10 điều cần biết về giấc ngủ của bé sơ sinh


Bác sỹ trực tuyến

Super Moderator
1,025
41
48
Xu
0
Khi bé xuất viện về nhà, dường như bạn muốn quan tâm tới con mọi lúc, kể cả khi bé ngủ. Dưới đây là những điều bạn cần biết để không lo lắng về giấc ngủ của bé sơ sinh.


1. Bé gây ồn ào khi ngủ


Số lượng âm thanh bé sơ sinh tạo ra khi ngủ có thể làm mẹ ngạc nhiên. Giấc ngủ của bé chia làm nhiều giai đoạn như ngủ chập chờn, ngủ sâu, quấy khóc, chóp chép miệng và thậm chí là ngủ ngáy. Bé cũng có thể thỉnh thoảng giật mình trong khi ngủ, gọi là phản xạ giật mình.


Giấc ngủ của bé có thể theo chu kỳ, với hơi thở dần nhanh hơn và sâu hơn rồi sau đó chậm và nông. Điều này gọi là chu kỳ thở. Bé có thể tạm ngưng thở tới 5 giây hoặc lâu hơn, sau đó thở sâu lại. Chuyện này là hoàn toàn bình thường ở bé. Nếu bạn lo lắng về nhịp thở của bé thì dưới đây là 3 cách kiểm tra:


- Nghe: Ghé tai của bạn vào miệng và mũi của bé, lắng nghe âm thanh hơi thở của bé.


- Nhìn: Cúi xuống quan sát ngực của bé xem những chuyển động lên – xuống của nhịp thở trên ngực bé.


- Cảm nhận: Áp má của bạn vào miệng và mũi của bé để cảm nhận hơi thở của bé phả vào làn da mẹ.


2. Bé sơ sinh mơ ngủ nhiều hơn mẹ


Khoảng 50% giấc ngủ của bé là ngủ chập chờn hoặc ngủ mơ (REM), trong khi ở người lớn thời lượng cho giấc ngủ này chiếm 20%. Vì vậy, trong khi bạn ngủ mơ từ một tới hai tiếng mỗi đêm thì những giấc mơ ở bé sơ sinh có thể lên tới 8 tiếng.


Trong giấc ngủ REM, bạn sẽ thấy bé ngủ với hai mí mắt không khép chặt, hay giật mình và hơi thở cũng không đều.





3. Bé sơ sinh có thể ngủ rất nhiều


Bé sơ sinh cần rất nhiều thời gian để ngủ. Với 24 tiếng mỗi ngày đêm thì thời gian ngủ ở bé có thể chiếm 16 tiếng. Lúc đầu, bé sẽ thức giấc thường xuyên để ti mẹ nhưng dần dần, bé sẽ ngủ dài giấc hơn vào ban đêm.


Thời gian cho mỗi giấc ngủ, tùy từng bé. Bé có thể ngủ vài giấc, mỗi giấc kéo dài 2 tiếng đồng hồ vào ban ngày và các giấc ban đêm dài từ 4 tới 6 tiếng. Một số bé có thể ngủ liền mạch ban đêm sau vài tuần trong khi một số bé khác phải mất vài tháng hoặc hơn một năm.


4. Phải luôn đặt bé nằm ngửa khi ngủ


Đặt bé nằm ngửa trong cũi (nôi hoặc giường) sẽ giúp giảm nguy cơ đột tử khi ngủ ở bé sơ sinh.


5. Bé sơ sinh nên ngủ trong phòng có nhiệt độ thoải mái


Nhiệt độ lý tưởng trong phòng của bé là khoảng trên 20ºC. Nhiệt độ quá nóng có liên quan tới nguy cơ tử vong ở bé. Với thời tiết ấm áp thì bạn không cần bật điều hòa nhiệt độ trong phòng của bé nhưng không được đặt cũi của bé gần nơi dễ cháy, nguồn nhiệt hay có ánh nắng rọi thẳng vào.


Không sử dụng chăn điện để đắp cho bé vì chăn có thể làm bé tăng thân nhiệt. Nếu bạn dùng túi ngủ cho bé, cần đảm bảo túi ngủ vừa vặn để bé không bị lọt thỏm vào bên trong túi ngủ.


6. Bé sơ sinh nên ngủ cùng phòng với cha mẹ


Trong 6 tháng đầu, bé nên được ngủ cùng phòng với cha mẹ. Nhiều phụ huynh chọn cách ngủ chung giường với bé hoặc kê sát cũi của bé với giường ngủ của cha mẹ.


7. Quấn có thể giúp bé ngủ ngon


Trong vài tuần đầu tiên, quấn sẽ giúp bé ngủ ngon hơn. Quấn là một kỹ thuật lâu đời giúp bé thấy an toàn và hạn chế giật mình trong giấc ngủ. Quấn còn giúp bé bình tĩnh nếu bé bị kích thích quá.


Quấn tạo ra một áp lực nhẹ quanh cơ thể bé, tạo cho bé cảm giác an tâm – cảm giác mà bé đã quen thuộc khi còn nằm trong bụng mẹ. Tuy nhiên cũng có một số bé ghét cảm giác bị quấn. Điều này bạn sẽ biết qua những phản ứng dễ chịu hay cáu kỉnh của con.


8. Bé sẽ cho mẹ biết khi buồn ngủ


Trong những tuần đầu tiên, bé không thể thức quá mỗi 2 tiếng đồng hồ. Mẹ nên tìm hiểu những dấu hiệu bé buồn ngủ để dỗ bé ngủ, chẳng hạn:


- Mắt lờ đờ.


- Dụi mắt.


- Quấy khóc hoặc nhăn nhó.


- Nhìn chằm chằm vào không gian.


- Ngáp.


- Rúc vào ngực mẹ.


9. Bé biết sự khác biệt giữa ngày và đêm


Nhiều bé sơ sinh bị lẫn lộn giữa ngày và đêm. Bé ngủ sâu ban ngày nhưng lại tỉnh táo vào ban đêm. Tuy nhiên tới khoảng 2 tuần tuổi, bạn có thể dạy cho bé sự khác nhau giữa đêm và ngày. Vào ban ngày, bạn nên giữ cho phòng bé sáng và nhiều âm thanh. Vào ban đêm thì làm ngược lại, giữ phòng bé yên tĩnh và dùng đèn ngủ vàng nhạt. Đừng trò chuyện khi cho bé bú đêm. Hãy để bé phân biệt thời gian ban đêm để ngủ, còn ban ngày là vui chơi.


Ngoài ra, bạn có thể thay quần áo cho bé trước giờ ngủ để giúp bé hiểu đã đến giờ đi ngủ.


10. Thức đêm là điều khó tránh cho cha mẹ


Khoảng 6 tuần, đôi khi là 12 tuần đầu tiên, cha mẹ sẽ phải vất vả vì thức đêm chăm con. Hầu hết các bé sơ sinh đều ngủ thất thường vào thời gian này. Đến 6-8 tuần, bạn hãy huấn luyện cho bé cách tự ngủ. Nên đặt bé xuống khi bé đang buồn ngủ nhưng ngủ chưa sâu.

(Mẹ và Bé)
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl