Lưu ý cần biết về điều trị rạn da


4,226
1
1
Xu
53
Bôi thuốc, điều trị vật lý hay chăm sóc tại spa đang là những phương pháp chữa rạn da được ưa chuộng. Tuy nhiên, dù sử dụng phương pháp nào, điều quan trong nhất là chúng ta cần nắm kiến thức nhất định về điều trị vấn đề da liễu này.

Làm cách nào để hết rạn da?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em bị rạn do dậy thì. Rạn da ở phần mông đùi và hai bên eo, vết rạn hiện tại đã chuyễn sang trắng. Rạn da có thể chữa trị hết không thưa bác sĩ?

Xin cảm ơn.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Rạn da là tình trạng tổn thương da do ảnh hưởng của lực căng quá mức. Tổn thương là các đường rãnh dài và hẹp, có màu đỏ tím lúc đầu và sau đó trở nên trắng, thường gặp trên da vùng bụng, đùi, mông, ngực. Đây là triệu chứng rất thường gặp trong thời gian mang thai và trong giai đoạn đang tăng trưởng nhanh cả về chiều cao hoặc bề ngang (tuổi dậy thì).

Da chúng ta được cấu tạo bởi ba lớp: biểu bì (lớp ngoài cùng); bì (lớp ở giữa) và lớp hạ bì (lớp trong cùng). Rạn da xuất hiện ở lớp giữa, có mô liên kết, nơi mà sự đàn hồi ở da giúp da luôn ở hình dạng vốn có của nó. Khi lớp da ở giữa này bị kéo giãn trong một thời gian dài, da mất sự đàn hồi và bị gãy, đứt các tổ chức liên kết dưới da cấu tạo bởi các sợi collagen và elastin… và hậu quả là rạn da.

Vết da bị rạn được hình thành qua hai thời kỳ.

Biểu hiện lúc đầu là những vệt đỏ, đỏ tím, có hoặc không kèm theo ngứa, không đau. Thời kỳ thứ 2, da chuyển sang màu trắng có ánh như xà cừ và hình thành các đường rạch lõm, là lúc tạo vết rạn: có sự tương phản khá rõ giữa làn da bình thường và vết rạn, khi sờ vào sẽ có cảm giác hơi sần.

Rạn da rất khó chữa và hy vọng xoá hoàn toàn các vết rạn trên da là không thể thực hiện được. Không có cách nào phục hồi lại các sợi Collagen và Elastin (thành phần tạo độ đàn hồi của da) khi nó đã đứt gãy. Chỉ có thể làm mờ vết rạn bằng các loại thuốc bôi có chứa Tretinoin, Lécithine, các dầu thiên nhiên, các vitamine C, E… nhưng phải uống thuốc ngay khi các vết rạn mới xuất hiện.

Chúc bạn mạnh khỏe.

Chữa rạn da bằng phương pháp dân gian như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Có phương pháp dân gian nào có thể chữa rạn da không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Rạn da là tình trạng da bị căng quá mức không có khả năng phục hồi. Nguyên nhân chính là do trọng lượng cơ thể thay đổi không ổn định hay trong thời kỳ mang thai, tình trạng rạn da xuất hiện làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp của phụ nữ ở mọi độ tuổi.

Có rất nhiều phương pháp để duy trì độ đàn hồi cho da.

1. Phương pháp duy trì chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, uống nước đầy đủ chỉ là giải pháp tạm thời để duy trì độ đàn hồi cho da nhằm giảm thiểu sự nghiêm trọng của vấn đề.

2. Các phương pháp dân gian có thể chữa rạn da:

a. Kem bơ ca cao và Vitamin E:

Nguyên liệu:

1 tách bơ ca cao

2 muỗng cà phê dầu Vitamin E

2 muỗng canh dầu mầm lúa mì

4 thìa sáp ong đã được nạo ra thành từng miếng nhỏ

Cách làm:

Cho tất cả các thành phần này vào một cái chảo nhỏ trên bếp lửa cho đến khi sáp ong tan chảy. Để nguội, bảo quản hỗn hợp bằng một chiếc hộp kín gió và trong tủ lạnh. Bạn nên sử dụng loại kem tự chế này hằng ngày để đạt được kết quả như mong muốn.

b. Kem từ quả bơ:

Nguyên liệu:

1 quả bơ chín

4 muỗng canh dầu Olive

4 muỗng canh thạch cây Lô hội (hay còn gọi là cây Nha đam)

6 viên nhộng Vitamin E

Một vài giọt kẽm dạng lỏng tùy thích

Cách làm:

Cho tất cả các thành phần vào máy xay đến khi tạo thành một hỗn hợp hồ nhão. Sau đó, thoa hỗn hợp lên vùng da bị rạn, để khoảng 30 phút và rửa sạch với nước ấm. Nếu muốn sử dụng hỗn hợp trong thời gian dài, bạn hãy thêm vào một ít nước chanh để bảo quản các thành phần tốt hơn và trong tủ lạnh.

c. Tẩy da chết: Sử dụng kem tẩy da chết thường xuyên giúp tái tạo lại tế bào da mới. Bạn nên kết hợp thêm với chế độ ăn giàu kẽm ( mầm lúa mì, vừng, hạt bí ngô, hạt đậu phộng, hàu biển….) có thể giúp da của bạn trở nên căng mịn hơn.

Chúc bạn thành công và sớm lấy lại được làn da như ý!

Da khô, rạn, nhiều mụn thịt sau sinh phải trị như nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Em năm nay 25 tuổi, làm công việc hành chính, hàng ngày em uống trung bình 2 lít nước nhưng da em vẫn rất khô, nhìn nhăn nheo như tuổi ngoài 30. Sau khi đẻ con em bị rạn da rất nhiều gồm màu nâu, trắng và các mụn thịt mọc nhiều hơn nhất là vùng dưới nách chỗ da non. Xin bác sĩ cho em lời khuyên chăm sóc da đúng cách.

Em cảm ơn!

Bác sĩ Trần Thị Đức


Chào bạn!

Có một làn da hồng hào, mịn màng là mong muốn của mọi người, đặc biệt là các chị em. Chúng tôi xin trả lời 3 ý mà bạn nêu như sau:

Da khô: Da khô là đặc điểm cấu trúc da đặc trưng của mỗi người. Da được chia làm 5 loại: da thường, da khô, da dầu, da hỗn hợp và da nhạy cảm. Chăm sóc da khô như bạn là hợp lý nhưng chưa đủ. Ngoài uống đủ nước hằng ngày bạn phải giữ ẩm cho da: dùng kem giữ ẩm, mềm da; đảm bảo môi trường ấm, độ ẩm vừa phải.

Rạn da: Rạn da là hiện tượng các bó sợi chun không hồi phục. Rạn da thường xảy ra ở phần đùi, thắt lưng, đầu gối, nách ở thanh thiếu niên khi tăng cân và chiều cao nhanh trong thời gian ngắn; bụng, ngực, đùi khi phụ nữ mang thai và lên cân. Đối với chị em khi mang thai thì việc chống rạn da cần tiến hành từ khi mang thai. Nhưng sau sinh, vẫn cần duy trì thói quen tốt để giúp da phục hồi.

Đa phần, sau khi sinh, phần bụng không còn bị căng giãn như lúc mang thai nên các vết rạn sẽ không tăng thêm. Tuy nhiên để da phục hồi hoàn toàn, bạn vẫn cần một chế độ chăm sóc đặc biệt.

Một số cách giúp các mẹ mới sinh xử lý làn da bị rạn:

Massage vùng da rạn, bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, E, giữ cân nặng hợp lý, bổ sung collagen: Trong quá trình mang thai và sau khi sinh người phụ nữ cần chú trọng đến việc bổ sung collagen cho cơ thể.

Ngoài ra bạn có thể đến các cơ sở chuyên khoa để thực hiện các phương pháp khác như: lăn kim, Laser Fractional, tế bào gốc

Nhiều mụn thịt trên da: Bạn không mô tả cụ thể, tuy nhiên theo chúng tôi có thể bạn đã bị bệnh mụn cơm (hạt cơm) hoặc u nhú. Là nhóm bệnh do virus gây sùi gây nên; bệnh có thể lây và ngày càng lan nhiều. Phương pháp chữa trị hiệu quả là dùng Laser CO2 bốc bay các tổn thương.

Để có chẩn đoán chính xác bạn nên đi khám bác sĩ sớm để được chữa trị kịp thời, tránh lây lan.

Chúc bạn luôn khỏe, đẹp!

Hai bên bẹn mọc nhiều vết loang có màu đỏ, hình rồng, không đau, không ngứa là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Nguyen van nam

Chào bác sĩ!

Cho em hỏi, hai bên bẹn em tự nhiên mọc nhiều vết loang có màu đỏ, kiểu như hình rồng. Những chỗ đó da mỏng hơn bình thường nhưng không đau, không ngứa. Em đang không biết bị làm sao, có nguy hiểm không? Mong các bác sĩ giúp em với ạ.

Em cảm ơn!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào em!

Theo thông tin em cung cấp em bị rạn da. Rạn da là tình trạng tổn thương da do ảnh hưởng của lực căng quá mức. Tổn thương là các đường rãnh dài và hẹp, có màu đỏ tím lúc đầu và sau đó trở nên trắng, thường gặp trên da vùng bụng, đùi, mông, ngực. Đây là triệu chứng rất thường gặp trong thời gian mang thai và trong giai đoạn đang tăng trưởng nhanh cả về chiều cao hoặc bề ngang. Tuy nhiên, trong một số tình huống đặc biệt da không bị ảnh hưởng của lực căng quá mức nhưng vẫn bị rạn nứt là những tình huống đã sử dụng thuốc bôi có chứa Corticosteroids trong thời gian kéo dài.

Rạn da thường xảy ra ở những vùng da mỏng và yếu trên cơ thể như: da vùng bụng, ngực, đùi, bẹn, mông, đầu gối và bắp chân… Bệnh tuy không tác động tới sức khoẻ nhưng lại làm mất đi vẻ đẹp của cơ thể, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Rạn da rất khó chữa và hy vọng xoá hoàn toàn các vết rạn trên da là không thể thực hiện được. Không có cách nào phục hồi lại các sợi Collagen và Elastin (thành phần tạo độ đàn hồi của da) khi nó đã đứt gãy, vì vậy việc chiếu năng lượng ánh sáng laser CO2, IPL… như các mỹ viện quảng cáo không thể làm các vết rạn mất đi. Việc áp dụng kỹ thuật siêu mài mòn có thể làm vết rạn khó thấy hơn, nhưng hiệu quả không đáng kể, bởi các sợi đàn hồi của da nằm sâu ở lớp dưới, không thể mài tới được. Nếu mài sâu quá sẽ làm tổn thương da, gây thâm nám.

Phương pháp duy nhất có thể làm vùng da bị rạn trở lại bình thường là cắt bỏ lớp da rạn, làm căng da hay ghép da thay thế vùng bị rạn bằng phẫu thuật thẩm mỹ. Trên thực tế, người ta có thể làm mờ vết rạn bằng các loại thuốc bôi có chứa Tretinoin, Lécithine, các dầu thiên nhiên, các vitamine C,E… và việc uống thuốc ngay khi các vết rạn mới xuất hiện sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Các loại chế phẩm sau có thể làm mờ nhạt và giảm kích thước vết rạn, hạn chế sự phát triển của chúng.

Khi các vết rạn trở nên lớn hơn hoặc các vết rạn da xuất hiện mà không tìm thấy lí do nào rõ rệt (ví dụ: mang thai, tăng cân nhanh, tăng trưởng ở tuổi dậy thì…) nên đi khám bác sĩ ngay để được định bệnh chính xác và có lời khuyên thích hợp cho việc điều trị.

Ngoài ra, người ta còn có thể sử dụng một số bài thuốc dân gian để xoá mờ các vết rạn da:

Dùng các loại dầu chiết xuất từ hướng dương, dầu đậu nành, dầu oliu xoa đều lên các vùng da bị rạn hàng ngày trước khi đi ngủ giúp khôi phục độ đàn hồi cho da và hoạt động của các tế bào biểu bì da.

Lòng trắng trứng có công dụng kỳ diệu trong việc khôi phục và tái tạo Collagen cho da. Dùng lòng trắng trứng xoa đều lên vùng da bị rạn sau đó rửa sạch bằng nước lạnh. Cách này có thể làm mờ đi các vết rạn một cách nhanh chóng.

Dùng sữa bò tươi mát xa vùng da bị rạn vào mỗi buổi tối cũng có tác dụng tốt.

Khi các vết rạn da gây tác động nghiêm trọng về mặt thẩm mỹ, có thể chữa trị các vùng da đỏ xuất hiện sớm bằng các phương pháp sau:

Kem Tretinoin.

Điều trị bằng Laser.

Lột nhẹ bằng hóa chất.

Phòng và chống rạn da.

Khi đã bị rạn da không thấy loại thuốc nào chữa khỏi được. Tuy nhiên, có thể làm mờ đi, làm nhẵn và làm nhạt màu đỏ, trắng của vết rạn bằng các loại thuốc bôi. Dân gian có bài thuốc dùng dầu vừng, dầu đậu nành, dầu hướng dương xoa chống rạn da. Mỗi ngày 2 lần, bạn đổ một ít dầu vào bàn tay rồi xoa đều các vùng bị rạn. Hoặc có thể dùng một trong những thứ sau: lòng đỏ trứng gà, sữa bò tươi, cà chua, cà rốt giã nhuyễn mà xoa nhưng sau một một giờ cần rửa cho sạch. Tuỳ theo thời gian xoa thuốc với những vết rạn mới thì kết quả sẽ tốt hơn những vết rạn đã lâu ngày.

Ngoài ra, có thể phòng ngừa những vết rạn khi thay đổi trọng lượng cơ thể, khi có biến động hormon bằng cách:

Xoa các loại thuốc này vào những vùng da yếu, mỏng vì nó giữ cho da được mềm mại, tăng đàn hồi, hạn chế rạn da.

Các vết rạn da ở tuổi thiếu niên thường cải thiện theo thời gian, không cần thiết chữa trị.

Ngưng dùng các loại kem bôi có chứa Corticosteroid ở những vùng da tổn thương. Các loại kem bôi ngoài mua tự do thường không thấy tác dụng.

Kiểm soát cân nặng của mình, không để cơ thể tăng cân quá nhanh trong thời gian ngắn.

Thường xuyên luyện tập thể thao giúp cơ bắp săn chắc.

Ăn uống hợp lý.

Nên sử dụng các thức ăn có chứa nhiều protit giúp tổng hợp collagen nuôi dưỡng da. Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả, 2 loại thực phẩm này là nguồn cung cấp Carotinit, các vitamin và khoáng chất dồi dào cho cơ thể.

Chúc em khỏe mạnh!

Da xuất hiện vệt nâu, không gây đau hay ngứa rát là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Mai Nguyễn

Chào bác sĩ!

Cháu 24 tuổi, cách đây khoảng 2 tháng phần da đùi của cháu xuất hiện 2 vệt màu nâu sậm hơn so với màu da bình thường, cháu không để ý lắm, tuy nhiên khoảng vài ngày gần đây da cháu lại xuất hiện thêm 2 vệt màu nâu như vậy nữa, 1 vệt gần chỗ cũ, 1 vệt ngay đầu gối, những vệt nâu đó có hình dạng và kích thước khác nhau, không gây đau hay ngứa rát gì hết ạ. Vậy da cháu bị sao ạ? Mong bác sĩ tư vấn.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào cháu!

Thông tin cháu cung cấp, cháu bị rạn da. Rạn da là tình trạng tổn thương da do ảnh hưởng của lực căng quá mức. Tổn thương là các đường rãnh dài và hẹp, có màu đỏ tím lúc đầu và sau đó trở nên trắng, thường gặp trên da vùng bụng, đùi, mông, ngực. Đây là triệu chứng rất thường gặp trong thời gian mang thai và trong giai đoạn đang tăng trưởng nhanh cả về chiều cao hoặc bề ngang. Tuy nhiên, trong một số tình huống đặc biệt da không bị ảnh hưởng của lực căng quá mức nhưng vẫn bị rạn nứt là những tình huống đã sử dụng thuốc bôi có chứa Corticosteroids trong thời gian kéo dài.

Rạn da thường xảy ra ở những vùng da mỏng và yếu trên cơ thể như: da vùng bụng, ngực, đùi, bẹn, mông, đầu gối và bắp chân… Việc chữa trị rạn nứt da hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đã có nhiều phương pháp chữa trị mới được thử nghiệm và ứng dụng gần đây nhưng hiệu quả chữa trị vẫn không được chắc chắn. Do đó đối với tình trạng rạn nứt da thì vấn đề phòng ngừa vẫn là chính.

Có rất nhiều thuốc bôi có hiệu quả cải thiện rạn nứt da như Tretinoin, Glycolic acid, Trichloracetic acid, vitamin C, Sulfate kẽm, một số chiết xuất từ thảo dược như rong tảo biển…

Những biện pháp chữa trị tích cực hơn như:

Bào da nông: Việc áp dụng kỹ thuật siêu mài mòn có thể làm vết rạn khó thấy hơn, nhưng hiệu quả không đáng kể, bởi các sợi đàn hồi của da nằm sâu ở lớp dưới, không thể mài tới được. Nếu mài sâu quá sẽ làm tổn thương da, gây thâm nám.

Phẫu thuật cắt bỏ các vết rạn nứt to

Ánh sáng trị liệu IPL

Tia laser: Rạn da có thể được chữa trị bằng laser CO2, laser xung màu có bước sóng 585 nm, hoặc IPL tùy thuộc vào độ tuổi của vết rạn nứt da.

Phòng và chống rạn da

Khi đã bị rạn da không có loại thuốc nào chữa khỏi được. Tuy nhiên, có thể làm mờ đi, làm nhẵn và làm nhạt màu đỏ, trắng của vết rạn bằng các loại thuốc bôi.

Dân gian có bài thuốc dùng dầu vừng, dầu đậu nành, dầu hướng dương xoa chống rạn da. Mỗi ngày 2 lần, cháu đổ một ít dầu vào bàn tay rồi xoa đều các vùng bị rạn. Hoặc có thể dùng một trong những thứ sau: lòng đỏ trứng gà, sữa bò tươi, cà chua, cà rốt giã nhuyễn mà xoa nhưng sau một một giờ cần rửa cho sạch.

Tuỳ theo thời gian xoa thuốc với những vết rạn mới thì kết quả sẽ tốt hơn những vết rạn đã lâu ngày. Ngoài ra, có thể phòng ngừa những vết rạn khi thay đổi trọng lượng cơ thể, khi có biến động hormon bằng cách xoa các loại thuốc này vào những vùng da yếu, mỏng vì nó giữ cho da được mềm mại, tăng đàn hồi, hạn chế rạn da.

Ngưng dùng các loại kem bôi có chứa Corticosteroid ở những vùng da tổn thương. Các loại kem bôi ngoài mua tự do thường không có tác dụng. Kiểm soát cân nặng của mình, không để cơ thể tăng cân quá nhanh trong thời gian ngắn. Thường xuyên luyện tập thể thao giúp cơ bắp săn chắc. Ăn uống hợp lý. Nên sử dụng các thức ăn có chứa nhiều Protit giúp tổng hợp Collagen nuôi dưỡng da. Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả, 2 loại thực phẩm này là nguồn cung cấp Carotinit, các vitamin và khoáng chất dồi dào cho cơ thể.

Chúc cháu mạnh khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl