Sức khỏe: Ngoài mổ lấy thai ngoài tử cung thì có biện pháp xử lý khác không?


dungcpc1

Active Member
2,594
3
38
Xu
1,157
Hội bác sỹ –


Đối với trường hợp mang thai ngoài tử cung, bác sĩ có thể chỉ định đình chỉ thai kì bằng cách dùng thuốc (điều trị nội khoa) hoặc phẫu thuật.

Kính chào bác sĩ. Em năm nay 25 tuổi, đã kết hôn và mới mang thai. Thế nhưng, tính theo kì kinh thì đến nay thai của em đã được 6-7 tuần mà vẫn chưa vào trong tử cung, không có tim thai. Bác sĩ siêu âm cho em kết luận là thai ngoài tử cung và tư vấn mổ lấy thai sớm. Em rất buồn vì đây là con đầu, em sợ ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản sau này. Em muốn hỏi, ngoài mổ lấy thai ngoài tử cung thì có biện pháp xử lý khác không. Em rất lo sợ nên mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn!

(H. Hải)

Trả lời:

Bạn H. Hải thân mến!

Trước hết, xin được chia sẻ với bạn khi không may mắn, gặp phải hoàn cảnh mang thai ngoài tử cung ngay trong lần mang thai đầu tiên. Thai ngoài tử cung là một tình trạng bất thường của thai kì, đó là thay vì phát triển trong lòng tử cung, trứng sau khi thụ tinh thành phôi lại nằm ở vị trí bên ngoài như ổ bụng, vòi trứng… Những vị trí này không thích hợp cho bào thai phát triển nên rất nguy hiểm, có nguy cơ bị vỡ, gây chảy máu ồ ạt và đe dọa trầm trọng khả năng sinh sản cũng như tính mạng của người mẹ.



Thai ngoài tử cung là một tình trạng trứng sau khi thụ tinh thành phôi lại nằm ở vị trí bên ngoài như ổ bụng, vòi trứng…

Vì vậy, khi được kết luận mang thai, người mẹ cần đi thăm khám, siêu âm đúng theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Trong trường hợp không may, thai nhi phát triển ngoài tử cung thì cần được xử lý kịp thời, tránh để lâu dẫn đến vỡ và chảy máu.

Hiện nay, đối với trường hợp mang thai ngoài tử cung, bác sĩ có thể chỉ định đình chỉ thai kì bằng cách dùng thuốc (điều trị nội khoa) hoặc phẫu thuật.

Loại thuốc được dùng để đình chỉ thai ngoài tử cung là loại thuốc được tiêm trực tiếp vào cơ thể của thai phụ hoặc vào khối thai. Thành phần chủ yếu của loại thuốc này là các chất cạnh tranh với axit folic, có tác dụng làm chết các tế bào của thai nhi. Sau khi tiêm thuốc khoảng 2- 3 ngày, thai phụ sẽ xuất hiện tình trạng đau bụng gia tăng. Điều này chứng tỏ thuốc đã phát huy tác dụng và thai nhi đang dần tách khỏi vị trí bám và trôi ra ngoài. Thai phụ sẽ được các bác sĩ theo dõi sức khỏe từ 3- 4 tuần để đảm bảo thai nhi đã được loại bỏ hoàn toàn khỏi tử cung của người mẹ. Mặc dù có ưu điểm là gây ít tổn thương, bảo vệ được vòi trứng nhưng biện pháp này chỉ có thể áp dụng cho trường hợp thai nhi có kích thước dưới 3cm, chưa vỡ và tim thai chưa hoạt động.

Với những trường hợp khác thì cần phải phẫu thuật để lấy thai ra ngoài. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ cho mổ nội soi hay mổ mở (còn gọi là mổ phanh). Ngoài ra, khi điều trị thai ngoài tử cung bằng cách phẫu thuật, bác sĩ cũng sẽ cân nhắc việc điều trị bảo tồn hay không bảo tồn. Điều trị bảo tồn là trong trường hợp khối thai chưa vỡ, bác sĩ có thể phẫu thuật mở vòi trứng, lấy khối thai và cầm máu chứ không cắt bỏ vòi trứng. Biện pháp này thường được áp dụng cho những người chưa có đủ con hoặc chưa có con.

Vì vậy, bạn nên trao đổi với bác sĩ để biết biện pháp nào là tốt nhất cho bạn. Trong thời gian chưa điều trị, bạn tránh để cho mình quá căng thẳng, tránh vận động mạnh để giữ an toàn, không để cho khối thai bị vỡ. Sau đó bạn nên xử lý sớm.

Chúc bạn khỏe!

BS. Hoa Hồng

Theo Afamily.vn​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl