Bị HIV có nên sinh con


blue

Active Member
796
39
28
Xu
0

Chỉ khi nào người mẹ thật sự khỏe mạnh, kinh tế gia đình ổn định mới nên sinh con. Cần cân nhắc thận trọng.

Cách đây hai tháng, Bệnh viện Hùng Vương đón nhận một đứa trẻ bị bỏ rơi từ một người mẹ trẻ. Các nữ hộ sinh Bệnh viện Hùng Vương cho biết cô mới 19 tuổi, sống dưới chân cầu Muối, bị nhiễm HIV đã mấy năm nay. Trong một lần đến khám bệnh, cô biết mình mang thai nhưng không phá thai. Bẵng đi một thời gian, cô quay lại sinh con. Sinh xong, cô lên cơn suyễn, bỏ con đi biệt suốt một tháng trời không quay lại bệnh viện. Theo chỉ dẫn của những người vô gia cư cùng sống dưới chân cầu, bệnh viện tìm thấy và giao con lại cho cô…


Những đứa trẻ bị bỏ rơi

Đầu năm 2008, Bệnh viện Hùng Vương cũng tiếp nhận một trường hợp người vợ mang thai đã 30 tuần, sắp sinh tới nơi mới biết mình bị nhiễm HIV. Nếu phá thai sẽ dễ nguy hiểm cho mẹ và bé nên người mẹ chọn cách uống thuốc trước khi sinh. Khi đứa con ra đời, hai vợ chồng lẳng lặng bỏ đi mất tăm. Sau sáu tuần làm xét nghiệm, biết cháu âm tính với HIV, hai người mới quay lại nhận con.

Chị Nguyễn Kim Ngân, nữ hộ sinh Bệnh viện Hùng Vương, cho biết hầu hết các trường hợp bỏ rơi con là những người có học thức thấp, bị nghiện ma túy, lỡ sinh nên không muốn nuôi con. Tuy nhiên, cũng có trường hợp quyết tâm sinh con và thực hiện biện pháp can thiệp ngay từ đầu nhưng đến phút chót lại nảy ý định bỏ rơi trẻ. Bà TX, làm quản lý cho một công ty bảo hiểm nhân thọ, có hai đứa con trai. Con bà chơi bời ngoài đường, quen một nữ nhân viên bán cà phê, ở với nhau có bầu rồi về buộc mẹ làm đám cưới.

Đến lúc khám thai mới phát hiện con dâu bị nhiễm HIV, còn con trai bà có kết quả âm tính. Bà quyết tâm đưa con dâu đi điều trị thuốc đầy đủ với niềm tin sẽ có một đứa cháu nội khỏe mạnh. Thế nhưng lúc đứa bé sắp chào đời, bà định bỏ đi vì sợ hãi đứa trẻ sinh ra sẽ bị HIV như mẹ nó. May mắn thay, sau ba lần xét nghiệm, đứa trẻ được kết luận không bị nhiễm HIV.

Bác sĩ Nguyễn Ban Mai, Phó Trưởng phòng điều trị theo yêu cầu Bệnh viện Từ Dũ, cho biết nhiều bà mẹ sinh con ra rồi lén bỏ đi, có người thẳng thắn nhờ bệnh viện nuôi giùm vì họ không đủ điều kiện để lo cho con, cũng có người đưa trẻ về rồi đem bán. Cách đây không lâu, một bà mẹ nhiễm HIV sau khi sinh đã đem con bán cho một cặp vợ chồng hiếm muộn. Sau đó, cặp vợ chồng này mới biết bé bị dương tính với HIV. Lần theo tờ giấy chuyển viện mà người bán để lại, hai vợ chồng biết mẹ bé đã từng sinh ở Từ Dũ nên đem bé đến gửi lại bệnh viện, nhất định không nhận con về. Dù vậy, chiều nào hai ông bà cũng đến bệnh viện thăm con cho khuây nỗi nhớ…

Niềm đau và khát vọng

Tại phòng tham vấn của Bệnh viện Hùng Vương, chúng tôi bắt gặp không ít cặp vợ chồng nhiễm HIV dù đau đớn vẫn luôn khát khao được một lần làm cha làm mẹ.

Sau hai tháng quay lại Bệnh viện Hùng Vương khám thai định kỳ, chị NL (Nha Trang, Khánh Hòa) mới sững người khi phát hiện mình bị nhiễm HIV. Như không tin, chị đến bệnh viện khác xét nghiệm lại, kết quả tương tự. Chồng chị NL là giáo viên dạy thể dục. Anh đã bị nhiễm HIV trong lúc đưa học trò bị thương chảy máu vào bệnh viện và lây sang vợ mình. Chồng chị NL nói như khóc: “Đây là đứa con mà vợ chồng chúng tôi trông đợi năm, sáu năm nay. Bằng mọi giá, tôi phải giữ lại đứa con này”.

Từng là một sinh viên giỏi của ĐH Bách khoa Hà Nội, V. tình cờ đến với nàng tiên nâu từ bữa tiệc sinh nhật người bạn, rồi sa vào nghiện ngập. Sau một thời gian lập gia đình, anh phát hiện mình đã nhiễm HIV, rất may con gái anh sinh ra khỏe mạnh. Ngày V. cai nghiện được ma túy cũng là ngày vợ anh ôm con ra tòa đòi ly hôn. Một thời gian sau, V. gặp Q., một người đồng cảnh ngộ. Sự thấu hiểu và đồng cảm đã kéo V. và Q. – hai người kém may mắn lại gần nhau. Chị Q. không giấu nổi xúc động, tâm sự: “Tuy bị nhiễm HIV nhưng cũng như những người làm cha làm mẹ khác, chúng tôi cũng khát khao được có một đứa con để ẵm bồng, âu yếm. Chúng tôi đã suy nghĩ kỹ rồi. Đành đánh bạc với trời vậy!”.

Cần cân nhắc thận trọng

Theo bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, nếu sản phụ đến bệnh viện khám thai định kỳ, phát hiện sớm những bất thường và bỏ thai sớm có lẽ đã không để xảy ra những chuyện thương tâm như trên.

Bác sĩ Thủy cũng cho biết, cơ thể của người phụ nữ nhiễm HIV vốn đã không được khỏe mạnh, sau một thời gian dài mang thai và vượt cạn, sức khỏe của họ sẽ yếu đi, khả năng chuyển sang AIDS rất nhanh.

Còn bác sĩ Nguyễn Ban Mai, Phó Trưởng phòng Điều trị theo yêu cầu Bệnh viện Từ Dũ, chia sẻ: “Một người mẹ bệnh tật khó có thể bảo đảm đứa con được chăm sóc chu đáo và phát triển khỏe mạnh. Chúng tôi không muốn căn bệnh thế kỷ cướp đi quyền làm mẹ ở người phụ nữ nhưng cần cân nhắc thật thận trọng trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Chỉ khi nào người mẹ thật sự khỏe mạnh, kinh tế gia đình ổn định, tâm lý vững vàng, đứa trẻ sinh ra được bảo đảm nuôi dưỡng đầy đủ thì hẵng nghĩ đến chuyện sinh con”.

(Nguồn: tuvansuckhoe24h.com)
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.