Nói ngọng, nói chậm, nói lắp, … – Điều trị và phục hồi như thế nào?


4,226
1
1
Xu
53
Có rất nhiều người không may mắc phải dị tật này do bẩm sinh hoặc do tai nạn. Bài viết dưới đây tổng hợp giải đáp của bác sĩ về khả năng phục hồi dị tật này.

Chữa tật nói chậm như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ, em tên là Phượng, 19 tuổi học ở trường ĐH sư phạm Hà Nội. Em đã mắc tật nói chậm từ lâu từ hồi còn bé. Thầy cô bạn bè luôn bảo với em phải sửa nhưng em không biết sửa như thế nào. Điều này làm em rất tự ti khi thuyết trình trước đám đông. Em phải làm sao ạ hay em nên đi khám để được hướng dẫn cách điều trị ạ?

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào em.

Thông thường người ta vẫn bảo khi nói nên nói chậm và nói rõ để người nghe cói thể nghe rõ và hiểu đúng nội dung. Em cũng không nói rõ em nói chậm như thế nào. Nhưng theo tôi, khi nói chuyện hay thuyết trình sự tự tin là quan trọng. Cần có sự chuẩn bị chu đáo trước khi thuyết trình trước đám đông: Chuẩn bị bài thuyết trình trước, tập dượt nhiều lần, nội dung bài thuyết trình cần đầy đủ và quan trọng nhất là kiến thức và kỹ năng nói trước đám đông của người thuyết trình. Nói từ từ và rõ nghĩa để người nghe có thể hiểu nhưng điều đó không thấy nghĩa là nói rề rà, cần nói dứt khoát và có nhịp độ phù hợp với nội dung phát biểu. Em có thể nhờ bạn bè hoặc gia đình tập cùng khi phải thuyết trình hoặc nói trước đám đông. Khi đó người nghe sẽ có lời khuyên cho em nên nói nhanh hơn hay nói chậm hơn…Kỹ năng thuyết trình trước đám đông không phải ai cũng có khả năng và làm tốt được, tuy nhiên tập luyện nhiều lần sẽ giúp em quen dần và tự tin hơn. Tham gia các hoạt động tập thể ở trường lớp và địa phương, cũng là biện pháp giúp em cải thiện khả năng giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ.

Chúc em thành công!

Bé 23 tháng tuổi chậm nói, chậm hiểu


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Dạ cháu chào bác sĩ ạ.

Con cháu nay được 23 tháng tuổi, bé được 12 kg cao 82 cm bé chậm nói và có vẻ chậm hiểu hơn các bé khác. Với tình trạng sức khoẻ thì thường xuyên ốm, lần nào cũng phải dùng kháng sinh, có tháng dùng tới 2 lần vì ho. Cháu rất lo lắng nhiều khi chăm con mà cũng bị strees vì con. Cũng có thể bé nhà cháu uống nhiều thuốc quá nên mỗi lần ốm dậy, cháu lại chăm lại từ đầu. Mà cháu cũng thấy bé ăn cũng không hấp thụ ạ. Bé nhà cháu hay sốt nên da hơi xanh đi khám bác sĩ bảo thiếu máu. Bé còi cọc cháu rất sốt ruột. Cháu rất mong bác sĩ hãy giải đáp giúp cháu ạ.

Cháu xin cảm ơn

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Theo như bạn mô tả, bé nhà bạn được 23 tháng tuổi, cân nặng 12 kg và cao 82 cm. So với chiều cao và cân nặng chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới thì bé hơi bị thiếu cân nặng và chiều cao. Bé hay ốm chứng tỏ sức đề kháng kém. Việc bạn cho bé dùng kháng sinh nhiều có thể cũng tác động tới sự phát triển của bé. Trẻ em hay kể cả người lớn uống nhiều kháng sinh trong một thời gian dài sẽ làm cho đường tiêu hóa bị rối loạn vi khuẩn. Rất nhiều các bé sau một thời gian bị viêm phổi, viêm phế quản hoặc ho lại mắc thêm bệnh suy dinh dưỡng do kháng sinh tiêu diệt các vi khuẩn có lợi ở đường tiêu hóa của trẻ, gây rối loạn tiêu hóa, không hấp thu được chất dinh dưỡng. Bạn nên đưa bé đi khám sức khỏe tổng thể, giải đáp dinh dưỡng để lên kế hoạch chăm sóc đặc biệt cho bé.

Chúc bạn và cháu mạnh khỏe!

Trẻ 2,5 tuổi nói ngọng


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bsĩ, con e 2,5 tuổi nhưng nói ngọng và 1 số từ bé không phát âm đc, ví dụ bé không nói được từ ” bố ,gấu thành ứ. Hay ”mẹ bế con ”thành ”mẹ ế on”.” Tít ăn cơm” thành ” ít ăn ơm”.hầu như các từ bé nói đều ko có nguyên âm mà chỉ có vần.Như vậy có phải bé bị ngọng không?Điều trị như thế nào và ở đâu ạ?
Mong bác sĩ tư vấn giúp em.E cảm ơn ạ.

Bác sĩ Trần Quang Thuyên


Chào bạn,
Cháu nhà bạn có bị ngọng, khi lớn lên thì cháu sẽ điều chỉnh dần được. Bố mẹ nên giành nhiều thời gian cho cháu để chỉnh từng câu từng chữ nhé.
Chúc bạn sức khỏe!

Trẻ bị nói lắp


Câu hỏi bởi: Nguyễn thị lan anh

Thưa bác sĩ,

Bé nhà cháu được 2 tuổi rưỡi. Cách đây mấy tháng bé bị nói lắp, cháu thấy tình hình bé ổn định nên cũng không đưa đi khám. Nhưng mấy ngày nay bé nhà cháu lại bị nói lắp và còn khó phát âm hơn hồi trước. Cho cháu hỏi phương pháp điều trị và điều trị ở đâu ạ? Cháu ở Đăk Lăk. Mong bác sĩ trả lời cháu sớm nhất ạ vì giờ cháu rất hoang mang.

Cháu chân thành cảm ơn bác sĩ

Bác sĩ Trần Thanh Tú


Chào bạn,

Gia đình không cho biết trẻ có thời gian nói bình thường hay không? Nói lắp, nói ngọng ở trẻ 2,5 tuổi thường là do trẻ bắt trước người lớn khi nựng trẻ. Việc này sẽ không thường xuyên, trẻ xen lẫn thời điểm nói lắp trẻ gần như bình thường. Trong trường hợp trẻ liên tục nói lắp cần đưa trẻ đi khám để loại trừ những nguyên nhân tổn thương tâm lý, thực thể.

Thân ái.

Chữa tật nói lắp như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em là nam, 23 tuổi. Tình hình em bị tật nói lắp, từ nhỏ em cũng rụt rè nhút nhát nói lắp nhẹ, càng lớn càng nặng thêm. Khi có người thì em hay bị nói lắp cứng họng, em thường không kể câu chuyện dài hơi được. Còn khi 1 mình em đọc sách báo bình thường, tự nói 1 mình cũng bình thường. Những từ em khó nói nhất là từ bắt đầu bằng nguyên âm, khi em nói bị cứng không phát ra nổi. Em thường quên những câu chuyện để kể. Bác sĩ tư vấn cho em cách chữa trị với ạ. Liệu tật nói lắp của em có khỏi được không?

Cám ơn bác sĩ nhiều!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào em.

Tật nói lắp có khá nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do thói quen, do rối loạn cảm xúc, rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn tổn thương trong não,… và tùy theo từng nguyên nhân mà có hướng khắc phục khác nhau, cũng như tiến triển cải thiện ở mức độ khác nhau.

Trường hợp của em, bị tật nói lắp từ bé, càng lớn càng nặng thêm. Tuy nhiên, việc em vẫn có thể tự kiểm soát được nói lắp khi nói một mình là dấu hiệu khả quan về khả năng xử lý. Với bản tính nhút nhát từ bé, kèm theo triệu chứng giảm tự tin khi nói có thể là nguyên nhân khiến em nói lắp nhiều hơn. Như vậy, vấn đề quan trọng ở chỗ em cần cải thiện tình trạng tâm lý, tránh cảm giác tự ti, mặc cảm, bi quan.

Em nên cố gắng tập luyện mỗi ngày, bằng cách nói chậm lại, chỉnh những từ hay bị nói lắp, đồng thời nên tự tin với chính mình. Bên cạnh đó, em cũng cần tăng cường sức khỏe thông qua đảm bảo chế độ ăn uống, tập luyện và nghỉ ngơi điều độ. Em nên tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, tập luyện và tham gia các hoạt động xã hội (hoạt động phong trào, giao lưu, từ thiện,…) để tăng khả năng giao tiếp xã hội, tự tin hơn từ đó có thể xử lý dần dần được tình trạng nói lắp.

Chúc em mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl