Các nhà khoa học hứa hẹn rằng, chẳng bao lâu nữa họ sẽ loại bỏ hiện tượng “bẩn người” và làm dịu hội chứng khó chịu mà hầu như mọi phụ nữ trên thế giới đang phải trải qua mỗi tháng.
Liệu kinh nguyệt có cần thiết?
Hiện nay, ít nhất ở phương Tây và các quốc gia công nghiệp phát triển, phụ nữ nắm quyền kiểm soát việc sinh nở, hiếm khi “vỡ kế hoạch” và ít nuôi con bằng sữa mẹ. Kết quả là họ liên tục phải gánh chịu những chu kỳ “bẩn người” mỗi tháng.
Thực tế đó - như khẳng định của một số nhà khoa học là không cần thiết, gây tốn kém, lãng phí về kinh tế và thậm chí không hợp với tự nhiên. Họ cũng cho rằng, hậu quả của tình trạng phải liên tiếp trải qua những kỳ “bẩn người” còn có hại đối với sức khỏe người phụ nữ: có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư tử cung, ung thư vú, thiếu máu, hội chứng tiền kinh nguyệt và trầm cảm…
“Kinh nguyệt mang đến đủ mọi phiền toái, làm tổn hại sức khỏe, khiến phụ nữ phải tiêu tốn không ít tiền để dự trữ các sản phẩm vệ sinh và paracetamol chỉ nhằm mục đích chống đỡ với một tuần dơ bẩn trong mỗi tháng” - người bình luận của tạp chí Lancet nhấn mạnh. Tính toán của các chuyên gia thuộc Tập đoàn Texas Instrument (Mỹ) cho thấy, năng suất làm việc của lao động nữ trong thời gian kinh nguyệt suy giảm tới 25%. Trong thời đại kinh tế thị trường, nếu như hạn chế được chu kỳ “đèn đỏ” ở phụ nữ sẽ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho chị em phụ nữ, giúp họ có một cuộc sống hạnh phúc hơn và ít phiền toái hơn. Từ quan điểm đó, các nhà khoa học thời gian qua đã hăng hái tìm kiếm và nghiên cứu các biệt dược nhằm loại bỏ vĩnh viễn hiện tượng kinh nguyệt ở phụ nữ hoặc chí ít cũng có thể hạn chế tối đa số lượng chu kỳ.
Mọi phiền toái sẽ được loại bỏ?
Trong cuộc chạy đua tìm cách kìm hãm “tai ương”, các nhà khoa học đã nghiên cứu bào chế và cho ra đời không ít biệt dược mới. Ngày nay, nhờ những viên ngừa thai thông thường, phụ nữ đã có thể một phần điều khiển chu kỳ kinh nguyệt của mình. Đó là biệt dược tác động lên nồng độ hormon nữ tính trong cơ thể, dẫn đến tình trạng liên tưởng đến có bầu. Chỉ cần cố tình “quên” tuần lễ nghỉ trong thời gian dùng thuốc thì hiện tượng kinh nguyệt lập tức không xuất hiện. Một số loại thuốc ngừa thai dài ngày có tác dụng trong vòng 3 tháng. Đối tượng sử dụng loại thuốc này không chỉ để tránh thai mà còn giúp làm giảm thiểu số lần “bẩn người” xuống còn 4 lần/năm.
Gần đây nhất, theo tuần báo Đức Der Spiegel đưa tin, Giáo sư Sinh học Robert Banner thuộc Trung tâm Nghiên cứu động vật có vú bậc cao bang Oregon (Mỹ) và Tiến sĩ Y học Kristor Chwalisz cộng tác với Hãng dược phẩm Đức Jena-pham đã thành công trong nỗ lực kìm hãm chu kỳ kinh ở đàn khỉ cái thí nghiệm. Nhóm nghiên cứu đã cho khỉ cái uống hợp chất phong tỏa hormon nữ progesteron - bên cạnh estrogen - đóng vai trò chủ yếu trong chu kỳ sinh nở. Một trong những hợp chất đó, khác với viên ngừa thai, dẫn đến hiện tượng rụng trứng và chỉ loại trừ tình trạng chảy máu; loại thứ hai kìm hãm trứng phát triển và chu kỳ kinh nguyệt. Cả hai gộp lại sẽ có tác dụng ngừa thai và ngăn chặn màng nhầy bên trong tử cung phát triển. Chu kỳ sinh nở của khỉ gần giống con người, vậy nên các kết quả thí nghiệm cũng sẽ có tác dụng trên cơ thể phụ nữ. Hai nhà khoa học hy vọng rằng, bằng việc loại bỏ hiện tượng “bẩn người”, phương pháp của họ sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của một nửa thế giới.
Vẫn còn cảnh giác
Thế nhưng, liệu phái đẹp có chấp nhận các phát minh trên? Đối với nhiều người, kinh nguyệt là biểu tượng của nữ tính và đồng thời nó là chứng cớ khẳng định rằng, sự sinh nở vẫn nằm dưới sự cai quản của phái đẹp.
Nhiều nhà khoa học khác cũng cho rằng, hiện tượng kinh nguyệt là cần thiết. Theo GS. Lawrence M.Nelson (Viện Nghiên cứu sức khỏe quốc gia Mỹ), chu kỳ kinh nguyệt chứng tỏ trạng thái sức khỏe tốt của đối tượng. Như nhà khoa học này khẳng định trong bài viết đăng trên tạp chí chuyên ngành New Scientist của Anh, việc sử dụng viên ngừa thai và loại bỏ hiện tượng kinh nguyệt có thể gây khó khăn cho quá trình phát hiện các triệu chứng rối loạn chức năng buồng trứng, như vậy có thể dẫn đến vô sinh.
Nguồn: SKDS
Sức khỏe phụ nữ
Sức khỏe sinh sản