Các yếu tố dị ứng gây khởi phát Hen


Songmaivoianh

Active Member
744
51
28
Xu
0
Hen là vấn đề y tế toàn cầu nghiêm trọng do tỷ lệ lưu hành hen đang gia tăng ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt hen ở trẻ em







A.
Đại cương về hen



- Hen là vấn đề y tế toàn cầu nghiêm trọng do tỷ lệ lưu hành hen đang gia tăng ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt hen ở trẻ em.
- Hen ở trẻ nhỏ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm qua, chiếm khoảng 60% số lần tư vấn hen ở trẻ em.
- Tỷ lệ lưu hành, tỷ lệ khám do hen, tỷ lệ tử vong và gánh nặng kinh tế do hen đã tăng rất rõ rệt trong vòng 40 năm qua, đặc biệt hen ở trẻ em.
- Các yếu tố gây khởi phát cơn hen đóng vai trò quan trọng sinh hen vì vậy việc xác định để phòng tránh các yếu tố đó là rất cần thiết.

B.
Các yếu tố gây dị ứng ảnh hưởng đến phát triển và biểu hiện hen

- Chúng ta đã biết có nhiều yếu tố để bệnh nhân có bệnh hen: di truyền, tình trạng béo phì, giới tính (trẻ trước 14 tuổi, tỷ lệ hen toàn bộ ở trẻ trai lớn gần gấp đôi trẻ gái), yếu tố môi trường trong nhà, bên ngoài, nhiễm trùng, thuốc men và nội tiết…

1.
Dị nguyên

a. Dị nguyên trong nhà:

· Mạt nhà: loại côn trùng nhỏ ăn các da chết mà chúng ta không thấy được bằng mắt thường. Chúng hiện diện ở nệm, chăn, gối, thú nhồi bông, thảm, màn cửa sổ… môi trường càng ẩm ướt càng có nhiều mạt nhà.
· Biện pháp giảm mạt nhà, chúng ta thường xuyên giặt chăn gối, màn cửa, thú nhồi bông bằng nước ấm, nóng, lau chùi cửa sổ, hạn chế chơi các loại thú nhồi bông, sử dụng máy hút bụi.

· Các loại côn trùng, gián, loại gặm nhấm: Dị nguyên từ chúng là các sợi lông, mảnh da, nước tiểu, nước bọt.
· Tránh dị nguyên này chúng ta dùng thuốc xịt diệt gián, lau sạch nơi có gián, côn trùng bò, bay đến, đựng thức ăn trong hộp có nắp đậy, bỏ rác vào thùng có đậy nắp, đặt thức ăn trong tủ bếp, tủ lạnh.

· Nấm mốc: mọc những nơi ẩm ướt như ở trần nhà bị ẩm mốc, căn nhà cũ ẩm thấp, bồn tắm rò rỉ, tầng hầm…
· Để giảm sự phát triển của nấm mốc ta phải làm khô những nơi ẩm ướt, loại bỏ nguồn nước đọng, tránh dùng dụng cụ làm ẩm không khí như quạt nước, lau chùi vòi sen, bồn tắm, chậu rửa bằng chất tẩy rửa.




Dị nguyên từ vật nuôi trong nhà
: chó, mèo, chuột nhà, chuột đồng, … những mảnh da vụn, lông, nước tiểu, nước bọt, phân gây ra cơn hen suyễn cho những trẻ em hay chơi, ngủ chung với chúng.
Để tránh yếu tố dị nguyên này không cho vật nuôi vào phòng ngủ, phòng khách, hút bụi, lau chùi những khu vực có vật nuôi ở thường xuyên, nuôi chúng ở những khu vực riêng cách xa nhà ở.

Chất khí từ lò đun nấu
gây kích ứng tới đường hô hấp của bệnh nhân, khi dùng phải đặt lò ở nơi thoáng, có máy hút.

Các sản phẩm tiêu dùng
: dụng cụ chùi nhà, sơn, mỹ phẩm, nước hoa, sản phẩm có mùi có thể gây dị ứng cho bệnh nhân. Để phòng tránh chủ động nên hạn chế tiếp xúc, sử dụng ở không gian thoáng, đối với sản phẩm xịt phải báo trước với bệnh nhân.

b. Dị nguyên ngoài nhà:


· Phấn hoa là chất gây phản ứng dị ứng theo mùa, thường xuất hiện vào mùa xuân khi cây ra hoa. Các bệnh nhân có tiền sử dị ứng với phấn hoa nên tránh đi ra ngoài, không đi du lịch đến nơi có nhiều cây cối vào mùa ra hoa, cần gặp bác sĩ tư vấn, phòng ngừa cơn hen xảy ra.

· Khói thuốc lá: Là yếu tố kích thích mạnh khởi phát hen. Người ta thấy rằng những bà mẹ hút thuốc lá khi mang thai nguy cơ con sinh ra năm đầu tiên bị khò khè nhiều hơn 4 lần so bà mẹ không hút thuốc lá. Tiếp xúc với khói thuốc lá trong môi trường làm tăng nguy cơ xuất hiện các bệnh hô hấp dưới cho những trẻ em và thiếu niên.

· Ô nhiễm không khí: sự bùng phát các cơn hen xảy ra trong các đợt không khí bị ô nhiễm do các chất gây dị ứng lên nhiều trong không khí. Vì vậy tránh đi ra ngoài vào những thời điểm không khí bị ô nhiễm cao, đi ra ngoài phải mang theo thuốc xịt phòng ngừa.

c. Nhiễm trùng do siêu vi: Các loại siêu vi như siêu vi á cúm, RSV gây nhiễm trùng hô hấp vừa gây cơn hen và làm bệnh nhân hen nhạy cảm với các yếu tố gây khởi phát hen khác.

d. Các yếu tố gây dị ứng nghề nghiệp:


Hen nghề nghiệp là hen do tiếp xúc với các yếu tố trong môi trường nghề nghiệp, chủ yếu ở người lớn. Nghề nghiệp có nguy cơ mắc hen cao là nông dân, thợ sơn, lau chùi và sản xuất nhựa.
Phương pháp tốt nhất để phòng ngừa hen nghề nghiệp là tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng trong nghề nghiệp.

e. Thực phẩm và phụ gia thực phẩm:


Các loại thực phẩm có thể gây khởi phát hen: trứng, bò sữa, đậu phộng, đậu nành, cá, tôm và sò ốc.
Người ta thấy rằng trẻ em được nuôi bằng sữa bò hay sữa đậu nành bị khò khè trong các năm tháng đầu tiên nhiều hơn trẻ bú sữa mẹ.
Các chất bảo quản thực phẩm cũng có thể kích hoạt hen: sulfit, bisulfit natri, bisulfit kali, metabisulfit natri, metabisulfit kali…

f. Tập thể dục, vận động mạnh


Tập thể dục có thể làm triệu chứng hen bùng phát đặc biệt khi hen không được kiểm soát tốt. Nếu hen làm giới hạn khả năng vận động, tập thể dục bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn.
Khi tập thể dục bạn cần khởi động nhẹ nhàng trước, làm nóng cơ thể tránh tập ngoài trời lạnh. Xịt 2 nhát Ventolin 15 phút trước khi tập.

g. Một số thuốc ảnh hưởng lên hen:


Bệnh nhân hen có thể nhạy cảm với aspirin, thuốc kháng viêm giảm đau nhóm non-steroid như ibuprofen, naproxen, ketoprofen, thuốc tim mạch như chẹn bêta như propranolol, atenolol, bisoprolol….
Cần thông báo với bác sĩ khi biết mình bị phản ứng với các nhóm thuốc trên.
i. Thay đổi nội tiết ở phụ nữ có thể khởi phát hen đặc biệt ở những phụ nữ có thai, cần thiết phải gặp bác sĩ để được tư vấn.

C.
Kết luận:

Biểu hiện những cơn hen đều liên quan đến yếu tố dị nguyên trên cơ địa bị hen. Chúng ta phải nắm rõ các yếu tố dị nguyên gây ra các cơn hen, để có biện pháp hạn chế. Kết hợp với những biện pháp để hạn chế các yếu tố dị nguyên, dùng thuốc phòng ngừa và điều trị các cơn hen xảy ra, nhằm cải thiện cuộc sống bệnh nhân tốt hơn.

BS Nguyễn Dũng

Khoa Nội Hô hấp
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl