Da liễu: Bệnh viêm da: Các loại thường gặp, cách nhận biết & điều trị


dungcpc1

Active Member
2,594
3
38
Xu
1,157
Da liễu –

Bệnh viêm da là hiện tượng viêm xảy ra trên bề mặt của da. Đây là một bệnh da liễu rất phổ biến, gây nên tình trạng sưng, đỏ và ngứa rất khó chịu. Đặc biệt viêm da có thể gặp ở mọi lứa tuổi và do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.

Viêm da bao gồm nhiều loại như viêm da dị ứng, viêm da tiết bã, viêm da tiếp xúc… Chúng mang đến những cơn ngứa ngáy, tổn thương trên da gây ảnh hưởng không nhỏ tới thẩm mỹ cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh nên cần được nhận biết và điều trị sớm. Sự kết hợp giữa biện pháp tự chăm sóc da tại nhà với thuốc có thể giúp bạn chữa viêm da hiệu quả.

Nội dung bài viết bao gồm:

Bệnh viêm da – Có thể gặp ở mọi lứa tuổi


  • Nhận biết các loại viêm da qua dấu hiệu thường gặp
  • Khi có triệu chứng nào nên gặp bác sĩ?
  • Nguyên nhân gây ra bệnh viêm da
  • Bệnh viêm da có nguy hiểm không?
Cách trị bệnh viêm da tốt nhất hiện nay

  • Chữa viêm da qua lối sống
  • Dùng kem dưỡng ẩm
  • Sử dụng thuốc trị viêm da
  • Điều trị bệnh viêm da bằng liệu pháp ánh sáng
  • Các cách trị viêm da khác
Cách phòng ngừa bệnh viêm da

Bệnh viêm da – Có thể gặp ở mọi lứa tuổi

Viêm da là một thuật ngữ chung mô tả tình trạng da bị viêm, sưng, đỏ khi khi da bị vi khuẩn, nấm mốc tấn công hay do cơ thể phản ứng với sự thay đổi của thời tiết , hóa chất, bụi bẩn ngoài môi trường… Trong một số trường hợp, tổn thương có thể phồng rộp, rỉ dịch, đóng vảy hoặc bong tróc.

Bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể bị viêm da, từ trẻ em cho đến người cao tuổi. Thực tế cho thấy, trong số các các trường hợp đi khám viêm da tại các chuyên khoa da liễu thì nữ giới chiếm phần lớn. Độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất từ 36 tháng tuổi cho đến 22 tuổi.



Bệnh viêm da có nhiều loại khác nhau, cần nhận biết chính xác để điều trị cho đúng



Không phải ai bị viêm da cũng có biểu hiện giống nhau bởi căn bệnh này xảy ra với nhiều dạng như viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc, viêm da tiết bã… Tình trạng viêm da có thể xuất hiện chân, tay, mặt, cổ, bụng, lưng hoặc nặng hơn là toàn bộ cơ thể.

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, viêm da không phải là một căn bệnh hiểm nghèo, bệnh cũng không có khả năng lây nhiễm hay đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Tuy nhiên, những biểu hiện mà bệnh gây ra lại có tác động tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe và vẻ đẹp bên ngoài. Nó khiến cho người bệnh không còn tự tin khi làm việc hay giao tiếp với mọi người. Đặc biệt nếu bệnh trở nặng có thể gây ra nhiều biến chứng như nhiễm trùng, bội nhiễm vi khuẩn. Việc dùng thuốc Tây điều trị viêm da trong thời gian dài cũng mang đến không ít tác dụng phụ nguy hiểm cho người bệnh.

Bệnh viêm da có thể được điều trị khỏi một cách nhanh chóng. Điều quan trọng là người bệnh cần phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, nhận biết được dạng viêm da mình đang mắc phải để điều trị cho đúng.

1. Nhận biết các loại viêm da qua dấu hiệu thường gặp

Bệnh viêm da được chia thành nhiều loại khác nhau và mỗi loại sẽ có một số đặc điểm khác biệt về triệu chứng cũng như những vị trí ảnh hưởng trên cơ thể. Bạn có thể theo dõi những thông tin dưới đây để biết được mình mắc loại viêm da nào.

# Bệnh viêm da dị ứng:

Bệnh viêm da dị ứng thời xảy ra ở trẻ em và có khuynh hướng kéo dài cho tới tuổi trưởng thành. Tổn thương do bệnh gây ra là những vùng da đỏ có nổi mẩn. Kèm theo đó là tình trạng ngứa ngáy, tiết dịch và đóng vảy tiết trên da. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở những vị trí da có nếp gấp, chẳng hạn như cổ, mặt trong khuỷu tay, hay nếp gấp phía sau đầu gối.

Bệnh viêm da dị ứng thường tiến triển theo đừng đợt. Bệnh có thể thuyên giảm và được điều trị khỏi ở đợt này nhưng vẫn có thể tái phát lại nhanh chóng chỉ sau một thời gian ngắn.

# Bệnh viêm da tiếp xúc:

Bệnh viêm da tiếp xúc xảy ra khi da bị kích ứng với nọc độc côn trùng, hóa chất, chất tẩy rửa… Khi bị bệnh da sẽ có biểu hiện nổi dát đỏ có ranh giới rõ ràng kèm theo mụn nước ngứa, trường hợp nặng da còn bị viêm loét, mưng mủ và hoại tử. Những tổn thương này chủ yếu xảy ra ở những vùng da hở như tay, chân hay mặt.



Bệnh viêm da tiếp xúc là một loại viêm da thường gặp



# Bệnh viêm da tiết bã:

Căn bệnh này chủ yếu tấn công những vùng da có tuyến bã dầu hoạt động mạnh như da đầu, mặt, lưng hay ngực. Chúng ta có thể nhận diện được căn bệnh này thông qua các triệu chứng như da ửng đỏ trên diện rộng, ngứa, bóng dầu, xuất hiện nhiều dát vày màu trắng hay vàng phía trên. Nếu ảnh hưởng đến da đầu, bệnh nhân còn có thể bị rụng tóc. Ở trẻ sơ sinh, dân gian thường gọi bệnh viêm da tiết bã là “cứt trâu”.

Trong chuyên mục từng đề cập chi tiết đến triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã. Bạn nên tham khảo thêm để biết chính xác mình có mắc căn bệnh này hay không.

# Các loại bệnh viêm da khác

Bên cạnh các dạng viêm da phổ biến trên, thì bệnh viêm da còn có nhiều dạng khác nhưng ít gặp hơn như:

– Tổ đỉa:

Bệnh tổ đỉa
được xếp vào dạng viêm da mãn tính chưa xác định được rõ ràng nguyên nhân gây bệnh. Nó xuất hiện nhiều ở gan bàn chân, gan bàn tay hay mặt bên của các ngón tay chân với biểu hiện nổi mụn nước thành từng cụm, nó có màu đỏ và rất ngứa.

Căn bệnh này thường kéo dài trong 2-3 tuần rồi thuyên giảm nhưng sau đó vẫn có thể tái phát nhiều đợt. Đối tượng bị tổ đỉa chủ yếu là người trẻ tuổi, người hay bị stress, hoặc công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất hóa chất, kim loại ( crom, niken, coban…)

Chàm Discoid:

Chàm Discoid có tên gọi khác là bệnh viêm da số hay tá trật. Khi mới xuất hiện bệnh chỉ gây nổi những đốm nhỏ giống như nổi da gà. Theo thời gian, các nốt sẩn này nhanh chóng hợp lại với nhau tạo thành những mảng lớn có màu đỏ, hồng hay màu nâu kích thước dao động từ vài mm đến vài cm. Chúng dần sưng lên và phồng rộp, gây ngứa nhiều vào ban đêm.

Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ khu vực da nào trên cơ thể ngoại trừ mặt và đầu. Ở mức độ trầm trọng bệnh có thể kéo dài hàng năm gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

– Chàm eczema:

Bệnh chàm eczema có biểu hiện đặc trưng là những khu vực da bị khô, đỏ, nổi nhiều mụn nước nông và bong tróc, khu vực da bị tổn thương rất ngứa. Nguyên nhân gây bệnh khá phức tạp, chúng ta có thể bị bệnh do rối loạn nội tiết tố, rối loạn chức năng thần kinh hay do các yếu tố ngoại giới tác động. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể.



Chàm eczema cũng là một dạng bệnh viêm da chúng ta nên đề phòng



– Bệnh Duhring:

Duhring còn được gọi là bệnh da bọng nước. Các tổn thương trên da có đặc điểm khá da dạng, đó có thể là các mảng mề đay, các nốt ban đỏ, mụn nước nhỏ li ti, bong nước hay nhiều vết trợt tạo thành một nhóm trên da. Sự khởi phát của bệnh có liên quan sự nhạy cảm quá mức của đường ruột với chất gluten được nạp vào từ thức ăn.

– Viêm da thần kinh:

Việc thường xuyên gãi ngứa hoặc chà sát vào da ở cùng một vị trí trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng đến thần kinh dưới da và khiến nó bị viêm. Những vùng da bị ngứa có ranh giới khá rõ, chúng thường xuất hiện ở trên đầu, vai, khu vực cổ tay/chân hay cánh tay.

– Nấm da:

Bệnh nấm da
thường phát triển ở một số nước nhiệt đới nóng ẩm hoặc những nơi kém phát triển, có điều kiện vệ sinh kém. Biểu hiện dễ nhận biết nhất của bệnh là những đốm da tròn hay bầu dục, có màu nâu hoặc đỏ, rất ngứa. Một số trường hợp bề mặt da còn có nhiều vảy cứng hoặc nổi mụn nước li ti trông rất mất thẩm mỹ.

2. Khi có triệu chứng nào nên gặp bác sĩ?

Việc sớm tiến hành điều trị bệnh viêm da sẽ giúp bệnh nhanh khỏi và ngăn ngừa được các biến chứng xấu cho sức khỏe. Vì vậy khi có một trong những biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh giống đã mô tả ở trên, bạn nên tới bệnh viện khám càng sớm càng tốt.

Riêng đối với một số trường hợp sau nên đi gặp bác sĩ ngay, không được chần chừ:

  • Các triệu chứng của bệnh viêm da làm cản trở đến giấc ngủ hoặc khiến bạn không còn tâm trí để lao động, làm các công việc thường ngày.
  • Da có biểu hiện đau đớn, nhức nhối bên trong
  • Bạn nghi ngờ làn da của mình có dấu hiệu bị nhiễm trùng. Da bị nhiễm trùng sẽ có biểu hiện tạo mủ, sưng tấy, rỉ dịch có mùi hôi, có thể bị sốt.
  • Bạn đã thử cải thiện tình trạng bệnh bằng cách chăm sóc da kĩ càng hoặc tự mua thuốc về uống nhưng không thành công.
3. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm da

Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân gây bệnh viêm da có liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền. Ngoài ra một số yếu tố bên trong và bên ngoài cơ thể cũng có thể thúc đẩy bệnh phát triển.

  • Di truyền:
Rất nhiều nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra một số loại gen có liên quan đến bệnh viêm da, trong đó phải kể đến loại gen có tên filaggrin. Gen này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sừng, ngăn chặn sự bốc hơi của nước trong da và bảo vệ da khỏi sự xâm nhập của các yếu tố dị nguyên. Sự đột biến của gen filaggrin có thể khiến bạn có nguy cơ bị bệnh viêm da khá cao.

Ngoài ra, các nghiên cứu trên toàn bộ gen đã tìm thấy ba biến thể di truyền mới liên quan đến bệnh viêm da bao gồm OVOL1, ACTL9 và IL4-KIF3A. Do đó, nếu trong gia đình bạn có người mắc căn bệnh này thì nên có phương án đề phòng ngay từ đầu để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

  • Cơ địa:
Thực tế cho thấy, những người có cơ địa dị ứng bị viêm da nhiều hơn cả. Những đối tượng bị viêm da do cơ địa thường mắc kèm theo một số căn bệnh khác như hen suyễn, viêm mũi dị ứng hay bệnh vẩy nến…

  • Tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên:
Một số yếu tố dị nguyên trong môi trường có thể thúc đẩy sự phát triển của bệnh viêm da. Khi tiếp xúc với chúng cơ thể sẽ có những phản ứng bất thường dẫn đến phản ứng viêm trên da.

Các yếu tố dị nguyên gây viêm da cho nhiều người nhất là lông thú nuôi, phấn hoa, bụi bặm hay các loại thực phẩm như sữa bò, hải sản, trứng, tôm, thịt bò…

  • Yếu tố nghề nghiệp:
Những người làm việc trong môi trường có nhiều khói bụi, thuốc lá, hóa chất rất dễ bị viêm da. Theo đó thì một số đối tượng như công nhân may mặc, thợ mỏ, công nhân xây dựng, công nhân nhà máy hóa chất là có nguy cơ bị bệnh khá cao.

  • Dị ứng với hóa mỹ phẩm:
Một số sản phẩm chăm sóc da hay mỹ phẩm chứa hóa chất độc hại có thể khiến da bị dị ứng, khô và mất nước. Từ đó da trở nên dễ bị kích ứng và bị viêm.



Dị ứng mỹ phẩm là nguyên nhân gây viêm da mặt hàng đầu ở chị em phụ nữ


  • Điều kiện thời tiết:
Thời tiết nóng hay lạnh đều là những yếu tố thuận lợi cho bệnh viêm da phát triển. Vào mùa lạnh, da trở nên khô hanh, các tế bào da bị mất nước nên dễ bị các tác nhân gây hại tấn công. Ngược lại vào mùa nóng, da lại luôn trong tình trạng ẩm ướt do đổ mồ hôi quá nhiều. Đây chính là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn tấn công da và gây viêm.

  • Thay đổi hóc môn:
Sự thay đổi hóc môn trong những ngày “đèn đỏ” hoặc khi đang mang thai là nguyên nhân khiến cho nhiều chị em bị bệnh viêm da tấn công.

  • Căng thẳng:
Stress kéo dài dù không phải là nguyên nhân gây viêm da nhưng nó có thể khiến cho bệnh bùng phát trở lại nếu da bạn từng bị viêm trước đó

4. Bệnh viêm da có nguy hiểm không?

Bệnh viêm da về bản chất không phải là căn bệnh quá nguy hiểm. Tuy nhiên nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể trở nặng và gây ra một số biến chứng như:

  • Nhiễm trùng: Dùng tay gãi ngứa là biện pháp hữu hiệu giúp người bệnh đối phó với cơn ngứa. Thế nhưng nếu không vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi gãi, vi khuẩn có thể xâm nhập qua da khiến da bị nhiễm trùng. Nó cũng khiến da bị tổn thương, trầy xước.
  • Chốc lở: Biến chứng này có thể xảy ra khi vùng da bệnh bị nhiễm khuẩn tụ cầu.
  • Viêm tế bào: Bệnh viêm da khi để nặng và bệnh nhân đang bị suy giảm miễn dịch thì có thể gây viêm tế bào. Căn bệnh này có thể đe dọa đến tính mạng, vì vậy bệnh nhân nên đi khám ngay khi da có dấu hiệu sưng tấy, nóng đỏ, lở loét.
  • Viêm da toàn thân: Từ một vùng da nhỏ, tình trạng viêm da có thể lan rộng ra toàn thân khiến cho bệnh nhân vô cùng ngứa ngáy, đau đớn. Việc điều trị bệnh lúc này cũng trở nên khó khăn và tốn kém hơn
Cách trị bệnh viêm da tốt nhất hiện nay

Bệnh viêm da có thể được điều trị triệt để thông qua việc cải thiện lối sống, kết hợp với dưỡng ẩm và sử dụng các thuốc hay liệu pháp điều trị phù hợp.

1. Chữa viêm da qua lối sống

Dù bị viêm da nặng hay nhẹ thì việc điều chỉnh lối sống cũng khá quan trọng, góp phần đẩy lùi tình trạng bệnh và ngăn ngừa các triệu chứng. Dưới đây là một số việc bệnh nhân nên làm:

# Tắm rửa sạch sẽ hàng ngày:

Bệnh nhân được khuyên nên tắm rửa mỗi ngày ít nhất là một lần hoặc nhiều hơn trong những ngày thời tiết nóng nực. Tốt nhất là nên tắm với nước ấm trong khoảng 5-10 phút sẽ giúp làm dịu cơn ngứa. Không nên tắm nước quá nóng khiến lớp dầu bảo vệ da bị rửa trôi, như vậy sẽ làm da bị khô và ngứa hơn. Ngoài ra, trong thời gian bị bệnh cũng không nên tắm với xà bông chứa chất tạo bọt vì nó có tính tẩy mạnh nên sẽ làm da bị khô, kích ứng dẫn đến viêm nặng hơn.



Tắm đúng cách giúp hỗ trợ điều trị viêm da hiệu quả



# Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh:

Một số báo cáo cũng cho thấy việc thay đổi chế độ ăn uống cũng có tác động tích cực đối với sức khỏe và tốc độ phục hồi làn da của người bệnh. Vậy người bị viêm da nên ăn gì và kiêng gì?

– Người bệnh nên ăn:

  • Rau quả tươi: Nhóm thực phẩm này giúp bổ sung vitamin, khoáng chất và chất xơ dồi dào cho cơ thể. Nó giúp kích thích tiêu hóa, làm tăng sức đề kháng cho da. Một số thực phẩm như rau đay, mồng tơi, dưa leo, rau dền còn giúp làm mát da, thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể. Trong khi đó các loại rau củ quả như cà chua, bưởi, súp lơ, cam lại giàu vitamin C và E giúp dưỡng ẩm, cải thiện chất lượng lớp sừng.
  • Đừng quên các thực phẩm giàu omega 3: Bao gồm cá hồi, cá thu, dầu thực vật, quả bơ. Bạn nên ăn các thực phẩm này vì thành phần omega 3 có trong chúng sẽ giúp ức chế các phản ứng viêm dưới da, giúp các tế bào da hoạt động bình thường trở lại.
  • Ngũ cốc: Các loại hạt như đậu, gạo, lúa mì…rất giàu tinh bột và dưỡng chất cung cấp năng lượng cho da nhanh tái tạo.
– Thực phẩm không nên ăn hoặc hạn chế ăn:

  • Thức ăn giàu đạm: Hải sản, trứng, sữa hay thịt bò là những thức ăn tuy giàu đạm nhưng cũng chứa rất nhiều histamin khiến da bị ngứa ngáy, dị ứng và viêm nhiễm trầm trọng hơn.
  • Đồ béo: Bao gồm thịt mỡ, đồ chiên xào hay các loại thức ăn nhanh. Chúng làm tăng lượng mỡ tích tụ dưới da khiến cho tổn thương lâu bình phục.
  • Rau cải muối chua: Món ăn này chứa nhiều muối khi ăn vào sẽ làm tăng gánh nặng cho thận, từ đó khiến cho chức năng đào thải chất độc của thận bị suy giảm. Chất độc tích tụ nhiều dưới da khiến da càng bị ngứa dữ dội hơn.
  • Các chất kích thích: Đồ cay nóng, nước ngọt có ga, bia rượu khi sử dụng có thể gây kích thích các phản ứng viêm, khiến các cơn ngứa ngáy bộc phát.
– Uống nhiều nước:

Ai cũng biết được tầm quan trọng của nước đối với cơ thể nói chung và với làn da nói riêng. Thiếu nước da sẽ trở nên thô ráp, bong tróc, ngứa ngáy, thiếu sức sống và dễ bị vi khuẩn tấn công gây viêm.

Từ lâu các nhà khoa học đã khuyến cáo tất cả mọi người, bao gồm cả trẻ em từ 10 tuổi trở lên nên uống đủ 2 lít nước một ngày. Khi đang bị viêm da, bạn càng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt điều này . Cơ thể được cung cấp đủ nước sẽ có khả năng thanh lọc và đào thải độc tố tốt hơn. Nhờ đó, các triệu chứng của viêm da cũng dần được cải thiện.

# Kiểm soát các cơn ngứa:

Trong quá trình lao động, sinh hoạt hàng ngày cơn ngứa ngáy có thể làm bạn khó chịu. Tuy nhiên cố gắng hạn chế cào gãi vì hành động này có thể khiến da bị trầy xước, chảy máu và nhiễm khuẩn.



Người bị viêm da nên hạn chế gãi ngứa để da không bị nhiễm khuẩn



Giải pháp chườm nóng, chườm lạnh sẽ giúp xoa dịu cơn ngứa tức thì. Ngoài ra, bạn nên lựa chọn trang phục có chất liệu mỏng, mát và có khả năng thấm hút mồ hôi tốt. Làn da luôn được giữ khô ráo, sạch sẽ thì sẽ hạn chế được tình trạng nổi mẩn, ngứa ngáy.

# Không lạm dụng mỹ phẩm

Khi mua các sản phẩm chăm sóc da, bạn nên lựa chọn loại phù hợp nhất với làn da của mình. Ưu tiên mua các sản phẩm của thương hiệu uy tín và được chiết xuất từ tự nhiên. Tuyệt đối không sử dụng các loại kem trộn tẩy trắng bởi chúng thường được pha trộn hóa chất độc hại có thể khiến da bị kích ứng, viêm nhiễm.

Ngoài ra, bạn nên hạn chế tối đa thời gian lưu lại mỹ phẩm trên da. Sau khi trang điểm nên dùng nước tẩy trang để làm sạch, giúp da được thông thoáng, khỏe mạnh.

# Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây viêm da

Một khi đã xác định được nguyên nhân khiến cho bạn bị viêm da thì tuyệt đối tránh xa yếu tố này. Chẳng hạn như nếu bạn bị viêm da do dị ứng lông chó mèo thì hạn chế tiếp xúc với chúng; Hay nếu nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm thì nên dùng nước máy để đảm bảo an toàn cho da. Đồng thời thay đổi nơi làm việc, nơi ở nếu không khí những nơi này khiến bạn thường xuyên bị viêm da.

# Tăng cường vận động thể lực

Không ai có thể phủ nhận, việc tập luyện thể dục, thể thao hàng ngày có rất có lợi cho sức khỏe. Không chỉ giúp tăng cường thể lực, các bài tập thể dục còn giúp đào thải chất độc cho da qua hoạt động bài tiết mồ hôi. Đồng thời, cải thiện lưu thông tuần hoàn máu đến nuôi dưỡng da.

Với những lợi ích trên thì người bị viêm da được khuyên nên tập thể dục đều đặn hàng ngày. Mỗi ngày nên giành ít nhất 30 phút để luyện tập. Trong quá trình đó, nên dùng khăn lau mồ hôi thường xuyên để hạn chế phát sinh vi khuẩn trên da.

# Tránh stress:

Khi bị viêm da, bạn không nên quá lo lắng bởi stress chỉ khiến tình trạng viêm da thêm tồi tệ. Để giải tỏa bớt căng thẳng, bạn có thể nghe nhạc, đi xem phim cùng người thân hay làm bất cứ việc gì mình thích và san sẻ công việc với mọi người để giảm bớt gánh nặng tâm lý cho bản thân.

2. Dùng kem dưỡng ẩm

Có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của viêm da, giúp các cơn ngứa dịu lại. Tuy nhiên việc lựa chọn kem dưỡng ẩm loại nào và cách sử dụng ra sao để đạt được hiệu quả tốt nhất là vấn đề gây tranh cãi cho nhiều người.



Thoa kem dưỡng ẩm là cách trị viêm da, giảm ngứa hiệu quả



# Bị viêm da nên dùng kem dưỡng ẩm loại nào ?

Trên thị trường hiện nay có vô vàn các sản phẩm kem dưỡng ẩm, tuy nhiên không phải loại nào cũng giúp kiểm soát được bệnh viêm da, thậm chí nếu không phù hợp nó còn khiến bệnh nặng hơn. Về cách lựa chọn kem dưỡng ẩm cho người bị viêm da, các chuyên gia khuyến cáo, bạn nên lựa chọn một trong ba loại sau:

  • Kem dưỡng ẩm dạng mỡ:
Đây là sự lựa chọn ưu tiên cho người bị viêm da bởi các loại kem dưỡng ẩm dạng mỡ chứa lượng dầu khá cao. Chúng hầu như không gây kích ứng da khi sử dụng và phù hợp với làn da đang bị viêm vốn đang rất nhạy cảm.

Nếu dùng sản phẩm dạng này bạn nên thoa kem vào ban đêm bởi nó có thể gây nhờn rít da. Nếu dùng ban ngày thì rất bất tiện và khiến da dễ bám bụi.

  • Dạng kem bôi:
Các sản phẩm dưỡng ẩm dạng kem có tác dụng khóa ẩm, ngăn chặn không cho nước có trong các tế bào da bị bốc hơi. Tuy nhiên hầu hết các loại kem dưỡng ẩm cho da đều ít nhiều chứa chất bảo quản. Vì vậy để đảm bảo an toàn cho da, trong lần đầu sử dụng bạn chỉ nên thoa kem ở một vùng da nhỏ để thử độ kích ứng. Nếu da không có phản ứng gì xấu thì mới tiến hành bôi trên diện rộng cho bệnh viêm da.

  • Kem dưỡng ẩm dạng nước ( còn gọi là lotion):
Loại này chủ yếu chứa nước, thành phần dầu không nhiều nên dễ bay hơi. Vì vậy bạn không nên ra ngoài trời nắng sau khi sử dụng kem dưỡng ẩm dạng nước.

# Sử dụng kem dưỡng ẩm như thế nào để hỗ trợ điều trị viêm da được tốt nhất?

Bạn nên tuân thủ theo trình tự các bước sau:

  • Bước 1: Tắm hoặc làm sạch vùng da cần điều trị bằng nước ấm. Động tác này sẽ giúp loại bỏ sạch bụi bẩn và các tế bào chết bám dính trên da. Nhờ đó da sẽ hấp thu các dưỡng chất trong kem tốt hơn.
  • Bước 2: Thoa một lớp thuốc thuốc trị viêm da bác sĩ kê (nếu có)
  • Bước 3: Sau khi thoa thuốc xong để khoảng 3 phút sau mới thoa kem dưỡng ẩm. Bạn chỉ lấy một lượng kem vừa đủ ra tay và xoa cho nóng kem. Sau đó lần lượt thoa một lớp kem mỏng lên khắp cơ thể. Massage thêm vài phút để kem thẩm thẩu hoàn toàn vào trong da. Đều đặn thoa kem dưỡng ẩm 2-3 lần/ ngày để chống khô da, giảm viêm ngứa.
3. Sử dụng thuốc trị viêm da

Trong một số trường hợp, các biện pháp xử lý ở trên không mang lại hiệu quả như mong đợi và các triệu chứng của viêm da có khuynh hướng phát triển nặng hơn. Lúc này bệnh nhân cần tới bệnh viện khám để bác sĩ kiểm tra mức độ bệnh tình và chỉ định thuốc điều trị cho phù hợp.

Các loại thuốc tây được sử dụng phổ biến để chữa viêm da gồm có các nhóm sau:

– Nhóm thuốc corticoid:

Corticoid là một chất có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng mạnh, nó chỉ được bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân bị viêm da từ mức độ trung bình cho tới nặng.



Hydrocortisone là thuốc trị viêm da thường được bác sĩ kê



Đối với bệnh viêm da ở mức độ vừa phải, Hydrocortisone là loại thuốc được sử dụng chủ yếu. Trong khi đó nếu bệnh tình quá nghiêm trọng, bệnh nhân cần dùng đến một số loại thuốc có hàm lượng corticoid cao hơn như Clobetasol, Propionate hay các loại thuốc theo đường uống và đường tiêm tĩnh mạch.

Thuốc corticoid mặc dù có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh một cách nhanh chóng nhưng chúng lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho sức khỏe. Dùng các thuốc corticoid dạng bôi lâu ngày có thể dẫn đến teo da, rối loạn thần kinh. Trường hợp dùng các thuốc dạng uống bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ bị loãng xương, phù, béo phì, tăng huyết áp, đau dạ dày, suy giảm sức đề kháng của cơ thể…Do vậy bạn không nên sử dụng thuốc bừa bãi hoặc dùng kéo dài mà không được sự cho phép của bác sĩ.

– Thuốc ức chế miễn dịch:

Các thuốc ức chế miễn dịch tại chỗ như pimecrolimus và tacrolimus thường được chỉ định trong ngắn hạn nhằm ngăn chặn những tác hại của kháng nguyên. Việc sử dụng chúng là hợp lý ở những người không đáp ứng hoặc bị dị ứng với corticoid.

Khi bệnh viêm da nặng và không đáp ứng với các hình thức điều trị khác, các thuốc ức chế miễn dịch toàn thân đôi khi được sử dụng. Thuốc ức chế miễn dịch có thể gây ra tác dụng phụ đáng kể và bệnh nhân sẽ được yêu cầu xét nghiệm máu thường xuyên để theo dõi sức khỏe trong quá trình sử dụng thuốc. Được sử dụng phổ biến nhất là Ciclosporin , Azathioprine và Methotrexate.

– Thuốc giảm ngứa:



Các thuốc kháng histamin chữa viêm da



Trường hợp viêm da gây ngứa nặng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như giấc ngủ của người bệnh thì cần dùng đến thuốc kháng histamin. Loại thuốc này giúp cắt nhanh cơn ngứa ngáy khó chịu. Bệnh nhân có thể được chỉ định Loratadin, Fexofenadin hay Certirizin.

Sau khi dùng thuốc kháng histamin bệnh nhân có thể bị buồn ngủ, mất tập trung. Vì vậy chỉ nên dùng loại thuốc này vào buổi tối.

Mách bạn: Các thuốc trị ngứa ngoài da hiệu quả nhất

– Nhóm thuốc kháng sinh:


Những trường hợp bị viêm da được xác định là có nhiễm khuẩn sẽ cần dùng đến thuốc kháng sinh. Các thuốc nằm trong nhóm này bao gồm kem bôi ( Mupirocin, Fucidin, Neomycin) hay các loại thuốc kháng sinh đường uống như Cephalexin, Oxacillin, Cloxacillin….

Dùng thuốc kháng sinh lâu ngày có thể gây rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, lờn thuốc, kháng thuốc. Vì vậy bệnh nhân cần dùng thuốc đúng liều, đủ thời gian theo hướng dẫn của thầy thuốc.

4. Điều trị bệnh viêm da bằng liệu pháp ánh sáng

Việc ứng dụng liệu pháp ánh sáng trong điều trị bệnh viêm da đã được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới từ rất lâu. Nguồn ánh sáng trị liệu chủ yếu là tia PUVA ( quang hóa trị liệu), UVB ( quang trị liệu). Gần đây thì có thêm một số cách chữa viêm da bằng liệu pháp ánh sáng mới được triển khai ứng dụng như laser excimer hay công nghệ ánh sáng xanh và đỏ.

Nhìn chung việc điều trị bệnh viêm da bằng liệu pháp ánh sáng mang lại kết quả khá tốt, chi phí trị liệu ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên nó cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn ói, cháy da, nổi bọng nước, chóng mặt, rối loạn sắc tố da. Nếu bảo vệ mắt không kĩ, bệnh nhân có thể bị đục thủy tinh thể do tác hại của tia cực tím.

Bệnh có thể phát triển nặng hơn khi chiếu tia cực tím cho người bị viêm da có kèm theo các căn bệnh khác như: Suy gan, thận, bệnh nhân bị dày sừng ánh sáng, đục thủy tinh thể. Lẽ dĩ nhiên những đối tượng này sẽ không được trị viêm da bằng liệu pháp ánh sáng.

5. Các cách trị viêm da khác

Bên cạnh các phương pháp trên thì một số giải pháp khác cũng được ứng dụng để chữa viêm da như:

# Châm cứu:

Trong điều trị bệnh viêm da, châm cứu có tác dụng kháng viêm, giảm đau, chống ngứa, ổn độ định hoạt động của hệ miễn dịch. Đồng thời châm cứu cũng giúp đả thông kinh mạch, kích thích lưu thông máu đến nuôi dưỡng da. Khu vực da đang bị tổn thương được cung cấp đầy đủ dưỡng chất nên sẽ nhanh lành hơn.

Liệu pháp châm cứu có ưu điểm lớn là rất an toàn, hầu như không gây bất kì tác dụng phụ nào cho cơ thể nếu áp dụng đúng cách. Khi thực hiện, bệnh nhân nên tìm đến các cơ sở y tế, hay các thầy thuốc có chuyên môn để được điều trị một cách tốt nhất.

# Liệu pháp tâm lý:

Theo bà Barbara Kowalcyk – một chuyên gia tâm lý hiện đang công tác tại Trung tâm Tâm lý trị liệu các bệnh da liễu tại Ba Lan: Những chấn thương, sự bất ổn trong tâm lý hay đến ngay cả những bi kịch người bệnh gặp phải từ thời thơ ấu cũng là nguyên nhân gây viêm da và nhiều căn bệnh ngoài da mãn tính.

Đối với các trường hợp này, các bác sĩ thường không kê đơn thuốc. Bệnh nhân được áp dụng điều trị bằng liệu pháp tâm lý để giải tỏa căng thẳng, kết hợp với việc sắp xếp thời gian lao động hợp lý, nghỉ ngơi toàn diện để lấy lại thăng bằng. Một khi tâm lý được ổn định thì bệnh viêm da cũng tự khắc thoái lui.

# Hỗ trợ điều trị viêm da bằng thảo dược tự nhiên

Mặc dù không giúp chữa khỏi bệnh viêm da nhưng một số loại thảo mộc tự nhiên cũng có tác dụng hỗ trợ kháng viêm, giảm ngứa và cải thiện các triệu chứng của căn bệnh này.

Bệnh nhân có thể thử áp dụng một số bài thuốc trị viêm da đang được lưu truyền trong dân gian dưới đây:

  • Dùng lá trầu không trị viêm da:
Hái 8-10 lá trầu không đem rửa sạch sẽ và nấu với 2 lít nước và 1/2 thìa muối biển. Dùng nước này để tắm hoặc ngâm rửa vùng da bị viêm có tác dụng chống khuẩn, giúp bề mặt tổn thương mau bớt nổi mẩn ngứa.



Cách trị viêm da hiệu quả từ lá trầu không


  • Lá khế chữa viêm da:
Loại thảo dược này được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm da nhờ có tác dụng kháng viêm, tiêu thũng và giải độc da. Theo đó, bạn có thể lấy 100g lá khế nấu chung với 1 lít nước uống thay trà hàng ngày hoặc dùng nước này để vệ sinh vùng da bị tổn thương.

  • Cây vòi voi trị viêm da:
Lấy 100g cây vòi voi rửa sạch, nấu lấy nước đặc để rửa ngoài vết thương. Mỗi ngày thực hiện một lần để chống nhiễm khuẩn, giảm ngứa khi da đang bị viêm.

Cách phòng ngừa bệnh viêm da

Bệnh viêm da tuy dễ mắc nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa, giảm thiểu được nguy cơ mắc căn bệnh này. Đúc kết từ nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ da liễu khuyên bạn nên thực hiện các biện pháp sau để ngăn chặn sự tái xuất hiện của căn bệnh viêm da khó chịu:

  • Giữ cho da luôn được sạch sẽ, thông thoáng
  • Sử dụng mỹ phẩm đúng cách, phù hợp, không nên lạm dùng quá mức
  • Tránh để nhiệt độ cơ thể thay đổi một cách đột ngột. Khi đang ngồi điều hòa ra ngoài hoặc ngược lại nên đứng ở cửa vài phút để cơ thể thích nghi kịp. Ngoài ra bạn cũng lưu ý mặc đủ ấm khi trời lạnh và lựa chọn những trang phục thoáng mát trong những ngày hè nóng nực để không làm ảnh hưởng xấu đến da.
  • Tránh các thói quen có thể làm khô da như: Dùng nước quá nóng để tắm, lười uống nước, ra ngoài nắng mà không thoa kem dưỡng ẩm hay che chắn bảo vệ da…
  • Mang gang tay, ủng hay mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc với hóa chất, xà phòng giặt đồ, nước rửa chén…
  • Nếu có tiền sử bị viêm da bạn cũng không nên uống bia rượu, bỏ hút thuốc lá và tránh tuyệt đối những nơi có người hút thuốc lá.
  • Thận trọng khi sử dụng các món ăn lạ, nhất là hải sản hay đồ tanh. Trong bữa ăn hàng ngày nếu cơ thể có bất kì biểu hiện lạ sau khi ăn một món ăn thì nên ghi chép lại và tránh tiếp tục dùng chúng trong tương lai.
Nhìn chung, bệnh viêm da có thể được chữa khỏi nhưng cần phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Bệnh nhân không nên tùy tiện sử dụng bất kì loại thuốc nào khi chưa qua thăm khám và được bác sĩ kê đơn. Việc điều trị bệnh viêm da không đúng cách có thể khiến bệnh tình kéo dài dai dẳng và trở thành mãn tính rất khó chữa.

Nếu bị viêm da tiếp xúc, bạn nên xem thêm: Cách điều trị viêm da tiếp xúc khỏi hẳn và không tái phát


Nguồn: chuyenkhoadalieu.net​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.