân mà dùng các thuốc phù hợp. Ngay cả khi không điều trị bệnh có thể sẽ khỏi sau 12 đến 14 ngày. Thường bệnh không để lại biến chứng. Nhưng cũng có thể xảy ra một số biến chứng như viêm giác mạc, loét giác mạc. Những biến chứng này thường xảy ra ở người thể trạng suy kiệt hoặc do dùng thuốc không đúng cách. (Đây là nguyên nhân thường gặp nhất)



IV.1. Đau mắt đỏ do virut, vi khuẩn

IV.1.1. Đau mắt đỏ do vi khuẩn


- Điều trị bằng kháng sinh do bác sĩ khám và kê đơn.

- Kháng sinh có thể được dùng dưới dạng nhỏ mắt, mỡ hoặc viên uống. Thuốc nhỏ hoặc mỡ cần được tra trong mắt 3-4 lần một ngày trong 5-7 ngày. Thuốc mỡ hay dùng để tra vào mắt trẻ. Nhiễm khuẩn sẽ cải thiện trong vòng 1 tuần.

- Cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thậm chí cả khi triệu chứng bệnh đã hết.

IV.1.2. Đau mắt đỏ do virut

- Không có thuốc điều trị đặc hiệu do virus gây ra.

- Có thể dùng thuốc không cần kê đơn để giảm triệu chứng do virus gây ra trong quá trình virut tiến triển hết quá trình của nó.

- Kháng sinh chloramphenicol có thể dùng để phòng nhiễm khuẩn.

- Nhỏ nước muối sinh lý NaCl 0.9 % nhiều lần trong ngày, có thể dùng thêm các thuốc dinh dưỡng giác mạc.

- Không nên dùng biện pháp xông lá vào mắt.

- Cẩn thận khi dùng thuốc Clodexa và Nemydexa vì các thuốc này có chứa chất gây giảm miễn dịch mắt.

IV.2. Đau mắt đỏ do dị ứng

- Bác sĩ có thể kê một trong các loại thuốc tra mắt dưới đây: kháng histamin, thuốc thông mũi, ổn định tế bào mast, chống viêm steroid và các thuốc chống viêm khác.

- Thuốc tra corticoid thường được dùng nhưng cần có sự giám sát của bác sĩ mắt.

- Quan trọng là phải phát hiện được nguyên nhân gây dị ứng để loại bỏ.

V. PHÒNG BỆNH

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng

- Không dụi tay lên mắt

- Không dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, chậu rửa mặt…

- Nên đeo kính râm khi ra đường. Sau một ngày lao động có tiếp xúc bụi mắt nên rửa mặt sạch rồi rửa mắt bằng nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9%.

- Tránh tiếp xúc với bệnh nhân đau mắt đỏ. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì cần thường xuyên rửa mắt bằng nước muối sinh lý, rửa tay bằng xà phòng xát khuẩn.

- Khi thấy các triệu chứng như mắt cộm, ngứa, có dử mắt, chảy nước mắt thì nên đến chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời để phòng biến chứng bệnh.
Tác giả
hacobi1102
Lượt xem
2,106
First release
Last update
Bình chọn
0.00 star(s) 0 đánh giá

More resources from hacobi1102