Báo động tai nạn nguy hiểm ở trẻ em


Bác sĩ Phượng

Well-Known Member
1,996
73
48
Xu
0
Bị điện giật, bỏng lửa, uống nhầm hóa chất, quạt chém bay xương sọ… là hàng loạt tai nạn nguy hiểm khiến nhiều trẻ phải nhập viện cấp cứu.


Các kết quả điều tra bệnh sử ghi nhận, sự sơ ý của người lớn là nguyên nhân dẫn đến tai nạn cho con trẻ.

Mệt lả sau khi chơi đùa cùng cậu anh trai, bé T.L.M (2 tuổi) chạy vào nhà tìm nước. Thấy chai nước suối không đậy nắp để trên bàn, cháu bê lên ngửa cổ tu một hơi dài. Ngay lập tức cháu ho sặc sụa, tím tái, bất tỉnh tại chỗ. Dùng đủ các biện pháp hô hấp, nặn chanh vào miệng nhưng bé vẫn không tỉnh lại, ngay lập tức cháu được chuyển đến BV Nhi Đồng 1, TPHCM.





Phần lớn tai nạn ở trẻ xảy ra do sự lơ là của người lớn

Tại đây, qua khai thác bệnh sử từ người nhà, bác sĩ ghi nhận dung dịch bé uống phải trong vỏ chai nước suối chính là chất cồn lỏng đang được người nhà sử dụng để đấm bóp, giác hơi. Trong lúc sơ ý người thân của bé đã để chai cồn trên bàn khiến bé uống phải. Sau hai tuần cấp cứu hồi sức tích cực, tình trạng của bé mới dần cải thiện nhưng cháu khó tránh khỏi các di chứng suy hô hấp, viêm phổi hít, hẹp thực quản ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe sau này.


Trung tuần tháng 3, BV Nhi Đồng 2 tiếp nhận điều trị cho trường hợp của bé V.T.T.L. (3 tuổi ngụ tại Bình Thuận). Cháu nhập viện trong tình trạng hôn mê, mất nhiều máu não bị tổn thương. Theo thông tin từ gia đình cho biết, trước đó cha mẹ đưa bé đến nơi làm việc tại cơ sở làm gạch xây dựng. Trong lúc cha mẹ không để mắt, bé đi ra gần khu lò đốt và vấp phải dây điện khiến cây quạt công nghiệp đổ đè lên người, cánh quạt đã chém bay hai mảnh xương sọ ở vùng thái dương khiến não của bé bị tổn thương nặng.





Cháu bé bị chém bay xương sọ điều trị tại Nhi Đồng 2

Một tai nạn thương tâm khác đã xảy đến với bé N.T.L. (2 tuổi, ngụ tại Đắk Nông). Buổi chiều trước khi xảy ra tai nạn mẹ cháu dắt con đi đốt rác trong vườn, châm lửa xong người mẹ vào nhà lấy đồ để con cạnh đống lửa. Khi chị quay ra thì đã thấy đứa con gái nằm giãy giụa cạnh đống lửa trong tình trạng quần áo đã bị cháy nát. Cháu nhập viện trong tình trạng bị bỏng 50% toàn thân với nguy cơ gặp phải nhiều di chứng về sau.


Mới đây, tại huyện Hóc Môn, TPHCM em P.V.L. (13 tuổi) đã bị điện giật chết vì leo lên cột điện cứu con diều bị vướng dây. Trở lại hiện trường vụ tai nạn thương tâm của đứa con, ông P.V.N. cha cậu bé đau đớn: "Buổi chiều nó đã bị người dân cản không cho trèo lên cột điện, khi ở nhà tôi nghe thằng bé nói với mẹ nó "tối con sẽ đi cắt diều" nhưng bận bịu với công việc nên tôi không có thời gian khuyên can thằng bé. Ai ngờ tôi đến khi mọi người đã chìm trong giấc ngủ nó cầm dao đi cắt diều nên mới bị điện giật chết".





Hiện trường cậu bé cứu diều bị điện giật chết

BS Lê Văn Tùng, Trưởng khoa Bỏng, Tạo hình, BV Nhi Đồng 2 cho biết: "Trẻ em thường có tâm lý tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh nhưng các bé chưa thể ý thức được các tình huống nguy hiểm có thể xảy đến với bản thân. Khi trẻ bị tai nạn nhiều người vẫn có tâm lý cho rằng đó là rủi ro nhưng ít ai nghĩ tới tình huống tai nạn ở trẻ là do sự lơ là của chính mình".


BS Tùng cảnh báo, nguy cơ trẻ gặp nạn luôn tiềm ẩn mọi lúc, mọi nơi nhưng thời gian nghỉ hè là lúc tai nạn ở trẻ thường tăng đột biến. Để phòng tránh tai nạn ở trẻ, người lớn phải luôn để mắt đến con trẻ. Khi trẻ đến tuổi nhận biết cần giáo dục cho các bé những kiến thức tự phòng tránh khỏi những tình huống có thể dẫn tới tai nạn.

Phụ huynh cần chủ động trang bị những kiến thức về sơ cấp cứu khi gặp tình huống tai nạn vì trên thực tế nhiều trẻ trước khi chuyển đến bệnh viện đã bị sơ cứu sai phương pháp như: Dùng nước mắm, kem đánh răng bôi lên vết bỏng; bị chấn thương cột sống nhưng không được cố định dẫn đến tổn thương tủy sống… khiến việc cứu chữa cho các bé gặp nhiều khó khăn.

AloBacsi.
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl