Hiện nay dịch sốt xuất huyết (SXH) đang có dấu hiệu bùng phát ở nhiều tỉnh, thành ở miền Nam và miền Trung. Một số trường hợp tử vong đã xảy ra. Các bậc cha mẹ nên nghỉ đến sốt xuất huyết khi thấy con em mình đột ngột sốt, sốt cao và sốt liên tục.
SXH là loại bệnh nhiễm trùng cấp do siêu vi Dengue. Muỗi Aedes Agypti, thường gọi là muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh. Đây là loại muỗi sống ở những nơi bùn lầy nước đọng hoặc các nơi ẩm thấp tối tăm trong nhà. Do đó, bệnh thường xảy ra vào đầu mùa mưa, cao điểm vào khoảng tháng 6 đến tháng 10. Theo ước tính của WHO, mỗi năm có khoảng 50 triệu người bị nhiễm SXH. Nhiều người trong số nầy đã không qua khỏi. Cho đến nay, khoa học vẫn chưa có thuốc đặc trị, chưa có vaccin chủng ngừa đối với SXH.
Tại nước ta, bệnh SXH đang có dấu hiệu tăng cao ở nhiều nơi. SXH vẫn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, đối tượng nhiễm bệnh nhiều nhất ở lứa tuổi từ 2 đến 10 tuổi. Do đó, các bậc cha mẹ nên nghỉ đến sốt xuất huyết khi thấy con em mình đột ngột sốt, sốt cao và sốt liên tục.
Triệu chứng. Triệu chứng đột ngột sốt cao từ 39o đến 41o có thể kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Dấu hiệu xuất huyết có thể xảy ra sau một vài ngày sốt. Triệu chứng xuất huyết có thể là những chấm đỏ hiện ra khi ấn nhẹ vài giây trên da do xuất huyết dưới da hoặc có thể là xuất huyết niêm mạc gây chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói ra máu, tiêu ra máu. Một số trường hợp có kèm những triệu chứng rối loạn tiêu hoá như đầy bụng, ói mữa. Bệnh đặc biệt nguy hiểm ở giai đoạn cuối khi sốt đã qua kèm theo thân nhiệt giảm, huyết áp hạ, tri giác lơ mơ, người lừ đừ, tay chân lạnh, môi tím tái có thể dẫn đến truỵ mạch và tử vong nếu không được chuyển viện và cấp cứu kịp thời.
Điều trị. Bệnh chưa có thuốc đặc trị. Cách chữa chủ yếu là hạ sốt, giảm đau, bù nước. Ở giai đoạn đầu, có thể chăm sóc tại nhà bằng cách lau mình bằng rượu trắng, vuốt nhẹ sống lưng (vuốt nhẹ và vuốt liên tục nhiều lần từ gáy dọc xuống dưới thắt lưng), uống paracetamol, ăn thức ăn dễ tiêu và khuyến khích uống nhiều nước, nhất là nước, chanh, nước cam hoặc nước oresol. Nhiều trường hợp sốt xuất huyết đã được gia đình xử lý tốt chỉ bằng biện pháp đơn giản nầy. Tuy nhiên, nếu đã có dấu hiệu xuất huyết hoặc dấu hiệu choáng cần được chuyển ngay đến cơ sở chuyên môn.
Trong điều trị SXH, y học hiện đại có ưu thế hơn Đông y khi xử lý chống choáng bằng truyền dịch và trợ tim mạch. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sốt cao, một số vị thuốc của Đông y tỏ ra hữu hiệu khi bệnh không đáp ứng tốt với các biện pháp chính thống của Tây y.
Địa long chữa SXH.
Địa long thường gọi là giun đất hay trùn đất là 1 vị thuốc đặc trị hạ sốt của y học cổ truyền trong các chứng sốt cao, kể cả SXH.
Cách dùng: Địa long có bán sẳn ở các hiệu thuốc bắc. Mua từ 10 đến 12 con, sao thơm sắc uống. Có thể dùng bằng cách sao thơm, tán bột uống mỗi lần 0,5g. Tốt nhất là nấu cháo với 1 nhúm nhỏ hạt gạo đã rang qua và cho bệnh nhi uống dần mỗi lần một vài muỗng, vừa có tác dụng hạ sốt lại vừa bổ sung nước và chất dinh dưõng.
Địa long vốn dĩ là 1 loại thực phẩm có độ đạm rất cao được dùng để chữa các trường hợp suy dinh dưỡng của trẻ em hoặc người ốm mới dậy. Bài thuốc dân gian “Thần dược cứu mệnh”[] với Địa long là vị thuốc chủ lực đã được Bác sĩ Nguyển văn Hưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y Tế cho phổ biến để sử dụng hửu hiệu trong đợt chống dịch sốt xuất huyết tại các tỉnh miền Bắc vào năm 1969.
Lá đu đủ tươi chữa SXH.
Lá đu đủ là 1 thảo dược dễ tìm có nhiều chất chống oxy hoá và những enzym có tác dụng sát trùng, kháng viêm và tăng sức miễn dịch. Ngày 17.7.2010, hãng thông tấn quốc gia Sri Lanka vừa cho biết dịch chiết lá đu đủ đang được xem là liệu pháp chính thức chữa trị bệnh SXH hiện lan tràn rất nhanh tại quốc đảo nầy.
Một nghiên cứu khoa học[ii] về tác dụng của lá đu đủ tươi đối với SXH đã được thực hiện trên 70 bệnh nhân SXH bao gồm khoảng 15 trẻ em. Kết quả cho biết liều dùng 10ml dịch chiết lá đu đủ tươi mỗi người mỗi ngày đã chữa khỏi hoàn toàn cho số bệnh nhân nầy. Các bệnh nhân nầy cũng được theo dõi vài tháng sau đó và được xác định là không có phản ứng phụ.
Về cơ chế tác dụng, Bác sĩ Sanath Hettige, người hướng dẫn cuộc thí nghiệm, cho rằng dịch chiết lá đu đủ làm tăng số lượng bạch huyết cầu và tiểu cầu, ngăn chận nguy cơ xuất huyết do lượng tiểu cầu xuống thấp. Số lượng tiểu cầu bình thường là 150.000-400.000 tiểu cầu/mm³ máu. Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, cầm máu. Khi số lượng tiểu cầu giảm dưới 100.000/mm³ máu thì nguy cơ xuất huyết tăng lên. Quan trọng hơn, những hoạt chất trong lá đu đủ còn có khả năng cải thiện và phục hồi chức năng gan đã bị suy sụp.
Bác sĩ S. Bajaj, thuộc Bệnh viện Bombay, Ấn độ, cũng dẫn chứng 1 bệnh nhân bị sốt xuất huyết nhập viện đã 3 ngày, sốt không giảm, lượng tiểu huyết cầu giảm xuống còn 28.000. Tuy nhiên, khi cho uống nước cốt lá đu đủ, tiểu cầu từ từ tăng lên. Sau 3 ngày, bệnh nhân đã hồi phục.
Cách dùng: Dùng 2 lá tươi, rửa sạch, bỏ cọng, giã nát, lọc lấy nước uống. Người lớn dùng mỗi lần 10ml, ngày 2 lần. Trẻ em từ 5 đến 12 tuổi dùng liều 5ml mỗi lần.
Lưu ý.
- Đã bị SXH 1 lần vẫn có thể bị tái lây nhiễm. Có nhiều loại siêu vi Dengue khác nhau. Người ta phân biệt 4 loại huyết thanh DEN-1, DEN-2 , DEN- 3 và DEN-4 tương ứng với 4 loại siêu vi Dengue và trẻ đã mắc phải 1 loại dengue nhất định chỉ được miễn dịch với loại đó và vẫn có thể bị SXH lần thứ hai với 1 loại khác.
- Không dùng Aspirin chữa SXH. Aspirin là 1 loại thuốc giảm đau, hạ sốt phổ biến. Tuy nhiên, không dùng aspirin trong điều trị SXH để tránh làm tăng nguy cơ xuất huyết.
- Cảnh giác với tình trạng giảm sốt sau vài ngày đầu của bệnh. Giảm sốt kèm theo dấu hiệu tươi tỉnh, đi lại chơi đùa là biểu hiện cải thiện. Ngược lại, giảm sốt nhưng bệnh nhi giảm hoạt động, thần trí lơ mơ, tay chân lạnh hơn bình thường có thể là biểu hiện nguy hiểm cần được chuyển viện gấp.
Ykhoa.net