Tiêu chảy và những triệu chứng liên quan


4,226
1
1
Xu
53
Tiêu chảy vừa là một bệnh, vừa là một dấu hiệu bệnh lý. Để có thể nhận biết vấn đề sức khỏe khi mắc phải tiêu chảy, chúng ta nên tham khảo những câu hỏi hữu ích dưới đây.

Bị tiêu chảy không thường xuyên là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 19 tuổi, từ sau tết nguyên đán đến nay em bị tình trạng đau bụng tiêu chảy nhưng không thường xuyên, có lúc đặc lúc lỏng nhưng gần đây thường đi tiêu chảy hơn, ngày 1 – 2 lần. Trước tết khi ăn nhiều dầu mỡ em cũng bị tiêu chảy và có ít máu nữa. Mong bác sĩ giải đáp cho em ạ.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào em!

Theo như mô tả thì với các triệu chứng đau bụng tiêu chảy thường xuyên và có cả ít máu thì có thể em bị rối loạn tiêu hóa kéo dài hoặc viêm đại tràng. Vậy em nên đi khám bác sĩ nếu tình trạng đau bụng và tiêu chảy kéo dài hoặc có kèm theo sốt.

Thân mến chào em!

Mắt mờ, tiêu chảy kéo dài là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Lanmi

Chào bác sĩ!

Em là nữ, năm nay 19 tuổi. Bác sĩ cho em hỏi gần đây mắt em bị mờ, nhìn các vật ở xa không rõ. Hầu hết các ngày em đều bị tiêu chảy nhẹ 1 lần. Triệu chứng này đã kéo dài khoảng hơn tuần nay. Vậy xin hỏi bác sĩ em bị bệnh gì?.

Em cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Rối loạn thị lực do tiêu chảy thường xảy ra trong những tình huống tiêu chảy cấp tính với số lượng nhiều, gây mất nước và rối loạn điện giải, giảm khối lượng tuần hoàn có thể gây chứng hoa mắt, mờ mắt, chóng mặt; điều này chắc chắn không phải là vấn đề cháu quan tâm.

Mắt mờ gặp trong nhiều bệnh lý của mắt, khi nhìn các vật ở xa không rõ thường lí do do bị cận thị. Vì vậy cháu nên đi khám chuyên khoa Mắt để xác định lí do và chữa trị.

Triệu chứng đi ngoài phân lỏng kéo dài hơn 1 tuần có thể do rối loạn tiêu hóa, do rối loạn hấp thu hoặc có thể do tác động của việc sử dụng kháng sinh kéo dài, biểu hiện đi ngoài phân lỏng cũng có thể do tình trạng lo nghĩ, căng thẳng, stress gây nên… Cháu nên khám chuyên khoa Tiêu hóa để được xác định. Nếu cháu có quan hệ tình dục không an toàn và nghi ngờ đó là biểu hiện hay triệu chứng của nhiễm HIV, chúng tôi khuyên cháu nên kiểm tra xét nghiệm HIV để biết chính xác.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Đau bụng trên rốn và tiêu chảy là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: nhinguyen

Em chào bác sĩ!

Bác sĩ cho em hỏi cách đây 3 ngày em có đau bụng trên rốn khi đi vệ sinh thì tiêu chảy và có nước tiểu vàng đỏ. Em đi khám bác sĩ thì dùng thuốc đã hết nhưng sáng nay em bị lại. Bác sĩ cho em hỏi đó là bệnh gì ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Hiện tượng đau bụng trên rốn kèm theo đi đại tiện phân lỏng của bạn thường là triệu chứng của tình trạng rối loạn tiêu hóa. Nguyên nhân có thể do bạn ăn uống không điều độ, ăn phải thức ăn ôi thiu, thức ăn để lâu, thức ăn nhiễm khuẩn hoặc thức ăn có chứa các thành phần dị ứng với cơ thể bạn. Khi bị rối loạn tiêu hóa sẽ gây rối loạn hấp thu nước và điện giải, làm cơ thể mất nước và điện giải dẫn đến hiện tượng cô đặc nước tiểu nên làm cho nước tiểu của bạn có màu vàng đỏ.

Tình trạng rối loạn tiêu hóa của bạn đã khỏi sau khi dùng thuốc nhưng lại bị lại là do bạn uống chưa đủ liều, chưa đúng, hoặc do bạn ăn uống chưa đúng cách hoặc do thức ăn của bạn vẫn không hợp vệ sinh. Bạn nên biết rằng sau khi đường tiêu hóa bị tổn thương phải có giai đoạn hồi phục. Nếu sau khi bị rối loạn tiêu hóa mà bạn ăn uống không kiêng khem sẽ rất dễ bị lại. Trước mắt bạn nên ăn cháo hoặc thức ăn mềm mỏng, dễ tiêu, ít chất đạm mỡ, ăn thức ăn chín. Bạn nên dùng thuốc cho đủ liều theo đơn của bác sĩ, uống thêm dung dịch Orezol để bù nước và điện giải, uống Smecta ngày 3 gói và Enterogermina ngày 2 ống nếu như trong đơn của bác sĩ chưa có. Trường hợp không đỡ bạn cần đi khám lại bác sĩ.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Xuất tinh gây đau bụng tiêu chảy là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: zmurderingz

Chào bác sĩ.

Tôi là nam, năm nay 26 tuổi. Tôi để ý thấy mỗi lần tôi quan hệ với bạn gái và đôi khi có thủ dâm thì cứ khi xuất tinh xong tôi thường thấy hay đau bụng. Hầu như tôi ăn thức ăn gì cũng gây đau bụng tiêu chảy cả. Tôi cảm giác bụng rẩt yếu, có thể đau bụng bất cứ lúc nào và thường xảy ra liên tục. Tôi để ý căn bệnh này 3 năm nay rồi và càng ngày càng nặng. Khi nào mà trong tuần tôi xuất tinh nhiều hơn 2 lần là bị. Tôi để ý mấy năm nay rồi nhưng vì ngại không dám đi khám bác sĩ. Mong bác sĩ co thể giới thiệu phương thuốc để trị bệnh này giúp tôi?

Cám ơn bác sĩ ạ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn.

Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) là rối loạn chức năng của ống tiêu hóa nhưng triệu chứng chủ yếu là các biểu hiện của đại tràng. Đây là các rối loạn chức năng của ruột tái đi tái lại nhiều lần mà không tìm thấy các tổn thương về giải phẫu, tổ chức học, sinh hóa ở ruột Đau bụng hoặc cảm giác khó chịu ở bụng kéo dài 12 tuần hoặc trong 12 tháng trước đó, không nhất thiết liên tục, kèm theo:

Giảm đi sau đại tiện. Thay đổi hình dạng khuôn phân. Thay đổi số lần đi đại tiện. Ngoài các biểu hiện trên có thể gặp thêm các biểu hiện không đặc hiệu nhưng gợi ý chẩn đoán HCRKT: Số lần đại tiện không bình thường (>3 lần/ngày hoặc < 3 lần/tuần). Phân không bình thường (lỏng, cứng, nhão). Đại tiện có lúc phải chạy vội vào nhà xí, hoặc phải rặn nhiều, hoặc cảm giác đi chưa hết phân. Bụng chướng hơi, cảm giác nặng tức bụng. Phân có nhầy mũi nhưng không bao giờ có máu. Các biểu hiện không đặc hiệu trên luôn thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào chế độ và thức ăn đồ uống. Nếu ăn uống các thức ăn không thích hợp ngay lập tức xuất hiện các biểu hiện rối loạn; nếu ăn kiêng các biểu hiện có thể hết.

Bạn bị như vậy khả năng nhiều là bị hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên bệnh của bạn lại còn liên quan đến cả vấn đề sinh dục đó là hiện tượng xuất tinh. Bạn nên chữa trị tốt hội chứng ruột kích thích có thể bệnh sẽ hết.

Các biện pháp sau có thể giúp ích cho bạn:

Chế độ ăn rất quan trọng trong chữa trị hội chứng ruột kích thích: Khi đang có biểu hiện rối loạn tiêu hóa nên tránh ăn các thức ăn, nước uống không thích hợp như: Thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi như: Khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả có nhiều đường (cam, quýt, xoài, mít…). Đồ uống nhiều đường và có gas, chất kích thích (rượu, cà phê, gia vị chua cay…). Những thức ăn để lâu, bảo quản không tốt. Nếu có tiêu chảy tránh ăn qua nhiều thức ăn có nhiều chất xơ (rau muống, rau cải, dưa…). Chế độ luyện tập rất cần thiết, phải kiên trì: Luyện tập chế độ đại tiện 1 lần trong ngày, xoa bụng buổi sáng khi ngủ dậy để gây cảm giác muốn đại tiện. Luyện tập thư giãn, khí công, tập thể dục, đi bộ thường xuyên.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Bị tiêu chảy mỗi khi ăn sáng xong là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Mao Ga

Chào bác sĩ.

Em năm nay 24 tuổi. Hiện tượng của em là sau khi ăn sáng xong thì hay bị đau bụng, và đi ngoài phân lỏng. Trước kia em có uống rượu, bia và có bị hiện tượng trên, nay em đã bỏ được 3 tháng nhưng vẫn bị. Thức ăn sáng của em thường ăn đồ nóng (cháo, phở, bún, mì gói). Xin bác sĩ cho em lời khuyên.

Em cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Các triệu chứng bạn mô tả là triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Đây là tình trạng rối loạn chức năng của ruột tái đi tái lại nhiều lần mà không tìm thấy các tổn thương về giải phẫu, tổ chức học, sinh hóa ở ruột. Biểu hiện chính thường gặp của bệnh là:

Đau quặn từng cơn quanh rốn hoặc khó chịu vùng bụng.

Giảm đau hoặc chướng bụng sau khi đại tiện.

Thay đổi hình dạng khuôn phân, có thể đi phân lỏng hoặc phân cứng.

Thay đổi số lần đi đại tiện. Nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa được xác định. Có thể do thực phẩm, căng thẳng, kích thích

Hiện tượng trên của bạn đã kéo dài. Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được giải đáp chữa trị trực tiếp. Thông thường đối với bệnh này, việc duy trì chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt lành mạnh rất quan trọng. Bạn nên:

Bổ sung chất xơ hợp lý: chất xơ có trong ngũ cốc, trái cây, rau, đậu… giúp giảm táo bón, nhưng cũng có thể làm cho hơi và đau bụng nặng hơn. Tốt nhất là bạn nên tăng dần lượng chất xơ trong chế độ ăn uống và nên kèm theo uống nhiều nước để giảm thiểu khí gây đầy hơi, táo bón.

Không bỏ bữa và cố gắng ăn trong cùng khoảng thời gian mỗi ngày để giúp điều chỉnh chức năng ruột.

Hạn chế các thức ăn sống, nhiều chất béo, không được uống rượu bia và đồ giải khát chứa cồn.

Tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục giúp làm giảm trầm cảm và căng thẳng, kích thích các cơn co thắt bình thường của ruột và có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn.

Chúc bạn chóng khỏi bệnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl