Những vấn đề nên biết liên quan đến giọng nói


4,226
1
1
Xu
53
Giọng nói được phát ra từ cổ họng. Vì vậy, bất cứ vấn đề nào xung quanh nó đều có liên hệ mật thiết tới bộ phận này nói riêng và sức khỏe nói chung.

Giọng nói thay đổi sau khi dậy thì?


Câu hỏi bởi: BV_**

Chào bác sĩ!

Bác sĩ ơi, cháu nghe các bạn nói khi đến tuổi dậy thì sẽ bị vỡ giọng, phát âm nghe ồ ồ… Vậy có phải giọng nói của mình sẽ khác khi dậy thì không?

Em cảm ơn ạ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào cháu!

Đúng là đến tuổi dậy thì, giọng nói của cháu sẽ thay đổi. Sự thay đổi này rõ nhất ở các bạn nam. Phần lớn thì giọng nói sẽ trầm hơn, nhưng một số bạn có thể trải qua một giai đoạn giọng the thé. Thường thì giai đoạn này kéo dài khoảng 6 tháng.

Thân mến, chào cháu!

Rối loạn giọng nói ở nam giới 19 tuổi


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ, em năm nay 19 tuổi là nam giới nhưng giọng nói lại the thé như phụ nữ. Em rất ngại khi giao tiếp với mọi người xung quanh và rất ảnh hưởng khi em làm việc. Rất mong bác sĩ tư vấn cho em để em có thể cải thiện giọng nói của mình ạ. Chân thành cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Hà Văn Chấn


Chào em:

Em cần luyện giọng nói để có thể cải thiện giọng nói của mình
Giới thiệu cách luyện giọng nói hay, cuốn hút, lấy hơi từ bụng

Một giọng nói được coi là hay cần đạt được các tiêu chuẩn: Rõ ràng – Điều khiển được âm lượng và tốc độ nói – Có ngữ điệu êm ái – Sức truyền cảm.

Phát âm rõ ràng:
Để phát âm rõ ràng, ta phải tập đọc mỗi ngày vài mười trang sách, đọc thật kỹ từng chữ đến khi nào ta nhập tâm đến nỗi trong khi nói chuyện bình thuờng ta cũng phát âm kỹ lưỡng từng chữ, là thành công. Nếu khi nói chuyện với mọi người mà còn phát âm vội vã, chưa tròn chữ thì phải luyện tập tiếp.

Điều khiển được âm lượng và tốc độ nói:
· Âm lượng khi nói: Nói quá khẽ như người hụt hơi hoặc quá mạnh như quát mắng đều không thích đáng, nên khống chế giọng nói với âm lượng vừa phải, đảm bảo nhả chữ rành rọt khúc chiết trong sáng. Khi luyện tập, nên đứng trước gương cho dễ theo dõi chỉnh sửa ngôn ngữ cơ thể. Nếu muốn hạ thấp giọng thì trước hết phải điều chỉnh tâm trạng cho thật thoải mái, hoặc liên tưởng đến một số làn điệu quen thuộc. Ngoài ra còn phải luyện tập cách nói chuyện tỉ tê thầm thì, trong một đoạn có câu nói to cao giọng, có câu hạ thấp giọng thầm thì như gió thoảng, như vậy sẽ có tác dụng cuốn hút người nghe.
· Tốc độ nói: Người nói nên tránh tiết tấu đều đều suốt từ đầu đến cuối. Phải có lúc nhanh hơn một chút, phải có lúc chậm hơn một chút, thậm chí có lúc ngưng hẳn để mọi người suy nghĩ. Tránh nói quá nhanh hoặc quá chậm. Nói nhanh quá làm cho người nghe phải tiếp nhận một lượng thông tin lớn trong một thời gian ngắn khiến cho não họ không xử lý, phân tích, đón nhận kịp, và khiến họ bị quá tải, nghe vài phút là mệt. Ngược lại, nói quá chậm cũng làm bộ não người nghe không cần phải làm việc nhiều, và cũng sinh buồn ngủ.Ta phải khéo điều chỉnh tốc độ sao cho vừa phải, đừng nhanh, nhưng cũng đừng rề rà quá.

Tạo ngữ điệu êm ái:
Ngữ điệu là sự trầm bỗng của các tiếng phối hợp với nhau, phù hợp đến mức nào đó với tình cảm và ý nghĩa cần biểu đạt. Ngữ điệu không đòi hỏi phải lả lướt như điệu nhạc, nhưng cũng rất cần sự êm ái. Một trong những cách để có một ngữ điệu êm ái là tập nói rồi ghi âm và nghe lại giọng nói của mình để tinh ý nhìn ra những độ cao chưa phù hợp. Ngoài ra thì việc thỉnh thoảng cất giọng hát một giai điệu yêu thích nào đó cũng là cách rất hiệu quả để luyện ngữ điệu.

Tạo sức truyền cảm:
Sự chân thành xuất phát từ bản thân người nói sẽ dần dần tạo nên âm sắc và tính truyền cảm. Theo Phật giáo, “Tính truyền cảm” trong giọng nói được tạo nên bằng lòng “Từ bi vị tha”. Người có trong tim lòng thương yêu muôn loài tự nhiên giọng nói sẽ truyền cảm. Đây là điều không thể làm khác đi được.Ai không có lòng từ mà chỉ muốn tập luyện để có âm sắc hay tự nhiên là điều không thể được.Khi có lòng từ ái vị tha, mặc dù chưa thể làm điều gì lợi ích cho mọi người, ta vẫn giữ gìn cẩn thận từng lời nói, cử chỉ để không làm người khác buồn. Khi tiếp xúc với ai, ta chỉ muốn người đó được vui vẻ hài lòng thoải mái. Hãy để ý so sánh, có những người sẵn sàng buông ra một câu làm đau lòng người khác, và một người ý tứ chỉ muốn nói những câu làm đẹp lòng người, rất chân thành. Tấm lòng chân thành muốn cho mọi người vui là nguyên nhân khiến cho ta có giọng nói truyền cảm. Chính vì vậy, người ta thường nói giọng nói biểu thị nội tâm.

Nguyên tắc vàng: Nói giọng bụng:
Liệu bạn có biết rằng hầu như tất cả những người thành đạt, giàu có, những chính trị gia đều có âm phát ra từ trong bụng? Nói giọng bụng tức là lấy hơi thở từ cơ bụng. Người nói giọng bụng thì tiếng trầm và sâu lắng. Nhưng làm thế nào để có thể tập luyện được phương pháp nói giọng bụng?

Bước 1: Tập lấy hơi từ bụng.
Trước tiên đặt 2 tay lên ngực và bụng để xem cách hít thở sâu bình thường như thế nào. Thông thường khi hít vào thì ngực căng ra nhưng bụng lại hơi co lại, khi thở ra thì ngực xẹp xuống và bụng lại hơi phình ra.

Sau đó chủ động dùng ý chí để điều khiển hơi thở, khi hít vào thì cùng lúc cố dồn khí xuống vùng bụng (cái này trong chưởng nó gọi là “vận khí vào đan điền” :D)

Lúc đó khi hít sâu, ngực hơi căng 1 chút, còn bụng căng nhiều hơn, khi thở ra thì bụng xẹp xuống và ngực cũng xẹp xuống 1 chút.

Bạn luyện lấy hơi bằng bụng trong khoảng 30 ngày sẽ quen.

Bước 2: Luyện mở vòm cộng minh (khoang miệng)
Khi phát âm, bạn cố gắng mở to vòm miệng để hơi từ bụng cộng hưởng bên trong khoang miệng, tạo nên tiếng vang. Sử dụng vòm cộng minh sẽ giúp cho bạn không phải cố gắng lên giọng bằng dây thanh quản, đỡ bị khản tiếng.

Khi luyện cách sử dụng vòm cộng minh, cố gắng phát âm to và tròn chữ, chậm và vang.
Sau đó thay đổi cao độ, phát âm từ các âm trầm tới âm bổng.

Thời gian đầu chưa dùng quen, bạn kiểu gì cũng dùng nhầm bằng cách phát âm dựa chủ yếu vào cổ họng và dây thanh quản, dẫn tới khản tiếng. Khản tiếng tức là cổ họng và dây thanh quản của bạn đang bị tổn thương nhẹ, lúc đó tránh cố quá sức, sẽ ảnh hưởng tới chất giọng sau này.

Tuy nhiên sau đó, khi phải phát âm to, cơ thể sẽ tự lựa, thêm vào đó là sự điều khiển cho chủ ý từ não, để sử dụng vòm cộng minh một cách hiệu quả.

Bạn tập lấy hơi từ bụng và sử dụng vòm cộng minh là đã cải thiện được giọng nói rất nhiều.

Tóm lại, người có giọng nói hay sẽ tự tạo hấp dẫn cho bản thân mình, khiến cho người nghe chú ý, yêu mến và thích được nghe mãi.Trong giao tiếp hàng ngày cũng như trong công việc, giọng nói hay sẽ mang lại nhiều cơ hội và thành công cho người sở hữu nó. Và em hoàn toàn có thể sở hữu một giọng nói hay nếu dành thời gian cố gắng rèn luyện.

Chúc em thành công!

Giọng nói nhỏ và giống tiếng con gái làm thế nào để bình thường?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Con năm nay 17 tuổi, là nam giới. Giọng nói của con rất nhỏ và lại giống tiếng con gái. Xin bác sĩ giúp con để có giọng nói bình thường.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đặng Phương Liên


Chào bạn!

Trong thời thơ ấu, sự khác biệt về giọng nói giữa các cô bé và cậu bé là không nhiều. Tới tuổi dậy thì, thanh quản của nam phát triển hơn nữ (thể hiện bằng yết hầu, cục xương sụn bọc quanh dây thanh quản), dây thanh của nam giới dày hơn và dài hơn dây thanh của nữ giới, do đó nam giới có giọng nói trầm hơn. Rối loạn giọng tuổi dậy thì là sự duy trì giọng nói trẻ em sau khi đã dậy thì đầy đủ và thanh quản đã phát triển hoàn toàn. Điều này khiến cho một số người mặc cảm và hạn chế giao tiếp trong xã hội.

Yếu tố tâm lý thường được coi là lý do chính dẫn tới rối loạn giọng tuổi dậy thì, sự phát triển không cân đối giữa chiều cao và trọng lượng cũng ảnh hưởng tới quá trình vỡ giọng. Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu cho rằng việc thiếu dinh dưỡng trong thời kỳ dậy thì cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của giọng nói. Nhiều thầy thuốc giả thuyết rằng rối loạn giọng tuổi dậy thì là do sự xung đột tâm lý tiềm tàng của một người muốn giữ giọng nói cao và từ chối giọng nói trầm của nam giới do sự thay đổi quá đột ngột ở tuổi dậy thì.

Điều trị rối loạn giọng tuổi dậy thì thường khá đơn giản, ít tốn kém và trong rất nhiều trường hợp, chỉ cần người bệnh được bác sĩ hướng dẫn để nói ra được giọng trầm, phát hiện là mình có thể nói giọng nam thì khả năng thành công đã gần như chắc chắn, chỉ cần người bệnh tích cực tập luyện thêm ở nhà sau đó. Với những người thực sự bị rối loạn giọng tuổi dậy thì (không có bất thường về nội tiết tố, thanh quản phát triển bình thường, đã dậy thì hoàn toàn…) chỉ cần tập 4-5 buổi ở bệnh viện là đã có kết quả. Ngược lại, nếu bỏ mặc không chữa trị, tình trạng rối loạn giọng có thể kéo dài suốt đời, ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý, cuộc sống của người đó.

Bạn nên đến khám chuyên khoa Tai – Mũi – Họng ở bệnh viện tỉnh/thành phố nơi bạn sống, để được bác sĩ hướng dẫn phương pháp luyện giọng. Càng lớn tuổi, khi giọng nói đã cố định, đã thành thói quen lâu ngày thì việc điều chỉnh càng khó khăn hơn. Phác đồ luyện giọng có những bước cơ bản như sau: Thư giãn, tập thở bụng, hắng giọng, phát âm, tập thở và phát âm, tập đọc, giọng nhỏ to, thấp cao, kể chuyện, tập động tác môi miệng, tập phong cách, tập hát và phát âm theo đàn.

Chúc bạn thành công!

Bị amidan quá phát, gây chèn giọng nói có phải bị ung thư?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào Bác sỹ năm nay cháu 19 tuổi. Cháu bị abidan qua phát hai bên abidan đều to và sưng hai bên. Cháu bị 4 năm nay rồi. Nhưng cháu không bi sưng hạch ở cổ, nó chỉ chèn giọng nói, có khi nào cháu bị ung thư abidan?

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Viêm amidan mãn tính là hiện tượng viêm thường xuyên, viêm đi viêm lại nhiều lần, tuỳ theo mức độ viêm nhiễm và phản ứng của cơ thể, amiđan quá phát thường gặp ở trẻ em hay người trẻ tuổi.

Amidan quá phát triệu chứng: Amidan to như hai hạt hạnh nhân ở 2 bên thành họng lấn vào làm hẹp khoang họng, trụ trước đỏ. Có thể gây rối loạn hô hấp (ngủ ngáy to, có những cơn ngừng thở trong lúc ngủ ), rối loạn phát âm (giọng nói đục, hoặc ồm ồm), rối loạn nuốt (nuốt khó, nghẹn họng và dễ nôn).

Trường hợp của cháu, không thấy dấu hiệu hay triệu chứng nào của ung thư, do vậy cháu không cần lo lắng quá. Đối với amidan quá phát của cháu, nếu gây tác động nhiều tới sinh hoạt hàng ngày, cháu có thể xem xét tới việc cắt amidan. Tốt nhất cháu nên tới bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để được khám và được chữa trị sớm.

Chúc cháu mau khỏe!

Nữ hóa tuyến vú, giọng nói bổng có phải mất cân bằng hooc môn?


Câu hỏi bởi: Nam18t

Chào bác sĩ.

Cháu là nam 18 tuổi, hiện đang ở thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại cháu có hiện tượng bị nữ hóa tuyến vú, giọng nói hơi bổng. Bác sĩ cho cháu hỏi có phải cháu bị mất cân bằng hooc môn không ạ?

Cháu cảm ơn.

Bác sĩ Đinh Anh Tuấn


Chào cháu.

Một số nam giới dậy thì muộn, ở tuổi 18 của cháu mới xuất hiện các dấu hiệu dậy thì như vỡ giọng, sưng đau hai bên ngực, mọc lông mu, lông nách, xuất hiện “giấc mơ ướt” (còn gọi là mộng tinh – xuất tinh trong giấc mơ)… Nếu những hiện tượng đó xuất hiện lần đầu tiên thì có thể bây giờ cháu mới bước vào giai đoạn dậy thì, cháu không cần phải lo lắng gì nhiều, cơ thể của cháu đang chuyển hóa dần thành một người đàn ông trưởng thành thực thụ.

Để kết luận cháu có bị rối loạn hooc môn hay không thì phải thăm khám trực tiếp để phân biệt giữa các dấu hiệu của dậy thì và những bất thường khác. Vậy nếu cháu thấy có điều gì đó bất thường hoặc chỉ đơn giản là cháu lo lắng về cơ thể mình, cháu nên đến khám chuyên khoa Nam học ở bệnh viện Bình dân hoặc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố, cháu sẽ được thăm khám, làm các xét nghiệm nội tiết tố nếu cần thiết.

Chúc cháu sức khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl