Báo động bệnh cơ xương khớp


blue

Active Member
796
39
28
Xu
0
Với hơn 30% người trên tuổi 35 tuổi, 60% người trên 65% tuổi mắc chứng bệnh cơ xương khớp, Việt Nam đang được xếp vào một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh này cao của khu vực và thế giới. Ngoài xu hướng gia tăng, bệnh xơ xương khớp cũng đang trẻ hóa.


Thường sau những tai nạn bị gãy tay, gãy chân, tình trạng suy thoái sụn khớp diễn tiến nhanh hơn.

Chưa già đã... phế

Ngồi bó gối ngay góc giường của khoa Cơ - Xương - Khớp Bệnh viện (BV) Nhân Dân 115 TPHCM, bệnh nhân Trần Anh X. (45 tuổi, ngụ Bình Dương) rầu rĩ: “Vô đây 5 hôm rồi mà chưa thấy đỡ. Bác sĩ nói chỉ điều trị nội khoa chứ chưa cần can thiệp ngoại khoa nhưng đau nhức, khó đi quá”. Có dấu hiệu khởi bệnh từ 2 năm qua khi trái gió, trở trời hay làm việc nặng là xương khớp ở trục cổ tay, cổ chân đau nhức nhưng anh X. chủ quan cho là làm việc quá sức. Đến khi đi lại khó khăn, đau nhiều mới đi khám thì được chẩn đoán có dấu hiệu thoái hóa khớp…

Theo Th.S-BS Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng khoa Cơ - Xương - Khớp BV Nhân Dân 115, mỗi ngày khoảng 200 bệnh nhân tới khám, tái khám các bệnh xương khớp thì có trên 50% bị thoái hóa khớp. Trong đó, khoảng 2/3 bệnh nhân được chẩn đoán thoái hóa khớp phải nhập viện điều trị. Theo BS Lan, bệnh thoái hóa khớp đang có tần suất mắc rất cao trong cộng đồng.

Còn tại BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, trung bình mỗi ngày phòng khám khớp tiếp 250 bệnh nhân. Một bác sĩ tại phòng khám cho biết, phần lớn bệnh nhân đến khám đã ngoài tuổi 50 nhưng gần đây đã có sự trẻ hóa với những bệnh nhân có khi chỉ ngoài 30 tuổi. “Thoái hóa khớp có tuổi mắc sớm hơn tuổi loãng xương và cũng là bệnh hàng đầu làm giảm, mất khả năng vận động”, vị bác sĩ này cho biết.

Thống kê những năm gần đây của BV Chợ Rẫy TPHCM cũng cho thấy lượng bệnh nhân mắc cơ xương khớp đang tăng dần qua từng năm. Năm 2011 có đến 64.000 lượt bệnh nhân đến Phòng khám khớp của BV để được chăm sóc, qua năm 2012 ước tăng trên 70.000 bệnh nhân.

Trong khi đó, tại một số BV khác như khoa Cơ xương khớp của BV Nhân Dân Gia Định, BV Nguyễn Tri Phương, BV Thống Nhất… mỗi ngày cũng tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân mắc các bệnh xương khớp đến thăm khám. Theo PGS-BS Lê Anh Thư, Trưởng khoa nội Cơ - Xương - Khớp BV Chợ Rẫy, thống kê chưa đầy đủ cho thấy hiện nước ta có tới 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên tuổi 65 và 85% người trên tuổi 80 bị thoái hóa khớp. “Đây thực sự là những con số đáng báo động vì dân số nước ta đang bước vào thời kỳ dân số vàng và bắt đầu già hóa. Các bệnh xương khớp nói chung và thoái hóa khớp nói riêng sẽ là gánh nặng cho kinh tế gia đình, xã hội và gánh nặng cho bảo hiểm y tế khi cần thời gian điều trị dài”, PGS Anh Thư nhìn nhận.

Phòng trị bệnh

Theo các chuyên gia y tế, ngoài những chấn thương, tai nạn hay những “di chứng” đặc thù của nghề nghiệp, thoái hóa sụn khớp thường có diễn tiến âm thầm theo thời gian ở lứa tuổi sau 40 mà không có dấu hiệu báo trước. Thực trạng bệnh là vậy nhưng việc điều trị hiện nay tại các cơ sở cũng gặp nhiều thách thức bởi mạng lưới chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh chưa phổ biến và có độ phủ rộng khắp.

Theo Bộ Y tế, lực lượng chuyên môn ở các tuyến cuối tuy có tay nghề cao nhưng số lượng lại hạn chế, do ít cán bộ y tế được đào tạo đúng chuyên khoa. Theo Th.S-BS Tăng Hà Nam Anh, chuyên khoa xương khớp - chấn thương chỉnh hình BV Nguyễn Tri Phương TPHCM, thoái hóa khớp là một quá trình bệnh lý diễn tiến theo thời gian cùng với sự lão hóa - điều không ai có thể tránh khỏi. “Bệnh không chỉ gây đau đớn, biến dạng chi khiến sinh hoạt, đi lại khó khăn mà còn có thể gây tàn phế, làm giảm chất lượng sống của bản thân bệnh nhân và cả gia đình”, BS Nam Anh cho biết.

Còn PGS-BS Lê Anh Thư cho rằng, các bệnh viêm khớp là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế, tiếp theo là các vấn đề về lưng và cột sống. Theo bác sĩ Thư, ước tính đến năm 2020, 90% các trường hợp thay khớp gối và khớp háng là do thoái hóa khớp gây nên... Các chuyên gia xương khớp nhìn nhận mục tiêu của việc điều trị bệnh thoái hóa xương khớp là làm sao cho bệnh nhân không đau khi sinh hoạt hàng ngày. Và lý tưởng nhất là làm thế nào để khớp được phục hồi, đặc biệt lớp mô sụn - thành phần quan trọng của khớp. Bên cạnh điều trị y học, người bệnh thoái hóa khớp cần kiểm soát cân nặng, thay đổi thói quen sinh hoạt: hạn chế leo cầu thang hay khiêng vác nặng, tránh ngồi xổm hay ngồi xếp bằng, tránh vận động quá mức mà không cho khớp nghỉ ngơi. Khi tuổi đã lớn, khớp đã đau, cần tránh các môn thể thao quá mạnh…

Dân số Việt Nam đã tròm trèm 90 triệu người và tuổi thọ trung bình đã đạt tới 72,5 tuổi. Theo những số liệu gần đây, số người đang bước vào tuổi già ở Việt Nam đã lên hơn 6 triệu người và tỷ lệ này sẽ tăng lên khoảng trên 10 triệu vào 2020. Do vậy, chăm sóc sức khỏe xương khớp cho người có tuổi đang là vấn đề rất thách thức.


Tường Lâm
Theo SGGP
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl