Triệu chứng đặc trưng của chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản


bacsionline

Member
415
7
18
Xu
0
Những triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản dễ làm cho nhiều người lầm tưởng với căn bệnh đau dạ dày, một căn bệnh của thời hiện đại do áp lực công việc cộng với việc ăn uống thất thường… Nhưng thực tế, rất có thể bạn đang bị trào ngược dạ dày thực quản hoặc đang bị nhiễm vi khuẩn HP - một trong những biến chứng nguy hiểm có thể gây ung thư.


Trào ngược dạ dày thực quản


Giữa dạ dày và thực quản có một “van” gọi là cơ vòng thực quản (hay cơ thắt thực quản dưới) có tác dụng co bóp giúp đẩy dịch vị từ dạ dày xuống tá tràng và ruột non, đồng thời như một miệng túi giữ chặt không cho dịch vị trào lên thực quản. Vì một lý do nào đó mà cơ vòng này “khóa” không chặt, làm dịch vị từ dạ dày bị trào ngược lên thực quản gây ra hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản (TNDDTQ).




ThS-BS Dương Phước Hưng, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, các triệu chứng đặc trưng của bệnh TNDDTQ là ợ nóng, nóng rát vùng sau xương ức cùng các triệu chứng khác như ợ chua, ợ hơi nhiều, nấc cục, buồn ói… Đôi khi còn có nhiều triệu chứng như ho khan kéo dài, khàn giọng, vướng cổ, khó nuốt, hen suyễn… khiến rất dễ lầm với các bệnh khác ở vùng họng hay bệnh hô hấp, bệnh tim (do cơn đau ngực), do đó, khi thăm khám, bác sĩ chuyên khoa phải loại trừ các bệnh tim hay bệnh phổi rồi mới nghĩ đến bệnh TNDDTQ. BS Hưng cũng cho biết, các triệu chứng của bệnh dạ dày, hội chứng ruột kích thích, TNDDTQ đều có biểu hiện trùng lắp nên rất khó phân biệt.


TNDDTQ không được điều trị dứt điểm có thể đưa đến viêm thực quản, trầy xước thực quản hay xuất huyết. Tuy chưa có bằng chứng TNDDTQ trực tiếp gây ung thư, nhưng nếu bị tái đi tái lại nhiều lần dễ dẫn đến bệnh Barrett thực quản thì có khả năng gây ung thư thực quản. Hiện nay, hầu hết bệnh TNDDTQ đều được điều trị khỏi bằng nội khoa với các thuốc ức chế bơm proton. Chỉ định điều trị ngoại khoa rất giới hạn, bác sĩ chỉ tiến hành phẫu thuật khi thất bại về nội khoa, và phương pháp điều trị ngoại khoa hiện nay là tạo van ở đáy vị theo phương pháp Toupet hay Nissen.


Theo BS Nguyễn Minh Ngọc, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng II, ở trẻ em, tỷ lệ bị TNDDTQ đến khám khá đông, tuy nhiên, ở trẻ nhũ nhi là TNDDTQ sinh lý (với hiện tượng trớ nhẹ thường xảy ra sau ăn, sau bú), khi cơ vòng thực quản vững chắc hơn thì các triệu chứng TNDDTQ sẽ tự bớt và hết đi sau 12 tháng. Đối với trẻ lớn, các triệu chứng TNDDTQ cũng thường có biểu hiện tương tự người lớn. Tuy nhiên, cách thể hiện và khả năng khai bệnh của trẻ em khác người lớn, nên phụ huynh cần theo dõi các triệu chứng của con em mình mà “khai báo” với bác sĩ để được định bệnh chuẩn xác hơn. Khi TNDDTQ đã bị biến chứng, các bé cũng thường có các triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp như bị viêm phổi (khò khè, ho khan về đêm), viêm phổi dạng suyễn (có những cơn tím tái, ngưng thở), viêm mũi họng, viêm tai, viêm thanh quản (khàn tiếng), viêm thực quản (ói ra máu)… Nếu thấy các triệu chứng trên tái đi tái lại nhiều lần, cộng với bé bị biếng ăn, chậm lớn… cha mẹ nên cho bé khám ở cả chuyên khoa tiêu hóa. Theo BS Ngọc, có đến 90% trẻ em đến khám và phát hiện bị TNDDTQ từ các triệu chứng của bệnh tiêu hóa, các triệu chứng của đường hô hấp hay viêm thực quản nặng (ói ra máu) có tỷ lệ thấp hơn. Ở trẻ em, TNDDTQ thường lành tính, nếu được chữa trị sớm thì không bị những biến chứng nặng nề như người lớn. Tuy nhiên, những trẻ lúc nhỏ bị bệnh lý TNDDTQ thì lớn lên dễ có khả năng tái lại hơn.


Hiện nay, theo BS Hưng, khoa học chưa tìm được nguyên nhân cụ thể gây ra TNDDTQ, nên cách phòng ngừa chỉ là khuyên bệnh nhân nên ăn uống điều độ, tránh những thực phẩm có nhiều chất chua và cay, tránh dùng các thức uống có cồn… Ngoài ra, bệnh nhân bị TNDDTQ cần thay đổi lối sống bằng cách: chia nhỏ các bữa ăn, tránh ăn quá no, tránh nằm ngửa, mặc đồ quá chật sau khi ăn, giảm lượng mỡ, gia vị trong thức ăn, hạn chế thuốc lá, rượu, nước uống có gas, cà phê đậm, trái cây chua, kê gối cao khi ngủ, không tham gia hoạt động thể lực có động tác cúi gập người ra phía trước hoặc chạy bộ.


Vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày


Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) là dạng xoắn khuẩn gram âm, có ba-năm chiên mao, sống trong lớp nhầy phủ trên niêm mạc dạ dày. Thông thường, dạ dày tiết ra acid để tiêu hóa thức ăn, nhưng đồng thời nó cũng có một lớp nhầy để bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nhưng vì một lý do nào đó, acid dịch vị tăng lên nhiều (thường ảnh hưởng bởi yếu tố thần kinh) hoặc lớp nhầy này bị tiết ra ít đi (không đủ bảo vệ niêm mạc) thì “ngoại bang” rất dễ tấn công. Lúc HP “tiến vào” dạ dày, nếu hàng rào chống đỡ thành dạ dày yếu thì nó sẽ chui vào dưới lớp nhầy, “đánh chiếm” và xâm nhập dễ dàng vào lớp niêm mạc dạ dày, sau đó phá hủy (bằng việc tiết ra các men và độc tố tế bào) làm tổn thương lớp niêm mạc dạ dày, gây viêm loét.


BS Nguyễn Minh Ngọc cho biết, nhiễm HP không có triệu chứng đặc hiệu, chỉ có các triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày, tuy nhiên vẫn còn các nguyên nhân khác gây loét dạ dày tá tràng như nguyên nhân thể dịch và thần kinh, nhất là bị stress, mất ngủ kéo dài. Nhưng không phải cứ vi khuẩn HP nào có “visa” vào miệng rồi “vi vu” đến dạ dày đều “quậy phá” gây ra kết quả viêm, loét, mà chúng còn phải đủ “quân số” và phụ thuộc vào các yếu tố khác nữa, nên có khi nó chỉ “thăm viếng” dạ dày rồi lại đi ra ngoài theo phân. Trường hợp những người lớn bị viêm loét tái đi tái lại nhiều lần không điều trị khỏi, cộng với cơ địa riêng thì mới gây biến chứng nặng có thể dẫn tới ung thư.


Đối với trẻ em, triệu chứng phổ biến nhất khi bị viêm dạ dày do nhiễm HP là đau bụng vùng thượng vị hoặc quanh rốn (nhiều lần trong tuần), đau ban đêm, đau có liên quan đến bữa ăn (lúc đói quá hoặc no quá), có khi nôn ói, nặng hơn thì có thể ói ra máu, tiêu ra phân đen như bả cà phê (do xuất huyết trong dạ dày), thiếu máu... Bệnh hay gặp ở trẻ lớn 9-10 tuổi trở lên, nhưng trẻ ba-bốn tuổi đôi khi vẫn bị nhiễm HP và gây ra viêm loét với biến chứng nặng như ói ra máu.


Có rất nhiều phác đồ điều trị diệt HP (điều trị ít nhất khoảng từ bốn-tám tuần, trong đó hai tuần đầu là “tấn công”, sau đó là duy trì) vì khả năng kháng thuốc của HP do việc tái nhiễm. HP lây nhiễm qua đường ăn uống, đường trực tiếp (miệng-miệng) và nghề nghiệp (như các bác sĩ nội soi tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh). Do đó, cách phòng chống tốt nhất là ăn uống hợp vệ sinh, rửa tay sạch sẽ sau khi đi cầu và trước khi ăn, không mớm thức ăn trực tiếp từ miệng qua miệng như các bà mẹ đút cơm cho con, tránh dùng đũa gắp thức ăn chung...


(Theo PNCT)
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl