Chiếc phong bì và đạo đức của người thầy thuốc


Songmaivoianh

Active Member
744
51
28
Xu
0
Trong chương trình gặp nhau cuối năm trên đài truyền hình vào thời điểm giao thừa chuyển từ năm cũ Tân Mão 2011 sang năm mới Nhâm Thìn 2012. Táo quân y tế đã được thiên đình, Nam Tào, Bắc Đẩu và Ngọc hoàng Thượng đế chất vấn về tệ nạn phong bì với đạo đức của người thầy thuốc tại hạ giới. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2 năm 2012, những người thầy thuốc nên kiểm định lại giá trị đạo đức của mình từ chiếc phong bì mà toàn xã hội đang lên án.

Đạo đức của người thầy thuốc còn gọi là y đức. Vấn đề này đã được người xưa, kể cả hiện nay đặc biệt quan tâm vì nghề y là một nghề đặc biệt, nó có trách nhiệm chăm lo đến sức khỏe và tính mạng của con người. Để thực hành y nghiệp đúng đắn, người thầy thuốc phải có y đức đầy đủ. Y nghiệp và y đức phải được gắn kết nhau một cách chặt chẽ để trở thành đạo của những người thầy thuốc chân chính, tạm gọi là y đạo cũng như những người học và sử dụng võ thuật phải có tinh thần võ sĩ đạo. Các môn phái võ thuật đã gắn kết chữ đạo vào tên môn phái của mình như Việt võ đạo, Việt quyền đạo, Judo, Taekondo, Aikido... (do # đạo). Các thầy thuốc làm nghề y cũng phải vào y đạo, đạo của những người thầy thuốc.
Hippocrates là bậc Y tổ của thế giới đã có lời thề trong thực hành y nghiệp: “Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết”. “Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại...”. “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công”. Ngày xưa, Hippocrates đã nói lên được điều đạo đức của người thầy thuốc trước sự cám dỗ của vật chất, của đồng tiền để hành nghề trong sự vô tư, trong sáng vì việc cứu người, giúp đời. Luật nhân quả cũng đã được nêu ra trong lời thề Hippocrates là: “Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm, tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ chịu một số phận khổ sở ngược lại”. Không biết từ thời Hippocrates đã có “chiếc phong bì” chưa nhưng bậc y tổ của thế giới đã cảnh giác trước mọi sự cám dỗ, tiêu cực từ vật chất, đồng tiền làm ảnh hưởng đến giá trị đạo đức của người thầy thuốc trong khi hành nghề.


Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là bậc y tổ của Việt Nam cũng đã có lời căn dặn đối với người thầy thuốc trong thực hành y nghiệp: “Khi chữa cho ai khỏi bệnh rồi, chớ có mưu cầu quà cáp vì những người nhận của người khác cho thường hay sinh nể nang, huống chi đối với những kẻ giàu sang tính khí thất thường mà mình cầu cạnh, thường hay bị khinh rẻ. Còn việc tâng bốc người ta để cầu lợi, thường hay sinh ra chuyện; cho nên nghề thuốc là thanh cao, ta phải giữ khí tiết cho trong sạch...”. “Phàm người mời đi thăm bệnh, nên tùy bệnh cần kíp hay không mà sắp đặt đi thăm trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hay nghèo nàn mà nơi đến trước, chỗ tới sau, hoặc bốc thuốc lại phân biệt hơn kém. Khi lòng mình có chỗ không thành thật thì khó mong thu được kết quả”. “Khi đến xem bệnh ở những nhà nghèo túng hay những người mồ côi, góa bụa hiến hoi, càng nên chăm sóc đặc biệt vì những người giàu sang không lo không có người chữa; còn những người nghèo hèn thì không đủ sức đón được thầy giỏi; vậy ta để tâm một chút họ sẽ được sống một đời...”. Vấn đề mưu cầu quà cáp, biếu xén từ bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân để người bệnh được sự quan tâm chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của thầy thuốc trong khi hành nghề là điều trái với lương tâm, đạo đức con người mà xã hội đã lên án từ ngày xưa. Sự phân biệt nghèo hèn, giàu sang trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân đã được Hải Thượng Lãn Ông căn dặn kỹ càng, khách quan cho những người thầy thuốc để có được sự trong sáng trong lúc hành nghề. Ngày nay quà cáp, biếu xén thường được thể hiện một cách tế nhị, gọn gàng qua “chiếc phong bì”. Thời của Hải Thượng Lãn Ông, việc biếu xén quà cáp chỉ nêu ra sau khi người bệnh đã được chữa khỏi bệnh rồi, giống như một hình thức trả ơn. Thời hiện tại, “chiếc phong bì” là quà cáp, biếu xén lại được thể hiện trước khi bệnh nhân được chữa khỏi bệnh mặc dù không biết bệnh có được chữa khỏi hay không; đây là một hiện tượng tiêu cực không hơn không kém mà người thầy thuốc khi nhận “chiếc phong bì” cần phải cân nhắc.
Một nội dung trong lời tuyên thệ của các bác sĩ tốt nghiệp ra trường tại Trường Đại học y khoa Huế trước đây cũng đã nêu: “Coi nghể thầy thuốc mà tôi đã tự chọn như là một con đường cứu người, giúp đời chớ không xem như là một phương tiện thương mại...”. Nghề thầy thuốc là một nghề cao quý giúp chữa bệnh tật cho người dân, không được phân biệt giàu nghèo; đây không phải là một nghề kinh doanh, buôn bán, thương mại để có được sự phú quý, giàu sang vô nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy bảo những người thầy thuốc xã hội chủ nghĩa phải thương yêu người bệnh: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. “Lương y như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng”. Nếu tất cả những người thầy thuốc như người mẹ hiền, thương yêu bệnh nhân như ruột thịt thì “chiếc phong bì” cũng trở nên vô nghĩa.

Trong thời gian qua, “chiếc phong bì” như là một phương tiện thương mại xuất hiện khá phổ biến tại một số các cơ sở y tế đã gây nên nỗi bức xúc, nhức nhối cho toàn xã hội. Từ việc xem là bình thường này, nó đã trở nên một thông lệ làm ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị đạo đức, lương tâm của những người thầy thuốc. Với tình trạng quá tải của các bệnh viện hiện nay, đời sống kinh tế của phần lớn các thầy thuốc còn hạn chế thì “chiếc phong bì” từ người bệnh hay người nhà bệnh nhân đã có tác dụng rất mạnh mẽ. Một “chiếc phong bì” sẽ giúp được sự quan tâm chăm sóc sức khỏe, được khám chữa bệnh sớm, thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng nhanh chóng; được nằm giường bệnh đàng hoàng... Ngoài “chiếc phong bì” lót đường, bệnh nhân nếu muốn được quan tâm khi ốm đau vào bệnh viện mà khỏi tốn “bì thư” thì cũng cần có sự gửi gắm của người thân quen với thầy thuốc hay những người có chức sắc, có quyền lực.
Khi xem chương trình gặp nhau cuối năm trên đài truyền hình để tiễn biệt năm cũ Tân Mão 2011 và đón nhận năm mới Nhâm Thìn 2012, có lẽ những người thầy thuốc không ít thì nhiều cũng đã bị đau xót, buồn lòng với nội dung mà Táo quân y tế đã báo cáo thực trạng tình hình cho Ngọc hoàng Thượng đế. Nam Tào, Bắc Đẩu cũng phê phán nhiều về lĩnh vực này. Nội dung “chiếc phong bì” được đưa ra tại thiên đình đã phản ánh sự suy thoái đạo đức của một số bộ phận những người làm công tác y tế đã trót nhận nhiều “chiếc phong bì” trong thời gian qua. Thiên đình và Ngọc hoàng Thượng đế cũng đã có một số khuyến nghị để chấn chỉnh y đức của người thầy thuốc từ “chiếc phong bì” nhỏ bé này. Vấn đề quá tải bệnh viện có lẽ cũng có liên quan đến sự tiêu cực của “chiếc phong bì” nên cần khắc phục. Trong dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2 năm 2012, những người thầy thuốc đã có lần cầm “chiếc phong bì” từ tay người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân thời gian qua cần suy ngẫm lại vấn đề của “chiếc phong bì” mà xã hội từng quan tâm để điều chỉnh lại hành vi đạo đức của mình, trả lại sự trong sáng cho ngành y tế, “suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết” theo lời thề của Hippocrates, bậc y tổ thế giới.
Mong rằng hiện tượng “chiếc phong bì” tại một số bệnh viện sẽ được loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội trong thời gian đến với lòng tự trọng của những người thầy thuốc chân chính và ý thức đúng đắn của người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân. Người nhận chiếc phong bì có lỗi đã đành, người đưa chiếc phong bì cũng có lỗi không kém. Y đạo là đạo của những người thầy thuốc nên tất cả những người thầy thuốc khi đã theo đạo phải thực hành y nghiệp thật tinh thông với y đức thật vô tư, trong sáng.

TƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh
 

Thực ra cái phong bì không phải là xấu, cũng không có lỗi và việc nhận phong bì cũng không sai. Phong bì hay 1 món nào đó được coi là lời cám ơn của bệnh nhân đến với bác sĩ, điều dưỡng - những người đã tận tâm chăm sóc, cứu chữa mình khỏi cửa tử, khỏi 1 căn bệnh nào đó, là người đã tận tâm chu đáo chăm sóc cho mình từng miếng ăn, giấc ngủ...

Hình ảnh người thầy thuốc, điều dưỡng ân cần thăm hỏi bệnh nhân
Những món quà đó, có khi chỉ là cái bánh, viên kẹo nhằm động viên thêm cho người thầy thuốc. Dù nhỏ thôi nhưng giá trị tinh thần luôn được đặt trên đầu tiên. :zingme22: Hãy lấy làm hạnh phúc khi chúng ta - những người ngành Y được nhận, được người bệnh, thân nhân tin tưởng, chứ đừng bao giờ lấy điều đó để thay đổi thái độ, làm phiền hà, gây nhiễu cho người bệnh. Sự lợi dụng quá đáng vào đồng tiền - phong bì, món quà bánh kẹo to hay bé mà đưa ra thái độ đối xử khác nhau. Đó là điều vô cùng gây hại và cần tránh.
" Y đức không phải là luật pháp, mà là những qui ước và nguyên tắc được các thành viên trong ngành chấp nhận như là những kim chỉ nam cho việc hành nghề". Nó không quá xa xôi mà ở trong chính trái tim của mình. Mong rằng, các sinh viên Y - những bs, điều dưỡng tương lai hãy tự rèn luyện và hãy làm việc bằng chính lương tâm, chính sự yêu thương của mình.
 
  • Like
Cảm xúc: pham hien


Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl