Tác dụng phụ khi uống thuốc viêm cầu thận xử lý như thế nào?


4,226
1
1
Xu
53
Trong quá trình điều trị viêm cầu thận, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dung thuốc, việc bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ là điều không thể tránh khỏi. Vậy bệnh nhân cần lưu ý gì khi gặp phải trường hợp này.

Uống thuốc viêm cầu thận cấp bị phù mặt là sao?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Cháu tên Đinh Thị Hương, 28 tuổi. Cháu bị viêm cầu thận cấp, đang dùng thuốc ở bệnh viện nhưng không hiểu sao mặt cháu bị phù nhưng không tăng cân cháu không rõ lí do như thế nào. Mong bác sĩ tư vấn cho cháu.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Trần Thị Bích Lan


Chào cháu!

Viêm cầu thận cấp là tình trạng viêm lan toả tất cả các cầu thận của cả 2 thận. Bệnh xuất hiện sau viêm họng cấp, hoặc sau nhiễm khuẩn ngoài da do liên cầu tan huyết beta nhóm A từ 10 đến 15 ngày (gọi là thời gian ủ bệnh). Bệnh đột ngột xuất hiện toàn thân mệt mỏi, sốt 38-39 độ C, đau mỏi vùng hông lưng. Bệnh thường triệu chứng với các triệu chính sau:

Phù là biểu hiện thường xuyên thường gặp làm cho bệnh nhân cảm nhận được phải đi khám bệnh ngay. Bệnh nhân có cảm giác nặng mặt, nề 2 mí mắt, phù 2 chân, phù mềm, khi ấn có dấu lõm. Thường hay phù nhiều vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, vào buổi chiều thì đỡ phù hơn. Kèm theo bệnh nhân đi tiểu ít và sẫm màu, phù càng nhiều thì đi tiểu càng ít.

Tiểu ra máu toàn bãi, không đông, mỗi ngày có thể đái ra máu 1 đến 2 lần, sau sẽ ít dần rồi hết.

Tăng huyết áp, có những cơn tăng huyết áp kịch phát làm bệnh nhân đau đầu dữ dội rất nguy hiểm đến tính mạng.

Suy tim thường đi sau những cơn tăng huyết áp kịch phát làm bệnh nhân rất khó chịu khó thở, nếu nặng có thể bệnh nhân ho và khạc ra bọt màu hồng. Đây là triệu chứng phù phổi cấp nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân dễ bị tử vong.

Bệnh có khi chỉ thoáng qua và làm bệnh nhân chủ quan không chữa trị làm bệnh trở thành viêm cầu thận mãn tính. Cháu đang được chữa trị nhưng vẫn còn phù ở mặt, như vậy bệnh vẫn chưa ổn định do bệnh làm tăng tính thấm mao mạch gây ứ dịch ở khoang gian bào. Cháu nên đi khám lại để xét nghiệm máu và nước tiểu, bác sĩ sẽ bổ sung thuốc cho cháu.

Cháu cần chú ý đến chế độ ăn giảm muối, hạn chế đạm, cân bằng lượng nước uống vào với lượng nước tiểu đái ra, tránh lao động nặng. Đây là khâu rất quan trọng khi chữa trị viêm cầu thận cấp và chữa trị dự phòng để tránh bệnh trở nên mãn tính hoặc có những biến chứng nặng nề như suy tim, suy thận.

Chúc cháu bệnh nhanh ổn định .

Uống thuốc điều trị viêm cầu thận mãn tính thấy mệt, mặt lên nhiều mụn là sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Em bị viêm cầu thận mãn tính, có đi khám ở viện Bạch Mai. Em uống thuốc được 3 tháng và đang chữa trị nhưng thấy người mệt mỏi hay đau mỏi chân tay, thắt lưng. Khi chữa trị thì bác sĩ nói không kháng thuốc mà càng uống càng thấy mệt, mặt lên nhiều mụn, vậy xin bác sĩ giải thích cho?

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào em!

Viêm cầu thận mãn tính là một quá trình tổn thương thực thể xảy ra ở tất cả các cầu thận của hai thận; bao gồm các tình trạng tăng sinh, phù nề, xuất tiết và hoại tử hyalin, xơ hoá một phần hoặc toàn bộ cầu thận. Bệnh tiến triển mãn tính qua nhiều tháng, nhiều năm dẫn đến xơ teo cả 2 thận. Em bị viêm cầu thận mãn tính và đang chữa trị.

Các triệu chứng mệt mỏi, đau mỏi chân tay, thắt lưng của em có thể là triệu chứng của bệnh (như thiếu máu) cộng với tác động của việc uống thuốc. Tuy nhiên, em không cho biết em đang chữa trị bằng thuốc gì nên khó giải đáp cụ thể được. Em nên giải đáp trực tiếp bác sĩ chữa trị. Nếu là do thuốc thì xem xét việc đề nghị thay thuốc khác.

Chúc em mạnh khỏe!

Bị viêm cầu thận mãn tính dẫn đến suy thận độ 2 chữa Đông y được không?


Câu hỏi bởi: 962329962

Chào bác sĩ.

Bác sĩ ơi làm ơn cho cháu hỏi: Cháu bị viêm cầu thận mãn tính dẫn đến suy thận độ 2 không phù không có biểu hiện gì cả và bây giờ đi khám chỉ số Creatinin là 185.5, Ure là 5.4, Cháu có đi khám Đông y thì kể tình trạng bệnh cho bác sĩ và bác sĩ bảo là bảo dùng thuốc Đông y được bác sĩ cho cháu hỏi nếu chữa bằng Đông y thì có nhiều hy vọng không ạ? Cháu năm nay 26 tuổi và đang rất lo lắng. Mong bác sĩ giúp đỡ.

Xin cám ơn!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Người bình thường có 2 thận ở 2 bên, mỗi thận được cấu tạo bởi khoảng 1 triệu đơn vị chức năng của thận (các Nephron). Trong bệnh suy thận mãn tính, có sự tổn thương không hồi phục của các Nephron, làm giảm mức lọc cầu thận. Mức độ suy thận càng nặng thì số lượng các nephron bị tổn thương không hồi phục càng nhiều. Do đó, khi đã có suy thận thì không có bất kì một phương pháp chữa trị nào (cho dù là Tây y hay Đông y) để có thể chữa trị khỏi suy thận và trả thận về trạng thái bình thường được mà việc chữa trị để suy thận không nặng thêm hoặc tiến triển chậm đi và cũng để chữa trị các biến chứng của suy thận.

Các thuốc Đông y cơ chế tác dụng và hiệu quả không rõ ràng và các loại thảo dược không được kiểm soát và đảm bảo chặt chẽ về chất lượng (nấm mốc phát triển, nhiễm các kim loại nặng,…) nên không ít tình huống đã bị bệnh nặng thêm khi sử dụng các thuốc này. Vì vậy, bạn không nên dùng Đông y để chữa trị suy thận mà bạn nên chữa trị theo Y học hiện đại, có cơ sở khoa học rõ ràng và có hiệu quả rõ rệt, các thuốc sử dụng đều được kiểm định rất nghiêm ngặt về chất lượng.

Chúc bạn khỏe!

Dùng thuốc tây điều trị thận hư thì cân nặng bị giảm 4 kg là tốt hay xấu?


Câu hỏi bởi: Thanh

Chào bác sĩ!

Con là nam 19 tuổi. Hiện con đang bị hội chứng thận hư. Sau 3 tuần dùng thuốc tây thì cân nặng con bị giảm từ 54 kg xuống con 50 kg vậy tình trạng đó là tốt hay xấu? Bệnh có diễn biến tệ hơn không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Hội chứng thận hư là hội chứng lâm sàng và sinh hoá được đặc trưng bởi: Protein niệu nhiều (> 3,5g/24giờ), Protein máu giảm (< 60g/l), Albumin máu giảm (<30g/l), Lipit máu tăng và có phù. Hội chứng thận hư ở người lớn bao gồm hội chứng thận hư tiên phát hay nguyên phát và hội chứng thận hư thứ phát hay hội chứng thận hư kết hợp.

Hội chứng thận hư nguyên phát thường gặp do bệnh cầu thận thay đổi tối thiểu, do viêm cầu thận mạn tính. Hội chứng thận hư thứ phát thường gặp do:

Các bệnh lý hệ thống như luput ban đỏ hệ thống và các bệnh collage khác, bệnh thận nhiễm bột, viêm mạch máu do miễn dịch. Bệnh nhiễm khuẩn: liên cầu, giang mai. Bệnh nhiễm vi rút, nhiễm ký sinh trùng Do thuốc: muối vàng, thủy ngân, thuốc kháng viêm không steroit… Do dị ứng : nọc rắn, nọc ong… Do bệnh ung thư: hodgkin,bệnh bạch cầu lymphô Do di truyền, bệnh chuyển hóa như đái tháo đường… Do thải ghép cơ quan

Triệu chứng lâm sàng:

Phù toàn thân, tiến triển nhanh và nặng, có thể có tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tinh hoàn, có thể cả tràn dịch màng tim hoặc nặng có thể có phù não. Phù làm cho trọng lượng của bệnh nhân có thể tăng lên đến 10kg hoặc hơn. Đái ít, lượng nước tiểu thường dưới 500ml, có thể chỉ một vài trăm ml/24giờ. Toàn thân: mệt mỏi, da xanh, ăn kém.

Điều trị chủ yều là sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kết hợp với điều trị triệu chứng như phù, tăng huyết áp. Điều trị và dự phòng nhiễm khuẩn. Điều trị và dự phòng biến chứng. Điều trị bằng chế độ ăn. Bạn bị mắc bệnh hội chứng thận hư, bạn điều trị bằng thuốc tây 2 tuần mà giảm được 4 kg như vậy là tốt vì như thế là triệu chứng phù đã giảm. Tuy nhiên để đánh giá được diễn biến của bệnh của bạn thì còn phải dựa vào rất nhiều yếu tố và phải có thời gian. Bạn cần tiếp tục điều trị.

Chúc bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl