Hà Nội: Bọ xít hút máu người gây sốt cao


Cháu bé 4 tuổi ở Quận Long Biên, Hà Nội bị bọ xít hút máu đốt đã bị sốt cao, phải uống tiêu độc suốt 2 ngày.





Anh Cừ Xuân Quảng ngụ tổ 12, Phường Thượng Thanh, Q.Long Biên, Hà Nội cho biết, tối 11/9 gia đình bất ngờ phát hiện cô con gái lên 4 tuổi bị bọ xít đốt ngay giữa nhà. Nghi ngờ đây là bọ xít hút máu người, anh Quảng đã bắt con bọ xít này.


“Ngay sau khi bị bọ xít đốt, con gái tôi lập tức cháu có biểu hiện sốt cao, đau rát, sưng tấy. Chúng tôi phải cho cháu uống hạ sốt và tiêu độc suốt 2 ngày, đến nay vết thương đã giảm nhưng tay vẫn còn mẩn đỏ”.


Vết cắn của bọ xít hút máu người




Trước đó, anh Quảng cũng phát hiện vài con bọ xít trong nhà nhưng không biết đây là bọ xít hút máu người. Đến ngày 11/9, sau khi con gái anh bị đốt anh Quảng mới quan sát kỹ và nghi ngờ đây là loài bọ xít hút máu người.


Theo quan sát chúng tôi, con bọ xít này giống những con bọ xít hút máu người từng bắt được tại nhiều địa phương khác. Chúng có 6 chân, vòi chích dài, cứng và nhọn, sau lớp cánh mỏng trên lưng có những vạch ngang màu vàng nâu, phần bụng dẹt và to.


Ngày 12/9, phóng viên đã mang con bọ xít này đến phòng Nghiên cứu Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật để tìm hiểu. TS.Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Nghiên cứu côn trùng học thực nghiệm cho biết: "Mẫu côn trùng PV mang đến chính là bọ xít hút máu người.


Đây có thể là một trong hàng trăm cá thể bọ xít hút máu sống trên địa bàn quận Long Biên từ năm ngoái còn sót lại. Khi gặp điều kiện thuận lợi, loại bọ xít này sẽ sinh nở và phát tán vào nhà dân”.


Theo TS. Trương Xuân Lam, loài bọ xít hút máu người sống bằng máu người hoặc động vật, khi không có động vật chúng sẽ tìm đến người để hút máu. Chúng không chỉ xuất hiện ở các khu nhà ẩm thấp, tối tăm mà còn xuất hiện cả ở những khu nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi.


TS. Lam nhấn mạnh, thời điểm này đang là mùa sinh sản của bọ xít hút máu người. Một năm bọ xít chỉ cần hút máu từ 1 đến 3 lần là có thể sống sót suốt vòng đời. Thông thường vào tháng 7,8,9 là thời kỳ sinh sản của bọ xít hút máu.


Chúng cần thức ăn (máu người hoặc động vật) nên sẽ phát tán vào nhà dân. Đối tượng bọ xít hút máu người phần lớn là trẻ em. Nếu bị bọ xít đốt nhiều lần, người bị đố có thể mắc bệnh, thậm chí dẫn đến tử vong.


TS. Lam khuyến cáo, nếu vô tình bị bọ xít hút máu người đốt, người dân nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, không gãi tại chỗ vết đốt để tránh gây xước và viêm nhiễm và đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị chống dị ứng và chống viêm nhiễm tại chỗ. Người dân chú ý dọn dẹp vệ sinh giường, tủ để loại trừ trứng nở thành ổ bọ xít hút máu người phát tán sẽ rất nguy hiểm.


Bọ xít hút máu người có phần gốc vòi cong, không dính sát đầu. Mặt bụng của ngực trước có rãnh lõm để nạp vòi và có nọc độc làm tê liệt con mồi.


Bọ xít hút máu dài 9,5 - 33mm, phần bụng rộng và dẹp, đầu, thân và các phần phụ khác nhẵn hoặc có lông ngắn. Ở rìa thân có sọc màu vàng thân có màu nâu đặc trưng, khác với các loại bọ xít khác có đủ màu xanh, đen, nâu... Loại côn trùng này thường đẻ trứng trên thành ngoài của giường, tủ, trứng to, chùm, màu trắng ngà.


Nếu phát hiện từ hàng trăm cá thể thì có thể gọi là ổ và phải báo ngay với cơ quan chức năng địa phương, hoặc có thể đem mẫu bọ xít hút máu người đến Phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật tại số 18 đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội để được hướng dẫn cụ thể.


TS. Trương Xuân Lâm, Trưởng phòng Nghiên cứu côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật

AloBacsi.
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl