Chữa trị những vấn đề thường xảy ra khi đeo kính áp tròng (lens)


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Làm sao để tránh hiện tượng đỏ mắt, cộm mắt khi đeo kính áp tròng? Cùng tham khảo qua lời khuyên của bác sĩ ở tuyển tập bên dưới.

Đeo kính áp tròng cận có ảnh hưởng gì không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 19 tuổi và cháu bị cận 9 độ. Cháu đeo kính từ khi học lớp 1 đến nay là được 12 năm rồi ạ. Sắp đến ngày tổng kết năm học, cháu thấy mấy đứa bạn bảo cháu nên đeo kính áp tròng để chụp ảnh cho đẹp thay vì đeo kính như mọi khi. Cháu chưa bao giờ đeo kính áp tròng nên cũng hơi lo. Liệu cháu đeo kính áp tròng trong 1 ngày thì có tác động gì đến mắt không ạ? Và cháu nên mua kính áp tròng ở đâu thì an toàn cho mắt ạ?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào em!

Kính áp tròng hay kính tiếp xúc là loại kính có đường kính nhỏ, bằng với mắt của con người, được đeo trong mắt. Kính áp tròng không chỉ sử dụng cho người bị cận thị mà còn cả viễn thị và loạn thị. Có rất nhiều loại kính áp tròng: loại mềm, loại cứng tuỳ thuộc theo mục đích sử dụng để xử lý các tật khúc xạ của mắt.

Lợi ích của kính là xử lý được hiện tượng vướng khi đeo, tăng tính thẩm mỹ, đặc biệt với người có công việc đặc thù như thể thao, văn nghệ. Kính áp tròng được chỉ định sử dụng trong các tình huống như: để chữa trị các tật khúc xạ của mắt (cận, viễn, loạn thị) thay thế cho kính gọng thông thường, chữa trị một số bệnh của giác mạc (giác mạc hình chóp, trợt biểu mô giác mạc tái phát, sau mổ LASIK,…).

Tuy vậy, đối với mỗi loại kính áp tròng đều cần tuân thủ đúng các quy trình cũng như bảo quản thì mới có thể đảm bảo cho mắt một cách tốt nhất, hạn chế tối thiểu bị tác động bởi những bệnh lý khác. Nhìn chung, chỉ nên đeo tối đa 8-12 tiếng/ngày, nên tháo kính ra khi đi ngủ, không nên đeo qua đêm.

Vệ sinh kính thật sạch sau mỗi lần sử dụng, kiểm tra kính trước khi đeo (trầy xước, bụi bẩn,…), chỉ sử dụng sản phẩm chuyên dụng để vệ sinh cho kính, bảo quản kính bằng dung dịch dưỡng tra hàng ngày. Nên thay kính định kỳ 3 tháng/lần.

Việc đeo kính áp tròng cho thẩm mỹ không được các bác sĩ khuyến khích, đặc biệt tình huống sử dụng không đúng chỉ định, lạm dụng hoặc sử dụng sai kỹ thuật có thể gây các biến chứng như: khô mắt, đau mắt, xước trợt giác mạc, loạn dưỡng giác mạc, viêm nhiễm hoặc loét giác mạc. Ngoài ra, việc đeo kính áp tròng còn khiến cho mắt bị thiếu oxy qua trao đổi ở vùng giác mạc.

Với tình huống của em, mục đích đeo kính để giải quyết vấn đề thẩm mỹ và chỉ đeo trong 1 ngày. Do đó em cần cân nhắc thật kỹ tới yếu tố nguy cơ về sức khoẻ, cũng như yếu tố kinh tế. Trong tình huống em vẫn muốn sử dụng kính áp tròng thì trước tiên phải đi khám kiểm tra mắt và nhận giải đáp trực tiếp từ bác sỹ chuyên khoa Mắt. Việc mua kính cần đảm bảo kính đạt tiêu chuẩn ở các cơ sở kính mắt uy tín, không nên mua những loại kính trôi nổi ngoài thị trường, đặc biệt là các loại kính áp tròng mang màu sắc vì có thể nhiễm các hóa chất tạo màu.

Chúc em sức khỏe.

Kính áp tròng bị lệch giải quyết thế nào?


Câu hỏi bởi: Huỳnh Mai

Thưa bác sĩ.

Con năm nay 16 tuổi, con vừa mua một bộ kính áp tròng. Khi con đeo vào bên trái vẫn bình thường, nhưng bên phải lại có dấu hiệu lạ kính không nằm giữ mí trên và mí dưới mà có hướng xô vệt lên mí trên nhiều, kính lệch khi chớp mắt rất khó chịu và đau. Vậy lí do là do m hay là do kính áp tròng? Cách xử lý như thế nào? Mong bác sĩ giúp con.

Cảm ơn bác sắt conĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Kính áp tròng có nhiều ưu điểm vượt trội so với kính gọng thông thường, như không bị bám nước hay hơi nước khi đi trời mưa, không bị hiệu ứng hình to hoặc hình nhỏ, không hạn chế góc nhìn, tạo sự tự nhiên cho khuôn mặt,… Tuy nhiên, kính áp tròng được xem như một dị vật đối với mắt, dù ít hay nhiều cũng làm xáo trộn tính chất sinh học của nhãn cầu và gây ra những biến chứng.

Bạn bị cận thị hiện tại đang sử dụng kính áp tròng nhưng có hiện tượng xô kính và khi chớp mắt có hiện tượng đau. Đó là do việc đeo kính áp tròng có thể gây biến dạng và thay đổi độ cong giác mạc. Nguyên nhân có thể do thiếu oxy giác mạc hoặc do đeo kính áp tròng có bán kính cong không phù hợp với độ cong giác mạc. Điều này sẽ dẫn tới cảm giác mờ khi đeo kính gọng sau đó. Mặt khác bạn nên xem lại kính mình chọn đã phù hợp với bán kính của độ cong giác mạc hay chưa… Bạn nên ngưng đeo kính tiếp xúc ngay khi có các biểu hiện: mắt đỏ, mắt mờ, hoặc có cảm giác cộm xốn khó chịu và đi khám ngay lại bác sĩ nhãn khoa.

Bạn nên có một cặp kính gọng để đeo khi về nhà hoặc những khi mắt bị viêm. Đối với các loại kính áp tròng làm bằng chất liệu thông thường (không phải là Silicone Hydrogel) thì thời gian đeo mỗi ngày không quá 8 giờ sau đó cần tháo kính ra và đeo kính gọng để cho mắt nghỉ ngơi. Bạn cần tái khám định kỳ sau 1 tháng đối với lần đeo đầu tiên và mỗi 6 tháng đối với những lần kế tiếp.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Bị cận thị đeo kính áp tròng có được không?


Câu hỏi bởi: miss Nhớ

Chào bác sĩ.

Em năm nay 25 tuổi, bị cận thị cả 2 mắt khoảng 3 độ. Em thường đeo kính áp tròng, như vậy có tác động xấu tới mắt không? Và hiện nay có phương pháp nào chữa trị cận thị không?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Kính áp tròng nếu được đeo không đúng cách sẽ dẫn đến rất nhiều tác hại: Trầy xước, viêm loét, nhiễm trùng giác mạc, nếu chữa trị không hiệu quả có thể dẫn đến sẹo giác mạc làm giảm thị lực, cần ghép giác mạc hoặc xấu nhất có thể gây mất thị lực toàn bộ và vĩnh viễn. Thường gặp nhất là bệnh lý biểu mô, do những lớp tế bào ngoài cùng của giác mạc bị tổn thương khi dùng kính không phù hợp, không đúng cách, hoặc không đủ nước mắt.

Vì vậy nếu muốn đeo kính áp tròng bạn cần được bác sĩ khám để đảm bảo không thấy các bệnh lý viêm nhiễm đang tiến triển tại mắt, không bị khô mắt. Bạn cần đúng loại kính phù hợp với mắt của mình. Ngoài ra, cần nắm được qui trình tháo lắp, cách giữ vệ sinh mắt, bảo quản kính, thời gian khám và kiểm tra mắt định kỳ.

Những người từ 18 tuổi trở lên, có độ khúc xạ ổn định thì đủ tiêu chuẩn để phẫu thuật. Hiện nay, có nhiều phương pháp để chữa trị nhưng phổ biến nhất là phẫu thuật Lasik, Femto lasik, Smile. Trong 3 phương pháp, Lasik là phẫu thuật có chi phí thấp nhất tuy nhiên, phương pháp này còn tiềm ẩn một số nguy cơ xảy ra sự cố trong và sau khi mổ. Femto lasik an toàn hơn, không còn nguy cơ xảy ra sự cố trong lúc mổ, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng vạt giác mạc do chấn thương sau mổ. Phẫu thuật Smile hiện là an toàn và tiên tiến nhất trên thế giới vì đã thay đổi phương thức can thiệp sang một cách khác, giảm đường mổ từ 20-22 mm xuống còn 2-4 mm, không có vạt giác mạc. Nhờ vậy, bệnh nhân không phải lo lắng đến biến chứng vạt giác mạc cả trong và sau khi mổ. Bạn nên đến khám ở các viện mắt để được giải đáp cụ thể.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Loạn thị và cận thị muốn đeo kính áp tròng đặt ở đâu?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em bị loạn và cận thị mà muốn đeo kính áp tròng thì nên đặt ở đâu, giá bao nhiêu ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào em!

Đối với kính áp tròng, ở Việt Nam mới chỉ có kính cận, chưa có kính áp tròng có độ loạn và thường phải đặt của các hãng ở nước ngoài. Trước khi bắt đầu sử dụng kính áp tròng em lên đi khám bác sĩ mắt. Em có thể đến bệnh viện Mắt, các bác sĩ sẽ có chỉ dẫn để em có được cặp kính vừa ý.

Chúc em sức khỏe!

Vì sao mắt bị đỏ khi đeo kính áp tròng?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Em đeo kính áp tròng nhưng gần đây 1 con mắt của em bị đỏ? Cho em hỏi vì sao nó bị đỏ? có phải là do gặp gió và bụi không? Cách nào để hết đỏ mà vẫn đeo được kính áp tròng.

Em cảm ơn!

Chào Nữ thần bóng đêm.

Việc đeo kính tiếp xúc rất dễ bị gây đỏ mắt. Một số người sau khi đeo 1 thời gian thì mắt bị đỏ, xốn cộm, chảy nước mắt…

Nguyên nhân do mắt bị phản ứng viêm với kính áp tròng, khô mắt, bụi không khí hoặc do dung dịch ngâm bị nhiễm bẩn…

Nhưng cho dù là nguyên nhân gì, khi mắt bị đỏ thì dứt khoát bạn phải tháo kính áp tròng 1 thời gian để mắt hồi phục trở lại. Bạn không được đeo kính khi mắt đỏ vì sẽ gây ra nhiều tai biến khác nghiêm trọng cho giác mạc.

Thân mến!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl