Việc tiết quá nhiều mồ hôi có thể khiến bạn khó chịu, gây trở ngại cho các hoạt động giao tiếp hằng ngày. Bạn cần nhận biết được những tác nhân gây ra tình trạng trên để chủ động xử lý.
- Do di truyền. Các chuyên gia nghiên cứu nguyên nhân của việc tiết mồ hôi quá mức tin rằng di truyền là một trong những “thủ phạm”. Nếu bố mẹ của bạn đã bị tình trạng này, bạn hẳn khó “miễn nhiễm”.
- Béo phì. Những người bị thừa cân thường có nhiệt độ cơ thể cao hơn do “tấm độn” thừa mà họ mang theo. Điều này có nghĩa là so với những người có trọng lượng khiêm tốn hơn, người béo phì có xu hướng đổ mồ hôi nhiều hơn khi thực hiện các hoạt động thể chất.
- Chất độc. Những thứ như nicotine và caffeine làm tăng tốc độ trao đổi chất, vốn có thể kích hoạt việc tiết mồ hôi quá mức.
- Stress. Một kỳ thi quan trọng, nộp báo cáo cho sếp, gặp gỡ những nhân vật đặc biệt..., những tình huống căng thẳng này có thể dẫn đến việc phóng thích adrenaline vào hệ tuần hoàn, khiến bạn tiết mồ hôi nhiều hơn.
- Kem thoa da. Nhiều loại kem thoa da có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông, hoạt động tương tự một đập nước, ngăn mồ hôi toát ra một cách tự nhiên. Việc tiết mồ hôi quá mức xảy ra khi lượng mồ hôi gia tăng đến mức đủ để băng qua “rào chắn” trên da.
- Quần áo. Nếu mặc quần áo không thoáng khí, bạn hẳn sẽ tiết mồ hôi quá mức. Để tránh tình trạng này, người hay đổ nhiều mồ hôi nên mặc quần áo làm bằng cotton.
Một số biện pháp xử lý:
- Có thể chọn giải pháp phẫu thuật cắt dây thần kinh giao cảm chi phối việc tiết mồ hôi quá mức hoặc gỡ bỏ một số tuyến mồ hôi.
- Một số loại thuốc uống giúp hạn chế việc tiết mồ hôi. Bạn cũng có thể chọn những loại thuốc xịt, thuốc xức ngoài da và chai lăn để giải quyết vấn đề.
- Khử độc khỏi cơ thể là giải pháp cực kỳ hiệu quả để ngăn chặn việc tiết mồ hôi quá mức. Cách tốt nhất là ngừng hấp thụ những thứ chứa chất có hại như rượu, thuốc lá..., hạn chế dùng những loại thực phẩm chứa nhiều chất béo, uống nhiều nước, và tập thể dục mỗi ngày.
Bạn cần đi gặp bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng sau: đổ nhiều mồ hôi bất thình lình; đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm, đến mức ướt gối và tấm trải giường; đổ mồ hôi toàn thân chứ không chỉ ở đầu, mặt, dưới cánh tay, bẹn, tay và chân; đổ mồ hôi quá mức ở một phía của cơ thể; đổ mồ hôi nhiều khi bắt đầu thay đổi chế độ uống thuốc mới; đổ mồ hôi từ tuổi trung niên trở đi; đổ mồ hôi đi kèm với sự mệt mỏi, mất ngủ, khát nước nhiều hơn, tiểu tiện thường xuyên hơn hoặc ho. Đây có thể là những dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị một căn bệnh nghiêm trọng khác, cần chữa trị kịp thời.
Theo Thanh niên