CƠM CHÁY
Tên khác: Sóc dịch, Cơm cháy java; Cơm cháy hooker.
Tên khoa học: Sambucus javanica Reinw. ex Blume; thuộc họ Cơm cháy (Sambucaceae).
Tên đồng nghĩa: Phyteuma bipinnata Lour. 1790 (FC:138) non Sambucus bipinnata Moench; Sambucus bipinnata Cham. & Schlechter; Sambucus hookeri Rehd.
Mô tả: Cây nhỡ sống nhiều năm, cao tới 3m. Thân xốp gần tròn, nhẵn, màu lục nhạt; cành to trong rỗng có tuỷ trắng xốp, ngoài mặt có nhiều lỗ bì. Lá mềm, mọc đối, kép lông chim lẻ gồm 3-9 lá chét, dài 8-15cm, rộng 3-5 cm, mép khía răng; cuống lá có rãnh ở mặt trên và loe rộng ở phía gốc thành bẹ. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành xim, nom như tán kép. Quả mọng, hình cầu, màu đỏ sau đen, chứa 3 hạt dẹt. Cây ra hoa tháng 5-8, quả tháng 9-11.
Bộ phận dùng:Toàn cây (Herba Sambuci Javanicae).
Phân bố sinh thái:Cây mọc hoang ở miền núi, ven suối, bờ khe từ Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái tới Lâm Đồng. Còn được trồng làm cây cảnh. Trồng bằng cành hoặc gieo hạt vào mùa xuân.
Thu hái: Cả cây vào mùa hè-thu, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Thành phần hoá học:
1- Thành phần hóa học của Hoa: 0,03-0,14 % tinh dầu có dạng như bơ do ở hàm lượng acid béo cao (phần chính là palmitic acid chiếm đến 66%) và 7,2 % n-alkanes.
Cho đến nay khoảng 63 hợp chất, phần lớn là những monoterpenes (như hotrienol và linalool oxide). 0,7-3,5 % flavonoid (theo Chế dược thư Châu Âu, không dưới 0,8% tính theo isoquercitroside), gồm glavonols và các glucoside của flavonol, nhiều nhất là rutin (2,5%), isoquercitrin, hyperoside, quercirin, astragalin và 3-O-rutinoside và glucoside của isorhamnetin. Các hợp chất loại phenolic gồm chừng 5.1% các chất chuyển hóa từ hydroxycinnamic acid như chlorogenic acid (2,5-3%), p-coumaric acid, caffeic- vàferulic acid. Sambunigrin (beta-glucoside của mandelic acid nitrile).
Alcohol loại triterpenic (chừng 1% các alpha và beta amyrine, đa số ở dạng acid béo đã bị ester hóa). Acid loại triterpene (như ursolic và oleanolic acid, 20-beta-hydroxy ursolic acid). Sterols (chừng 0,11%) ở các dạng tự do, dạng ester hóa và dạng kết nối glycosidic.
2- Thành phần hóa học của quả: Các flavonoid glycosides như rutin, isoquercetrin.
Các anthocyan glycosides như sambucin, sambucyanin, chrysanthe min (=cyanidin-3-rhamnoglucoside-3-xyloglucosid). Khoảng 0,01% tinh dầu chứa 34 hợp chất thơm.
Các glucosid cho cyanide như sambunigrin, prunasin, zierin, hocalin (thưởng ở trong hạt). Các đường hữu cơ (7,5%): glucose, fructose. Các acid hữu cơ trong trái cây như citric, malic. Các vitamin
3- Thành phần của lá: chứa sambunigrin một glycoside cyanogenic (0.042%).
Tính vị, tác dụng:Vị hơi đắng, tính ấm. Rễ chống co thắt và tiêu phù; thân và lá lợi tiểu, tiêu phù và giảm đau.
Công dụng:
Rễ trị đòn ngã tổn thương, gãy xương, thấp khớp. Thân và lá trị viêm thận, phù thũng. Dùng ngoài chữa đụng giập, ngứa, eczema. Liều dùng 30-60g, dạng thuốc sắc.
Vào thời Tuệ Tĩnh, lá cây Cơm cháy đã được dùng nấu nước tắm cho bà đẻ. Nay nhân dân thường dùng lá nấu nước đặc để rửa vết thương, tắm ghẻ lở và giã chung với giấm hay xào nóng đắp sưng vú.
Quả và vỏ được dùng sắc uống với liều 12 - 20g để thông lợi đại và tiểu tiện, chữa kiết lỵ, táo bón và thấp thũng.
Bài thuốc:
1. Đòn ngã bị thương: Dùng Cơm cháy (rễ) 60g, đun nước rồi uống. Cũng dùng lá tươi giã đắp chỗ bị thương.
2. Viêm thận phù thũng: Dùng Cơm cháy (toàn cây) 30-60g, đun nước uống.