Đái tháo đường ở trẻ thành niên chữa trị như thế nào?


4,226
1
1
Xu
53
Những câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp điều trị đái tháo đường ở trẻ vị thành niên.

Nhức đầu ối, mỏi cơ, khó thở có phải triệu chứng của bệnh tiểu đường không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Năm nay cháu 13 tuổi, là nữ. Cháu thường xuyên bị nhức đầu gối (thường vào ban đêm hoặc sau khi chơi thể thao xong) và hay mỏi cơ. Trong mấy tháng vào học, cháu cũng hay bị đau bên ngực trái, khó thở nữa. Mẹ cháu nói cháu có thể bị tiểu đường (gần đây do ăn ngọt nhiều). Cho cháu hỏi có phải như thế không và làm cách nào để giảm các trường hợp đó hay không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào cháu!

Các triệu chứng cháu đang gặp không phải là biểu hiện của bệnh tiểu đường. Tính trạng đau nhức đầu gối của cháu có thể do một số bệnh lí tại khớp gối như: Viêm bao hoạt dịch đầu gối, viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp… Đau ngực trái, khó thở nghĩ nhiều đến bệnh lí về tim mạch hoặc rối loạn thần kinh thực vật. Ngoài ra các triệu chứng trên còn có thể gặp trong bệnh thấp tim. Để chẩn đoán chính xác cần phải thăm khám trực tiếp, làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cần thiết như: X-quang khớp gối, điện tâm đồ… Với tình trạng hiện tại cháu nên đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, tìm lí do và chữa trị.

Chúc cháu sức khỏe!

Chỉ số đường huyết của bé 8 tuổi là bao nhiêu thì có nguy cơ bị tiểu đường?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Xin chào bác sĩ Vũ Thị Lừu!

Con gái cháu 8 tuổi nhìn thì hơi mập mạp bụ bẫm so với trẻ em ở nông thôn. Cháu mang đi xét nghiệm đường huyết của bé chỉ số là 5,6 mmmol vậy hỏi bác sĩ chỉ số như vậy có bình thường không? Có nguy cơ bị tiểu đường không ạ? Chỉ số để khẳng định bị tiểu đường là bao nhiêu vậy ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Tiểu đường trẻ em là một bệnh nội tiết không phổ biến như người trưởng thành. Khoảng 90% tiểu đường trẻ em là týp 1, số còn lại là tiểu đường týp 2, thường gặp ở trẻ bị thừa cân và béo phì hoặc trong hội chứng gây béo khác như HC Prader-Willi, Laurence – Moonbiedl…

Nguyên nhân tiểu đường trẻ em thường do yếu tố di truyền và quá trình viêm tự miễn phá huỷ cấu trúc tế bào bêta tụy làm giảm sản xuất insulin, gây tăng đường huyết mạn tính, hoặc do béo phì. Béo phì là bạn đồng hành với bệnh tiểu đường đặc biệt ở trẻ em. Đối với trẻ bị tiểu đường týp 2, việc điều trị khó khăn bởi chế độ ăn kiêng áp dụng cực kỳ nghiêm ngặt.

Trên thực tế, tiểu đường týp 1 là thể bệnh của trẻ, có tính chất di truyền, do rối loạn tổng hợp insulin, rối loạn nơi sản xuất insulin, có tính chất bẩm sinh nhiều hơn, bắt buộc phải chữa trị bằng insulin thay thế. Còn tiểu đường týp 2 thường gặp ở người lớn thường liên quan đến yếu tố ăn uống, béo phì, cao huyết áp, lười vận động không tiêu hao năng lượng nên phải chữa trị bằng thuốc (có thể dùng insulin cho cả thể người lớn để phòng thoái hoá, suy tuyến tuỵ) và kết hợp điều chỉnh chế độ ăn, giảm cân. Ngày nay đái tháo đường týp 2 đang gia tăng ở trẻ em béo phì.

Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, Hội nghiên cứu Tiểu đường Châu Âu và Liên hiệp Tiểu đường Thế giới năm 2009 khuyến cáo về các xét nghiệm cho tiểu đường như sau:

1. Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên: là xét nghiệm máu lúc bất kỳ không quan tâm đến bữa ăn. Kết luận chẩn đoán có bệnh ĐTĐ khi Glucose ≥ 200 mg/dL ( 11.1 mmol/L)

2. Xét nghiệm đường huyết đói:

+ Bình thường: Từ 70 đến 99 mg/dL (3.9 – 5.5 mmol/L)

+ Tiền tiểu đường: Từ 100 đến 125 mg/dL (5.6 – 6.9 mmol/L)

+ Tiểu đường: Từ 126mg/dL trở lên ở 2 lần thử khác nhau.

3. HbA1C (Glycated hemoglobin): test này đánh giá được đường huyết trung bình trong 2-3 tháng trước. Khi đường huyết tăng cao trong máu, nhiều hemoglobin trong hồng cầu sẽ gắn với đường nhiều hơn. Đọc kết quả:

+ Chẩn đoán có bệnh tiểu đường khi HbA1C > 6.5% với trên 2 lần xét nghiệm riêng biệt.

+ Tiền tiểu đường khi HbA1C là 6 và 6.5 %

Trường hợp con bạn hơi béo, bạn không nói rõ cháu bao nhiêu cân, và chỉ số xét nghiệm đường huyết của con bạn làm vào thời điểm nào. Nếu con bạn xét nghiệm vào buổi sáng khi đói với mức 5,6 mmol/L ở 2 lần thử khác nhau thì bạn nên đề phòng tiền tiểu đường. Con bạn hơi mập nên nguy cơ tiểu đường là có thể. Bạn cần giảm cân cho con bạn và điều chỉnh chế độ ăn hợp lý ngay. Còn nếu xét nghiệm này làm vào thời điểm bất kỳ thì bạn không cần lo lắng lắm. Tuy nhiên với trẻ mập như con bạn thì vẫn nên điều chỉnh chế độ ăn.

Chúc mẹ con bạn mạnh khỏe!

Triệu chứng của bệnh tiểu đường là gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 16 tuổi là nam giới. Em đứt tay có kích thước khoảng chiều dài 2cm, chiều rộng 1cm gần 3 tuần mới lành hẳn và khi uống sữa có đường nhiều thì thấy hơi nhức đầu và buồn ngủ. Thưa bác sĩ, em có nguy cơ bị bệnh tiểu đường không và cho em biết những biểu hiện của bệnh tiểu đường là gì?

Em cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Bệnh tiểu đường có 3 týp: I, II, III. Tiểu đường týp I thường xuất hiện ở những bệnh nhân thanh thiếu niên và trẻ em, cũng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Bệnh xuất hiện do Insulin của cơ thể hoàn toàn không đủ, làm cho lượng đường trong máu tăng cao, dễ phát sinh ra nhiễm Ceton, cần phải dùng Insulin để khống chế lượng đường máu.

Triệu chứng điển hình ở bệnh nhân đái tháo đường týp I bao gồm: uống nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều và gầy nhanh. Đặc trưng chủ yếu của nó là mức độ Glucose huyết tương tăng cao, do dịch tiết Insulin không đủ mà dẫn đến rối loạn trao đổi đường, mỡ, protein, từ đó tác động đến hoạt động sinh lý bình thường. Để chẩn đoán đái tháo đường týp I dựa vào xét nghiệm:

1. Đường máu lúc đói là 7.0 mmol/L (126 mg/dl) hoặc cao hơn

2. Test dung nạp đường bằng đường uống, sau 2h uống 75g đường Glucose, lượng đường máu trong huyết tương là 11.1 mmol/L (200 mg/dl) hoặc cao hơn

3. Triệu chứng đường máu tăng cao, và đường huyết ngẫu nhiên ở mức 11.1 mmol/L (200 mg/dl) hoặc cao hơn

4. Glycated Hemoglobin (HbA1C) là 6.5 hoặc cao hơn

Bạn năm nay 16 tuổi là nam giới. Bạn đứt tay có kích thước khoảng chiều dài 2cm, chiều rộng 1cm gần 3 tuần mới lành hẳn và khi uống sữa có đường nhiều thì thấy hơi nhức đầu và buồn ngủ. Vết thương của bạn như vậy nếu không được khâu ngay thì thời gian liền như vậy không có gì là bất thường cả. Còn nếu vết thương của bạn đã được khâu và xử lý ban đầu tốt mà 3 tuần mới liền thì là chậm. Khi đó có thể nghĩ đến lí do bệnh tiểu đường.

Để chẩn đoán chính xác bệnh tiểu đường bạn cần phải đi xét nghiệm máu. Nếu sau 2 lần đo đường huyết bạn đều thấy trên 126mg/dL thì có nghĩa là bạn đang bệnh tiểu đường. Đối với người bình thường lượng đường huyết đo được sẽ là 99mg/dL, từ 100-125mg/dL là tiền tiểu đường. Bạn nên xét nghiệm máu rất hay hoặc theo định kỳ, hoặc đến ngay bệnh viện để kiểm tra khi có 9 biểu hiện lâm sàng gợi ý sau:

1. Bạn rất hay phải đi tiểu nhiều lần nhất là vào ban đêm.

2. Kèm theo việc đi tiểu nhiều lần đó là biểu hiện hay bị khát nước, khô miệng, ngay cả khi bạn vừa uống nước vào.

3. Việc tăng hay giảm cân quá đột ngột kèm theo sự mệt mỏi. Đặc biệt là khi bạn giảm đột ngột 5-10kg trong vòng 2-3 tháng.

4. Phát hiện thấy da khô, ngứa. Đặc biệt là da vùng kín như cổ, nách.

5. Cơ thể cảm thấy khó chịu, mệt mỏi trong người, dễ trở nên cáu kỉnh với những người xung quanh.

6. Những vết thương trên da lâu lành.

7. Thị lực của bạn giảm đi do lượng đường trong máu tăng cao sẽ dẫn đến thay đổi hình dạng thấu kính của mắt, khúc xạ cũng bị thay đổi theo làm cho mắt mờ dần đi hoặc đôi lúc chỉ là một vệt sáng. Khi lượng đường trở lại bình thường điều này sẽ hết. Thế nhưng về lâu dài nghiêm trọng có thể dẫn đến mù lòa.

8. Nhiễm trùng âm đạo ở phụ nữ và nhiễm trùng nấm men ở nam giới do suy giảm miễn dịch nên rất nhạy cảm với các loại nhiễm trùng.

9. Chân, tay bị ngứa ra, tê hoặc đau rát, sưng do đường đã hủy hoại các dây thần kinh.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Ngứa bộ phận sinh dục có phải bị tiểu đường?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa Bác sĩ! Cháu năm nay 18 tuổi, cháu là nam, cháu bị ngứa bộ phận sinh dục rất khó chịu nhưng cháu vẫn ăn bình thường không sút cân. Vậy có phải cháu bị tiểu đường không ạ?

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Tiểu đường là bệnh đặc trưng bởi nồng độ đường trong máu tăng cao và có đường trong nước tiểu. Bệnh tiểu đường thường có những biểu hiện sau:

Đi tiểu nhiều, nhất là vào ban đêm. Nước tiểu có thể có kiến bu vào. Hay bị khát nước. Sụt cân nhanh. Hay cảm thấy đói. Những biểu hiện trên da: Da bị ngứa và khô, đặc biệt da ở những vùng kín như cổ hoặc nách. Vết thương chậm lành. Nhiễm nấm men: Bệnh tiểu đường gây giảm miễn dịch nên người bệnh dễ bị các bệnh nhiễm trùng, phổ biến nhất là nấm men (candida), vì loại nấm này phát triển mạnh trong môi trường nhiều đường. Cảm giác mệt mỏi và khó chịu. Giảm thị lực:Lượng đường cao làm thay đổi hình dạng thấu kính của mắt dẫn đến độ khúc xạ thay đổi, làm giảm tầm nhìn, hình ảnh nhìn được bị méo mó, đôi khi nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy. Ngứa ran hoặc tê: Chân và tay bị ngứa ra, tê, đau rát hoặc sưng, do thần kinh bị hư hại.

Ngứa ở bộ phận sinh dục không phải là dấu hiệu đặc trưng cho bệnh tiểu đường, mà nhiều khả năng là do viêm nhiễm tại chỗ ở bộ phận sinh dục. Cháu nên đi khám để được các Bác sĩ xác định cụ thể lí do và có biện pháp chữa trị.

Chúc cháu luôn khỏe!

Thèm ăn đồ ngọt, mắt mờ có phải là dấu hiệu bệnh tiểu đường không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Cháu là nữ 18 tuổi. Cháu bị mờ mắt, cháu chưa đi khám nên không biết có phải bị cận thị hay không? Cháu muốn hỏi những biểu hiện của cháu sau đây có phải bị bệnh tiểu đường không ạ? Cháu có những lúc rất thèm ăn đồ ngọt. Cháu uống nước lọc vào khoảng một lúc rồi đi vệ sinh ngay. Cháu uống trong khoảng 1,5 – 2l nước mỗi ngày. Hiện cháu rất lo lắng. Có phải bệnh tiểu đường dẫn đến sản giật gây sinh non phải không bác sĩ? Cháu mong bác sĩ trả lời giúp cháu.

Cháu cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Trước hết bạn cần biết một số biểu hiện lâm sàng của bệnh tiểu đường:

1. Thường xuyên phải đi tiểu nhiều lần nhất là vào ban đêm.

2. Kèm theo việc đi tiểu nhiều lần đó là biểu hiện hay bị khát nước, khô miệng, ngay cả khi bạn vừa uống nước vào.

3. Việc tăng hay giảm cân quá đột ngột kèm theo sự mệt mỏi. Đặc biệt là khi bạn giảm đột ngột 5 – 10kg trong vòng 2 – 3 tháng.

4. Phát hiện thấy da khô, ngứa. Đặc biệt là da vùng kín như cổ, nách.

5. Cơ thể cảm thấy khó chịu, mệt mỏi trong người, dễ trở nên cáu kỉnh với những người xung quanh.

6. Những vết thương trên da lâu lành.

7. Thị lực của bạn giảm đi do lượng đường trong máu tăng cao sẽ dẫn đến thay đổi hình dạng thấu kính của mắt, khúc xạ cũng bị thay đổi theo làm cho mắt mờ dần đi hoặc đôi lúc chỉ là một vệt sáng. Khi lượng đường trở lại bình thường điều này sẽ hết. Thế nhưng về lâu dài nghiêm trọng có thể dẫn đến mù lòa.

8. Nhiễm trùng âm đạo ở phụ nữ và nhiễm trùng nấm men ở nam giới do suy giảm miễn dịch nên rất nhạy cảm với các loại nhiễm trùng.

9. Chân, tay bị ngứa ra, tê hoặc đau rát, sưng do đường đã hủy hoại các dây thần kinh.

Theo đó, các triệu chứng bệnh của bạn chưa có gì đặc biệt. Nếu lo lắng bạn có thể đi xét nghiệm máu. Nếu sau 2 lần đo đường huyết bạn đều thấy trên 126mg/dL thì có nghĩa là bạn đang bệnh tiểu đường. Đối với người bình thường lượng đường huyết đo được sẽ là 99mg/dL, từ 100 – 125mg/dL là tiền tiểu đường.

Khi người bị bệnh tiểu đường có thai hoặc khi người có thai bị tiểu đường, bệnh đều có thể tác động xấu đến sức khoẻ của cả người mẹ và thai nhi:

– Đối với người mẹ: Người có bệnh tiểu đường kèm theo thai nghén thì lần thai nghén đó dễ bị nhiễm độc thai nghén (tiền sản giật và sản giật với các dấu hiệu cao huyết áp, protein niệu và phù trong thời kỳ mang thai). Thai phụ cũng dễ bị nhiễm trùng nặng; có tỷ lệ sinh phải can thiệp nhiều hơn (mổ sinh, chịu các thủ thuật do sinh khó). Sau khi sinh có thể bị tiểu đường nặng hơn. Có khoảng 5% đến 20% bà mẹ bị tiểu đường trong lúc có thai sau khi sinh vẫn tiếp tục bị bệnh. Bạn gái bị bệnh tiểu đường khi mang thai có nguy cơ sẩy thai cao hơn, đặc biệt, nếu kiểm soát mức đường huyết không tốt.

– Đối với thai nhi: Thai nhi của các bà mẹ bị tiểu đường có tỷ lệ tử vong cao hơn và thai có thể bị dị tật hoặc chậm phát triển. Phần lớn các nghiên cứu chỉ ra rằng bất thường bẩm sinh tăng gấp 3 lần ở những thai nhi có mẹ mắc bệnh tiểu đường. Trên đây là một số thông tin để bạn tham khảo.

Chúc bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl