Lưu ý cần biết về điều trị tim bẩm sinh ở trẻ


4,226
1
1
Xu
53
Điều trị tim bẩm sinh có nhiều cách. Tuy nhiên, dù áp dụng các nào chúng ta cũng cần có phương pháp khoa học nhất để không gây ra những sai lầm trong điều trị.

Trẻ mới sinh bị viêm phổi nặng và tim bẩm sinh phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Bác cho tôi hỏi, con nhà tôi mới sinh, cháu bị viêm phổi nặng. Bác sĩ bảo cháu bị tim bẩm sinh, bị thông liên thất 4mm và thông liên nhĩ lỗ thứ 2. Bác sĩ cho đơn thuốc lợi tiểu và chống suy tim, nhưng cháu uống vào cứ nôn ra mà nôn nhiều lần trong ngày. Xin hỏi bác sĩ đây là bị làm sao? Cách chữa trị thế nào?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Lê Hữu Lợi


Chào bạn!

Trước hết có thể chia sẻ với bạn rằng cháu bị tim bẩm sinh nặng với 2 dị tật là thông liên nhĩ và thông liên thất. Viêm phổi ở trẻ bị tim bẩm sinh thường tái phát nhiều lần do tình trạng sung huyết động mạch phổi và thể trạng suy dinh dưỡng. Đối với tình huống của cháu, bác sĩ đã khám, cho chỉ định chữa trị trợ tim và lợi tiểu tức là tình trạng đã nặng, có triệu chứng suy tim. Cháu cần được theo dõi để điều chỉnh thuốc và có hướng chữa trị triệt để thông qua theo dõi áp lực động mạch phổi và tình trạng suy tim để có chỉ định đóng lỗ thông liên thất và thông liên nhĩ. Chỉ định đóng lỗ thông thường xem xét thực hiện ở trẻ trên 3 tuổi để hạn chế các nguy cơ phẫu thuật. Trường hợp cháu nôn liên tục và không thể dùng thuốc bạn cần đưa cháu nhập viện để theo dõi tình trạng viêm phổi, suy tim, rối loạn thông khí và có thể có chỉ định uống thuốc tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch phù hợp với tình trạng lâm sàng của cháu.

Chúc gia đình bạn mạnh khỏe!

Bị tim bẩm sinh, không điều trị liệu có nặng lên hay không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Người thân của tôi năm nay 15 tuổi, là nữ giới, bị bệnh tim từ khi mới sinh ra. Tuy vậy vẫn sống khỏe mạnh và hiếm khi bị bệnh. Cho tôi hỏi liệu sau này bệnh của em ấy có nặng thêm theo thời gian hay không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Phần lớn những trẻ có bệnh tim bẩm sinh nhẹ thì không cần chữa trị. Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh cần được khuyến khích giữ gìn sức khỏe nói chung, kể cả một chế độ ăn cân bằng giữa “sức khỏe và bệnh tim”, tập thể dục nhịp điệu và tránh hút thuốc. Thậm chí những trẻ có bệnh tim vừa hoặc nặng cũng không phải hạn chế nghiêm ngặt các hoạt động thể lực. Tập thể dục cần được thích nghi với khả năng tham gia của trẻ. Những trẻ này cũng nên được tiêm chủng phòng dịch theo thường lệ, kể cả vắc-xin phòng cúm…

Người thân của bạn bị bệnh tim bẩm sinh nhưng vẫn khỏe mạnh, chứng tỏ chỉ bị bệnh nhẹ thôi. Tuy nhiên, vì là nữ giới nên khi trưởng thành, người thân của bạn sẽ phải đối mặt với thiên chức làm vợ, làm mẹ. Tùy thuộc vào loại bệnh tim bẩm sinh mà người đó mắc phải, nếu tổn thương đơn giản, không có biểu hiện triệu chứng gì thì hoàn toàn có thể mang thai và đẻ con bình thường. Nếu tổn thương nặng, phức tạp với những triệu chứng bệnh nặng nề thì không nên mang thai và đẻ con, thậm chí là không nên kết hôn.

Vì vậy, nếu hiện tại người thân của bạn vẫn khỏe mạnh thì bạn nên yên tâm, không thấy gì phải lo lắng. Sau này, khi cô ấy lớn lên, trước khi quyết định kết hôn hoặc mang thai, cô ấy nhất thiết phải đi khám bác sĩ chuyên khoa Tim mạch để bác sĩ cân nhắc và đưa ra quyết định xem cô ấy có phải đối mặt với nguy cơ gì không.

Chúc bạn sức khỏe!

Thất phải bị giãn sau 7 năm phẫu thuật tim bẩm sinh, có cần phẫu thuật lại không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Con gái tôi bị tim bẩm sinh tứ chứng Fallot 4 đã phẫu thuật năm cháu được 4 tuổi (năm 2006). Năm nay cháu 13 tuổi, hiện giờ thất phải của cháu đã bị giãn cháu có phải phẫu thuật lại không và bao giờ phẫu thuật thì hợp lí và chi phí như thế nào. Gia đình mong bác sĩ thông tin giúp.

Xin chân thành cảm ơn.

Dược sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Phẫu thuật sửa chữa hoàn toàn tứ chứng Fallot đã được tiến hành cách đây 50 năm (1954 bởi Lillehei và CS). Kết quả phẫu thuật đã giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân tim bẩm sinh nói chung. Tỷ lệ tử vong chỉ còn 1% ở những trung tâm lớn. Chính vì vậy, vấn đề quan tâm ở những bệnh nhân sau phẫu thuật sửa chữa hoàn toàn tứ chứng Fallot đó là theo dõi hiệu quả, kết quả trung và dài hạn sau phẫu thuật.

Mặc dù nhiều tác giả cho rằng không cần phải thay van động mạch phổi sau khi sửa chữa triệt để tứ chứng Fallot. Có những bằng chứng gần đây cho rằng tỉ lệ này là khá cao. Những dấu hiệu cần phải quan tâm bao gồm tim to dần, giãn và giảm chức năng thất phải. Một số tác giả cũng cho rằng thay van động mạch phổi đưa đến nhiều lợi điểm cho bệnh nhân hơn là không thay van. Trong tương lai, kỹ thuật thay van bằng thông tim can thiệp theo phương pháp Bonhoeffer có thể tránh phải mổ lại lần thứ hai.

Bạn nên đưa con đến các trung tâm tim mạch hàng đầu cả nước như viện Tim Hà Nội, viện Tim Bạch Mai hoặc bệnh viện Việt Đức để khám và có hướng can thiệp hiệu quả nhất.

Chúc gia đình bạn sức khỏe!

Bé bị tim bẩm sinh, thông liên nhĩ lỗ thứ nhất điều trị sao cho hiệu quả nhất?


Câu hỏi bởi: Anh Tuấn

Thưa bác sĩ!

Cháu trai tôi lúc được 6 ngày tuổi bị chẩn đoán tim bẩm sinh khi sieu âm lần đầu tiên (còn ống động mạch 4,4mm, shunt T-P, PG = 25mmhg, thông liên nhĩ lỗ thứ hai 4,9 mm, shunt T-P. Bác sĩ hẹn 2 tháng sau siêu âm lại thì kết quả là ống động mạch đã đóng còn thông liên nhĩ lỗ thứ nhất 4,4mm shunt T-P. Xin hỏi bác sĩ trường hợp của cháu thì phương pháp chữa trị như thế nào là tốt nhất? Cháu được 2 tháng nặng 5,5kg. Mong câu trả lời của bác sĩ.

Xin chân thành cảm ơn.

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào bạn!

Thông liên nhĩ (TLN) chiếm khoảng từ 5% đến 10% các tình huống tim bẩm sinh. Có bốn dạng thông liên nhĩ thông thường: thông liên nhĩ kiểu lỗ thứ hai, thông liên nhĩ kiểu lỗ thứ nhất, thông liên nhĩ kiểu xoang tĩnh mạch và thông liên nhĩ thể xoang vành. Vấn đề được nhiều người quan tâm là chữa trị ra sao để hạn chế các hậu quả, biến chứng gây tác động tới sức khỏe.

Về chữa trị, gồm các phương pháp: chữa trị nội khoa, ngoại khoa (phẫu thuật) và thông tim can thiệp (bít lỗ thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua da)

Điều trị Nội khoa: Được áp dụng cho các bệnh nhân chưa có chỉ định mổ hoặc quá giai đoạn chỉ định mổ. Nếu chưa có chỉ định mổ thì bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ, không cần chữa trị bằng thuốc. Bệnh nhân cần đi khám kiểm tra 6-12 tháng/lần.

Điều trị Ngoại khoa: Mổ vá lỗ thông liên nhĩ dưới trợ giúp của máy tim phổi nhân tạo. Đối với tất cả các tình huống thông liên nhĩ không phải lỗ thứ phát đều có chỉ định mổ ( thông liên nhĩ lỗ thứ 1, lỗ xoang vành,…).

Can thiệp bít lỗ thông liên nhĩ: Khi thông tim phải, người ta bít lỗ thông liên nhĩ bằng 1 thiết bị đặc biệt (giống chiếc ô nhỏ). Thông thường, tất cả các bệnh nhân sau bít thông liên nhĩ được dùng Aspirin 6 tháng và phòng viêm nội tâm mạc trong vòng 1 năm.

Điều đáng quan tâm là ở một số tình huống, thông liên nhĩ có thể tự đóng, do vậy không nên can thiệp ở trẻ dưới 1 tuổi nếu trẻ không suy tim, không tăng áp động mạch phổi nhiều. Nếu lỗ thông liên nhĩ đóng sớm thì thường trẻ nhỏ sẽ khỏi hẳn. Chỉ cần theo dõi và khám định kỳ trong khoảng 3 năm. Trong tình huống lỗ thông không đóng, theo khuyến cáo của các chuyên gia thì lý tưởng nhất nên mổ khi trẻ đủ lớn, lúc 3- 4 tuổi, nhưng không nên để quá muộn vì lỗ thông có thể tác động tới các cấu trúc, chức năng của tim. Do vậy, tình huống cháu nhà bạn thì cần theo dõi sát tình trạng sức khỏe của bé và tuân thủ nghiêm theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời đưa bé đi khám theo hẹn để theo dõi tiến triển của lỗ thông liên nhĩ.

Chúc bé nhà bạn mạnh khỏe.

Đau tim nhiều hơn, có cảm giác khó thở sau phẫu thuật tim là bị làm sao?


Câu hỏi bởi:

Thưa bác sĩ!

Mẹ cháu 52 tuổi, bị tim bẩm sinh là có lỗ nhỏ ở tim và đến tận bây giờ mới phát hiện ra. Cách đây hơn 1 tháng (tháng 12/2014), mẹ cháu có đi phẫu thuật, khi về nhà được hơn nửa tháng thì mẹ cháu thấy rất bình thường và không có dấu hiệu gì của đau tim. Nhưng nửa tháng sau trở lại đây mẹ cháu đau nhiều hơn ở tim, cảm giác khó thở nữa. Bác sĩ cho cháu hỏi mẹ cháu bị đau lại như thế có bị làm sao không và có cần đến bác sĩ để khám lại không ạ?

Cháu xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Các bệnh tim bẩm sinh thường gặp là thông liên nhĩ, thông liên thất, tứ chứng Fallot. Trường hợp mẹ cháu bị tim bẩm sinh có lỗ thông không rõ là thông liên nhĩ hay thông liên thất. Tuy nhiên có thể do lỗ thông nhỏ nên mẹ cháu vẫn có cuộc sống bình thường và được phát hiện muộn. Mẹ cháu đã được phẫu thuật cách đây 1 tháng nhưng gần đây lại bị đau nhiều hơn ở tim, cảm giác khó thở nữa. Không biết mẹ cháu đã được phẫu thuật dưới hình thức nào. Tuy nhiên khi có những triệu chứng như vậy cháu nên đưa mẹ đi khám lại vì có thể đấy là biểu hiện của biến chứng sau phẫu thuật.

Chúc cháu mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl