Trẻ sơ sinh đi tiêu dưới 2 lần/ngày; trẻ (được bú mẹ) đi tiêu dưới 3 lần/ngày hoặc trẻ lớn đi tiêu dưới 2 lần/tuần thì được coi là táo bón. Tuy nhiên, nếu sức khỏe tốt, phân bé bình thường thì nhu cầu đi tiêu ở mỗi bé là khác nhau. Bé bị táo bón khi phân bé đóng cục, giống như phân dê.
Nguyên nhân và hậu quả của táo bón
- Trẻ ít uống nước, ăn rau xanh, hoa quả.
- Pha sữa đặc.
- Pha sữa bằng nước cháo.
- Trẻ ít vận động.
- Do trẻ dùng thuốc. Một số loại thuốc có thể gây táo bón ở trẻ là thuốc ho, thuốc nhỏ mũi, thuốc có chất sắt…
- Một số lý do có thể khiến trẻ sợ hãi (không muốn đi tiêu dù trẻ có nhu cầu): hậu môn bị trầy xước; phân quá cứng gây khó khăn cho trẻ mỗi lần đi tiêu; trẻ bị cha mẹ mắng trong lần đi tiêu trước đó… Phân bị lưu trữ trong trực tràng lâu ngày sẽ trở nên cứng, trẻ sẽ càng bị táo bón nhiều hơn.
- Chứng táo bón có thể xảy ra khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa do chuyển từ bú mẹ sang dùng sữa bột.
- Rối loạn cảm xúc cũng được chứng minh là gây ra chứng táo bón của trẻ.
Trẻ bị táo bón lâu ngày không được điều trị sẽ trở nên biếng ăn, chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng, trướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, dễ bị nôn trớ… Những độc tố chứa trong phân sẽ gây nên phản ứng hấp thụ lại và gây hại cho cơ thể trẻ.
Xử trí với trẻ bị táo bón
Với trẻ bú mẹ: trường hợp này, người mẹ nên bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả trong khẩu phần ăn của mình. Nên uống nhiều nước. Xoa bóp bụng đúng cách để kích thích nhu động ruột.
- Nên cho trẻ bú tăng cường (vì trong sữa mẹ chứa khoảng 70% là nước). Nếu trẻ đã bú bình, bạn không nên pha loãng sữa cho trẻ bú, cách này vừa làm mất thành phần dinh dưỡng có trong sữa vừa làm mất thời gian cho trẻ ăn. Nên cho trẻ uống thêm nước sau khi ăn khoảng 15 phút.
- Trường hợp muốn dùng thuốc trị táo bón, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ thật cẩn thận.
Với trẻ ở độ tuổi ăn dặm: nên cho trẻ ăn đủ số bữa hàng ngày. Tăng cường thêm các loại rau xanh nhất là những loại có tính chất nhuận tràng như khoai lang, mồng tơi, rau dền. Khi nấu bột cho trẻ, bạn nên băm nhỏ nhau và cho trẻ ăn cả cái. Lượng rau xanh cần thiết cho trẻ 1 tuổi là khoảng 25 - 30g. Cho trẻ ăn thêm bưởi, cam, quýt, chuối, đu đủ… tránh cà rốt, hồng xiêm, táo…
- Cho trẻ uống nước ép hoa quả tươi hoặc nước rau pha loãng với nước 2 lần/ngày.
- Cho trẻ uống thêm nước nếu trẻ bị ra mồ hôi nhiều, môi trẻ khô, nước tiểu ít, màu vàng sậm. Tránh các loại nước hoa quả đóng hộp, nước ngọt đóng chai, nước có gas...
- Để tránh pha sữa đặc, bạn chỉ nên pha sữa cho trẻ theo đúng hướng dẫn ghi bên ngoài bao bì. Khi múc một muỗng sữa, chỉ nên gạt ngang, không cố gắng lèn chặt muỗng sữa.
- Massage bụng cho trẻ sau khi trẻ tắm bằng nước ấm: nên bắt đầu từ rốn và di chuyển dần ra ngoài ngược chiều kim đồng hồ.
- Tập động tác đạp xe cho đôi chân trẻ nhằm giúp các cơ dạ dày chuyển động tốt.
- Trẻ vận động nhiều sẽ có xu hướng ít bị táo bón hơn trẻ thích ngồi lâu một chỗ hoặc được bế thường xuyên.
- Nếu bạn muốn dùng thuốc trị táo bón cho trẻ nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ quyết định xem có nên cho trẻ dùng thuốc nhuận tràng không. Một chu trình dùng thuốc nhuận tràng có thể kéo dài 1 - 3 tháng và giảm dần liều lượng.
Những trường hợp sau, bạn nên đưa trẻ đi khám:
- Trẻ dưới 1 tuổi bị táo bón kéo dài.
- Táo bón ngay sau khi trẻ mới sinh, có biểu hiện bụng trướng.
- Táo bón kéo dài trên 1 tuần.
- Táo bón kèm theo nôn trớ, chán ăn, gầy sút…
Nguồn: SKDS
Đại tràng
Sức khỏe trẻ em
Bệnh ở trẻ em
Tiêu hóa
Táo bón
Bài viết cùng chủ đề
- “Kéo dài” chiều cao cho con
- 0
- 1,362
- “Chữa bệnh” tâm lý ở trẻ
- 0
- 1,136
- Đừng “ủ” con quá kỹ
- 0
- 1,316
- Đừng hôn lên môi trẻ
- 0
- 2,170