Đồ chơi và các trò chơi cho trẻ nhỏ


bacsionline

Member
415
7
18
Xu
0
Tuổi thơ của con trẻ gắn liền với trò chơi, thiếu đi việc vui chơi thì tuổi thơ sẽ khuyết tật. Hãy để tuổi thơ của con được lớn lên cùng với đồ chơi và các trò chơi.


Với trẻ nhỏ, chơi là học


Chưa vào lớp 1 đã miệt mài học chữ, cặp sách nặng lệch cả người… là hiện tượng đang trở nên phổ biến ở Việt Nam. Nhiều người đi tìm trường mầm non cho con, thấy trường nào dạy trẻ chơi nhiều thì phàn nàn: “Trường đó có dạy gì đâu, toàn cho chơi thôi”. Và thế là cả con lẫn cha mẹ lại hì hục chuyển đến trường nào mà cô và trò học cật lực nhất.




Đó là minh chứng cho thấy cha mẹ ngày càng đề cao giáo dục. Nhưng mong muốn của cha mẹ đang đi ngược với ham muốn của con trẻ, giống như chuyên gia tâm lý Lê Khanh, tu nghiệp Cộng hòa Pháp, Phụ trách Phòng khám Tâm lý Trẻ em & Gia đình (174 Lê Quang Định, TP. HCM) nhận định: “Đối với phần lớn cha mẹ thì nhiệm vụ chủ yếu của trẻ là học, nhưng hoạt động mà trẻ quan tâm đến nhất lại là chơi. Bạn đừng quá lo lắng, vì trẻ chơi mà học. Khi trẻ vận dụng những giác quan hay từ từ phát triển những kỹ năng vận động thông qua các trò chơi là chúng đang học hỏi.


Tuổi thơ của con trẻ gắn liền với trò chơi, thiếu đi việc vui chơi thì tuổi thơ sẽ khuyết tật. Nếu bạn đến các khu trung tâm điều trị tự kỷ, bạn sẽ thấy thật may mắn cho con mình biết chơi và ham chơi. Ở đó, các bác sĩ ngày đêm kiên nhẫn chỉ để dạy trẻ biết chơi… Khi trẻ vồ lấy trò chơi và mong muốn được chơi với người khác là một dấu hiệu đáng mừng. Hãy để tuổi thơ của con được lớn lên cùng với đồ chơi và các trò chơi. Mối quan tâm của các bạn là chọn đồ chơi, học cách tổ chức vui chơi cho bé.


IQ có hơn thể chất


Khi đã xác định được tầm quan trọng của việc vui chơi với con trẻ thì nhiều phụ huynh Việt Nam lại đang vấp phải tham vọng lệch lạc là: chỉ chú tâm tới chọn đồ chơi, trò chơi để phát triển IQ mà quên mất những hoạt động tăng cường thể chất.


Người viết đã theo dõi một cuộc giao lưu trực tuyến giữa phụ huynh và TS. Nguyễn Công Khanh (Chuyên gia Tâm lý, Trường mầm non Hoàng Gia, Hà Nội) về việc vui chơi cho trẻ và nhận thấy: Khoảng 90% yêu cầu tư vấn chọn đồ chơi để con “thông minh” hoặc giúp con tập trung, khắc phục tự kỷ. Chỉ có rất ít người đề cập đến việc chọn trò chơi, đồ chơi để con phát triển thể chất.


Dường như IQ là một điều kiện sinh lời bắt buộc để cha mẹ rút ngắn thời gian học và đầu tư cho con chơi. Những trò chơi lấm lem, tốn sức bỗng dưng mặc định thành trò chơi của đám trẻ con nhà quê. Những chiếc xe đẩy, xe trượt… chỉ loáng thoáng ở khu chung cư thành phố vì dễ khiến cha mẹ lo ngại con xảy ra tai nạn (té ngã, xây xát…). Tủ đồ chơi của trẻ con Việt Nam thường chứa những đồ chơi đẹp đẹp, xinh xinh và ngồn ngộn kiến thức (như gấu, hoa quả giả có dán chữ, bảng xếp thông minh…). Không phủ nhận vai trò của những trò chơi IQ nhưng cũng khẳng định những hoạt động thể chất không chỉ khiến con bạn khỏe mạnh mà cũng chính là tiền để để tăng trí thông minh. Trò chơi có yếu tố hoạt động như chạy, nhảy, lăn lộn, ném, đuổi bắt sẽ giúp cơ thể đốt cháy năng lượng khiến trẻ nhanh đói nên tiêu hóa tốt, ăn, ngủ ngon, cơ bắp phát triển. Ngoài ra, khi vận động thể chất, máu được tăng cường lên não, kích thích sự vận động của não nên tăng cường trí tuệ.


Mặt khác, theo bà Hoàng Mỹ Anh, Giám đốc trung tâm FasTracKids – Bé Thông Minh, 18 Yết Kiêu, Hà Nội thì: Quan niệm về trí thông minh của nhiều người Việt thường quanh quẩn trong phạm vi giỏi toán, thạo ngôn ngữ, logic tốt; Trong khi thế giới quan niệm con người có 8 trí thông minh, trong đó, giỏi tương tác xã hội, giỏi vận động thể chất, yêu thích cây cỏ… cũng là thông minh. Như vậy, những đồ chơi đèm đẹp, phát triển IQ chỉ phát triển được một phần tám trí thông minh mà con bạn có thể có. Chơi ngoài trời và các đồ chơi thể chất sẽ giúp con bạn thông minh về không gian, về tự nhiên…




Chỉ đồ chơi thôi chưa đủ


Khi xem phim hay các clip quảng cáo Âu - Mỹ, nếu có cảnh vui chơi, chúng ta thường thấy cha mẹ cùng lấm lem với con. Còn ở Việt Nam, hình ảnh bạn thường xuyên gặp là cha mẹ ngồi ngoài quan sát con chơi hoặc con ngồi với đống đồ chơi và cha mẹ say mê làm việc.


Thực tế, nhiều người đưa đồ chơi cho con chỉ vì muốn con im lặng. Một phần vì mệt mỏi, lo cơm áo gạo tiền nên cha mẹ dù muốn cũng không đủ sức và thời gian chơi với con. Nhưng cũng không ít người nghĩ chơi là việc của trẻ con, chúng tự chơi là được rồi. Để con chơi với đám bạn khác thì cha mẹ lại lo chúng đánh lộn, tranh giành đồ chơi thêm phiền hà.


Thực chất việc cha mẹ chơi với con chính là một sự đầu tư cho tương lai, giống như ngày ngày bạn đầu tư tiền mua sữa, quần áo, tìm trường cho con. Và tạo cơ hội cho con chơi cùng bạn bè là tăng cơ hội cho con phát triển. Đánh giá về việc này, chuyên gia Lê Khanh khẳng định: Khi có cha mẹ cùng chơi, sự giao tiếp, lời hướng dẫn của bạn sẽ giúp con phát triển về ngôn ngữ. Việc trẻ chỉ tương tác độc lập với đồ chơi dễ dẫn tới chán nản hoặc tự kỷ, chậm nói. Còn TS. Tâm lý Dorothy G. Singer, Trung tâm nghiên cứu Trẻ em, ĐH. Yale (Mỹ) thì nhấn mạnh : “Việc trẻ tương tác với người lớn thông qua các trò chơi, cũng như việc chơi với các bạn cùng trang lứa là rất quan trọng trong việc phát triển các kỹ năng xã hội, chúng sẽ thích giao tiếp và học được cách chia sẻ”.


Nhà chật không phải lý do


Đất chật người đông, sân vui chơi bị thu hẹp nên trẻ em Việt Nam đang phải chơi trong những khoảng không gian chật chội trong nhà. Và hệ lụy là trẻ ứng phó rất nhanh với trò chơi trong nhà nhưng nếu mang các trò đó ra ngoài trời thì có thể bọn trẻ lại ngơ ngác. Nhiều trẻ có thể đi được xe trong sân nhà nhưng không dám đi ra ngoài công viên, ném bóng trúng đích trong phòng khách nhưng không ném được ngoài trời (dù khoảng cách bằng nhau).


Nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia ĐH.Cambridge (Anh) còn cho thấy ít chơi ngoài trời làm tăng nguy cơ cận thị. Chỉ cần tăng thêm 1 giờ chơi ngoài trời mỗi tuần sẽ giảm 2% nguy cơ cận thị ở trẻ em. Lý do là vì chơi ngoài trời, trẻ được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên và có tầm nhìn xa hơn. Ở môi trường ngoài trời, trẻ có cơ hội tập phản xạ nhanh và đa dạng hơn. Ví như cùng ném bóng, trẻ ném trong nhà thì chỉ thấy được bóng đập vào tường và bắn ngược lại hoặc rơi xuống sàn rồi nhảy ngược lên; Nhưng khi ném ở công viên, trẻ sẽ thấy thêm thường hợp bóng chạy xa hơn mà không bắn ngược trở lại, hoặc bóng bị lấp vào cỏ, rơi xuống hố. Hay khi đi xe đạp trong sân nhà, bé chỉ gặp đường bằng phẳng nhưng khi đi xe ở công viên, bé được tập luyện xử lý với đường gồ ghề, có vật chắn…


Bên cạnh hạn chế về không gian vui chơi, thì tâm lý ngại đưa con đi dã ngoại, sợ con ra ngoài chơi thì dễ bẩn, dễ nhiễm khuẩn của cha mẹ cũng tước đi cơ hội vui chơi của con trẻ. Nhưng giữa một đứa trẻ xinh xắn, sạch sẽ mà ít biểu cảm với một đứa trẻ lấm lem nhưng hiếu động, nhanh nhẹn, bạn thấy đứa bé nào thú vị hơn? Chắc hẳn nhiều người chọn đứa bé thứ hai. Muốn vậy, hãy thay đổi tư duy của chính bạn trong cách dạy trẻ chơi, ngay từ bây giờ.


Theo Sức khỏe Gia đình
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.