Điều trị ung thư bàng quang như thế nào?


4,226
1
1
Xu
53
Điều trị ung thư bàng quang bao gồm: phẫu thuật, hóa trị và/hoặc liệu pháp miễn dịch. Những lời khuyên sau từ bác sĩ sẽ giúp bạn hiểu rõ về từng cách điều trị căn bệnh này.

Người già bị ưng thư bàng quang có nên mổ không?


Câu hỏi bởi: loan nguyen

Chào bác sĩ.

Bà nội em năm nay 81 tuổi, mới đây được bác sĩ chẩn đoán là ung thư bàng quang, và lên tiến trình là sẽ mổ nhưng em đang rất lo ngại sức khỏe của bà liệu có chịu đựng để mổ và khả năng phục hồi lại rất khó (vì người già rất khó lấy lại sức). Em không biết nếu ung thư mà không mổ thì thời gian kéo dài bao lâu hay là cách tốt nhất để kéo dài sự sống là bắt buộc phải mổ?

Em xin chân thành cảm ơn ạ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Ung thư bàng quang có thể dễ dàng kiểm soát nếu được phát hiện và chữa trị sớm. Các biểu hiện của ung thư bàng quang bao gồm tiểu đau và tiểu ra máu. Nguyên nhân gây ung thư bàng quang chưa được biết rõ. Việc chữa trị bao gồm phẫu thuật, hóa trị liệu, và xạ trị.

Phẫu thuật: đây là một phương pháp chữa trị ung thư bàng quang phổ biến. Loại phẫu thuật phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn và cấp độ của khối u. Bác sĩ sẽ giải thích từng loại phẫu thuật và thảo luận để tìm ra phương pháp chữa trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.

Điều trị bằng tia xạ: một số lượng nhỏ bệnh nhân có thể được chiếu xạ trước khi phẫu thuật để làm co khối u. Một số bệnh nhân khác có thể được chiếu xạ sau khi phẫu thuật để tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại trong khu vực. Đôi khi, bệnh nhân có thể được chữa trị bằng tia phóng xạ khi không còn khả năng phẫu thuật.

Hóa trị liệu: hóa trị liệu sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ có thể sử dụng một hoặc kết hợp nhiều loại thuốc. Đối với bệnh nhân có ung thư bàng quang nông, bác sĩ có thể đưa hóa chất vào trong bàng quang sau khi cắt bỏ ung thư qua đường niệu đạo.

Việc kéo dài sự sống được bao lâu là hoàn toàn phụ thuộc vào giai đoạn ung thư của bà bạn cũng như đáp ứng của bệnh nhân. Tuy nhiên nếu không được chữa trị bệnh nhân sẽ phải sống quãng đời còn lại trong lo lắng và phiền toái do bệnh gây ra. Về việc cơ thể bà bạn có thể chịu đựng cuộc mổ hay không chỉ có các bác sĩ trực tiếp thăm khám mới có thể kết luận được. Gia đình bạn hãy cân nhắc kỹ những khuyến cáo của họ.

Chúc gia đình sống khỏe!

Ba của cháu đi tiểu ra máu cục


Câu hỏi bởi:

Thưa bác sĩ!

Cho cháu hỏi ba của cháu đi tiểu ra máu cục nên có đưa đi đến Bệnh viện Đại học Y Dược ở quận 5 thành phố Hồ Chí Minh… Tại đây các bác sĩ đã cho ra kết quả đề là bướu ác bàng quang (không sinh thiết). Vậy cho cháu hỏi bướu ác bàng quang là gì đó có phải là ung thư không. Bệnh này có cần phẫu thuật không hay chỉ xạ trị thôi. Cháu nên đưa ba cháu đi đến nơi nào để điều trị mới chuyên về bệnh này. Mong bác sĩ sớm chỉ dẫn cho cháu cứu ba cháu với ạ.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Trước hết cháu cần biết một số triệu chứng của ung thư bàng quang (hay còn gọi bướu ác bàng quang) dưới đây:

Có máu trong nước tiểu (tiểu ra máu).

