Ngại giao tiếp – nỗi lo của tuổi dậy thì


4,226
1
1
Xu
53
Tuổi dậy thì là giai đoạn thay đổi tâm sinh lý của mỗi con người, đồng thời cũng là khoảng thời gian phải đối mặt với những lo âu, trăn trở về sự lớn lên của bản thân mình. Ngại giao tiếp là một trong những nỗi lo thường ngày khi bước vào giai đoạn dậy thì.

Không thích ra ngoài, giao tiếp với bạn bè có phải bị trầm cảm?


Câu hỏi bởi: Song nhi

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 16 tuổi, là nữ giới. Cháu thường cảm thấy rất buồn không lý do nhưng không thể tâm sự với ai. Cháu cảm thấy rất sợ đến trường phải đối mặt với thầy cô bạn bè vì cháu không thích giao tiếp với họ cháu chỉ thích một mình và ở nhà vì cháu thấy rất bình an. Thưa bác sĩ như vậy có phải cháu bị trầm cảm không ạ?

Cháu cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Để chẩn đoán trầm cảm, người ta dựa trên một số dấu hiệu như sau:

Mất ngủ: khó vào giấc ngủ, hay thức giấc giữa đêm không ngủ được nữa, hoặc thức dậy từ 2 – 3 giờ sáng kèm theo bồn chồn khó chịu (có khi ngủ nhiều quá mức).

Chán ăn: ăn ít, ăn không ngon, không thích ăn, sợ ăn (có khi ăn nhiều quá mức), không ăn, sút cân.

Ngại giao tiếp với người khác, trở nên ít nói bất thường, lười vận động.

Cảm thấy bốn chồn lo âu, đứng ngồi không yên, đau đầu, đau mỏi toàn thân, đau ngực, táo bón, sợ lạnh.

Cảm thấy mệt mỏi, suy nghĩ chậm chạp, buồn rầu, mất hứng thú làm việc, mất hứng thú giải trí hàng ngày (thể thao, xem tivi, sách báo, phim…). Cảm thấy xung quanh buồn rầu ảm đạm, thời gian kéo dài lê thê.

Bi quan lo lắng về tương lai cho bản thân và gia đình, sợ điều xấu xảy ra cho bản thân và gia đình.

Nghĩ rằng mình không xứng đáng với bản thân và xung quanh. Cho rằng mình phạm nhiều khuyết điểm, tội lỗi, không muốn tiếp xúc với ai.

Nghĩ rằng mình không xứng đáng được ăn, không xứng đáng được sống, cho rằng mình là gánh nặng cho mọi người.

Có ý nghĩ chết chóc, muốn tự sát bảng thuốc ngủ, treo cổ, nhảy lầu, đâm vào xe,… hay đã có lần tự sát.

Cháu hiện tại ngại giao tiếp, với thầy cô, bạn bè. Đây là một trong những dấu hiệu của trầm cảm. Tuy nhiên nếu chỉ có một dấu hiệu này thì cũng chưa thể khẳng định là cháu bị trầm cảm. Có thể cháu đã gặp một trở ngại nào đó khó vượt qua về tâm lý. Cháu nên tâm sự và nhờ sự giúp đỡ của người thân. Hạn chế tới mức tối đa tình trạng ở một mình. Nếu như có nhiều hơn 2 trong số các dấu hiệu kể trên thì cháu nên đi khám để được chẩn đoán và chữa trị.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Hay suy nghĩ, ngại giao tiếp, không quan tâm tới mọi thứ có phải trầm cảm?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 18 tuổi là nữ. Cháu muốn biết thực sự cháu có bị bệnh trầm cảm hay không. Cháu đã lên mạng xem rất nhiều về lí do của bệnh và biểu hiện. Cháu đều có hết cháu có những triệu chứng này cũng tầm được 6 năm cháu thực sự không để ý chỉ khi sau lần cháu cố giải quyết về sự sống không thành cho tới khi cháu xem tivi và được nói về bệnh này cháu bắt đầu có suy nghĩ về bệnh này. Cháu là người hoạt động bề nổi năng động nhưng bây giờ cháu ngại tiếp xúc và nói chuyện với người lạ khi cháu tới lớp hoặc khi hoạt động cháu có lúc rất năng động có khi không quan tâm mọi thứ. Gia đình cháu thực sự rất áp lực lí do chính cháu luôn mệt mỏi suy nghĩ đều từ gia đình. Nhưng cháu đọc trên mạng người ta nói người bị bệnh không ý thức được mình bị bệnh. Vậy cháu muốn hỏi bác sĩ liệu cháu có thực sự bị trầm cảm không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Bệnh rối loạn trầm cảm do ba lí do chính, trong đó có lí do do áp lực hay do sang chấn tâm lý làm tâm bất ổn và căng thẳng tâm lý sinh ra rối loạn trầm cảm. Cháu không nói rõ các biểu hiện triệu chứng ở cháu thì làm sao bác có thể giải đáp cho cháu được là cháu có bị trầm cảm hay không. Cháu chỉ nói là: có lần cháu cố gắng giải quyết về sự sống, như vậy có nghĩa là thế nào, có lần cháu đã tự sát, đúng vậy không? Ngại tiếp xúc và nói chuyện với người lạ, không quan tâm mọi thứ với các hoạt động ở lớp, luôn mệt mỏi. Chỉ vẻn vẹn với những thông tin ít ỏi như trên mà cháu cho biết thì rất khó để chẩn đoán cháu là trầm cảm hay không.

Trầm cảm có 3 biểu hiện chính và 9 biểu hiện phụ. Người bệnh chỉ cần có 2/3 biểu hiện chính và 2/9 biểu hiện phụ, 4 biểu hiện này tồn tại từ 2 tuần trở lên là đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán bị rối loạn trầm cảm. Cháu lần sau hãy kể rõ tất cả biểu hiện đã triệu chứng ở cháu, các biểu hiện ấy xuất hiện từ bao giờ, thì bác mới có thể giải đáp về bệnh của cháu cho cháu được. Bác đã khám và làm bệnh án chữa trị cho hàng 1000 bệnh nhân bị rối loạn trầm cảm rồi, nên bác rất có kinh nghiệm về lĩnh vực này, cháu cứ yên tâm. Hẹn cháu lần sau sẽ trao đổi kỹ càng hơn.

Chúc cháu luôn vui tươi và yêu cuộc sống!

Căng thẳng lo âu, ngại giao tiếp, buồn bã, chán nản là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 16 tuổi. Cháu là người ít nói, hơi nhát. Khoảng 1 năm nay cháu lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng, lo lắng không nguyên nhân, hay sợ nơi đông người, sợ giao tiếp với người lạ. Cháu cảm thấy lúc nào cũng chán nản, buồn bã, ngay cả những chuyện nhỏ cháu cũng cảm thấy ức chế và có thể khóc được. Gần đây cháu hay chán ăn, chỉ ăn ít cũng muốn nôn và bị mất ngủ, càng ngày cháu càng ít muốn nói chuyện với mọi người hơn thậm chí cả với người thân. Vậy bác sĩ có thể cho cháu biết cháu có bị làm sao không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào cháu!

Qua thông tin cháu cung cấp, cháu ít nói, nhát, căng thẳng lo âu, ngại giao tiếp, buồn bã, chán nản,… Các triệu chứng lo lắng, ngại tiếp xúc, giao tiếp là khá thường gặp ở những người có tính nhút nhát, ít nói. Tuy nhiên, với các triệu chứng buồn chán, mệt mỏi, ức chế,… thì có thể cháu ở trạng thái căng thẳng tinh thần, cơ thể suy nhược, stress,… Tình trạng này có thể do yếu tố môi trường ảnh hưởng như học tập áp lực quá mức, tin buồn trong gia đình, thất vọng với kết quả đạt được,… và có thể kết hợp với biến đổi nồng độ hoóc môn trong cơ thể ở giai đoạn tuổi dậy thì,…

Do vậy, trước hết cháu không nên lo lắng quá mức, nên tự tin với chính bản thân mình, cháu nên cố gắng sống cởi mở, nên tăng cường tham gia các hoạt động sinh hoạt nhóm, nên tham gia các hoạt động xã hội như hoạt động từ thiện, nhân đạo,… Đồng thời, cháu nên đảm bảo chế độ ăn uống đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất. Nếu có điều kiện, cháu nên tập các môn như khí công dưỡng sinh, thiền, yoga,… để tăng cường sức khỏe và giúp tinh thần sảng khoái, minh mẫn.

Thân mến!

Cách chữa trị ngại giao tiếp


Câu hỏi bởi: yen bai

Xin chào bác sĩ!

Em năm nay 18 tuổi, không biết sao em rất ít nói và không thích giao tiếp với ai. Thực sự em rất ngại khi giao tiếp với người khác. Vậy em phải làm thế nào ạ?

Em cảm ơn.

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Cháu không nói rõ cháu là con trai hay con gái. Cháu còn đi học không, cháu sống ở thành phố hay nông thôn? Về tâm sự của cháu bác trao đổi như sau:

Nếu cháu là nữ, không đi học nữa mà đã đi làm rồi thì cuộc sống của cháu đã tự lập. 18 tuổi cháu đã là người trưởng thành, có quyền công dân và cháu đã có quyền lấy chồng và lập gia đình riêng rồi. Nếu cháu là con trai thì ở lứa tuổi này đa số còn đi học và phụ thuộc vào gia đình bố mẹ. Cũng có số ít đã đi làm do nghỉ học sớm và như vậy cuộc sống tự lập cùng với sự bươn trải trong cuộc sống giúp các cháu trưởng thành.

Để tự tạo lập một cuộc sống bản thân không thể một mình làm nên được mà cần phải có sự tương tác từ bên ngoải và rất cần đến sự giao tiếp. Sự giao tiếp giúp chúng ta đạt được thành công. Sự giao tiếp giúp con người gắn bó chặt chẽ với các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng và xã hội. Sự giao tiếp giúp mọi người hiểu nhau hơn bởi qua giao tiếp mới biểu lộ được cảm xúc, tình cảm, nguyện vọng cho người khác hiểu được. Nếu ngại giao tiếp hoặc không giao tiếp thì tất cả con người ta là một sự bí ẩn và cuộc sống thật là tẻ nhạt và vô vị. Mỗi khi gặp nhau, nhìn nhau bằng nét mặt vô cảm. Mỗi khi trả lời nhau chỉ bằng một cái gật hoặc lắc đầu thì thế giới này sống trong sự im lặng và thật buồn bã đúng không? Bác tâm sự với cháu đôi chút về tầm quan trong của giao tiếp. Vậy thì tại sao mình lại ngại giao tiếp, mình không cởi mở cho người khác hiểu mình thì mình làm sao có cơ hội để hiểu người khác đúng không?

Cháu đã 18 tuổi, 3 tuổi cháu đã đi mẫu giáo và như vậy là 15 năm cháu đã tiếp xúc với tập thể, với cộng đồng và với xã hội, vậy từ nhỏ cháu đều không muốn nói chuyện và giao tiếp với mọi người cũng như bạn bè à? Theo bác một người không muốn giao tiếp với xung quanh là một người có thể có cái gì đó không bình thường. Ví dụ hình thức bên ngoài họ không bình thường, có dị tật hay cách phát âm không lưu loát hoặc tính cách đặc biệt không thích tiếp xúc với ai, họ tự mặc cảm và rất ngại giao tiếp với người khác. Với cháu bác nghĩ là cháu hoàn toàn bình thường, có thể cháu đã sống trong một gia đình mà bố mẹ cháu đã quan tâm một cách quá mức từ khi còn nhỏ nên đã hình thành trong cháu một nhân cách thiếu mạnh mẽ, nhút nhát, thiếu tự tin và thiếu tự lập trong cuộc sống. Cũng từ sự quan tâm quá mức của gia đình mà cháu rất ít bạn bè, ít được giao lưu bạn bè và tham gia các hoạt động đoàn thể và xã hội… Tất cả những điều bác đã phân tích tổng hợp lại đã hình thành lên con người cháu một tính tình nhút nhát ngại giao tiếp với mọi người đúng không?

Để xử lý vấn đề hoàn toàn bất lợi đó cháu phải tự xử lý và hoàn thiện lại mình bằng cách hoà mình với bạn bè. Xoá bỏ ngay sự ngại ngần và sự ngăn cách vô hình đó, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể và các công tác xã hội, tích cực giao lưu với bạn bè, rủ nhau đi dã ngoại hoặc đi du lịch… Khi cháu đã thấy có sự thân thiết và gắn bó với các bạn rồi thì sự ngăn cách và ngại ngần không còn nữa và lúc đó giao tiếp sẽ là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hang ngày của cháu.

Chúc cháu thành công.

Vừa chia tay người yêu, chán ăn, tim đập nhanh, khó ngủ, sức học giảm sút phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Nữ Song Ngư

Chào bác sĩ.

Cháu là nữ, năm nay cháu 18 tuổi. Cháu và bạn trai của cháu yêu nhau được gần 3 năm. Cách đây một tuần bạn ấy chọn cách im lặng và đến với một người bạn của cháu. Nếu như không ai nói với cháu chuyện này, cháu sẽ chấp nhận sự im lặng và sống bình thường. Nhưng mỗi ngày đi học, mấy bạn học của cháu cứ bảo: “Ê mi biết chi chưa, thằng… với con công khai tìm hiểu nhau rồi!” Ban đầu cháu thấy bình thường, nhưng sau đó là tim cháu lại đập mạnh. Ngoài mặt ai cũng nói cháu mạnh mẽ nhưng thân tâm cháu là một con người cực kì yếu đuối và khó chấp nhận sự thật. Ban đầu thì cháu hơi quỵ lụy, nhưng sau đó cháu không còn nghĩ đến nữa. Nhưng cũng từ dạo đó, tần suất tim đập mạnh và nhanh tăng lên mỗi ngày. Cháu là người ăn nhiều nhất nhà, mỗi bữa trưa cháu ăn được thậm chí từ 5 đến 6 chén cơm, cháu còn hay đói bụng ban đêm và cũng ăn rất nhiều vào ban đêm. Ý cháu muốn nói là cháu là đứa ăn rất nhiều. Nhưng mà dạo đây cháu không còn cảm thấy đói bụng bữa sáng nữa, trưa cũng không có đói, bữa trưa cháu chỉ ăn chưa đến 1 chén trọn vẹn, cảm giác chẳng muốn ăn cái gì nữa dù bữa đó có món cháu cực kì thích. Chiều tối có cảm giác đói bụng nhưng không mãnh liệt như những ngày thường trước đó. Cháu nghĩ có cảm giác đói bụng là vui rồi nên xuống nhà ăn. Nhưng cháu không hiểu sao cũng không ăn nổi nữa, rồi cháu quyết định không ăn, và để giảm cơn đói, cháu uống nhiều nước. Giấc ngủ trưa và tối đến với cháu rất nhanh, cháu bình thường là đứa chỉ cần đặt lưng xuống giường là ngủ ngay. Nhưng mà dạo gần đây, giấc ngủ trưa thường đến rất khó khăn. Mỗi lần muốn ngủ là tim cứ đập mạnh, cháu cảm giác hơi khó thở, thở dài và mạnh mới khiến cháu khỏe hơn, nhưng sau đó là nhức đầu ở vùng trên gáy rất kinh. Bình thường 1h trưa là cháu buồn ngủ lẳm rồi, nhưng dạo gần đây cỡ 4h cháu mới có cảm giác buồn ngủ. Giấc ngủ tối cũng như vậy, cháu trằn trọc suốt đêm và cũng vì đau đầu và tim đập nhanh mạnh, khó thở nên đến gần sáng cháu mới ngủ được (khoảng 4h30 sáng). Vì vậy, đồng hồ sinh học của cháu rối loạn hết cả lên. Cháu thấy ban ngày rất mệt mỏi. Dù số giờ ngủ mỗi ngày của cháu vẫn duy trì được 8 tiếng, nhưng vì ngủ trễ dậy trễ nên cảm thấy người rất uể oải, không muốn vận động gì cả. Về học tập, cháu 13 năm liền học sinh giỏi, sức học của cháu không bằng nhiều bạn khác nhưng cháu được cái là có hứng thú trong việc học. Nhưng dạo gần đây, cháu không còn hứng thú học nữa, môn Anh là môn cháu thích học nhất mà bây giờ lại là môn cháu chán nhất, cảm giác chán đó không phải vì cháu học không giỏi mà nản lòng, mà nó đến tự nhiên. Bình thường một khi cháu ngồi vào bàn học là sức tập trung rất cao. Mà dạo này sức tập trung của cháu không cao. Đang làm bài tập, dù dễ nhưng tự nhiên cháu cảm giác mình không muốn làm nữa. Cháu tóm tắt biểu hiện của cháu là đôi khi tim đập nhanh và mạnh (120 nhịp/phút), thường xuyên chán ăn và mất cảm giác đói bụng, đau đầu vùng sau gáy mỗi lúc đặt lưng xuống giường, khó ngủ, sức học và sức tập trung giảm sút. Ban đầu cháu nghĩ mình trầm cảm nhưng cháu tìm hiểu trên mạng là người trầm cảm thường lầm lì với xã hội, ngại giao tiếp. Nhưng cháu vẫn còn thấy đời đẹp lắm, cháu vẫn vui cười khi nói chuyện với các bạn. Nhưng những biểu hiện này khiến cháu cảm thấy khó khăn khi sống mỗi ngày. Cháu nghĩ mình bị chấn thương tâm lý tạm thời thôi. Cháu định nói với gia đình cháu nhưng dạo đây gia đình cháu rất bận rộn, và xảy ra nhiều sự cố nên cháu không muốn làm phiền gia đình. Cháu tự tìm cách chữa. Một tháng nữa là cháu thi đại học rồi, gia đình kỳ vọng rất nhiều vào cháu, nhưng sức học của cháu giảm sút nghiêm trọng nên cháu lo lắm. Cho cháu hỏi là bác sĩ có cách nào để giúp cháu nhanh vượt qua những biểu hiện trên không? Liệu cháu có nên uống thuốc an thần (loại thuốc ngủ để đi vào giấc ngủ dễ hơn, loại thuốc chống lo lắng mỗi khi tim đập nhanh) hay không?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Trước tiên xin chia sẻ với nỗi buồn của bạn. Bạn có thể không tin nhưng tôi hiểu và cảm thông với hoàn cảnh của bạn bây giờ, bởi vì tôi cũng đã từng trải qua một chuyện tương tự, cũng đã từng giống như bạn: Chán ăn, cảm thấy nuốt không vô, mất ngủ, tim đập nhanh mỗi khi cảm xúc mạnh hoặc mỗi khi quá buồn, không còn tập trung vào công việc,… Mặc dù tôi vẫn thực sự rất tin tưởng vào tương lai, tin tưởng vào người thật sự dành cho mình còn chưa xuất hiện. Lúc đó tôi đã 26 tuổi rồi, nhưng tình yêu không phân biệt tuổi tác bạn nhỉ, và tôi vẫn bị đánh gục như thường, dù tôi là một bác sĩ.

Bạn ạ, nhưng cũng vì tôi là một bác sĩ nên dù là trong lúc đau khổ nhất tôi vẫn biết điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống này, đó không phải là tình yêu, mà đó chính là sức khỏe của bạn. Có vẻ điều này không lọt tai lắm, ngay bây giờ, nhưng bạn hãy nghĩ xem không có sức khỏe liệu bạn có thể tiếp tục học tập, tiếp tục lao động, tiếp tục rèn luyện, tiếp tục làm đẹp cho cả cơ thể và tâm hồn bạn, điều quan trọng nhất thiếu sức khỏe bạn sẽ không thể tiếp tục yêu. Yêu chính bản thân bạn đầu tiên, yêu gia đình và những người luôn lo lắng quan tâm bạn, và cuối cùng yêu một chàng trai xứng đáng với bạn.

Bạn chẳng thể làm được việc nào trong số những việc đó nếu bạn không có sức khỏe. Bạn sẽ hỏi tôi làm thế nào để vượt qua chuyện đó? Cách của tôi đơn giản lắm, tôi có một người bạn làm bác sĩ tâm lý, công việc tôi làm chỉ là tiếp tục làm việc, nói chuyện với người đó và làm theo những gì người đó nhắc nhở. Dĩ nhiên có lẽ bạn không có người bạn nào là bác sĩ tâm lý, nhưng nếu bạn muốn bạn có thể gặp họ bất cứ lúc nào, chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn. Việc bạn nên làm bây giờ là hãy tâm sự những nỗi buồn trong lòng bạn với một người mà bạn tin tưởng, người đó có thể là bố mẹ, anh chị em, bạn cùng lớp hoặc bất cứ ai mà bạn tin tưởng tuyệt đối. Sau đó hãy cùng người đó đi khám sức khỏe tổng thể xem 18 năm nay bạn có chăm sóc bản thân mình thật sự tốt không nhé, xem có vấn đề về tim mạch hay tiêu hóa không nhé. Nếu bạn không phát hiện ra bệnh lý gì cả, thì bạn có thể thử cách mà tôi đã làm để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Chúc bạn mạnh khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl