Trong khi người bị tai biến mạch máu não cần được nhanh chóng đưa đi cấp cứu để giảm những di chứng về sau thì nhiều người lại đang truyền cho nhau kinh nghiệm châm kim vào đầu ngón tay để giúp bệnh nhân tỉnh lại.
Theo các bác sĩ, đây là cách làm sai lầm và làm mất đi giai đoạn “thời gian vàng” trong cấp cứu bệnh nhân.
"Tai biến mạch máu não", xin nhớ 3 chữ: C.N.G
Đó là nội dung tiêu đề một bài viết được đăng trên một số diễn đàn trên mạng internet của một người chia sẻ về kinh nghiệm xử trí tình huống có người bị tai biến mạch máu não. Theo thành viên này thì “bạn chỉ tốn vài phút để đọc mấy điều đơn giản dưới đây, mà có thể cứu được mạng người”.
Theo bài viết này, dấu hiệu để nhận biết người nào đó có đúng là bị tai biến mạch máu não hay không là yêu cầu người đó Cười, Nói, Giơ tay (C.N.G). Nếu người đó bị trở ngại bất cứ điều nào kể trên thì hãy gọi xe cấp cứu ngay tức khắc.
Người viết bài này cũng nhấn mạnh là khi có người bị tai biến mạch máu não thì tuyệt đối không di chuyển mà hơ nóng kim bằng lửa rồi chích trên mười đầu ngón tay đến khi có máu rỉ ra. Chỉ sau vài phút, nạn nhân sẽ tỉnh dậy. Nếu bệnh nhân méo mồm thì nắm hai tai của bệnh nhân kéo mạnh, cho đến khi hai tai đều ửng màu đỏ rồi châm vào tùy tai đến khi máu nhỏ giọt, sau vài phút bệnh nhân sẽ tỉnh lại. Sau đó, chờ đến khi bệnh nhân hoàn toàn hồi tỉnh và không có một triệu chứng nào khác thường mới mang bệnh nhân đến bệnh viện.
Chích máu ngón tay chỉ là lăng nhăng!
Nói về những phương pháp trên, TS. Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch Bạch Mai, Hà Nội cho biết: Cách nhận biết tai biến mạch máu não như trên không có gì là khác lạ. Ai có người thân bị chỉ cần nhìn là thấy bởi khi bị tai biến, trường hợp nặng thì hôn mê, hỏi đến không biết. Nhẹ thì giống như trúng gió, méo mồm, liệt tay. Mà khi đó làm sao cười, nói, giờ tay được.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp có thể bị bỏ qua dấu hiệu này do hẹp mạch cảnh. Họ chỉ tai biến thoáng qua khoảng 30 giây, người bệnh tự dưng mất ý thức, sau đó phục hồi hoàn toàn. Nhưng đây là triệu chứng ban đầu dự báo cơn tai biến sau đó 1-2 ngày.
Với cách xử trí tai biến bằng dùng kim chích vào 10 đầu ngón tay, thùy tai để bệnh nhân tỉnh rồi mới đưa đi cấp cứu, TS. Hùng cho rằng đó là cách làm lăng nhăng, phản khoa học, làm mất “thời gian vàng” trong cấp cứu bệnh nhân.
Theo TS. Hùng, bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, cần phải được đưa đi cấp cứu kịp thời để giảm thiểu di chứng. Khi bị tai biến, người bệnh cần có sự can thiệp của học hiện đại, cần đưa bệnh nhân đến chuyên khoa tim mạch, thần kinh cấp cứu.
Ths. Ngô Chí Hiếu, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Tim Hà Nội cho rằng, hoàn toàn không có cơ sở khoa học để xử trí cấp cứu người bị tai biến như thế. Việc cấp cứu tùy thuộc vào tình trạng từng bệnh nhân. Sơ cứu chủ yếu là đảm bảo hô hấp tốt: Thông thoáng, không có dị vật, không bị sặc..., kiểm soát huyết áp. Đồng thời nhanh chóng di chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế, hạn chế di động đến đầu bệnh nhân, chứ không phải không di chuyển nạn nhân đi cấp cứu.
Để hạn chế, giảm thiểu những di chứng do tai biến mạch máu não gây ra, theo các bác sĩ, khâu kiểm soát, dự phòng, quản lý huyết áp, dự phòng không để tai biến xảy ra là vô cùng quan trọng. Những người có nguy cơ bị tai biến như tăng huyết áp không được theo dõi và điều trị tốt; đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, suy tim nặng, người ít vận động hoặc bị liệt, người có bệnh lý van tim hoặc theo dõi và dùng thuốc chống đông không đều... cần đặc biệt chú ý đến việc dự phòng tai biến.
Bài viết cùng chủ đề
- Điều trị suy tim
- 1
- 917