Bạn thân mến!
Điều trị mụn trứng cá là một quá trình liên tục và là cả một nghệ thuật. Bạn cần phải kiên trì và điều trị, uống thuốc lâu dài. Tốt nhất bạn nên đi khám da liễu để bác sỹ cho bạn thuốc phù hơp.
Về thuốc bôi tại chỗ như: dung dịch bôi có chứa chất giống vitamine A, benzoyl peroxide hay kháng sinh nhằm hạn chế tắc nghẽn lỗ chân lông và sự phát triển của vi khuẩn. Những chế phẩm này có thể gây khô da và tróc vẩy.
Đường uống những kháng sinh dùng bằng đường uống như tetracycline, doxycycline, minocycline hay erythromycine thường được kê toa. Đối với mụn trứng cá nặng có thể dùng thêm sulfamethoxazol/trimethoprime hoặc dapsone.
* Chăm sóc da đúng cách khi bị mụn trứng cá :
- Bỏ thói quen sờ tay lên mặt, nặn, hút, hoặc lể mụn vì sẽ gây đỏ sẹo da.
- Hạn chế các yếu tố gây bít tắc lỗ chân lông như dùng mỹ phẩm, đội nón chặt, để tóc che phủ mặt, đổ mồ hôi nhiều.
- Chọn lựa các sản phẩm tẩy rửa, dưỡng da phù hợp: các sản phẩm rửa êm dịu da, không chứa cát nhám; các sản phẩm dưỡng có ghi chú “non-acnegenic” (không tạo mụn) hoặc “non-conmedogenic” (không tạo cồi).
- Nên rửa mặt 2 - 3 lần mỗi ngày. Chỉ rửa bằng nước sạch khi da khô, đỏ, ngứa do tác dụng của thuốc đang điều trị bệnh. Có thể dùng thêm sản phẩm rửa thích hợp 1 lần vào buổi tối khi da nhờn. Khi rửa không nên dùng bông hoặc khăn chà xát vì sẽ làm trầy xước da mà chỉ nên rửa nhẹ nhàng bằng tay, sau đó thấm khô nước bằng gạc sạch.
* Điều tiết chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý:
- Hạn chế ăn ngọt, chất béo.
- Ngủ điều độ, tránh thức khuya.
- Tạo đời sống tinh thần lành mạnh, giảm thiểu stress và mất ngủ.
- Bảo vệ da chống nắng: hạn chế đi nắng; đeo khẩu trang, đội nón rộng vành bằng vải màu sậm; bôi kem chống nắng.
- Không nên dùng thuốc theo lời khuyên của bạn bè, người quen hoặc tự mua thuốc dùng bởi vì việc điều trị rất khác nhau giữa người này và người khác, nó phụ thuộc tuổi, giới tính, các yếu tố nguy cơ, đặc điểm loại da, loại mụn…