Môi, xương hàm và khả năng hồi phục


4,226
1
1
Xu
53
Tai nạn hoặc chữa trị/ làm đẹp có thể ảnh hưởng đến môi, xương hàm, răng… Bài viết sau là những giải đáp của bác sĩ liên quan đến khả năng hồi phục của môi, xương hàm sau điều trị/ tác động này.

Hàm dưới và môi tê bì sau khi nhổ răng có hồi phục được không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em mới nhổ răng số 8 hàm dưới bên phải được 4 ngày rồi nhưng toàn bộ răng hàm dưới và môi của bên răng vừa nhổ vẫn tê bì không có cảm giác gì. Trong khi những người nhổ cùng em thì chỉ sau 2 – 3 tiếng là hết tê hoàn toàn. Em hỏi bác sĩ nhổ cho em thì bác sĩ giải thích dưới chân răng của em có dây thần kinh chạy qua nên ảnh hưởng, rồi từ từ sẽ hồi phục dần. Vậy em muốn hỏi có phải như vậy không ạ? Em đang rất lo và sợ sẽ bị như vậy mãi. Bác sĩ có thể giải thích cho em vì sao lại vậy, và có đúng như lời bác sĩ nhổ răng cho em đã giải thích không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào em!

Răng số 8 (hay còn gọi là răng khôn) là răng mọc muộn nhất và thường gây nhiều biến chứng nhất. Nếu răng mọc và phát triển bình thường thì không gây khó chịu nhiều và không cần phải can thiệp gì nhưng răng sẽ cần phải được nhổ ở một số trường hợp như: răng mọc xiên, mọc lệch đã và sẽ làm lung lay răng bên cạnh; răng thiếu chỗ để phát triển; mọc răng gây biến chứng viêm quanh răng, viêm mô tế bào,…

Trường hợp của em, sau khi nhổ răng 4 ngày vẫn còn tê và mất cảm giác của hàm dưới có thể do vẫn còn tác dụng của thuốc tê (do gây tê sâu) hoặc do phần mềm còn phù nề nhiều và các tổn thương của các nhánh thần kinh chưa phục hồi. Vì vậy, em cần theo dõi tiếp trong một vài ngày, nếu không có dấu hiệu hồi phục cảm giác thì em nên khám lại chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt để kiểm tra.

Chúc em khỏe!

Gãy xương hàm dưới sau 6 tuần thì hồi phục như thế nào?


Câu hỏi bởi: Nam

Chào bác sĩ!

Em bị gãy xương hàm dưới. Lúc đầu bác sĩ bảo phải mỗ, nhưng sau khi niềng răng lại thì bác sĩ bảo không cần thiết phải mổ (có bị lệch). Hiện nay đã niềng được 4 tuần, bác sĩ bảo sau 6 tuần thì mở niềng ra. Xin bác sĩ cho em hỏi: Sau 6 tuần thì xương hồi phục như thế nào? Lúc này đã có thể nhai thức ăn mềm được chưa? Các va chạm nhẹ hoặc hắt hơi có tác động gì không?

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào em!

Trong chữa trị gãy xương hàm dưới có 2 phương pháp:

Điều trị bằng chỉnh hình: Chỉnh hình trong miệng là kỹ thuật ra đời sớm, được nhiều người ứng dụng và hiện nay vẫn là một phương pháp thông dụng ở nhiều nơi. Kết quả chữa trị cho những tình huống đường gãy đi qua vùng còn răng, di lệch ít. Nắn chỉnh xương gãy: bằng tay hoặc bằng lực kéo.

Cố định xương gãy: cố định hai hàm bằng phương pháp trong miệng: buộc dây thép, nẹp, cung cố định hàm, làm máng… và phương pháp ngoài miệng: băng cầm đầu, các khí cụ tựa vào sọ.

Điều trị phẫu thuật:

Điều trị chỉnh hình không thực hiện được trong một số tình huống đặc biệt: ở bệnh nhân mất nhiều răng, bệnh nhân có nhiều răng bị lung lay và bệnh nhân là trẻ em còn nhiều răng sữa.

Phẫu thuật cũng được sử dụng trong các tình huống chữa trị chỉnh hình không mang lại kết quả như mong muốn.

Như vậy là tình huống của em được chữa trị bằng chỉnh hình. Em nên tuân theo chỉ định của bác sĩ. Sau 6 tuần đi khám lại xem tình hình thế nào. Nếu xương đã ổn định thì có thể ăn thức ăn mềm. Nên hạn chế mọi va chạm, mọi ảnh hưởng có thể dẫn tới hắt hơi (nhất là hắt hơi mạnh) nhưng em có thể tập vận động hàm một cách nhẹ nhàng, dần dần.

Chúc em mạnh khỏe!

Phương pháp tập luyện để điều trị gãy xương hàm


Câu hỏi bởi: Bình Nguyên

Chào bác sĩ.

Bác sĩ cho em hỏi, em bị tai nạn gãy xương hàm và phẫu thuật ở bệnh viện Răng Hàm Mặt giờ đã được hơn 1 tháng. Bác sĩ đã tháo nẹp hàm ra nhưng 2 hàm em không mở được như cũ, bác sĩ nói là phải tập. Vậy cho em hỏi khoảng bao lâu thì mới mở miệng được như bình thường ạ. Em 24 tuổi là nam giới. Bác sĩ cho em hỏi luyện tập như thế nào để hàm có thể mở trở lại như cũ nhanh nhất. Mong bác sĩ sớm trả lời em.

Em cảm ơn bác sĩ ạ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Người ta thường chia gãy xương hàm làm hai loại: gãy xương hàm trên và gãy xương hàm dưới. Trong gãy xương hàm dưới lại có gãy từng phần: gãy xương ổ răng, vỡ lồi cầu, mỏm vẹt, bờ dưới xương hàm dưới, xuyên thủng xương; gãy toàn bộ: một đường: gãy vùng giữa, vùng bên, vùng góc hàm, cành lên, lồi cầu; hai đường: gãy đối xứng, không đối xứng; ba đường, phức tạp.

Trường hợp gãy xương hàm của bạn, tùy vào mức độ gãy mà thời gian và khả năng phục hồi sẽ khác nhau. Nói chung phải mất khoảng 3 – 6 tháng mới liền tốt. Hiện tại, bạn mới mổ được hơn 1 tháng nên hàm sẽ chưa thể mở lại như cũ được. Bạn cần phải tập mở miệng dần dần để sớm trở lại ăn uống bình thường. Việc tập luyện cần phải kiên trì tập luyện từng bước, không thể nôn nóng. Sau mổ tháo nẹp một tháng, 3 tháng và sau 6 tháng bạn nên khám lại để các sĩ kiểm tra mức độ hồi phục về giải phẫu và chức năng của xương hàm. Nếu có gì bất thường thì bạn khám lại ngay.

Chúc bạn chóng bình phục!

Gãy xương hàm do tai nạn giao thông


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu muốn hỏi, cháu bị tai nạn giao thông, các bác sĩ chẩn đoán gãy xương hàm trên Leofrt, gò má, xương chính mũi. Chữa trị, phẫu thuật kết hợp xương ở ổ má ngoài, đục gãy lại xương hàm trên, cố định hàm. Thưa bác sĩ, vậy còn chỗ nào chữa mổ không và nếu cháu mổ ở bệnh viện Răng – Hàm – Mặt Trung ương được không vậy?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào cháu!

Tai nạn giao thông có chấn thương hàm mặt, gãy xương hàm trên Lefort thường là những chấn thương nặng do vùng hàm mặt bị va đập mạnh, trực tiếp nên mới gây nên gãy xương hàm trên kiểu Lefort và thường kèm theo tổn thương các xương mũi như: xương chính mũi, xương lệ, xương xoăn dưới, xương lá mía và có thể có tổn thương cả xương gò má.

Gãy xương hàm trên kiểu Lefort là kiểu gẫy xương hàm trên hoàn toàn với đường gãy ngang. Tùy thuộc vào vị trí của đường gẫy mà người ta chia ra làm 3 loại: Lefort I, Lefort II và Lefort III. Việc phân chia này không chỉ giúp đánh giá mức độ tổn thương xương, mức độ nặng nhẹ của bệnh mà còn liên quan tới phương pháp chữa trị.

Tuy nhiên, cả 3 kiểu gẫy xương hàm trên này đều cần phải phẫu thuật để kết hợp xương. Đối với gẫy xương gò má, nếu xương gò má gãy phức tạp hoặc gãy lún nhiều tác động tới thẩm mỹ thì mới có chỉ định mổ kết hợp xương, mổ nhấc xương lún. Nếu gãy xương gò má ít tác động tới thẩm mỹ, gãy đơn giản thì không có chỉ định mổ, xương sẽ tự liền tốt. Ngoài ra, nếu có tổn thương các xương mũi thì cần phải phẫu thuật tạo hình mũi đồng thời với phẫu thuật kết hợp xương hàm.

Với tình huống chấn thương hàm mặt phức tạp như của cháu, cháu nên mổ ở bệnh viện Răng – Hàm – Mặt Trung ương, ở đó có sự tối ưu cả về mặt chuyên môn và trang thiết bị kĩ thuật. Đó là tuyến cao nhất và tuyến cuối cùng chữa trị các vấn đề về răng hàm mặt.

Chúc cháu mau khỏe!

Bị gãy xương hàm trên nhẹ có cần mổ không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em bị gãy xương hàm trên nhẹ. Cách 6 ngày không còn đau hay nhức nữa. Đi khám ở bệnh viện Răng – Hàm – Mặt trung ương bác sĩ kêu em về thứ 2 nhập viện chờ mổ. Vậy bác sĩ cho em hỏi là mổ như thế nào. Có nặng không ạ?

Em cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Điều trị phẫu thuật gãy xương hàm trên được chỉ định trong một số tình huống: Điều trị chỉnh hình không thực hiện được ở bệnh nhân mất nhiều răng, bệnh nhân có nhiều răng bị lung lay và bệnh nhân là trẻ em còn nhiều răng sữa. Trong các tình huống di lệch nhiều, có thể để lại sự tiếp xúc hai đầu gãy không tốt thì phương pháp chỉnh hình sẽ không đem lại kết quả như mong muốn. Vì vậy, cần thiết phải có các chỉ định phẫu thuật cố định xương hàm. Trường hợp của bạn, bác sĩ yêu cầu nhập viện chờ mổ có thể là do bạn bị gãy có di lệch nhiều chứ không phải bị nhẹ như bạn nghĩ. Nếu còn băn khoăn, bên nên đề nghị bác sĩ trực tiếp khám giải thích rõ tình trạng trước khi mổ.

Chúc bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl