Mùa xuân và nỗi lo bệnh phổi, phế quản


Mùa xuân, thời tiết lạnh, ẩm, cộng với những cơn mưa phùn… là điều kiện lý tưởng để các bệnh về phổi – phế quản phát triển.

Do có điều kiện tung hoành mạnh trong khoảng thời gian này nên bệnh hô hấp khiến người chưa mắc thì dễ mắc, người đang mắc thì bệnh có xu hướng tăng nặng, người đã chữa khỏi thì bệnh dễ tái phát. Khi cơ thể nhiễm lạnh, bộ phận đầu tiên bị ảnh hưởng là đường hô hấp trên, gây viêm mũi, viêm họng, xoang, từ đó nhiễm khuẩn lan xuống khí phế quản và nhu mô phổi gây viêm phế quản, viêm phổi.

Viêm khí – phế quản cấp tính

Virut cúm influenza A và B, các virut Parainfluenza, virut hợp bào hô hấp, virut hạch, virut đường mũi… khi gặp điều kiện thuận lợi kể trên sẽ sinh sôi và phát tác rất nhanh, gây viêm khí – phế quản cấp mùa đông – xuân. Các triệu chứng của nhiễm khuẩn đường hô hấp trên thường giống với các biểu hiện của viêm khí – phế quản. Với bệnh viêm khí – phế quản cấp, cách phòng bệnh tốt nhất chính là giữ ấm cơ thể, nhất là vùng ngực và cổ. Khi bị bệnh, nên có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi tốt kết hợp với dùng kháng sinh thông thường chống bội nhiễm.

Viêm phổi

Từ viêm đường hô hấp trên rất dễ dẫn tới viêm phổi. Hiện nay, các vi khuẩn đã kháng với một hoặc nhiều kháng sinh nên việc điều trị bệnh viêm phổi gặp nhiều khó khăn. Do căn bệnh này nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao, nên nếu nghi ngờ viêm phổi phải đi bệnh viện ngay. Việc phòng bệnh viêm phổi là hết sức quan trọng, đó là giữ ấm, tránh lạnh, tránh ẩm, tránh gió lùa, tăng cường sự chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng đỡ cơ thể cho người già và trẻ em.



Hen phế quản

Phấn hoa, hóa chất, bụi sinh vật, nấm, mốc, vi khuẩn, bụi vô cơ… là nguyên nhân đầu tiên khiến những người có cơ địa dị ứng, nhất là bệnh nhân hen tái phát hoặc phát bệnh. Bên cạnh đó, do độ ẩm không khí cao, khả năng đề kháng của cơ thể giảm… cũng khiến cho bệnh hen phế quản trong mùa đông xuân cao hơn hẳn so với các mùa khác. Muốn phòng tránh bệnh hen, không có cách gì khác ngoài việc loại trừ các tác nhân gây bệnh như không để cơ thể bị lạnh, tránh bụi, ký sinh vật, nấm mốc, phấn hoa… Đối với những người đã mắc bệnh, điều quan trọng là phải cắt được cơn hen trong thời gian ngắn nhất, không để cơn hen phát triển thành ác tính.

Giãn phế quản

Giãn phế quản có 2 thể, đó là thể “khô” (ít gặp) và thể “ướt” (thường gặp). Giãn phế quản ướt là giãn phế quản xuất tiết, người bệnh có biểu hiện chủ yếu là ho khạc nhiều đờm, nguyên nhân thường do vi khuẩn. Lạnh là yếu tố kích thích phế quản xuất tiết niêm dịch, ứ đọng trong các phế quản giãn là môi trường thuận lợi cho cho nhiễm khuẩn phát triển. Điều đó lý giải vì sao mùa đông – xuân tỉ lệ người bị bệnh này tăng rõ rệt.

Ho ra máu

Sự thay đổi về nhiệt độ và khí áp, đặc biệt với việc các vi khuẩn gây bệnh sinh sôi nhanh trong khí hậu lạnh và ẩm khiến bệnh ho ra máu tăng rõ rệt. Với bệnh này, phòng ngừa tốt nhất vẫn là tránh không để nhiễm khuẩn đường hô hấp. Nếu mắc bệnh phải dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ và có chế độ nghỉ ngơi tốt.

Đợt cấp của tâm phế mạn tính

Tâm phế mạn là bệnh tim do bệnh phổi mạn tính (viêm phế quản mạn tính, hen, giãn phế quản, giãn phế nang, lao phổi…) gây ra. Bệnh thường đột ngột trở nặng trong mùa lạnh, khiến bệnh nhân khó thở nhiều, sau vài đợt như thế nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Tuy là bệnh tim nhưng do nguyên nhân phổi nên điều trị chủ yếu về phổi, điều trị nhiễm khuẩn phổi. Do vậy, không để tái phát các bệnh phổi – phế quản trong mùa lạnh là vấn đề sống còn đối với bệnh nhân tâm phế mạn tính.

Áp-xe phổi

Khi bị viêm phổi hay giãn phế quản bội nhiễm, nếu không được giải quyết tốt sẽ biến chứng thành áp-xe phổi. Căn bệnh này sẽ hủy hoại nhu mô phổi do nhiễm khuẩn S. pneumoniae, H. influenzae… ở trẻ em là do tụ cầu. Để phòng tránh biến chứng này, ngoài việc mặc ấm, giữ kín cổ, khi ra khỏi nhà nên đeo khẩu trang… thì nhà ở phải kín gió.

Lao phổi

Những bệnh nhân lao phổi nếu không được chăm sóc, giữ gìn, điều trị tốt thì bệnh sẽ nặng lên trong mùa lạnh. Vì vậy, người bệnh cần có biện pháp phòng lạnh và ẩm ướt thật tốt.

Tràn dịch màng phổi

Do bệnh lao tăng mạnh sẽ kéo theo tỉ lệ tràn tràn dịch màng phổi ở mùa đông-xuân cao hơn nhiều so với các mùa khác. Khi bị tràn dịch màng phổi, bệnh nhân bắt buộc phải đến các cơ sở điều trị bệnh lao và bệnh phổi để chọc tháo, tránh tai biến ép tạng, suy hô hấp, dày dính màng phổi, đóng vôi màng phổi sau này.

Suy hô hấp

Do dễ bị nhiễm khuẩn, những người mắc bệnh phổi – phế quản mạn tính, người nhiễm virut… rất dễ bị suy hô hấp. Tuy nhiên, suy hô hấp do nhiễm khuẩn điều trị đơn giản, hiệu quả hơn suy hô hấp ở người bị bệnh phổi mạn tính. Suy hô hấp sau cúm thường rất nặng, tử vong cao. Để phòng tránh bệnh này, mùa đông nên đi ngủ sớm, thức dậy muộn, tập thể dục hay đi lại nhẹ nhàng trong nhà hoặc nơi kín gió. Nên ăn các thức ăn có màu đen, tính nhuận như vừng đen, nếp cẩm, đậu đen…

Ngoài ra, mùa đông – xuân, chúng ta còn phải hết sức chú ý phòng chống các bệnh khác như cúm, bệnh ở cơ quan tuần hoàn, bệnh ở cơ quan tiêu hóa, bệnh tiêu chảy mùa đông ở trẻ do Adenovirus…


Timbacsy.com
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl