Da liễu: Cách điều trị bệnh chàm ở trẻ em & những thông tin hữu ích


dungcpc1

Active Member
2,594
3
38
Xu
1,157
Da liễu –

Để điều trị bệnh chàm ở trẻ em có nhiều phương pháp khác nhau như dùng kem bôi, thuốc uống hay áp dụng liệu pháp ánh sáng…Tuy nhiên trước tiên các bậc phụ huynh cần hiểu rõ về bệnh, nhận biết đúng các dấu hiệu cũng như nguyên nhân gây ra bệnh chàm ở trẻ em thì mới giúp bé điều trị bệnh triệt để.

Nội dung bài viết bao gồm:
Hiểu về bệnh chàm ở trẻ em

  1. Bệnh chàm ở trẻ em là gì?
  2. Nhận biết dấu hiệu của bệnh chàm ở trẻ em
  3. Nguyên nhân gây bệnh chàm ở trẻ em
  4. Phân biệt bệnh chàm với viêm da dị ứng ở trẻ
Cách điều trị bệnh chàm ở trẻ em
  1. Tắm và giữ ẩm cho trẻ
  2. Cách chữa bệnh chàm ở trẻ em bằng quấn ướt
  3. Bôi thuốc trị bệnh chàm ở trẻ em
  4. Kiểm tra môi trường sống của trẻ
  5. Cho bé uống thuốc kháng histamin
  6. Liệu pháp ánh sáng
Cách phòng bệnh chàm ở trẻ em

Hiểu về bệnh chàm ở trẻ em

Ở nước ta, chàm là một trong số những căn bệnh da liễu có tỷ lệ người mắc khá cao. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, trong đó bao gồm cả trẻ em.

Khi con em mình bị bệnh chàm, chắc hẳn nhiều bậc phụ huynh sẽ rất lo lắng không biết con mình bị bệnh do đâu? Làm cách nào để chữa bệnh cho con mau khỏi mà vẫn giữ được an toàn cho các bé? Hay nên cho con ăn gì, uống thuốc gì để mau khỏi bệnh?… Tất cả những băn khoăn của cha mẹ sẽ được làm sáng tỏ ngay dưới đây.

1. Bệnh chàm ở trẻ em là gì?

Bệnh chàm ở trẻ em (hay là bệnh eczema) là tên gọi dùng để chỉ một nhóm các triệu chứng bất thường gặp trên da bé như đỏ da, nổi mụn nước ngứa. Căn bệnh này được chia thành nhiều loại như chàm dị ứng, chàm cơ địa, chàm tiếp xúc, chàm tổ đỉa hay chàm da tiết bã. Đây là những loại phổ biến có ảnh hưởng đến trẻ nhiều nhất.



Bệnh chàm ở trẻ em có tỷ lệ mắc khá cao



Bệnh thường xuất hiện ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Theo thống kê từ bộ y tế cứ 10 trẻ trong đó có ít nhất 1 trẻ mắc phải căn bệnh này. Bệnh chàm nói chung và bệnh chàm ở trẻ em nói riêng đều không có khả năng lây nhiễm nên các bậc phụ huynh có thể yên tâm chăm sóc tốt nhất cho con mình khi các bé bị bệnh.

Tuy nhiên, theo Ths.Bs Nguyễn Thanh Hải ( Khoa Nhi nhiễm- bệnh viện Nhân Dân 115): Chàm ở trẻ em là bệnh lý rất hay hay tái phát nên việc tiến hành điều trị sớm và theo dõi sát sao diễn tiến của bệnh là rất quan trọng. Đặc biệt cha mẹ không nên tự ý mua bất kì loại thuốc nào về cho trẻ dùng khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc Tây bừa bãi có thể gây ra nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của bé.

2. Nhận biết dấu hiệu của bệnh chàm ở trẻ em

Thực tế có không ít các trường hợp trẻ được đưa tới bệnh viện khám và điều trị khi bệnh tình đã khá nặng. Nguyên nhân là do cha mẹ chủ quan hoặc không có kiến thức về bệnh nên không phát hiện ra ngay khi có các dấu hiệu ban đầu. Vậy bệnh chàm ở trẻ em có những triệu chứng gì?

# Dấu hiệu chung của bệnh chàm ở trẻ:

Đi từ nhẹ đến nặng, bệnh chàm ở trẻ em có những biểu hiện lâm sàng chung như:

  • Da nổi hồng ban ngứa:
Các nốt hồng ban thường có nhiều kích thước khác nhau nhưng thường khá lớn và nổi rõ trên da. Chúng tập trung chủ yếu trên mặt hoặc ở các vùng khác như tay chân bụng. Điểm đặc trưng của các nốt hồng ban này là rất ngứa. Điều này có thể làm bé khó chịu, hay quấy khóc, cào gãi lên da và ngủ không yên giấc. Nếu con đang gặp phải triệu chứng này mẹ có thể tham khảo thêm một số mẹo chữa ngứa ngoài da hiệu quả để biết cách khắc phục cho bé.

  • Xuất hiện nhiều mụn nước:
Sau giai đoạn hồng ban, các nốt mụn nước có màu trắng trong hoặc màu vàng bắt đầu xuất hiện. Các mụn này không ăn sâu vào da, kích thước to nhỏ khác nhau. Chúng xuất hiện riêng rẻ hoặc tập trung thành một cụm dày đặc, đôi khi lại hợp thành một mụn nước lớn nằm trên nền da hồng ban.



Da nổi nhiều mụn nước là một trong những dấu hiệu điển hình nhất của bệnh chàm ở trẻ em


  • Mụn nước tiết dịch và đóng vảy:
Một số mụn nước lớn có thể tự vỡ ra gây chảy dịch, nhưng đa số các trường hợp mụn vỡ là do bé cào gãi khi bị ngứa. Huyết thanh đọng lại trên da sẽ đóng vảy khô nơi nốt mụn bị bể. Khi bệnh chàm ở trẻ bước qua giai đoạn này nếu không được vệ sinh tốt da sẽ rất dễ bị nhiễm khuẩn.

  • Tróc vảy:
Các lớp vảy trên da khi khô lại sẽ bắt đầu bong tróc sau đó vài ngày. Lớp vảy bong ra sẽ để lại một lớp da non nhẵn mới được cơ thể tái tạo để sửa chữa tổn thương.

  • Da dày sừng:
Lớp da mới được tái tạo còn rất non yếu nên dễ bị rạn nứt. Da đóng vảy và bong tróc, tổn thương liên tục dần trở nên dày sừng. Dùng tay sờ vào khu vực này có cảm giác rất thô và cứng.

# Dấu hiệu bệnh chàm theo độ tuổi của trẻ

Các triệu chứng và vị trí của bệnh chàm có một vài điểm khác biệt nhỏ giữa các lứa tuổi của trẻ. Cha mẹ có thể dựa vào những triệu chứng chung ở trên kết hợp với các biểu hiện bệnh theo lứa tuổi dưới đây để có thể khẳng định con em mình có mắc bệnh chàm hay không.

  • Bệnh chàm ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi:
Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi thường bị bệnh chàm nhiều nhất ở da đầu, hai bên má, trán và cằm. Theo thời gian, tổn thương có thể lan dần đến các vùng da lành trên cơ thể. Ở giai đoạn này, các nốt hồng ban có khuynh hướng trông đỏ hơn. Trẻ không biết nói nên hay quấy khóc vì ngứa ngáy khó chịu.

  • Trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi:
Thời điểm này các bé đang bắt đầu tập bò, tập đi nên các vùng da ở khuỷu tay và đầu gối thường xuyên bị ma sát, trầy xước mỗi khi các bé bò hay khi bị té ngã. Đây cũng chính là những nơi dễ bị bệnh chàm nhất. Nếu khu vực này bị nhiễm trùng, các nốt mụn nước có thể tạo mủ, khi vỡ sẽ đóng một lớp vảy màu vàng trên da, có nguy cơ bị bệnh chàm bội nhiễm ở trẻ rất cao.

  • Bệnh chàm ở bé từ 2-5 tuổi:
Các triệu chứng bệnh chàm ở trẻ trong độ tuổi này thường ảnh hưởng đến mặt nhiều nhất, đặc biệt là ở quanh miệng và mí mắt của bé. Tiếp đến là các vùng da có nhiều nếp nhăn như khuỷu tay, bàn tay, đầu gối hay khu vực cổ tay. Vùng da bị bệnh của bé trông khô, đóng vảy tiết và ngày càng dày lên.

  • Trẻ trên 5 tuổi:
Ở độ tuổi này, khu vực chịu ảnh hưởng của chàm nhiều nhất là bàn tay, đầu gối, khuyủ tay, trên đầu hay phía sau tai của trẻ. Tổn thương trên da là những màng màu đỏ, ngứa ngáy và có dấu hiệu bị viêm.

3. Nguyên nhân gây bệnh chàm ở trẻ em

Nguyên nhân chính xác của bệnh chàm ở trẻ hiện chưa được xác định rõ ràng. Các nhà nghiên cứu cho biết: trẻ em bị bệnh chàm thường do sự kết hợp giữa gen di truyền và các tác nhân gây bệnh trong môi trường. Cụ thể trẻ có thể bị bệnh vì những lý do sau:

  • Gen di truyền: Những trẻ được sinh ra trong gia đình có bố mẹ hay ông bà từng mắc bệnh thì cũng có thể sẽ mắc bệnh chàm. Nguy cơ này tăng lên nhiều khi cả bố và mẹ cùng bị chàm.
  • Trẻ dị ứng với đồ dùng thường ngày: Một số vật dụng sinh hoạt trẻ thường tiếp xúc nhiều gây ra bệnh chàm như: quần áo, đồ chơi, chăn mền, giày dép, khăn len, mực in từ các tờ báo, nước tẩy rửa, sữa tắm cho trẻ…


Các loại đồ chơi tiềm ẩn mối nguy gây bệnh chàm ở trẻ em rất cao


  • Do cơ địa: Bệnh chàm thường xảy ra ở trẻ có cơ địa dị ứng. Trường hợp này hệ miễn dịch thường phản ứng thái quá với điều kiện thời tiết, thức ăn hay bất cứ chất lạ nào xâm nhập vào cơ thể khiến da tổn thương và bị chàm.
  • Rối loạn chức năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể: Một số trẻ bị bệnh chàm do rối loạn nội tiết tố, rối loạn tại hệ thần kinh, tiêu hóa, bài tiết.
  • Bệnh tật: Bệnh chàm thường phát triển thứ phát sau khi mắc một số căn bệnh khác như viêm mũi dị ứng, các bệnh tại gan, thận, hen suyễn hay bệnh viêm đại tràng…
  • Chế độ dinh dưỡng không cân bằng: Trẻ nhỏ thường rất lười ăn rau quả nên dễ bị thiếu hụt vitamin. Ngược lại việc cho bé ăn quá nhiều các thức ăn chứa chất đạm, đồ hộp, thức ăn nhanh không phù hợp với cơ địa của trẻ cũng sẽ gây ra bệnh chàm
  • Sức đề kháng yếu: Ở trẻ nhỏ, hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện nên sức đề kháng còn rất yếu. Do vậy bé rất dễ bị các tác nhân gây hại từ bên ngoài tấn công như vi khuẩn, nấm mốc, vi trùng tấn công dẫn đến bệnh chàm.
– Các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh chàm ở trẻ:

Nguy cơ mắc bệnh chàm ở trẻ em sẽ tăng lên nếu có một trong các yếu tố sau:

  • Bé ít uống nước hoặc sở hữu làn da khô
  • Chơi với thú nhồi bôi hoặc các loại đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ không đảm bảo
  • Bé bị nóng trong, táo bón, hay đổ mồ hôi
  • Tiết trời khô hanh, đặc biệt là vào mùa đông càng dễ bị bệnh
  • Các bé hay bị chảy dãi: Nước bọt có thể dính vào má, cằm hay cổ khiến cho làn da bé bị kích ứng
  • Trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp hay nhiễm trùng ở các bộ phận khác trên cơ thể
Việc kiểm soát tốt các nguyên nhân cũng như yếu tố nguy cơ gây bệnh kể trên sẽ giúp cho việc điều trị bệnh đạt được hiệu quả tốt và lâu dài.

4. Phân biệt bệnh chàm với viêm da dị ứng ở trẻ

Mặc dù các triệu chứng của bệnh chàm ở trẻ khá rõ ràng nhưng nó lại có nhiều nét tương đồng với bệnh viêm da dị ứng. Chính vì vậy mà nhiều bậc phụ huynh hay bị nhầm lẫn ngay từ giai đoạn chẩn đoán bệnh. Từ đó tất yếu dẫn đến những phương pháp điều trị sai lầm khiến cho bệnh tình ngày càng trở nặng hơn.

Nắm bắt được điều này, trong bài viết hôm nay chúng tôi sẽ dành riêng một mục để phân tích và chỉ ra những điểm khác biệt giữa hai căn bệnh này giúp mọi người có thể phân biệt rõ ràng hơn.



Như đã nói ở trên bệnh chàm ở trẻ em được đặc trưng bởi tình trạng da nổi hồng ban, mụn nước ngứa và đóng vảy. Nguyên nhân gây bệnh là do chế độ ăn uống thiếu hụt dưỡng chất, sức đề kháng của bé yếu, di truyền hoặc do mắc bệnh lý nào đó trong cơ thể.

Trong khi đó, bệnh viêm da dị ứng lại là một căn bệnh tự miễn. Nguyên nhân gây bệnh có liên quan trực tiếp đến sự rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch khi có các yếu tố dị nguyên xâm nhập vào cơ thể. Khi bị bệnh trên da có nhiều nốt sẩn, mụn nước hay các nốt phát ban gây ngứa ngáy dữ dội vào ban đêm. Những hiện tượng trên thường kèm theo tình trạng viêm nhiễm trên da khiến da nổi nhiều mảng đỏ sưng phù và tiết dịch.

Cách điều trị bệnh chàm ở trẻ em tốt nhất

Việc điều trị bệnh chàm ở trẻ em cần phải tiến hành một cách hết sức thận trọng để đảm bảo an toàn cho các bé. Mục tiêu được đặt ra là tìm hiểu và loại bỏ các tác nhân gây bệnh, ngăn ngừa các triệu chứng bằng cách chăm sóc, thay đổi lối sống , chế độ ăn uống và dùng thuốc điều trị. Khi áp dụng bất kì phương pháp nào cũng nên căn cứ vào độ tuổi, hiện trạng sức khỏe cũng như mức độ bệnh của từng bé mà linh động lựa chọn cho phù hợp.

Bệnh chàm ở trẻ em có thể được kiểm soát tốt bằng các biện pháp dưới đây:

1. Tắm và giữ ẩm cho trẻ

Việc tắm rửa hàng ngày kết hợp với giữ ẩm là một trong những việc làm quan trọng giúp làn da bé luôn được sạch sẽ và không bị khô. Qua đó tránh được sự xâm hại của vi khuẩn gây bệnh cũng như giúp bé bớt ngứa hơn.

Mẹ nên tắm cho bé bị bệnh chàm bằng nước ấm cùng với sữa tắm dịu nhẹ, không chứa chất tẩy. Sau đó thoa kem dưỡng ẩm để khóa nước vào da. Để đạt được hiệu quả tốt nhất cha mẹ nên tuân theo thứ tự sau:



Tắm đúng cách giúp hỗ trợ điều trị bệnh chàm ở trẻ em


  • Cho trẻ ngâm mình vào bồn tắm với nước ấm khoảng 36 độ trong thời gian 5-10 phút. Tránh dùng nước quá nóng sẽ khiến da bé bị khô. Bạn có thể cho vào nước tắm của bé 1-2 giọt tinh dầu hoa cúc, hoa oải hương hay tinh dầu xả. Chúng có khả năng kháng viêm, dưỡng ẩm tự nhiên rất tốt cho làn da đang bị bệnh của bé.
  • Thoa xà bông tắm lên toàn bộ cơ thể. Mát xa da bé một cách nhẹ nhàng, đặc biệt là ở những vùng da đang bị tổn thương để mụn nước không bị bể ra.
  • Sau đó, tráng lại cơ thể bằng một lượt nước sạch, dùng khăn mềm thấm khô da của bé
  • Dùng các loại kem hay thuốc bôi ngoài da trị bệnh chàm cho bé nếu được bác sĩ chỉ định
  • Đợi khoảng 3 phút mới tiến hành thoa kem dưỡng ẩm cho bé trước khi mặc quần áo vào. Cha mẹ nên thoa kem dưỡng ẩm cho bé nhiều lần trong ngày bất cứ khi nào da bé có cảm giác khô hoặc lên cơn ngứa tại vùng da bị bệnh chàm.
2. Cách chữa bệnh chàm ở trẻ em bằng quấn ướt

Trong các đợt cơn ngứa trở nên bùng phát dữ dội, liệu pháp quấn ướt có thể bù nước và xoa dịu cơn ngứa tức thì, đồng thời làm tăng hiệu quả của các loại thuốc bôi tại chỗ.

Cách thực hiện quấn ướt trị bệnh chàm ở trẻ rất đơn giản:

  • Bạn lấy một chiếc khăn sữa hoặc một miếng vải sạch nhúng vào nước lạnh và quấn ngay chỗ khu vực da bị chàm ngứa.
  • Mặc một lớp quần áo mỏng để che phủ bên ngoài giúp miếng vải ướt không bị dính bụi bẩn.
  • Có thể đắp vải ướt để qua đêm hoặc gỡ chúng ra sau 30 phút nếu cơn ngứa đã được làm dịu.
3. Bôi thuốc trị bệnh chàm ở trẻ em

Các loại thuốc bôi được chỉ định cho bé thường có tác dụng tại chỗ và có tác dụng khá nhanh trong việc giảm ngứa, chống viêm nhiễm. Các thuốc điều trị bệnh chàm ở trẻ em phổ biến nhất là corticoid, thuốc sát khuẩn, thuốc ức chế calcineurin.

– Kem corticosteroid trị bệnh chàm cho trẻ:

Corticosteroid thường được chỉ định khi da bé có dấu hiệu bị nhiễm trùng, viêm nhiễm ở mức độ nhẹ đến trung bình. Loại thuốc này có tác dụng kháng viêm mạnh nhưng có thể gây ra nhiều ta c1 dụng phụ như mỏng da, kích ứng da, teo da. Vì vậy để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất, khi sử dụng thuốc corticoid điều trị bệnh chàm da ở trẻ em, các bậc phụ huynh lưu ý:



Cha mẹ tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc corticoid về trị bệnh chàm cho trẻ khi chưa được sự cho phép của bác sĩ


  • Chỉ dùng Corticosteroid cho bé khi có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ
  • Thoa thuốc trong phạm vi bị bệnh, tránh bôi lan ra ngoài
  • Tắm rửa hoặc làm sạch vùng da cần điều trị trước khi thoa thuốc để các hoạt chất nhanh thẩm thấu vào da. Như vậy tác dụng sẽ đến nhanh hơn.
  • Không lạm dụng thuốc trị bệnh chàm cho trẻ này trong thời gian dài
– Thuốc sát khuẩn tại chỗ:

Một số loại thuốc sát khuẩn như Milian hay Eosin… được bào chế ở dạng dung dịch có tác dụng sát trùng ngoài da. Thuốc giúp làm giảm các triệu chứng nổi mẩn đỏ, chảy dịch khi mụn nước bị vỡ ra, đồng thời ngăn ngừa nhiễm trùng cho vùng da bệnh chàm ở trẻ.

– Thuốc kháng calcineurin:

Thuốc kháng calcineurin ( TCL) là loại thuốc có tác dụng ức chế , ngăn chặn không cho hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức. Từ đó giảm thiểu được tình trạng nổi hồng ban và ngứa ngáy trên da. Có hai loại thuốc kháng calcineurin thường dùng chữa bệnh chàm ở trẻ em là Protopic và Elidel.

Loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như bỏng rát, kích ứng da, làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nang lông hay bệnh thủy đậu, Herpes. Vì vậy cha mẹ không nên sử dụng tùy tiện cho bé khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

4. Kiểm tra môi trường sống của trẻ

Khi trẻ bị bệnh chàm, cha mẹ nên kiểm tra lại không gian phòng ngủ, nhà ở cũng như môi trường sống xung quanh nhà để tìm kiếm và loại bỏ những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn khiến cho bé bị bệnh chàm.



Để chữa chàm ở trẻ em hiệu quả, cha mẹ cần kiểm tra môi trường sống và loại bỏ các yếu tố làm bé bị bệnh



Các yếu tố này có thể bao gồm:

  • Không gian sống có quá nhiều bụi bặm
  • Đồ chơi của bé
  • Khói thuốc lào, thuốc lá
  • Thú nuôi trong nhà
  • Xà phòng giặt đồ, sữa tắm hay các sản phẩm chăm sóc da cho bé
  • Trang phục bé mặc hàng ngày…
  • Chăn màn hay giường chiếu của bé ẩm ướt, dơ bẩn…
Để đảm bảo bệnh chàm ở trẻ nhanh được đẩy lùi và không còn khả năng tấn công bé trở lại các mẹ lưu ý giặt giũ chăn màn của bé thường xuyên; Quét dọn, lau chùi nhà ở hàng ngày và tuyệt đối không nuôi thú cưng trong nhà.

5. Cho bé uống thuốc kháng histamin trị bệnh chàm

Có thể nói việc đối phó với các cơn ngứa trong bệnh chàm ở trẻ em là phần khó khăn nhất mà cha mẹ cũng như các bé phải đối mặt. Để giải quyết tình trạng này, bác sĩ thường kê kèm thuốc kháng histamin dạng uống trong đơn thuốc điều trị bệnh chàm cho bé.

Các loại thuốc uống kháng histamin được sử dụng phổ biến nhất để chữa chàm cho trẻ gồm Claritin hay Zyrtec. Thuốc giúp làm giảm nhanh cơn ngứa nhưng có thể gây buồn ngủ, tiêu chảy, chóng mặt, kích động. Do vậy cha mẹ nên để ý kĩ về liều lượng, không cho bé uống quá liều bác sĩ hướng dẫn. Trong quá trình bé dùng thuốc kháng histamin, nếu thấy có tác dụng phụ nào nên hỏi ý kiến bác sĩ để biết cách xử trí.

6. Chữa bệnh chàm cho trẻ bằng liệu pháp ánh sáng

Cách điều trị bệnh chàm ở trẻ em bằng liệu pháp ánh sáng áp dụng cho các bé có triệu chứng nặng hoặc trẻ bị bệnh đã được điều trị bằng các biện pháp trên không đạt hiệu quả. Bằng cách sử dụng đèn trị liệu chiếu tia cực tím trực tiếp vào da, tình trạng viêm và ngứa do bệnh chàm sẽ được cải thiện một cách đáng kể.

Bác sĩ có thể sử dụng tia cực tím UVA có bước sóng dài, tia cực tím UVB có bước sóng trung bình hoặc kết hợp cả hai để điều trị cho bé. Mỗi tuần thực hiện khoảng 2-3 buổi, thời gian điều trị kéo dài từ 6-8 tuần.



Điều trị bệnh chàm da ở trẻ em bằng liệu pháp ánh sáng hiệu quả cao nhưng cũng có một số rủi ro nhất định



Phương pháp điều trị bệnh chàm ở trẻ em này có rất nhiều ưu điểm như:

  • Giảm ngứa nhanh
  • Ức chế được phản ứng viêm khi các tế bào miễn dịch dưới da tiếp xúc với tia cực tím
  • Tăng khả năng sản xuất và tổng hợp vitamin D cho cơ thể
  • Chống nhiễm khuẩn
  • Cho hiệu quả nhanh
Mặc dù vậy việc chiếu tia cực tím có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư da, buồn nôn, đục thủy tinh thể, tổn thương da… Vì vậy không phải bé nào bị bệnh chàm cũng được chỉ định điều trị bằng liệu pháp ánh sáng. Bác sĩ sẽ căn nhắc giữa lợi ích và nguy cơ để đưa ra phương pháp chữa trị tốt nhất cho bé.

Cách phòng bệnh chàm ở trẻ em

Bệnh chàm ở trẻ em rất dễ tái phát sau khi đã điều trị khỏi nếu cha mẹ không có biện pháp dự phòng bệnh cho con mình. Chính vì vậy các bậc phụ huynh cần tích cực phòng ngừa bệnh cho bé bằng các biện pháp đơn giản sau:

  • Chăm sóc da bé đúng cách: Thoa kem dưỡng ẩm cho vùng da bị chàm của bé hàng ngày để da không bị khô và kích ứng. Cha mẹ cũng nên thận trọng khi lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da cho bé. Nên chọn loại không màu, không mùi và sử dụng các sản phẩm có chiết xuất 100% từ thiên nhiên càng tốt
  • Giữ cho da bé luôn sạch sẽ: Tắm rửa và thay quần áo cho bé hàng ngày, đặc biệt là sau khi bé chạy nhảy, chơi đùa khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi.
  • Chọn trang phục phù hợp: Quần áo được làm từ chất liệu vải tự nhiên hay cotton thường mát, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt rất thích hợp cho các bé bị bệnh chàm. Tránh cho bé mặc đồ len, dạ hay vải jeans dày làm làn da mỏng manh của bé bị cọ sát, tổn thương và dễ bị bệnh chàm.
  • Hạn chế cho con trẻ tiếp xúc với những thứ có thể gây dị ứng trong nhà: chẳng hạn như gấu bông, đồ chơi, chó , mèo.
  • Khuyến khích bé uống nhiều nước hơn: Nước giúp thanh lọc, bài trừ độc tố cho cơ thể nên giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh chàm ở trẻ hiệu quả. Do vậy cha mẹ nên nhắc nhở bé thường xuyên uống nước. Đối với các bé dưới 10 tuổi, lượng nước trung bình một ngày cơ thể bé cần là 100ml/kg/ngày bao gồm cả nước lọc, sữa, nước canh rau hay nước ép trái cây. Riêng các bé 10 tuổi trở nên cần uống lượng nước tương đương với người lớn ( tức 2-2,5 lít/ ngày)
  • Trong bữa ăn hàng ngày: Nên cho trẻ bị bệnh chàm ăn nhiều đồ mát như rau má, đậu xanh hay bí đao, trái cây và các loại rau xanh. Hạn chế cho bé ăn nhiều đồ ngọt, đồ mặn hay uống nước ngọt. Đối với các bé đang tập ăn dặm khi cho bé ăn bất kì thức ăn nào mới nên ít một để bé làm quen dần. Nếu bé có biểu hiện bị dị ứng với bất kì thực phẩm nào thì không nên tiếp tục cho bé ăn, đợi sau này trẻ lớn hơn một chút mới cho ăn lại.
  • Điều trị các bệnh lý liên quan: Nếu bé nhà bạn mắc một trong các bệnh lý như viêm mũi dị ứng, bệnh về gan thận hay viêm đại tràng… thì cần đưa bé đi khám để điều trị ngay. Tránh để bệnh kéo dài gây biến chứng và khiến trẻ bị chàm da.
  • Đối với các bé sống trong gia đình có cha hoặc mẹ bị bệnh chàm: Cha mẹ nên tích cực chủ động phòng ngừa bệnh cho bé ngay từ lúc mới sinh bằng cách cho bé ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm gây dị ứng như tôm, cua, thịt bò. Đồng thời đảm bảo môi trường sống của bé luôn được trong lành, sạch sẽ.
Điều quan trọng không kém, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh chàm ở trẻ thì cha mẹ nên đưa bé tới chuyên khoa nhi khám để được điều trị sớm. Không nên chần chừ để bệnh của bé kéo dài sẽ lan rộng, khó chữa và khiến bé khó chịu.

CÓ THỂ MẸ CHƯA BIẾT:

  • Chàm sữa ở trẻ em sơ sinh: Cách chăm sóc, điều trị & phòng ngừa
  • Bệnh chàm khô ở trẻ em là gì? Những điều bố mẹ nên biết
Nguồn: chuyenkhoadalieu.net​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.