Để phòng tránh bệnh tĩnh mạch chi dưới (giãn tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch...) bạn nên thực hiện theo 10 lời khuyên sau đây: |
1. Di chuyển chân theo vòng tròn ở mọi nơi nếu có thể: Khi công việc đòi hỏi bạn phải đứng hoặc ngồi lâu một chỗ, bạn nên nghỉ một chút, đi bộ hoặc xoay chân theo một chuyển động hình tròn trong một thời gian ngắn. Khi đi xe lửa hoặc máy bay, bạn nên đứng dạy đi lại nếu có thể để giúp cho sự lưu thông máu và tạo điều kiện thuận lợi cho máu tĩnh mạch trở về tim. 2. Chọn môn thể thao thích hợp: Khi tập luyện thường xuyên với một đôi giầy thích hợp thì đi bộ là một bài tập có hiệu quả nhất cho sự luân chuyển máu tĩnh mạch. Sự co giãn của các cơ chi dưới tạo lực ép vào thành tĩnh mạch và giúp cho máu trở về tim dễ dàng hơn. Tập thể dục, bơi lội,khiêu vũ là những hình thức khuyến khích đối với giãn tĩnh mạch chi dưới. Trái lại những môn như tennis, bóng bàn, bóng rổ lại không thích hợp vì làm giãn tĩnh mạch, máu chậm luân chuyển về tim hơn. 3. Tránh nguồn nhiệt: Môi trường nóng làm giãn tĩnh mạch, vì vậy không khuyến khích tắm nắng, điều trị bằng sáp ong nóng, tắm nước quá nóng, sông hơi đối với người giãn tĩnh mạch. 4. Chọn nơi có nhiệt độ thấp hơn: Xả nước lạnh sau khi tắm (nếu có vòi hoa sen thì càng tốt) giúp làm giảm cảm giác nặng và đau chân do tĩnh mạch co lại làm tăng trương lực thành mạch. 5. Khắc phục chứng táo bón và thừa cân: Táo bón và thừa cân làm gia tăng áp lực lên tĩnh mạch. Nên ăn các loại thức ăn có nhiều chất xơ, uống đủ nước (khoảng 1,5l / ngày) và hạn chế thức ăn béo (bơ, thịt mỡ...) 6. Mặc quần áo thích hợp: Mặc quần áo chật làm hạn chế sự giãn nở của thành mạch gây trở ngại cho máu trở về tim. Chọn quần áo thoải mái, tránh mặc quần áo chật và mang áo ngực, dây thắt lưng và tất chun bó sát (điều này khác với đi tất y tế đối với những người giãn tĩnh mạch chi dưới). 7. Đi giầy có gót cao vừa phải: Nên mang giày có gót chỉ cao khoảng 3 - 4 cm 8. Trợ giúp tĩnh mạch hồi lưu máu về tim dễ dàng khi ngủ: Thực hiện động tác đạp xe vòng tròn tại giường ngủ và kê chân cao khoảng 15 cm giúp giảm nguy cơ ứ máu tĩnh mạch khi ngủ. 9. Xoa bóp chân thường xuyên nếu có thể: Xoa bóp chân, bắt đầu từ bàn chân đến bắp đùi theo hướng xoay tròn giúp lưu thông máu dễ dàng hơn. 10. Đến bác sĩ nếu cảm thấy đau và nặng chân, sưng nề mắt cá hoặc nhìn thấy tĩnh mạch nổi rõ dưới da. Hãy báo cho bác sĩ biết bạn đang có thai, đang dùng thuốc tránh thai hoặc nếu đang điều trị bằng các thuốc nội tiết vì đây là những yếu tố thuận lợi làm nặng hơn các triệu chứng của bệnh tĩnh mạch chi dưới. TS. Tạ Mạnh Cường (tổng hợp) |
Bài viết cùng chủ đề
- Điều trị suy tim
- 1
- 911