Viêm dạ dày mãn tính và những câu hỏi thường gặp


4,226
1
1
Xu
53
Viêm dạ dày mãn tính là nỗi khổ của khá nhiều người. Chính vì vậy, những bệnh nhân mắc phải bệnh này cần rất nhiều hỗ trợ và tư vấn chi tiết từ các y sĩ, bác sĩ chuyên khoa.

Điều trị viêm dạ dày mãn tính


Câu hỏi bởi: Phuc nhok

Chào bác sĩ.

Năm nay cháu 23 tuổi, cháu bị viêm dạ dày mấy năm rồi không khỏ, ăn vào là bụng căng cứn. Cháu uống thuốc mật nghệ đen nhiều mà vẫn không hết bệnh. Mong bác sĩ cho cháu hướng điều trị tốt nhất.

Cháu cảm ơn ạ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào cháu.

Cháu chỉ nói cháu bị viêm dạ dày mấy năm, ăn vào là bụng căng cứng. Cháu không nói cháu đã đi khám ở đâu, cháu đã được bác sĩ chữa trị thuốc gì hay cháu mới chỉ uống mật nghệ đen nên bệnh không thuyên giảm, chế độ sinh hoạt của cháu thế nào? Có căng thẳng, áp lực, cháu có uống nhiều bia, rượu? Trước khi cháu bị viêm dạ dày, cháu có sử dụng một số thuốc gây hại cho niêm mạc dạ dày hay không?

Theo tôi, cháu nên đi khám chuyên khoa Tiêu hóa để có chẩn đoán chính xác, chữa trị và theo dõi kịp thời bệnh của cháu, tránh các biến chứng nặng như xuất huyết dạ dày… Cháu nên nhớ, bệnh viêm dạ dày hay tái phát, liên quan đến chế độ ăn uống, sinh hoạt, nên cháu phải tuân thủ phác đồ chữa trị của bác sĩ, tái khám sau mỗi đợt chữa trị, luôn hợp tác với bác sĩ. Cháu có thể tham khảo bệnh viêm dạ dày dưới đây:

Bệnh viêm dạ dày có rất nhiều lí do, những lí do thường gặp là: trong dạ dày nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), virus, nấm, sử dụng các loại thuốc có hại cho niêm mạc dạ dày như thuốc aspirin, các loại thuốc kháng viêm nonsteroid (Ibuprofen, Diclofenac…Chế độ ăn uống không điều độ như uống quá nhiều rượu, bia, ăn quá no hoặc thức ăn có nhiều gia vị (quá cay, quá chua,…), do stress (lo lắng quá, bị áp lực trong cuộc sống…), sau một chấn thương nặng, sau một ca mổ lớn, bỏng hoặc nhiễm trùng nặng… Sự trào ngược thường xuyên dịch mật từ tá tràng vào dạ dày gây viêm dạ dày.

Điều trị viêm dạ dày hiệu quả đòi hỏi bác sĩ phải có chẩn đoán chính xác và người bệnh phải kiên trì, tuân theo phác đồ chữa trị, hợp tác tốt với thầy thuốc, và phải chữa trị lí do.

– Điều trị khỏi một tình huống viêm dạ dày người bệnh phải uống thuốc và theo dõi liên tục trong một thời gian từ nhiều tuần đến nhiều tháng.

– Các loại thuốc thường được sử dụng trong chữa trị viêm dạ dày: trung hòa a-xít dịch vị, bao bọc niêm mạc dạ dày, giảm tiết a-xít dịch vị… Nếu có nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori thì có chỉ định dùng kháng sinh để diệt vi khuẩn Helicobacter pylori.

– Điều trị triệt để bệnh viêm dạ dày thì phải loại bỏ được lí do gây viêm dạ dày. Người bệnh giữ vai trò rất quan trọng trong việc loại bỏ các lí do của viêm dạ dày (không uống rượu, bia, cà phê, thuốc lá, ăn các gia vị cay như ớt…, giảm stress…). Bệnh viêm dạ dày là một bệnh hay tái phát. Khi bệnh tái phát việc chữa trị sẽ phải làm lại từ đầu.

Chúc cháu sức khỏe!

Cách điều trị viêm dạ dày mãn tính


Câu hỏi bởi: nguyễn văn hải

Chào bác sĩ.

Năm nay cháu 23 tuổi, cách đây 4 năm cháu bị viêm dạ dày. Cháu có đi khám và đã khỏi bệnh được khoảng 3 năm sau đó cháu bị lại, rồi cháu lại đi khám, cháu uống nhiều thuốc nhưng chỉ đỡ được 1 thời gian ngắn rồi lại bị lại. Giờ cháu cảm giác miệng bị đắng, ăn không ngon, nhìn thấy đồ ăn là chán ăn, hay bị ợ hơi, ợ chua, và đầy bụng, cảm giác người rất mệt mỏi. Bác sĩ cho cháu hỏi cháu bị dạ dày hay là bị trào ngược dạ dày thực quản?

Cháu cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào cháu.

Cháu đã bị viêm dạ dày và hay tái phát như vậy có khả năng đã trở thành mãn tính. Viêm dạ dày mãn tính là một bệnh rất phức tạp, tới nay chưa có cách chữa trị hiệu quả thực sự. Hơn nữa viêm dạ dày là do rất nhiều lí do và có liên quan nhiều đến chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng như tinh thần. Vì vậy, bên cạnh việc dùng thuốc theo từng đợt viêm cấp, cháu cần chú ý những vấn đề sau:.

– Không sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê đặc hoặc trà đặc.

– Ăn những thứ dễ tiêu hóa.

– Kiêng ăn chua, ăn nguội, quá nóng, quá cay và đồ khô rắn, tránh để đói hoặc no quá. Khi ăn phải nhai chậm, nhai kỹ sẽ có lợi cho tiêu hóa.

– Nên ăn nhiều bữa và số lượng thức ăn trong mỗi bữa có thể ít đi.

– Ăn uống phải đúng giờ, không ăn quá nhiều trong một bữa. Kiêng ăn các thực phẩm ướp hoặc xào rán, ít ăn các thực phẩm mặn và các loại bánh quá ngọt.

– Khi bị viêm mũi, viêm họng hoặc khoang miệng phải chữa trị kịp thời để tránh nuốt vi trùng vào dạ dày, gây viêm niêm mạc dạ dày. Hạn chế dùng một số thuốc có corticoit, thuốc giảm đau…

– Thường xuyên luyện tập nhẹ nhàng.

Chúc cháu sức khỏe.

Viêm loét dạ dày mãn tính có chữa được không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Xin chào bác sĩ.

Năm nay tôi 29 tuổi. Tôi mắc bệnh viêm loét dạ dày mãn tính, liệu bệnh của tôi có chữa được không? Xin các bác sĩ giải đáp cho tôi về căn bệnh của mình.

Tôi xin cảm ơn

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào bạn.

Bạn nói bạn bị viêm loét dạ dày mãn tính, bạn không nói rõ bạn đã đi khám ở đâu, bác sĩ nào đã chẩn đoán cho bạn, bạn đã chữa trị bệnh theo đơn của bác sĩ chưa? Theo tôi bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa có uy tín để được khám, làm các xét nghiệm cần thiết đánh giá tình trạng bệnh của bác, các bác sĩ sẽ có phác đồ chữa trị tốt nhất cho bạn. Bạn nên kiên trì tuân theo phác đồ chữa trị của bác sĩ, tái khám sau mỗi đợt chữa trị.

Ngoài uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bạn nên có chế độ ăn, uống, sinh hoạt điều độ, hợp lý, tránh căng thẳng, không uống bia, rượu, ăn nhiều các gia vị, các chất kích thích, không hút thuốc lá… Bạn có thể tham khảo bệnh viêm loét dạ dày dưới đây. Bệnh viêm loét dạ dày là một bệnh rất phổ biến trong xã hội hiện nay. Có rất nhiều lí do gây bệnh.

Chế độ ăn: ăn quá nhiều chất kích thích, thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng,nhiều chất béo. Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng kéo dài. Nghiện rượu, nghiện thuốc lá. Ăn vội vàng, nhai không kỹ. Rối loạn giờ giấc ăn uống thường xuyên, ăn không đúng bữa, không đúng giờ, ăn quá khuya, lúc ăn thì quá no, lúc thì nhịn đói quá lâu.

Thuốc và các hóa chất: thường gặp là a-xít, bụi kim loại, các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, Corticoid…

Nhiễm trùng: nhiễm HP đây là một loại vi khuẩn gram âm, có hình xoắn, thường gây ra các bệnh lý ở dạ dày tá tràng.

Nguyên nhân thần kinh: viêm loét dạ dày thường hay gặp ở những người hay lo lắng, sợ hãi, làm việc quá căng thẳng, gặp ở người sống ở thành thị nhiều hơn ở nông thôn, gặp ở người làm việc trí óc nhiều hơn ở người làm việc chân tay.

Nguyên nhân nội tiết: đái tháo đường, hạ đường huyết, hội chứng cushing, xơ gan…

Điều trị bệnh: hiện nay, có rất nhiều loại thuốc chữa trị viêm loét dạ dày với mục đích chữa trị:

Giảm yếu tố gây loét. Dùng thuốc ức chế bài tiết Acid clohydric và Pepsin. Dùng thuốc trung hoà Acid clohydric đã được bài tiết vào dạ dày.

Tăng cường yếu tố bảo vệ niêm mạc. Dùng các thuốc bao phủ niêm mạc và băng bó ổ loét. Dùng thuốc kích thích sản xuất chất nhầy (mucin).

Diệt trừ vi khuẩn HP. Dùng các kháng sinh và các chất diệt khuẩn như Bismuth.

Ngoài việc dùng thuốc chữa trị duy trì, đối với các bệnh nhân viêm dạ dày, chế độ ăn là một phần của các yêu cầu chữa trị và một chế độ ăn đúng cũng góp phần tích cực vào kết quả chữa trị:

Bạn cần tránh ăn các thức ăn dễ kích thích như: rượu, các chất gia vị như ớt, hạt tiêu. các chất có nhiều chất chua: hoa quả, dấm…Không hút thuốc lá, thuốc lào.

Ăn chế độ riêng: tuỳ thuộc vào từng giai đoạn bệnh và các biến chứng kèm theo. Nên ăn chậm, nhai kỹ. Buổi tối nên ăn một miếng bánh ngọt hoặc uống một cốc sữa nhỏ, không nên để dạ dày rỗng, đói.

Nên có chế độ làm việc hợp lý, tránh làm việc gắng sức, tránh căng thẳng thần kinh, tránh stress tâm lý.

Bạn cần lưu ý tái khám sau mỗi đợt chữa trị, bác sĩ sẽ so sánh kết quả trước và sau khi chữa trị để giúp bạn điều trị bệnh hiệu quả.

Chúc bạn sức khỏe!

Viêm dạ dày kết hợp viêm họng mạn tính phải điều trị như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em tên là Cường, năm nay em 26 tuổi, cách đây khoảng hơn 2 tháng tự nhiên em cảm thấy vướng, khó nuốt, cổ họng ra đờm liên tục. Em đã đi khám ở bệnh viện Quân y 175, bác sĩ chẩn đoán em bị viêm họng mạn tính nghi do trào ngược dạ dày. Bác sĩ cho em thuốc về uống mà em không đỡ. Sau đó em đi nội soi dạ dày, kết quả là em bị viêm dạ dày và vi khuẩn HP, bác sĩ cho em thuốc về uống nhưng uống được 4, 5 bữa thì em ngưng vì cổ họng bị đau ở 2 bên và nuốt vẫn còn vướng. Em lên bệnh viện Tai Mũi Họng thành phố Hồ Chí Minh khám, bác sĩ chẩn đoán em bị viêm amidan và cho thuốc về uống. Em đã dùng thuốc được 2 ngày và vẫn thấy vậy.

Hiện tại em vẫn còn cảm thấy nuốt vướng, đặc biệt là lúc nuốt nước bọt và sau khi uống nước, ăn cơm xong em có cảm giác thức ăn không tiêu, thức ăn lên tới họng, đôi lúc ợ chua, ợ hơi, cổ họng thì ra đờm liên tục, đau ở 2 bên. Bây giờ em cảm thấy rất lúng túng và lo lắng vì không biết thực sự mình bị mắc bệnh gì nữa. Bác sĩ có thể giải đáp cho em về vấn đề này được không ạ?

Em xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Như vậy là có thể bạn bị hai bệnh một lúc, bệnh viêm trào ngược dạ dày tá tràng và viêm amidan. Bạn có một sai lầm là khi khám ở bệnh viện Tai Mũi Họng không kể bệnh về bệnh dạ dày bị viêm và xét nghiệm vi khuẩn HP dương tính để bác sĩ kết hợp thuốc chữa trị cả hai bệnh một lúc, hoặc đi khám nội soi dạ dày không kể cả bệnh về họng để bác sĩ cân nhắc cho đơn thuốc. Mỗi lần khám chỉ chuyên về một bệnh ở một cơ sở chuyên khoa, nên đơn thuốc chỉ chữa mỗi bệnh đó. Nếu bây giờ uống cả hai thứ một lúc thì có thể sẽ có một số loại thuốc trùng lặp hoặc tương tác với nhau gây nguy hiểm.

Có một số cách để bạn lựa chọn như sau:

– Cầm cả hai toa thuốc đến gặp bác sĩ nào đó để họ phân loại và kết hợp thuốc uống phù hợp cho bạn để chữa trị cả hai bệnh cùng một lúc.

– Tái khám lại ở một trong hai cơ sở đã khám trước đó, khi đi mang theo toa thuốc cũ đã dùng và chú ý kể cả những biểu hiện khác kèm theo để bác sĩ phối hợp thuốc (khám ở Tai Mũi Họng thì nêu thêm bệnh dạ dày, khám ở khoa Tiêu hóa thì nêu thêm bệnh ở tai mũi họng).

– Ưu tiên chữa trị theo toa thuốc chữa viêm dạ dày trào ngược trước, chữa dứt điểm bệnh dạ dày sau đó mới chữa chuyên về bệnh mũi họng vì trong toa thuốc dạ dày cũng đã có kháng sinh và cũng sẽ có tác dụng với bệnh viêm amidan, đồng thời bệnh viêm dạ dày trào ngược nguy hiểm hơn, có thể là lí do gây viêm họng mãn, viêm amidan.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Viêm thực quản 1/3 dưới và viêm dạ dày trợt phù nề xung huyết mãn tính


Câu hỏi bởi: Bá Hoà

Chào bác sĩ.

Em có đi khám và soi dạ dày, được chẩn đoán là viêm thực quản 1/3 dưới và viêm dạ dày trợt phù nề xung huyết mãn tính. Bác sĩ có kê đơn: Vespratab 40mg, Ercefuryl, Lacteol, Neurobion và Pépane. Bác sĩ cho em hỏi uống theo đơn thuốc này được không ạ? Em còn bị ợ chua và đi ngài phân lỏng nữa ạ.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn.

Bạn bị viêm trợt niêm mạc dạ dày mãn tính và viêm thực quản đoạn 1/3 dưới. Bạn có biểu hiện ợ chua và đi ngoài phân lỏng. Theo như đơn thuốc này chắc bác sĩ còn nghĩ đến một bệnh lý nữa đó là hội chứng ruột kích thích.

Các thuốc kê trong đơn bao gồm:

Vespatab 40 mg có tác dụng giảm tiết axit

Ecefuryl là một loại kháng sinh đường ruột nhẹ có tác dụng kháng khuẩn và hấp thu rất kém qua đường tiêu hóa nếu niêm mạc ruột không bị tổn thương

Lactomin là một loại men tiêu hóa

Pepsan có tác dụng bao bọc niêm mạc dạ dày và trung hòa axit dịch vị.

Các thuốc này đối với bệnh của bạn là uống được. Tuy nhiên, bạn không ghi rõ thời gian uống thuốc là bao nhiêu nên không giải đáp cụ thể cho bạn. Trong đơn thuốc của bạn thì có một loại thuốc là Ecefuryl là không nên dùng kéo dài, thời gian dùng của thuốc này thường chỉ một tuần.

Chúc bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl