Bệnh điếc và tuyển chọn những thắc mắc thường gặp nhất


4,226
1
1
Xu
53
Bệnh nhân điếc là người mất hoàn toàn khả năng nghe mọi loại âm thanh. Đây là một bệnh lý không nguy hiểm đến tính mạng nhưng vô cùng bất tiện đối với đời sống sinh hoạt của những ai mắc phải. Để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, cách đơn giản nhất là chúng ta nên tham khảo ý kiến và tư vấn từ các y bác sĩ chuyên khoa.

Bệnh điếc dẫn truyền


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ, tôi năm nay 20 tuổi, thường xuyên bị viêm họng, ù tai trong một thời gian dài và lâu dần thì tai phải bị nghe kém hơn tai trái. Vào cuối tháng 8, tôi có đi kiểm tra đo thính lực, bác sĩ kết luận tôi bị viêm họng, viêm tai dính trái và viêm tai ứ dịch phải. Sau một tháng điều trị bằng thuốc thì bệnh viêm họng và viêm tai dính trái đã khỏi, nhưng tai phải không được cải thiện nhiều lắm. Ngày 28-9 tôi có đi kiểm tra lại, bác sĩ có kết luận là tôi bị điếc dẫn truyền. Tôi có xem kết qua đo thính giác, thì hiện tại tai phải tôi chỉ nghe rõ được những âm thanh >70dB. Hiện tại tôi vẫn đang uống thuốc, xin hỏi bác sĩ “Bệnh của tôi có khỏi được không và có khả năng cải thiện được chức năng nghe của tai phải không?”. Tôi xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Chử Thế Lợi


Chào bạn,
Bạn nên đi khám ở các cơ sở TMH uy tín, có chuyên khoa sâu về Tai. Cần phải xác định chắc chắn qua nội soi, thăm dò chức năng thính lực + nhĩ lượng, xác định chính xác tình trạng tai trái đã thực sự khỏi chưa, màng nhĩ còn bị lõm nhẹ hay không.
Đối với tai phải nếu viêm tai dính, cần quan sát thực tế, cẩn thận phải chụp thêm phim cắt lớp vi tính để đánh giá tình trạng xương chũm, để quyết định bạn có chỉ định phẫu thuật hay không và chọn loại phẫu thuật gì.
Tùy mức độ viêm tai dính (xẹp nhĩ), vị trí xẹp nhĩ vùng màng trùng hay màng căng trên màng nhi và các tổn thương trên chụp cắt lớp sẽ có hướng tư vấn cụ thể cho bạn
Bạn cần được khám ở 1 cơ sở uy tín, đây là điều rất quan trọng. Vì sẽ đưa ra được hướng điều trị đúng đắn nhất cho bạn. Bạn có thể qua viện TMH trung ương, và khám Hội chẩn khoa Tai để được tư vấn tốt nhất
Chúc bạn mau khỏe !

Điếc bẩm sinh cần phải làm gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Tai em bị điếc từ nhỏ, năm vừa rồi đi khám tại bệnh viện Tai Mũi Họng. Kết quả là em bị điếc sâu. Bác sĩ nói không chữa được, cũng không dùng máy trợ thính được. Vậy thì phải làm sao? Tai trái em sạch ráy khô không bị viêm nhưng mỗi lần lấy ráy tai thì bị ho liên tục, vì sao lại thế ạ? Bác sĩ trả lời giúp em.

Em xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Bạn bị điếc bẩm sinh bạn có thể cấy điện cực ốc tai điện tử. Ở người có sức nghe bình thường, âm thanh thu nhận bởi các tế bào long cực nhỏ phủ suốt chiều dài ốc tai. Với những người mất sức nghe mức độ từ vừa đến sâu như bạn, các tế bào lông bên trong ốc tai đều bị tổn thương hoặc không có. Các điện cực trên điện cực cấy ghép bên trong sẽ thay thế cho các tế bào lông này và được đặt nằm trong vùng nghe của ốc tai. Kỹ thuật này đã được làm nhiều ở các bệnh viện như bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, bệnh viện Đà Nẵng… Tuy nhiên kỹ thuật này rất tốn kém. Bạn có thể khám và giải đáp lại nếu như gia đình bạn có điều kiện. Hiện tượng lấy ráy tai bị ho cũng không sao cả, bạn nên lấy nhẹ nhàng đừng ngoáy sâu.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Đối tượng bị bệnh Điếc đột ngột.


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ: Con trai tôi 15 tuổi, cháu khỏe mạnh phát triển bình thường. Vào khoảng thời gian tháng 12 năm 2015 cháu có biểu hiện nghe kém. Tôi đã cho cháu đi khám tuyến huyện, tuyến tỉnh và bv Tai mũi họng trung ương, bv kết luận cháu bị điếc đột ngột. Hiện nay cháu nghe rất kém. Vậy xin bác sĩ tư vấn giúp cháu .
Tôi xin chân thành cảm ơn !

Bác sĩ Chử Thế Lợi


Chào bạn,
Nếu đã được kết luận điếc đột ngột, và đã được điều trị nội khoa đầy đủ mà bệnh vẫn không thuyên giảm thì bạn có thể cho con đi khám và tư vấn đeo máy trợ thính cũng ở BV TMH để góp phần cải thiện (1 phần) khả năng nghe cho con. Nó sẽ bù trừ, nâng khả năng thính lực cho con. Tuy nhiên không thể về được như bình thường trước lúc bị bệnh
Điếc đột ngột vẫn là 1 thách thức của y học, do nguyên nhân cơ chế bệnh chưa rõ ràng, điều trị muộn màng (chỉ muộn 1 ngày là tỷ lệ khỏi giảm đi nhiều). Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy bạn nhé
Chúc bạn luôn khỏe !

Điếc trắng 1 tai phải điều trị như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Con gái tôi đi khám ở bệnh viện Tai – Mũi – Họng Trung ương, bác sĩ kết luận cháu bị điếc trắng tai phải tai trái bình thường. Xin hỏi bác sĩ phải chữa trị như thế nào?

Xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Trên thính lực đồ người ta còn đánh giá mức độ nghe kém: nhẹ, trung bình, nặng, rất nặng (điếc trắng). Trường hợp con gái bạn được xác định điếc trắng tai phải. Không biết bé nhà bạn bao nhiêu tuổi, cháu bị nghe kém từ bao giờ, bẩm sinh, từ từ hay đột ngột. Cháu bị điếc trắng là tình huống điếc nặng. Bạn đã đưa cháu đi khám ở bệnh viện Tai – Mũi – Họng Trung ương, bạn nên chữa trị cho cháu theo hướng dẫn của các bác sĩ ở đây.

Thông thường trong những tình huống điếc nặng và sâu mà máy trợ thính không thấy tác dụng thì có giải pháp phẫu thuật cấy điện cực ốc tai. Nhưng phẫu thuật này có giá rất cao và sau phẫu thuật để hiểu được lời nói người bệnh phải theo những khoá huấn luyện đặc biệt, kéo dài hàng năm. Chính vì phương pháp chữa trị này công phu, giá cao và kéo dài nên không phải người bệnh nào cũng có khả năng thực hiện.

Chúc bạn và cháu mạnh khỏe!

Viêm amidan 6 năm có dẫn đến điếc không?


Câu hỏi bởi: Ngọc Anh

Chào bác sĩ!

Em tên Ngọc Anh, năm nay 18 tuổi. Em bị viêm amidan hơn 6 năm nay rồi. Em đã cắt amidan lúc 16 tuổi nhưng cắt không triệt gốc và bị viêm amidan trở lại. Tháng nào em cũng bị cảm ít nhất 2 lần, em có đi khám bác sĩ có kết luận viêm amidan và do bị cảm sốt lâu ngày dẫn đến ù tai và tắt ống nghe bên tai trái. Bác sĩ có đưa toa thuốc cho em về uống nhưng em uống được 4 ngày thì cảm giác bên tai trái của em bị ù nặng hơn. Em muốn hỏi bác sĩ là bệnh của em để lâu có dẫn đến điếc không? Và để lâu có tác động gi nữa không?

Em xin cảm bác sĩ ạ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào Ngọc Anh!

Amidan tham gia vào hệ thống miễn dịch của cơ thể, như một hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như: vi khuẩn, nấm,…Tuy nhiên, amidan bị quá phát do bị viêm nhiều lần, mỗi đợt viêm gây sốt, sưng đau, khó thở, ăn uống khó khăn, chữa trị thuốc lâu khỏi thì phải cắt amidan như tình huống của bạn.

Vấn đề thứ 2 nữa bạn đang gặp phải đó là ù tai và được các bác sĩ kết luận là tắc ống nghe bên tai trái. Theo cấu trúc giải phẫu, tai được thông với khoang miệng qua một cấu trúc có dạng vòi, có tên là vòi nhĩ. Do khoang miệng thông với tai nên các viêm nhiễm ở vùng họng miệng như: viêm họng, viêm amidan, nhiễm khuẩn răng miệng,… đều có thể gây viêm vòi nhĩ hoặc qua vòi nhĩ vi khuẩn đi vào tai gây viêm tai giữa,…Chính nhờ sự thông giữa tai với khoang miệng qua vòi nhĩ mà tạo được sự cân bằng áp lực không khí giữa bên trong và bên ngoài màng nhĩ. Trong tình huống vòi nhĩ bị viêm, phù nề dẫn đến tắc làm cho áp lực không khí bên trong màng nhĩ âm hơn so với bên ngoài màng nhĩ làm cho màng nhĩ bị đẩy lõm vào trong và ở trong trạng thái căng và cứng gây đau tai, ù tai và nghe kém.

Vì vậy, tình huống của bạn khi chữa trị khỏi tình trạng viêm tắc vòi nhĩ trái thì chức nghe tai bên trái sẽ dần hồi phục trở lại. Nếu không chữa trị sớm, có thể viêm tai giữa, tổn thương màng nhĩ,…chức năng khó có thể hồi phục được. Bạn cần uống thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc tiêu nhầy, thuốc chống sung huyết niêm mạc mũi như Xylometazoline dạng nhỏ hay xịt. Ngoài ra, luôn luôn phải vệ sinh vùng họng mũi rất hay, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn tai mũi họng.

Chúc bạn mau khỏe!

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới cho chúng tôi!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl