Cách nuôi dạy bé chậm phát triển tâm thần


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Cách nuôi dạy bé chậm phát triển được rất nhiều vị phụ huynh quan tâm. Những chia sẻ của bác sĩ sẽ được đưa đến bạn đọc sau đây.

Cách nuôi dạy bé gái 3,5 tuổi bị chậm phát triển


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ.

Bé gái nhà tôi 3 tuổi rưỡi, nặng 15 kg. Bé chỉ kêu má, ba, bà, ông, đi chệnh choạng. Khi đi khám ở bệnh viện thì bác sĩ nói cháu bị chậm phát triển. Vậy xin bác sĩ cho biết cách để nuôi dạy với tình trạng của cháu. Và tình trạng của cháu có thể phát triển hơn trong tương lai không?

Xin cảm ơn bác sĩ nhiều!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Có nhiều lí do khiến cho trẻ chậm phát triển tinh thần như di truyền, các ảnh hưởng có hại đến mẹ khi mang thai trong 3 tháng đầu (mắc bệnh do vi-rút, ký sinh trùng, giang mai…), trẻ bị ngạt sơ sinh, các bệnh mắc phải trong những năm đầu (viêm não…) và thiếu sự kích thích của môi trường xã hội cũng là lí do gây bệnh. Một số lí do khiến trẻ bị chậm phát triển là do trẻ mắc bệnh hội chứng Down, hoặc bênh tự kỷ. Ngoài ra, những trẻ thiếu hụt cảm xúc giữa mẹ và con (cha mẹ ít quan tâm, chơi đùa, chăm sóc trẻ) trong 3 năm đầu đời có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn những trẻ được cha mẹ quan tâm, chăm sóc trong giai đoạn này.

Bé nhà bạn được chẩn đoán bị chậm phát triển tinh thần. Đây là tình trạng không dễ xử lý đòi hỏi bố mẹ, người thân trong gia đình phải rất kiên trì, dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt cho cháu. Điều quan trọng nhất là bạn và người thân nên tăng cường giao tiếp với cháu bằng lời nói, cử chỉ, ánh mắt. Nên mua những đồ chơi có tính trí tuệ cho trẻ như các bộ xếp hình, xếp chữ… Ngoài ra, bạn nên cho con đi học đúng tuổi để trẻ có điều kiện tiếp xúc và học tập từ các bạn. Với các trẻ chậm phát triển tâm thần nên đưa đến các trường đặc biệt dành cho trẻ chậm phát triển tâm thần. Khả năng phát triển sau này của cháu phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm chăm sóc của gia đình, người thân và xã hội.

Chúc bạn và cháu mạnh khỏe!

Bé 23 tháng vẫn chưa biết nói biết đi là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Con của cháu hiện nay đã 23 tháng nhưng vẫn chưa biết đi, biết nói. Bé có triệu chứng chậm phát triển về nhận thức hơn những đứa trẻ cùng lứa. Cháu có cho bé đi khám thì bác sĩ bảo cơ thể phát triển bình thường, thần kinh yếu, nhát nên chưa biết đi. Bác sĩ có thể giải đáp giúp cháu tình trạng của bé giờ phải làm sao ạ ?

Cháu chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Ở vào độ tuổi của con bạn, một đứa trẻ bình thường đã có thể đi lại, chạy nhảy, leo trèo, nói được những câu đơn giản. Con bạn 23 tháng nhưng chưa biết đi, biết nói. Không biết bạn đã đưa con đi khám ở đâu, đã làm các bài tét để kiểm tra nhận thức của cháu chưa. Chậm đi, chậm nói không đáng ngại nhưng nếu cháu bị chậm phát triển tâm thần thì là vấn đề đáng quan tâm. Bạn nên đưa cháu đi khám ở bệnh viện Nhi Trung ương ở Hà Nội hoặc ở bệnh viện Nhi Đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tùy theo mức độ bệnh của bé (nhẹ, trung bình hoặc nặng) bác sĩ sẽ có hướng chữa trị, kết hợp tập vật lý trị liệu lâu dài cho bé và giải đáp cụ thể cho bạn về sức khỏe cũng như hướng chữa trị cho bé.

Để giúp bé học nói, bạn cần tận dụng mọi trường hợp hàng ngày để khuyến khích trẻ nói và bộc lộ ngôn ngữ. Mặt khác, bạn cũng nói liên tục nếu có thể. Chẳng hạn giải thích bạn đang làm gì khi bạn đang nấu hoặc lau nhà, chỉ các vật ở quanh nhà, và khi đưa bé lên xe, chỉ các âm thanh mà bạn nghe thấy. Đặt câu hỏi và lắng nghe bé trả lời…

Chúc bạn và cháu mạnh khỏe!

Trẻ bị bại não nhưng chân tay khỏe mạnh là bại não nặng hay nhẹ?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa Bác sĩ!

Con em bi bại não bẩm sinh, con em được 2,6 tháng tuổi. Cháu tay chân khỏe mạnh, các cơ tay chân của cháu vẫn bình thường, ba má nói chuyện với cháu, cháu không hiểu, nên cháu không có nói chuyên, cười mấy. Cháu cũng cười nhưng cười vì lý do gì, khi ba má nói chuyện với cháu mà cháu không cảm nhận được đó bác sĩ ạ! Con em như vậy không bít bị bãi não nhẹ hay nặng vậy bác sĩ? Các bác sĩ đang nghi bị rối loạn chuyển hóa nữa.

Mong Bác sĩ giải đáp cho em ạ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn!

Bại não là tình trạng rối loạn sự kiểm soát các vận động cũng như tư thế do một phần của bộ não bị tổn thương. Do một phần não bị tổn thương (thường là bẩm sinh) nên trẻ không thể cử động các cơ do vùng não đó điều khiển một cách bình thường được. Con bạn không thấy dấu hiệu gì bất thường về vận động, chân tay cháu vẫn bình thường chứng tỏ không thấy tổn thương bẩm sinh nghiêm trọng ở trong não. Các biểu hiện của bại não có thể nhẹ nhàng hoặc rất nặng nề ở các trẻ khác nhau tùy theo tổn thương não nhưng ở một trẻ nhất định thì biểu hiện không nặng lên khi trẻ lớn hơn. Nói một cách khác, bại não là một bệnh tĩnh, nghĩa là các tổn thương đã định hình và không tiến triển xấu hơn nữa.

Điều này rất quan trọng để phân biệt bại não với các tình trạng tổn thương thần kinh khác trong đó biểu hiện tâm thần vận động sẽ càng ngày càng nặng hơn. Rất nhiều trẻ bị bại não thường có kèm theo các tình trạng bệnh khác như: chậm phát triển tâm thần, rối loạn khả năng học tập, động kinh, các vấn đề về thính giác, thị giác, ngôn ngữ….

Con bạn mới 2,5 tháng tuổi các triệu chứng phát triển tâm thần chưa rõ ràng. Có thể bạn nên cần tìm hiểu thêm về các phương pháp giao tiếp giáo dục trẻ mầm non, nhất là các chương trình giáo dục sâu rộng và có hệ thống, các chương trình can thiệp giáo dục tâm lý, chú trọng phát triển kỹ năng ngôn ngữ và xã hội,…. để áp dụng giúp trẻ phát triển toàn diện hơn.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!

Bé hay lè lưỡi, bàn chân không rõ ngón có phải bị down?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Bác sĩ cho em hỏi.

Lúc có bầu em chỉ đo độ mờ da gáy chứ không làm thêm xét nghiệm nào hết, nhưng khi sinh ra em rất lo tại vì thấy con em hay lè lưỡi, mẹ em nói là tại có bầu em ăn ốc (lúc có bầu em ăn ốc). Con em được 2 tháng rồi. Bề ngoài em thấy cũng bình thường, có điều đầu với mặt cháu cũng không được to lắm, bàn chân lúc căng lên mới thấy ngón cái cách xa mấy ngón còn lại. Da thịt cháu không được chắc như những cháu khác cùng lứa tuổi.

Những dấu hiệu đó là thế nào, bác sĩ tư vấn giúp em ạ.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Không phải là mẹ khi mang thai hay ăn ốc mà trẻ đẻ ra hay lè lưỡi. Hiện tượng lè lưỡi hay vặn mình thường thấy ở trẻ sơ sinh, các triệu chứng này thường hết khi trẻ khoảng 3 – 4 tháng tuổi, do hiện tượng myelin hóa chưa hoàn chỉnh (các dây thần kinh chưa hoàn chỉnh vỏ bọc ngăn cách với nhau), nên các hoạt động dẫn truyền của các dây thần kinh thường bị ảnh hưởng lẫn nhau làm trẻ vặn mình, lè lưỡi hay một số cử động bất thường khác.

Trẻ bị Down có nhiều triệu chứng bất thường về hình thái và chức năng: Đầu ngắn và bé, gáy rộng và phẳng; cổ ngắn, vai tròn, mặt dẹt, trông ngốc, tai thấp nhỏ, mắt xếch, mũi nhỏ và tẹt, miệng trễ, luôn há, lưỡi dày thè ra ngoài. Chân tay ngắn, bàn tay ngắn, to. Các ngón tay ngắn, bàn chân phẳng, ngón cái tòe ra; khoảng cách giữa ngón chân cái và ngón chân thứ hai quá rộng.

Trẻ bị hội chứng Down thường nhỏ hơn những trẻ cùng trang lứa. Trẻ chậm phát triển tâm thần từ thể nhẹ đến thể vừa. Vì vậy bạn cần xem xét kĩ lưỡng hình thể của bé, chỉ một dấu hiệu bàn chân không rõ ngón chưa đủ để kết luận là trẻ bị hôi chứng Down.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe.

tư vấn cách chữa bệnh chậm nói


Câu hỏi bởi: Thái Bình

Chào bác sĩ.

Cháu đã gần được 4 tuổi nhưng nói được rất ít từ, đi khám bác sĩ được biết cháu bị động kinh, não chạy không đều. Cháu đã đi khắp nơi chữa bệnh hơn 1 năm nay thấy cũng bớt chút ít nhưng vẫn không nói được nhiều, mong bác sĩ tìm cách để giúp cháu nói được nhiều và rõ hơn.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Theo như bạn mô tả cháu bị động kinh não chạy không đều và đã gần 4 tuổi nhưng nói được rất ít từ. Trước hết bạn nên chữa trị tích cực bệnh động kinh cho con vì sẽ tác động rất nhiều đến sự phát triển tâm thần vận động và ngôn ngữ của con. Trẻ bị bệnh động kinh dễ bị chậm phát triển tâm thần do hậu quả của các cơn động kinh. Nên đưa con đến khám bác sĩ tâm thần nhi để có các trắc nghiệm về tâm vận động và ngôn ngữ, trí tuệ xác định tình trạng hiện thời của con từ đó có sự can thiệp về thuốc men cũng như hướng dẫn gia đình cách chăm sóc giáo dục con.

Một số phương pháp giúp chữa bệnh chậm nói:

1. Khuyến khích trẻ tập nói:

Cần thường xuyên nói chuyện với trẻ, đọc sách cho trẻ nghe, khuyến khích trẻ tập trung vào bạn, vào đồ vật nào đó mà bạn muốn nói đến. Nên nói đến những vật có trước mặt, hay những điều đang xảy ra. Không ép trẻ phải nói nhưng nhớ đưa ra lời khen khi trẻ tập nói. Chú ý lắng nghe, cho con bạn có thời gian để thực hiện những lời trẻ sắp nói. Nên dạy cho trẻ những từ đơn giản, dễ hiểu. Tốt nhất là dạy trẻ nói dựa theo những trường hợp xảy ra hàng ngày, tạo nhiều trường hợp khác nhau khi nói về một từ nào đó. Tập cho con bạn biết nghe các âm thanh khác nhau hay tập cho con giao tiếp qua những hình ảnh hay điệu bộ cũng là cách giúp cho trẻ tập nói tốt. Sau đó tăng dần độ khó với những từ dài hơn. Cha mẹ nên cùng xem với trẻ các chương trình như phim hoạt hình, ca nhạc và bình luận về các tình tiết, nhân vật, hội thoại trong phim để giúp trẻ xây dựng phản xạ ngôn ngữ.

2. Châm cứu hiện nay cũng là một phương pháp để áp dụng chữa bệnh chậm nói, nhiều trẻ đã có đáp ứng tốt với phương pháp này.

Bạn có thể đưa trẻ đến những cơ sở châm cứu uy tín như viện châm cứu trung ương. Điều quan trọng nhất ở cả hai phương pháp đó là kiên trì, đi hết liệu trình chữa trị.

Chúc cháu sớm nói tốt!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl