Đau lưng là triệu chứng của bệnh gì?


4,226
1
1
Xu
53
Đau lưng có thể xảy ra mà không có lý do rõ ràng và tại bất cứ điểm nào trên cột sống. Vị trí đau phổ biến nhất ở thắt lưng cùng, vì đó là nơi hứng chịu phần lớn trọng lượng và áp lực. Chấn thương lưng là nguyên nhân phổ biến gây đau lưng, có thể dẫn đến tàn phế.

Đau lưng


Câu hỏi bởi: Thu trang

Thưa bác sĩ. Cháu năm nay 20 tuổi thường xuyên đau lưng, đau nhất là vùng sống đốt cổ cả vùng cuối xương sống. Cháu bị đau lâu lắm rồi ạ. Lúc ngủ dậy có khi đau đứng dậy cũng khó. Mong bác sĩ cho cháu biết đó là bệnh gì ạ . Cháu cảm ơn ạ.

Bác sĩ Nguyễn Quang Anh


Chào em.

Ở tuổi 20 mà em bị đau như vậy thì em cần phải đến khám chuyên khoa Cơ xương khớp để các bác sĩ khám cụ thể, loại trừ một số bệnh ví dụ như bệnh Viêm cột sống dính khớp…sau đó sẽ cho em biện pháp điều trị và kế hoạch tập luyện cho em tốt nhất nhé.

Chúc em mạnh khỏe, vui vẻ và thành công. !

Đau lưng về đêm


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ, người thân của tôi là nam, năm nay 24 tuổi, có dấu hiệu đau lưng về đêm và gần sáng, đặc biệt là lưng phải, phía giữa lưng nhưng đến sáng dậy 1 lát là hết. Tuy nhiên mới đây cơn đau đã lan sang cả ban ngày. Vậy bác sĩ có thể cho tôi biết đây là bệnh gì và chữa bệnh có tốn kém không ạ? Xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Đau lưng là một hội chứng của rất nhiều bệnh khác nhau như: Dãn dây chằng, thoái hóa cột sống, thoát vị hoặc lồi đĩa đệm, viêm cột sống, sỏi thận, thậm chí đau dạ dày hoặc đại tràng đôi khi cũng gây ra đau lưng,….

Với biểu hiện như bạn mô tả thì bệnh nhân thường là chỉ bị dãn dây chằng, cần làm việc nhẹ nhàng, xoa bóp vật lý liệu pháp vùng lưng, chườm lạnh vào vùng đau, thời gian thực hiện vào buổi tối trước khi đi ngủ làm giảm ứ trệ tuần hoàn máu ở các cơ vùng lưng khi nghỉ ngơi,

Nếu bệnh không thuyên giảm hoặc tăng dần lên thì bạn nên đưa người thân đi khám bệnh viện hoặc bác sĩ. Để kết luận về bệnh bác sĩ cần phải thăm khám loại trừ dần từng bệnh, chụp x quang, hoặc làm thêm các kiểm tra khác ….

Chúc bạn mạnh khỏe

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Ok, như thế là tốt rồi, bạn chú ý sử dụng đúng theo hướng dẫn nhé

Sản phụ bị đau lưng.


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Năm nay em 35 tuổi, em đang có bầu lần thứ 2 thai kỳ được khoảng 27 tuần em bị đau lưng phía bên phải rất đau, em bị đau đến ngồi không được. Thưa bác sĩ em bị bệnh gì?

Em cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào em.

Biểu hiện đau lưng mà em mô tả cũng thường xuyên gặp ở các phụ nữ mang thai khác. Trong giai đoạn này, nguy cơ đau lưng tăng lên do các yếu tố như tăng cân, cơ thể phụ nữ thay đổi nhiều từ hình dáng bên ngoài tới nội tiết tố bên trong, những dây chằng nằm ở khung xương chậu đang dần được giãn ra qua thời gian em bé lớn lên trong bụng mẹ.

Có thể giải thích các yếu tố gây đau lưng ở phụ nữ mang thai như sau:

Thay đổi hóc môn thai nghén: Trong thời gian mang thai, hóc môn Progesterone tăng làm cho các dây chằng kết nối giữa khung xương chậu và vùng thắt lưng lỏng lẻo hơn nên sẽ gây nên những cơn đau nhói vùng lưng. Tuy nhiên, điều này lại giúp cho khung xương chậu được mềm dẻo và linh hoạt để chuẩn bị hỗ trợ cho quá trình chuyển dạ sau này. Các cơ vùng bụng bị yếu đi: Lúc chưa mang thai, các cơ vùng bụng đảm nhiệm một số nhiệm vụ như chịu sức ép từ cơ thể trong tư thế bạn nằm sấp, co giãn linh hoạt khi bạn muốn cúi xuống. Trong khoảng thời gian mang thai, các cơ này hầu như không được giữ những vai trò này nữa. Các cơ vùng bụng trở nên yếu hơn và bị giãn mạnh do ảnh hưởng bởi sự phát triển của thai nhi làm cho vùng cơ lưng bị chèn ép, gây đau lưng. Ở một số phụ nữ trong lần mang thai thứ hai như tình huống của em thường cảm nhận thấy sự lỏng lẻo hơn của các cơ vùng bụng vì các cơ này đã bị mềm đi ở lần mang thai đầu tiên. Chính yếu tố này làm những phụ nữ như em đau lưng tăng lên. Vị trí của thai: Một số vị trí của thai nhi cũng tăng sức sức ép lên vùng xương lưng của người mẹ và làm mẹ đau lưng. Ngồi hoặc đứng sai tư thế: Phụ nữ mang thai nếu hay ngồi bệt, cố định gót chân xuống sàn nhà, chống hai tay ra phía đằng sau để giữ trọng lượng cơ thể sẽ khiến vùng lưng phía dưới bị đặt trong tình trạng căng thẳng và gây đau. Ngoài ra, tư thế đứng, di chuyển hoặc nhấc đồ vật không đúng cách cũng có khả năng gây tổn thương đến các cơ chằng vùng lưng. Nếu đứng, ngồi sai tư thế liên tục thì khả năng bị đau lưng càng lớn hơn. Do một số bệnh lý: Đau lưng có thể do đau thần kinh tọa với những cơn đau nhói ở phía mông và phía sau một bên chân. Nguyên nhân có thể do các dây chằng ở vùng lưng và cả xương chậu đã bị giảm chức năng.

Trước mắt, để xử lý tình trạng này, em có thể nhờ người thân nhẹ nhàng xoa bóp vùng lưng để kích thích sự lưu thông máu cũng có thể giảm được cơn đau. Ngoài ra em có thể thử các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga hoặc bơi lội. Trong tình huống triệu chứng đau lưng tăng lên và kéo dài hơn hai tuần, em nên đi khám bác sĩ Sản khoa để được chỉ định uống thuốc hoặc đưa ra phương pháp chữa trị hiệu quả.

Chúc 2 mẹ con mạnh khỏe.

Đau lưng hông bên trái


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Xin hỏi bác sĩ thường xuyên đau lưng bên hông trái là dấu hiệu bệnh gì?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Tình trạng đau lưng bên hông trái có thể do đau mỏi khối cơ vùng thắt lưng hoặc có thể do bệnh lý tại thận bên trái hoặc do bệnh lý của cột sống thắt lưng. Những người có tính chất công việc cần đến sự hoạt động của khối cơ thắt lưng nhiều như gập cúi hay mang vác nặng thì thường bị đau mỏi vùng thắt lưng. Nguyên nhân của tình trạng đau mỏi này là do xuất hiện chuyển hóa yếm khí khi cơ phải làm việc nhiều, liên tục, sinh ra sản phẩm chuyển hóa là acid lactic. Acid lactic lắng đọng lại ở cơ và tổ chức gây đau, mỏi. Tình trạng này sẽ đỡ giảm khi nghỉ ngơi một vài ngày. Tình trạng đau lưng và hông trái này còn có thể là do bệnh lý của hệ thận – tiết niệu mà bệnh thường gặp nhất là bệnh sỏi thận trái, sỏi đài bể thận trái. Sỏi thận có nhiều loại, sỏi cản quang và sỏi không cản quang và có nhiều hình dạng khác nhau; kích thước khác nhau; có sỏi bề mặt trơn nhẵn nhưng có sỏi sần sùi hoặc có thể có nhiều chân, nhiều gai găm vào nhu mô thận (sỏi san hô).

Những loại sỏi thận gây đau ít hoặc không đau thường là sỏi nhỏ, bề mặt trơn nhẵn. Sỏi thận có đau thắt lưng nhiều thường do sỏi có kích thước lớn hoặc sỏi sần sùi, có nhiều chân, nhiều gai gây tổn thương nhu mô thận, đài bể thận và gây đau, đặc biệt là khi sỏi di chuyển. Những sỏi này có thể bị rơi xuống niệu quản, nếu sỏi nhỏ có thể đi ra ngoài theo nước tiểu nhưng những sỏi kích thước lớn hoặc sần sùi thì có thể bị mắc ở niệu quản gây ứ nước tiểu, giãn niệu quản và gây đau nhiều. Ngoài ra, tình trạng đau vùng thắt lưng có thể do bệnh lý của cột sống thắt lưng có tổn thương gây chèn ép vào các rễ thần kinh và gây đau hay tê vùng dây thần kinh đó chi phối.

Bệnh lý cột sống thường gặp là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng,…Nếu nhân đĩa đệm lệch về bên nào thì sẽ gây đau ở bên đó nhiều hơn. Bệnh thoái hóa cột sống là bệnh tiến triển theo tuổi, chữa trị chủ yếu bằng các biện pháp không uống thuốc và chỉ uống thuốc trong tình huống đau nhiều, tác động tới sinh hoạt và làm việc của bệnh nhân vì hầu hết các thuốc giảm đau đều gây hại dạ dày hoặc có thể gây tổn thương gan nếu dùng quá liều Paracetamol. Chẩn đoán bệnh thoái hóa cột sống dựa trên phim X-quang cột sống nhưng để chẩn đoán xác định bệnh thoát vị đĩa đệm cần phải dựa trên phim chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống thắt lưng cùng. Điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm, giai đoạn đầu, uống thuốc giảm đau, giãn cơ. Nếu sau 2 – 3 đợt chữa trị, biểu hiện không đỡ giảm thì cân nhắc mổ lấy nhân thoát vị giải phóng chèn ép.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Đau lưng không đi được là sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Cháo bác sĩ!

Mấy hôm gần đây cháu thấy lưng bị đau không đi nổi. Vậy đó là biểu hiện bệnh gì?

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Cháu bị đau lưng không đi nổi đã vài ngày. Đây là biểu hiện bệnh đau lưng cấp. Đau lưng cấp tính là một biểu hiện thường gặp, nếu không được chữa trị triệt để có thể chuyển thành mãn tính rất khó chữa, thậm chí gây thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm, trượt thân đốt sống… Những khớp xương nằm giữa 2 đốt xương lưng, những cấu tạo của đốt xương sống, hay những dây thần kinh sống lưng, hoặc những bao vây xung quanh dây thần kinh nếu bị kéo giãn ra, hay bắp thịt xung quanh cột sống bị co lại, hay bị viêm, thương tích, hay bất cứ lý do nào chấn động hệ thống cột sống lưng đều làm đau lưng.

Đau lưng từng chỗ khi mỗi phần bắp thịt, dây gân bao xung quanh dây thần kinh hay khớp xương lưng bị kích động. Đau lưng chuyền xuống chân là do dây thần kinh bị chèn ép. Nguyên nhân gây đau lưng cấp:

– Thời tiết thay đổi đột ngột là lí do khiến các cơ, dây chằng, mạch máu và thần kinh vùng lưng bị co giãn quá mức. Người bệnh có cảm giác mệt mỏi, đau mỏi lan toả hai bên cột sống lưng. Đau giảm khi chườm nóng lạnh hoặc xoa bóp.

– Làm việc trong một tư thế cố định cột sống, khối cơ lưng và dây chằng sẽ ít hoạt động gây ứ đọng chất trung gian hoá học trong cơ, đồng thời mạch máu kém lưu thông nên tình trạng nuôi dưỡng khu vực cột sống không được đảm bảo gây nên đau lưng cấp.

– Vận động hoặc làm việc trong một tư thế cột sống sai lệch, gây trượt nhẹ các khớp cột sống và đĩa đệm.Người bệnh có cảm giác đau nhức khu trú tại một vị trí, sờ nắn có cảm giác đau. Nếu xoa bóp, chườm nóng lạnh, nằm nghỉ ngơi, dấu hiệu đau sẽ đỡ.

– Khi cột sống phải chịu sự đè nén của trọng lượng cơ thể hay vật nặng, các đĩa đệm bị đè nén quá mức cũng gây đau lưng cấp. Đau giảm khi kéo giãn cột sống.

– Đi giầy hoặc dép cao gót làm cho trọng lực cơ thể dồn về phía trước, đốt sống lưng L4 và L5 dễ bị trượt ra trước, gây chèn ép mạch máu và thần kinh, cũng có thể gây đau lưng cấp.

– Một số tổn thương thực thể gây đau lưng cấp như, thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, gai đôi cột sống, thoái hoá cột sống, ung thư, lao… cũng gây đau lưng cấp.

Trường hợp đau lưng của cháu xem có liên quan đến các lí do đau lưng trên không. Tuy nhiên dù lí do nào thì với biểu hiện đau nhiều như vậy cháu cũng nên nghỉ ngơi tuyệt đối, xoa bóp, chườm nóng. Nếu một vài ngày không đỡ hoặc đau tăng lên, cháu cần đi khám bác sĩ ngay.

Chúc cháu chóng khỏi bệnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl