Những điều cần biết về bệnh thai trứng


Bác sỹ trực tuyến

Super Moderator
1,025
41
48
Xu
0
Bệnh thai trứng thường lành tính, nhưng trong một số trường hợp có thể dẫn đến các biến chứng đáng sợ như: thai trứng xâm lấn hay ung thư tế bào nuôi.


Thai trứng là tình trạng bệnh lý của gai nhau do sự phát triển bất thường lớp tế bào nuôi có trong gai nhau, biến thành nhiều túi nhỏ giống như chùm nho chứa đầy nước, các túi này không thông với nhau mà chỉ nối với nhau bằng những sợi nhỏ, lấn át bào thai.


Thai trứng xảy ra như thế nào?


Thông thường, sau khi tinh trùng kết hợp với noãn sẽ trở thành trứng thụ tinh, phát triển thành thai nhi và các phần phụ như: nhau và túi ối.


Trong một số trường hợp, tế bào nuôi phát triển quá nhanh, tổ chức liên kết và các mao mạch của mạch máu rốn ở gai nhau không phát triển kịp. Gai nhau bị thoái hóa, phù nề tạo thành các túi chứa dịch dính vào nhau giống như chùm nho và chiếm phần lớn buồng tử cung, có đường kính 1mm đến vài chục milimét. Hiện tượng này được gọi là thai trứng. Trứng có thể phát triển thành một khối không có phôi thai (được gọi là thai trứng toàn phần) hoặc có phôi thai bất thường (thai trứng bán phần).


Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Các yếu tố làm tăng nguy cơ cho người bệnh như: lớn tuổi, trên 35 tuổi dễ thụ thai bất thường, sinh nhiều lần, suy dinh dưỡng (chủ yếu là thiếu đạm, thiếu vitamin A), vấn đề miễn dịch của cơ thể.




Cách xác định thai trứng


Rong huyết là triệu chứng thường gặp nhất, xảy ra sau khi trễ kinh vài tuần. Huyết âm đạo, có thể ít hoặc nhiều, thường là máu bầm đen, loãng, kéo dài. Người bệnh bị nghén nặng, nôn nhiều và kéo dài, thể trạng mệt mỏi, xanh xao, đôi khi xuất hiện phù. Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, dễ bị chẩn đoán nhầm là dọa sảy. Xuất hiện tình trạng của tăng huyết áp, đạm niệu. Khoảng một nửa người bệnh có tử cung to ra nhanh so với tuổi thai; số còn lại có tử cung phát triển bình thường hoặc nhỏ hơn tuổi thai do thai trứng thoái triển.


Trong giai đoạn giữa thai kỳ, sờ không thấy phần thai, không nghe tim thai.


Trong trường hợp thai trứng toàn phần: tình trạng thiếu máu, xuất hiện rõ, đa số là thiếu máu thiếu sắt, chiếm tỉ lệ 54%. Triệu chứng của tiền sản giật đi kèm và xuất hiện sớm, tỉ lệ 27%. Ngoài ra có thể kèm theo cường giáp. Chiếm tỉ lệ 7%, với các triệu chứng nhịp tim nhanh, da ẩm, tay run, xét nghiệm FT3 và FT4 tăng.


Siêu âm: cho thấy hình ảnh bão tuyết trong lòng tử cung, không thấy phần thai. Đây là yếu tố có giá trị chẩn đoán xác định thai trứng. Đồng thời xét nghiệm betahCG (beta human chorionic gonadotropin) tăng rất cao, trên 30.000 đơn vị quốc tế.


Biến chứng của thai trứng


Bệnh thai trứng không điều trị sớm sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như mất máu, suy dinh dưỡng, băng huyết. Ngoài ra, thai trứng còn gây ra nhiều biến chứng ác tính như thai trứng xâm lấn và ung thư tế bào nuôi (đây là loại ung thư ác tính, có thể gây di căn toàn thân và tỉ lệ tử vong rất cao).


Bình thường diễn tiến thai trứng, trên 80% các trường hợp thai trứng sau khi được điều trị bằng hút nạo sẽ diễn tiến tốt. Trong khoảng 20% trường hợp còn lại, các nguyên bào nuôi tiếp tục phát triển và tiết ra hCG dẫn đến biến chứng.


Điều trị thai trứng


Khi người bệnh đã được xác định thai trứng, việc cần làm trước tiên là lấy khối trứng ra ngoài tử cung bằng cách nong nạo hay hút nạo. Kỹ thuật: hút nạo thai trứng, kết hợp giúp sự co hồi tử cung để cầm máu bằng truyền dung dịch mặn hoặc ngọt đẳng trương pha oxytocin, đồng thời dùng kháng sinh để ngừa nhiễm trùng. Có thể dùng máy hút dưới áp lực âm để hút nhanh, tránh chảy máu. Nạo hút lại lần 2 sau 2 - 3 ngày. Gửi tổ chức mô nạo làm giải phẫu bệnh. Phẫu thuật: cắt tử cung toàn phần cả khối hoặc cắt tử cung toàn phần sau nạo hút trứng thường được áp dụng ở các phụ nữ không muốn có con nữa hoặc trên 40 tuổi và trường hợp thai trứng xâm lấn làm thủng tử cung.


Cách theo dõi sau điều trị thai trứng


Mặc dù đã được xử lý thai trứng nhưng vẫn cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng ác tính. Hai tuần sau hút nạo, người bệnh cần đến bệnh viện để xét nghiệm định lượng beta hCG. Xét nghiệm này cần được thực hiện hai tuần/lần trong ba tháng đầu rồi sáu tháng/lần cho đến hết 12 tháng. Tuyệt đối tránh thai trong vòng một năm sau hút nạo.


Khi đã bị biến chứng nặng, người bệnh buộc phải điều trị bằng hóa chất và nặng hơn sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung. Còn khi đã nặng hơn thì phải điều trị trong một thời gian khá dài. Vì vậy, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ điều trị theo sự chỉ định của bác sĩ.


Thời điểm có thể mang thai trở lại


Thông thường, vẫn phải chờ một năm sau khi nồng độ beta hCG của trở về mức bình thường, trước khi chuẩn bị mang thai lần nữa. Trường hợp có thai trước thời điểm này, nồng độ beta hCG sẽ tăng lên và bác sĩ sẽ không thể biết được liệu mô bất thường có quay trở lại không.


Một điều may mắn cho người phụ nữ, thai trứng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay khả năng có thai, ngay cả khi người bệnh đã trải qua hóa trị. Không bị tăng nguy cơ thai chết lưu, dị tật bẩm sinh, sinh non, hoặc các biến chứng khác. Và tỉ lệ mắc thai trứng lần nữa chỉ từ 1 - 2%. Ở lần mang thai tiếp theo, nên đi siêu âm trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ để đảm bảo rằng không có vấn đề gì xảy ra.


BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN (Sức khỏe đời sống)
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl