Khi nào nên mổ cận thị?


Bác sĩ Phượng

Well-Known Member
1,996
73
48
Xu
0
Những kỹ thuật mới trong y học ngày nay, hầu hết những trường hợp bị cận thị đều có thể được… giải phóng khỏi cặp mắt kính.


Những điều kiện để mổ cận thị


BS Phạm Nguyên Huân, BV Mắt TP.HCM cho biết: Phương pháp phẫu thuật phổ biến và hiệu quả để điều chỉnh các tật khúc xạ của mắt trong khoảng hơn 20 năm nay là dùng laser excimer, với những kỹ thuật thực hiện khác nhau như: lasik và laser excimer bề mặt.


Tuy tỷ lệ cận thị ở học sinh khá cao nhưng vì ở độ tuổi này, độ khúc xạ còn biến động nhiều nên chỉ có thể đeo kính chứ không thể can thiệp bằng phẫu thuật. Chỉ những người trên 18 tuổi, độ cận đã ổn định (trong vòng sáu tháng độ cận không thay đổi quá 0.25-0.5 đi-ốp) và giác mạc đủ dày, đồng thời không kèm theo các bệnh lý chống chỉ định khác (ví dụ như tiểu đường, bà mẹ đang mang thai, cho con bú…) thì mới đủ điều kiện để mổ cận.


Trước đây, nhiều người cho rằng, độ cận phải cao trên 4 đi-ốp mới nên can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu độ cận chỉ mới 0.5 đi-ốp mà hội đủ những yếu tố trên, đồng thời người bệnh có nhu cầu phẫu thuật (để đáp ứng điều kiện làm việc trong một số ngành đặc thù như phi công, công an, quân đội…) thì vẫn có thể mổ mắt để điều chỉnh độ khúc xạ.


Tỷ lệ thành công sau mổ đạt đến hơn 95%. Trong gần 5% còn lại, đa phần là tình trạng tái độ sau mổ.


Sau phẫu thuật, trong tuần đầu tiên, người bệnh cần nhỏ thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, đeo kính bảo hộ 24/24, tuyệt đối không để bị chấn thương. Sau đó nên thường xuyên nhỏ nước mắt nhân tạo để tránh khô mắt.


Khoảng 1-5% bệnh nhân có thể bị tái độ nghĩa là có độ khúc xạ trở lại với mức độ nhẹ hơn sau mổ. Khi đó, tùy theo độ dày của phần giác mạc còn lại để tiến hành chiếu laser bổ sung. Người bệnh sẽ được bệnh viện miễn phí chiếu laser bổ sung (nhưng phải thanh toán các chi phí khác như thuốc, thiết bị y tế…).




PGS-TS Trần Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM đang phẫu thuật với loại máy có tần số phát xung nhanh nhất Việt Nam hiện nay


Thêm lựa chọn cho người bị cận nặng


Nếu bị cận thị quá nặng, trên 15-16 đi-ốp thì lại không nên mổ lasik, vì đa số các trường hợp sau khi mổ khả năng tái độ rất cao trong thời gian ngắn (khoảng sáu tháng). Khi đã bị tái độ cũng không thể mổ thêm được nữa do lớp nhu mô đã bị mỏng. Khi đó, người bệnh có thể chọn một giải pháp khác hiệu quả hơn là phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo.


Tùy vào thiết kế của loại kính nội nhãn thay thế sẽ mang lại hiệu quả khác nhau sau phẫu thuật. Nếu là kính nội nhãn đơn tiêu thì người bệnh có thể nhìn xa tốt, nhưng khi nhìn gần (như đọc sách) cần đeo kính lão. Loại kính đa tiêu sẽ giải quyết được khuyết điểm của kính đơn tiêu, nhờ vậy người bệnh có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày như đọc sách báo, xem ti vi, nhìn máy tính, nhìn xa, nhìn gần mà không cần đeo thêm kính hỗ trợ.


Có một số ý kiến cho rằng, độ cận loạn sẽ giảm xuống và có thể được trung hòa khi mắt chuyển sang lão thị nhưng theo các bác sĩ, điều đó không chính xác, độ cận loạn vẫn giữ nguyên, đồng thời mắt lại có thêm độ lão khi lớn tuổi. Khi đó, người vừa bị cận loạn vừa bị lão sẽ cần trang bị cả kính cận để nhìn xa và kính viễn để nhìn gần.


BS Phạm Nguyên Huân lưu ý: Tuy tỷ lệ thành công là gần như tuyệt đối, song về mặt tâm lý, bệnh nhân không nên đặt kỳ vọng tuyệt đối vào việc mổ. Để ca mổ đạt được thành công, hiệu quả cao, bệnh nhân nên hợp tác với bác sĩ cả trong quá trình phẫu thuật và sau phẫu thuật. Tránh đảo mắt, cử động trong khi mổ, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ trong việc vệ sinh, nhỏ thuốc sau phẫu thuật.

AloBacsi.
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl