[h=2]CÀ CHUA [/h]
Mô tả: Cây thảo hằng năm, có khi sống dai, cao 1m hay hơn. Thân mọng nước, có lông mềm, dính. Lá có cuống, mọc so le, xếp lông chim không đều hay kép lông chim 2 lần, dài 10-40cm; lá chét thay đổi, hình trứng hay hình trứng mũi mác, mép có răng. Hoa thành chùm xim ở nách lá; đài 5-8 thuỳ dài khoảng 12mm; tràng hoa màu vàng cam, dài 10-15mm. Quả mọng màu đỏ hay vàng, có kích thước và hình dạng thay đổi, trong chứa chất dịch chua ngọt và nhiều hạt dẹt.
Bộ phận dùng: Quả (Fructus Lycopersici).
Phân bố sinh thái: Cà chua gốc ở Peru, được nhập trồng vào nhiều xứ nhiệt đới. Cà chua được đưa vào trồng ở nước ta cuối thế kỷ 19 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và một số tỉnh vùng cao. Cây ưa nóng (22-24[SUP]o[/SUP]C), thích hợp cho thời kỳ ra quả là ban ngày 25[SUP]o[/SUP]C, ban đêm 15-20[SUP]o[/SUP]C. Nếu bị rợp nhiều hay bị nắng quá nhiều đều ra hoa kết quả kém. Ưa đất đủ ẩm với không khí tương đối khô ráo. Trồng bằng hạt. Sau khi cây mọc từ 50-70 ngày thì ra hoa. Do trồng trọt mà người ta tạo được nhiều giống trồng như Cà chua hồng, Cà chua múi...
Thành phần hóa học: Quả Cà chua chứa nước 90%, glucid 4%, protid 0,3%, lipid 0,3%, các acid hữu cơ như acid citric malic, oxalic, nhiều nguyên tố vi lượng, các vitamin A, B[SUB]1[/SUB], B[SUB]2[/SUB], B[SUB]6[/SUB], C, PP, E, K. Quả còn chứa glucose và fructose và một ít sucrose và một keto-heptose. Quả Cà chua chín và gần chín đều chứa các aminoacid chủ yếu, trừ tryptophan; quả chưa chín chứa narcotin.
Tính vị, tác dụng: Quả Cà chua có vị chua ngọt, tính mát, có tác dụng tạo năng lượng, tiếp chất khoáng, tăng sức sống làm cân bằng tế bào, khai vị, giải nhiệt, chống hoại huyết, kháng khuẩn, chống độc, kiềm hoá máu có dư acid, lợi tiểu, hoà tan urê, thải ure, giúp tiêu hoá dễ các loại bột và tinh bột. Nước sắc lá có tính chất giảm huyết áp; lá cũng có tính chất giải độc sưng tấy.
Công dụng:
- Cà chua là loại rau có giá trị dinh dưỡng cao vì lượng glucid, acid hữu cơ và nhiều loại vitamin cần thiết cho cơ thể con người. Ngoài ra, nước sắc lá có tính chất giảm huyết áp, lá cũng có tính chất giải độc sưng tấy. Quả Cà chua thường được dùng ăn tươi, nấu canh giấm và làm mứt, tương Cà chua, xốt Cà chua…
- Cà chua được chỉ định trong trị suy nhược, ăn không ngon miệng, nhiễm độc mạn tính, trạng thái da huyết, máu tăng độ nhớt, xơ cứng động mạch, bệnh về mạch máu, tạng khớp, thống phong, thấp khớp, thừa urê huyết, sỏi niệu đạo và mật, táo bón, viêm ruột. Dùng ngoài để chữa bệnh trứng cá (dùng quả Cà chua thái lát mà xoa) và dùng lá xát chữa các vết đốt của sâu bọ.
- Cà chua không chứa các oxalat, nhưng có một chất tương tự coctison, nên người bị bệnh thấp khớp, thống phong vẫn dùng được. Lá Cà chua dùng treo trong phòng ở cũng xua được muỗi và ong vò vẽ. Lá chiết được tomatin là một chất kháng khuẩn, chống nấm, chống một số sâu bệnh phá hoại cây trồng. Đọt non giã nhỏ thêm vài hạt muối dùng đắp mụn nhọt và chỗ sưng tấy.
Ghi chú: Còn có một thứ - var. cerasiforme Alef., mà ta thường gọi là Cà kiu, cũng có thân cây hơi trườn, có lông trắng ở nhiều bộ phận, lá dài 5-10cm, kép với lá chét lớn và nhỏ xen nhau, đơn hay lại kép; chùm hoa ngoài nách lá, dài 4-6cm, đài có lá dài hẹp, cao 1cm, tràng hoa tim tím; quả mọng tròn, màu đỏ hay da cam, đường kính 1-1,5cm. Cây mọc hoang và cũng được trồng lấy quả nấu canh chua.