Nước tiểu có thể có màu vàng sậm, màu đỏ tươi hay màu nước ngọt coca cola, hoặc nước tiểu có thể bình thường, nhưng kiểm tra dưới kính hiển vi thấy có hồng cầu trong nước tiểu.

Đi tiểu nhiều lần hoặc đái rắt.

Đau khi đi tiểu.

Nhiễm trùng đường tiểu tái diễn.

Đau bụng

Đau hông lưng

Ba cháu bị tiểu ra máu. Đây là một trong những dấu hiệu của ung thư bàng quang, tuy nhiên cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhẹ hơn. Không biết ba cháu đã làm các xét nghiệm nào. Thông thường để đưa ra kết luận là ung thư bàng quang, bác sĩ cần thực hiện các bước chẩn đoán sau: khám lâm sàng xét nghiệm nước tiểu, chụp thận – niệu quản có tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch, soi bàng quang, sinh thiết. Sinh thiết là bước khẳng định chẩn đoán. Khi đã xác định nếu là u ác tính, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết các mô lân cận để xem khối u đã di căn hay chưa, từ đó có liệu pháp chữa trị thích hợp. Cháu nên đưa ba tới bệnh viện ung bướu thành phố Hồ Chí Minh để điều trị. Việc quyết định phẫu thuật hay xạ trị phụ thuộc vào giai đoạn và cấp độ của khối u.

Chúc cháu và ba mạnh khỏe!

Bị tiểu dắt nên uống thuốc gì cho mau khỏi?


Câu hỏi bởi: heart

Thưa bác sĩ!

Cháu là nữ, 20 tuổi. 1 tháng nay cháu bị đi tiểu dắt, mỗi lần đi ít nhưng không bị tiểu buốt. Phần bụng dưới căng tức (không đau), cháu ấn vào thấy một đường to và cứng nổi từ bẹn bên trái tới chỗ trên xương mu. Cháu có đi khám ở bệnh viện, xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm đường tiết niệu thì tất cả đều bình thường. Bác sĩ bảo không phải viêm tiết niệu nhưng vẫn cho cháu kháng sinh về uống. Cháu bị bệnh gì và cách chữa thế nào thưa bác sĩ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Nguyên nhân gây tiểu buốt, tiểu rắt thường là do các bệnh về ở bàng quang, niệu đạo như viêm bàng quang, niệu đạo, ung thư bàng quang… Ngoài những lí do trên, đái rắt còn có thêm những lí do ngoài bàng quang, niệu đạo như: Tổn thương ở trực tràng: Viêm trực tràng, giun kim (hay gặp ở trẻ con), ung thư trực tràng…cũng có thể gây đái rắt, vì trung tâm điều chỉnh hoạt động của bàng quang và trực tràng ở cạnh nhau trong tuỷ sống. Tổn thương ở bộ phận sinh dục nữ: Uxơ tử cung, ung thư cổ tử cung, thân tử cung, viêm phần phụ sinh dục… cũng có gây đái rắt vì nó nằm sát ngay bàng quang, trực tiếp gây những kích thích đối với bàng quang.

Trường hợp của bạn, kết hợp với triệu chứng bụng dưới căng tức (không đau), ấn vào thấy một đường to và cứng nổi từ bẹn bên trái tới chỗ trên xương mu, bạn cần đi khám để loại trừ bệnh về đại trực tràng.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Đi tiểu nhiều, hơi đau vùng bàng quang, thắt lưng


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Tôi năm nay 23 tuổi. Tôi bị tiểu nhiều trong một thời gian dài. Đi khám ở bệnh viện thì kết luận không việc gì. Tôi cảm thấy hơi đau ở vùng bàng quang. Và đau vùng thắt lưng trở xuống khi ngồi và đứng dậy. Nhưng chỉ đâu vài ba phút rồi hết đau. Bác sĩ cho hỏi đó là hiện tượng bệnh gi?

Cảm ơn bác sĩ rất nhiều!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Tiểu nhiều thường do các lí do sau:

Do các bệnh đường tiết niệu gây nên: nhiễm khuẩn đường tiết niệu, hẹp niệu đạo, viêm bàng quang kẽ, hội chứng bàng quang kích thích, ung thư bàng quang, sỏi và các dị vật đường tiết niệu, suy tuyến thượng thận.

Do bệnh lý tuyến tiền liệt: u xơ tuyến tiền liệt, viêm tuyến tiền liệt.

Do bệnh nội tiết: đái tháo đường, đái tháo nhạt.

Do lí do khác: thần kinh tổn thương, mệt mỏi.

U xơ tuyến tiền liệt: tuyến tiền liệt tăng sinh (tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt) có thể gây chèn ép vào niệu đạo, kích thích bàng quang ngay cả khi có ít nước tiểu vẫn muốn đi tiểu dẫn đến đi tiểu nhiều lần trong ngày.

Viêm tuyến tiền liệt.

Bạn bị đi tiểu nhiều kèm theo biểu hiện đau lưng, hơi đau bàng quang. Nếu nước tiểu trong không thấy máu hoặc không đục thì có khả năng nhiều là bạn bị sỏi thận hoặc dị vật đường tiết niệu. Bạn đi khám không phát hiện ra bệnh gì. Bạn cần làm lại xét nghiệm nước tiểu và siêu âm lại. Nếu vẫn không phát hiện ra sỏi bạn cần phải chụp phim thận thường để xác định lại vì có nhiều khi sỏi nhỏ hoặc nằm ở những vị trí như niệu quản dưới đôi khi khó thấy.

Trước mắt, bạn thử áp dụng những biện pháp sau:

Uống hơn 2 lít nước trong một ngày và hạn chế uống nước nhiều vào buổi tối để không thường mắc tiểu về đêm.

Hạn chế thức uống có cồn vì nó làm tăng lượng nước tiểu như vậy sẽ đồng nghĩa với việc bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn.

Giảm caffeine, hạn chế đồ uống có ga.

Nên hạn chế các thực phẩm có tính axit ví dụ như cam, chanh, cà phê, cà chua vì chúng có thể gây kích ứng bàng quang dẫn tới đi tiểu nhiều hơn.

Hạn chế các gia vị nóng và chất ngọt vì chúng tác động không tốt đến bàng quang nếu ăn nhiều. Nếu không đỡ, bạn cần sắp xếp thời gian đi khám lại sớm.

Chúc bạn mau khỏe!

Bướu bàng quang 1 li 2 có phải ung thư không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Bố em đi tiểu ra máu cục đã 2 năm rồi nhưng siêu âm không ra. Hôm qua đi khám bác sĩ thì phát hiện bướu bàng quang, 1 li 2. Bác sĩ nói nguy hiểm phải mổ gấp. Bác sĩ cho em hỏi có phải bố em bị ung thư rồi không? Sau khi mổ có thể đi tiểu bình thường được không?Bố em khám thẻ bảo hiểm y tế ở bênh viện Tân Phú ở tỉnh Đồng Nai. Bác sĩ ở đây cho dùng thuốc 4 ngày, uống hết thì lên mổ. Nhưng em xin chuyển viện không được. Mong bác sĩ giải đáp giúp em.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Trên hình ảnh nôi soi hay siêu âm chỉ phát hiện được có khối u ở bàng quang còn khối u đó là lành tính hay ác tính thì cần phải sinh thiết khối u để kiểm tra. Tuy nhiên, sinh thiết khối u chỉ có giá trị gợi ý chẩn đoán còn tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư là phải mổ lấy bệnh phẩm khối u để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh. Như vậy, sau khi mổ cắt u sẽ phải gửi khối u để làm giải phẫu bệnh.

Còn về thủ tục bảo hiểm y tế, nếu bạn chữa trị ở bệnh viện tuyến trên mà không xin được giấy chuyển viện từ tuyến dưới thì bạn sẽ hưởng bảo hiểm trái tuyến. Mức hưởng trái tuyến sẽ là 60% của mức hưởng đúng tuyến, chẳng hạn như: nếu hưởng đúng tuyến bạn được hưởng 80% thì nay trái tuyến bạn chỉ được hưởng 60% của mức đó tức là 48%. Còn nếu bạn trong tình trạng cấp cứu thì ở bất cứ bệnh viện nào bạn cũng sẽ được hưởng đúng tuyến.

Chúc bạn khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl